Trường khổ đau

03/07/2023

“Nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin!”.

Trong “Homemade”, tạm dịch, “Tự Tay Tôi”, Muggeridge thú nhận, “Tôi có thể nói cách trung thực rằng, tất cả những gì tôi học được trong 75 năm qua, những gì đã thực sự nâng cao và soi sáng tôi… tất cả đều trải qua ‘trường khổ đau’ chứ không phải ‘trường hạnh phúc!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như trải nghiệm của Muggeridge, Lời Chúa kính thánh Tôma tông đồ cũng nói đến ‘trường khổ đau’ mà tất cả môn đệ Giêsu mọi thời đều phải trải qua đang khi thi hành sứ mệnh Ngài truyền như lời điệp ca của Thánh Vịnh, “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian!”.

Qua bài đọc thứ nhất, Phaolô xác nhận nền tảng đức tin của chúng ta là các tông đồ, “Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ”. Oái ăm thay! Để có thể là nền tảng, hầu hết các tông đồ đều phải trải qua những thời khắc của ‘trường khổ đau’. Một số trong những trụ cột then chốt của Hội Thánh sơ khai đã khởi đầu với không ít trải nghiệm khắc nghiệt như thế về niềm tin của mình. Phêrô, một người công khai chối Thầy, ê chề vì một tớ gái, trước khi nhận lấy chìa khoá Nước Trời; Phaolô, một người bắt bớ Hội Thánh, ngã lăn lóc trên đường trước khi trở thành Tông Đồ Dân Ngoại; cũng như Tôma, một người khởi đi từ những khủng hoảng ngờ vực, “Nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin!” trước khi có thể là người duy nhất tuyên xưng đức tin trực tiếp trước Chúa Phục Sinh, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”.

Cho đến hôm nay, Tôma vẫn là biểu tượng của sự nghi ngờ hơn là biểu tượng của niềm tin. Thế giới nhớ đến Tôma ở chỗ bắt đầu, ‘nghi ngờ’; hơn là ở chỗ kết thúc, ‘tuyên tín’. Qua đó, chúng ta thấy, hành trình đức tin của mỗi người luôn có những khoảnh khắc khác nhau, và không phải lúc nào cũng an tĩnh; trái lại, ít nhiều trải nghiệm bão tố là điều không thể tránh khỏi. Trải nghiệm của Tôma giúp chúng ta ý thức rằng, mỗi người có thể vượt qua nghi ngờ để đến với một đức tin sâu sắc hơn. Tôma không thể tuyên xưng một cách tuyệt vời như thế trừ khi lần đầu, vượt qua thập giá của ‘trường khổ đau!’.

Anh Chị em,

“Thì tôi không tin!”. Tôma bắt đầu từ đó, nhưng không kết thúc ở đó! Tôma nhắc nhở chúng ta rằng, hành trình đức tin của bạn và tôi có thể có những thời điểm khác nhau; và rằng, hành trình từ niềm tin đến nghi ngờ và trở lại niềm tin một lần nữa là điều có thể được! Như vậy, bạn và tôi có thể vượt qua nghi ngờ để tiến tới một đức tin sâu sắc hơn. Đừng quên, Chúa Phục Sinh vẫn trung thành với chúng ta. Ngài không đợi Tôma thoát khỏi sự nghi ngờ từ ‘trường khổ đau’, Ngài đến với Tôma giữa bão tố, trả lời mọi vấn nạn. Cũng thế, với chúng ta, Chúa Giêsu sẽ đến với chúng ta ngay giữa những khủng hoảng của mỗi người; Ngài mời gọi chúng ta “Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Bấy giờ, bạn và tôi có thể nghiệm ra rằng, “Nghi ngờ là chiếc cày mở ra những đường rãnh để hạt giống đức tin có thể rơi xuống và nảy mầm!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng có thể gây nghi ngờ, nhưng cũng là Đấng có cách để xua tan nó. Cho con xác tín rằng, con chỉ được nâng cao và soi sáng qua ‘trường khổ đau’ chứ không phải ‘trường hạnh phúc!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)