“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”.
Nói đến việc thờ phượng, một nhà tu đức định nghĩa, “Thờ phượng là cùng Chúa Kitô, bạn làm sạch lương tâm bởi sự thánh thiện của Chúa; nuôi dưỡng tâm trí bằng sự thật của Ngài; và xoá bỏ trí tưởng tượng bởi vẻ đẹp của Ngài. Bên cạnh đó, bạn mở rộng trái tim để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, cống hiến ý chí cho mục đích của Ngài. Tắt một lời, thờ phượng là cùng với Chúa Kitô, bạn ‘trở nên một đền thờ’ sống động của Thiên Chúa!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cùng với Chúa Kitô, bạn ‘trở nên một đền thờ’ sống động của Thiên Chúa!”. Đó cũng là trọng tâm của Lời Chúa ngày lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô. Thánh Phaolô nói, “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”; và thú vị hơn, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tự nhận là “Đền Thờ”. Như vậy, chính chúng ta, cộng đồng các tín hữu và Chúa Giêsu, cùng ‘trở nên một đền thờ’ sống động của Thiên Chúa trong thế giới này.
Latêranô, đại giáo đường “17 thế kỷ tuổi”, “Mẹ và đầu của tất cả các nhà thờ trên thế giới”, biểu tượng năng quyền của Giáo Hoàng trong cương vị của ngài là Giám mục Rôma. Tuy nhiên, chúng ta ý thức rằng, Hội Thánh không phải là một toà nhà, cho dù nó huy hoàng đến đâu; cũng không phải một cơ chế dù chặt chẽ đến mấy. Nhưng Hội Thánh là cộng đồng tín hữu quy tụ trong ‘Toà Nhà Kitô’, còn được gọi là Giáo Hội, Hiền Thê xinh đẹp của Ngài. Đó là lý do tại sao Phaolô nói, “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”. Chính Chúa Giêsu, giữa một Giêrusalem tráng lệ, cũng tự nhận là Đền Thờ khi Ngài thanh tẩy nó, “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại!”. Ngài tiết lộ, từ nay, nơi Thiên Chúa ngự không còn là đền thờ vật chất ở Giêrusalem hay ở đâu khác, mà là chính Ngài!
Chúa Kitô là đền thờ mà không một quyền lực nào có thể phá huỷ, cho dù đó là sự chết. Quả thế, sau ba ngày khuất phục thần chết, Ngài đã vinh thắng; từ đó, trở nên suối nguồn sự sống. Ngài là suối nước Êzêkiel đã tiên báo, “Nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông”; đó là nước ban sự sống, “Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống”. Thánh Vịnh đáp ca cũng báo trước, “Một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời; đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao”.
Cử hành ngày lễ hôm nay, chúng ta được kêu gọi tập trung nhiều hơn vào một “Đền Thờ” đang có là chính Chúa Kitô, hơn là vào một toà nhà vật chất, dù nó quan trọng và đẹp đẽ đến đâu. Các công trình của Giáo Hội trở nên cần thiết vì số lượng tín hữu và nhu cầu ngày càng tăng; tuy nhiên, trên thực tế, nếu Latêranô, Đền Thờ thánh Phêrô và tất cả các nhà thờ trên thế giới sụp đổ, thì Đền Thờ Chúa Kitô thực sự vẫn sẽ tiếp tục hiện diện trên thế giới qua chúng ta và trong chúng ta, “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”.
Anh Chị em,
“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”. Nhờ chính Chúa Kitô là “Đền Thờ” viên mãn của Chúa Cha, chúng ta là đền thờ của Chúa ‘trong chừng mực’ mỗi người nên giống Chúa Kitô; nghĩa là trong chừng mực bạn và tôi được thanh tẩy để trở nên “Một Giêsu Khác”. Bản thân Chúa Kitô cũng đã chịu thanh tẩy, không chỉ bằng nước nhưng bằng máu. “Đền Thờ Giêsu” cũng đã bị đập tan tành; nhưng nhờ đó, Ngài xô đổ mọi bức tường ngăn cách là sự thù ghét, đồng thời, tuôn chảy dòng suối cứu độ cho cả nhân loại. Như Chúa Kitô, cả chúng ta, cũng hãy phá đổ những bức tường ngăn cách khiến con người không nhìn thấy Thiên Chúa, cũng chẳng nhìn rõ tha nhân. Từ đó, mỗi người là một đền thờ mới mẻ, sống động, hầu Thiên Chúa có thể hiện diện giữa trần gian. Vậy, nếu bạn và tôi thật sự để cho Chúa Thánh Thần thanh tẩy, đập phá… chúng ta cũng sẽ trở nên tinh tuyền, thánh thiện và ngày càng nên giống Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chính Chúa và con cùng ‘trở nên một đền thờ’ là Hội Thánh của Thiên Chúa ở giữa trần gian; xin cho con dám đặt mình dưới sự thanh tẩy của Thánh Thần mỗi ngày!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)