“Đừng thề chi cả!”.
“Một đứa trẻ sống trong sự chỉ trích, nó sẽ học cách lên án. Một đứa trẻ sống trong sự thù địch, nó sẽ học cách đánh nhau. Một đứa trẻ sống trong sự khích lệ, nó sẽ học được sự tự tin. Một đứa trẻ sống trong tình yêu, nó sẽ học được rằng, thế giới là một nơi tuyệt vời để sống. Một đứa trẻ sống với sự trung thực, nó sẽ học được sự thật là gì!” – Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
“Một đứa trẻ sống với sự trung thực, nó sẽ học được sự thật là gì!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự ‘trung thực’; Ngài nói với các môn đệ, “Thầy bảo cho các con biết: đừng thề chi cả!”.
Ở đây, Chúa Giêsu không nói đến những hình thức tuyên khấn trước Thiên Chúa và Giáo Hội. Thay vào đó, Ngài nói đến một thói quen mà một số người thường làm; theo đó, họ thường thề thốt nhân danh Chúa về tính ‘trung thực’ của những gì họ nói. Đó là những người cần một thứ gì đó trang trọng, thiêng liêng; và như thế, bất cẩn biến nó thành một thứ bình thường. Thực ra, không cần “thề với Chúa” về mọi điều mình nói.
Trước hết, nếu một người cảm thấy cần phải thường xuyên kêu cầu danh Chúa để thuyết phục người khác về tính ‘trung thực’ của họ, thì rất có thể họ đang đấu tranh với sự thiếu trung thực. Việc thề thốt thường xuyên dường như giả định trước một xu hướng xấu – nói dối! Vì lý do đó, sẽ không lý tưởng khi thực hiện các tương tác hàng ngày của một người với ‘tiền giả định’ – xu hướng nói dối – này. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải cố đạt được khuynh hướng căn bản về sự ‘trung thực’, “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ!”. Nói cách khác, hãy nỗ lực để trở thành một người ‘trung thực’ và chính trực; chân thành trong mọi lời nói việc làm và đừng bắt đầu với giả định là không trung thực. Hãy trung thực và chân thành, thế là đủ!
Hơn nữa, nếu một người suốt ngày thề thốt trung thực nhân danh Chúa, điều này sẽ làm giảm đi tính trang trọng của một số ít lần khi đây là một thực hành tốt và thánh thiện. Lời thề của các đôi bạn trong Bí tích Hôn Phối, hay của các linh mục ngày thụ phong là độc nhất và trang trọng. Việc công khai đổi mới đức tin của chúng ta trong Giáo Hội; một người bắt đầu đảm nhận trách nhiệm của một cơ quan công quyền nào đó, hoặc bất kỳ cơ hội tuyên thệ trang trọng nào khác phải được coi là một dịp đặc biệt. Vì vậy, những cam kết hàng ngày của chúng ta phải đơn giản là kết quả của sự liêm chính với tư cách là con cái Chúa.
Anh Chị em,
“Đừng thề chi cả!”; “Sống trung thực, bạn sẽ học được sự thật là gì!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về cách tiếp cận hàng ngày của bạn đối với sự ‘trung thực’ và chân thành. Ngày sống của bạn có mục tiêu là sống trong sự thật, nói sự thật và tìm kiếm sự thật không? Bạn có thành thật với người khác, tìm kiếm sự giao tiếp tốt và rõ ràng với họ không? Hãy suy gẫm những câu hỏi này và biết rằng, sự ‘liêm chính nội tâm’ đòi hỏi những nhân đức trung thực và chân thành này. Hãy tìm kiếm sự chính trực đó và những người khác sẽ hưởng lợi khi họ ngày càng tin tưởng bạn hơn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết xấu hổ và tự thẹn mỗi khi thiếu ‘liêm chính nội tâm’. Như một em bé, cho con luôn sống hồn nhiên, ‘trung thực!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)