Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay kính nhớ thánh Tôma tông đồ, chúng ta thử quan chiêm trái tim Chúa Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò. Nhờ đó, may ra hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta.
Trái tim Chúa Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng đã không ngừng nói đến bao lần “Ngài chạnh lòng thương” trước những cùng khốn của con người. Thấy dân chúng bơ vơ tất tưởi như chiên không người chăn, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy người ta đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh lòng thương”… Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều trải nghiệm cái chạnh thương đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương đến cùng nên bị đâm thủng để máu cùng nước chảy ra, những giọt máu hoà nước vắt kiệt mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa, nghe thuật lại chiều ngày thứ Sáu hôm ấy… vì ông không dám lại gần.
Trái tim Tôma, một trái tim nghi nan đến tội nghiệp. Thầy mất, không biết lý do gì, “Đi đi mô” rời cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích hay khủng hoảng vì ngờ vực đến trốn chạy để khi trở về, ông vùng vằng, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Thầy, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Thầy thì tôi không tin”. Ôi, còn đâu bao giáo huấn của người Thầy nhân hậu; còn đâu những thán phục trải nghiệm nơi người trò kém tin. Thật là chua xót cho môn sinh tuyệt vọng; thật là thất đoạt cho người Thầy luống công. Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm Thầy đâu kém việc bán Chúa hay chối Thầy của hai bạn đồng môn, có khi còn tệ hơn; bởi lẽ, Giuđa và Phêrô tránh liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống, Tôma lại đang tâm chối nhận một Đấng trở về từ cõi chết.
Cũng bởi chạnh thương, nên tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa và trái tim yêu dấu loài người quá bội đó đã lựa lời để trách yêu Tôma. Ngài không mắng mỏ nhưng dỗ dành, không phỉ báng nhưng chiều chuộng, không chì chiết nhưng vỗ về, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thôi, đừng cứng lòng, nhưng hãy tin”. Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh, đặt tay vào cạnh sườn Thầy hay không; nhưng chúng ta đoan chắc, một lần nữa, tim Thầy chạnh thương tim trò, tim Thầy chạm tim người môn đệ. Tim chạm tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, tâm hồn người môn đệ được bình an và thay vì cất lên linh hồn tôi ngợi khen Chúa, “Magnificat”, thì cách nào đó, Tôma tuyên xưng, “Credo”, tôi tin!
Anh Chị em,
Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng; tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Được Thầy chạnh thương, để từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy và bình an thay cho bất an.
Giả như Thiên Chúa là nhà sưu tập, Người sẽ sưu tập những trái tim tan nát. Trên thiên đàng, Người phải có một hành lang rộng lớn chỉ có những trái tim. Mỗi trái tim có một lịch sử riêng, đây có thể là một bảo tàng viện của những nỗi đau; ở đó, cuộc sống mỗi người được cất giữ như những báu vật, Người đặt các thiên thần canh gác cẩn mật. Giữa những trái tim tan nát ấy nổi lên ba trái tim Thiên Chúa quý nhất. Một là trái tim của Abraham, tan nát vì tín thác; hai là trái tim của Môisen, tan nát vì hy vọng; ba là trái tim của Chúa Giêsu, tan nát vì yêu thương.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho trái tim con luôn biết yêu thương; đừng để ai bảo con là người vô tâm, dù chỉ một lần trong đời”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)