Vẫn hy vọng, vẫn xót thương

13/10/2020

“Nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ, dù những người biệt phái xem ra rất xung khắc với Chúa Giêsu, vậy mà trong Tin Mừng Luca, vẫn có đến ba lần, Ngài nhận lời mời, đến nhà họ dùng bữa; và bất ngờ hơn, cả ba lần, họ đều rình rập, bắt bẻ Ngài. Qua đó, chúng ta thấy, dù biết rõ sự việc sẽ như thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến với họ, vì Ngài ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’ những kẻ chống đối Ngài.

Tin Mừng hôm nay thuật lại những gì xảy ra ở lần mời thứ hai, Ngài đến dùng bữa tại nhà một biệt phái. Ở đây, chủ nhà ngạc nhiên và thầm nghĩ trong lòng, “Tại sao Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa?”; và đọc được suy nghĩ ấy, Ngài đã nặng lời với ông. Ngài nặng lời vì người biệt phái cứ để mình bị cuốn theo những cái bên ngoài mà bỏ qua sự thánh thiện tâm hồn; buồn thay, dáng dấp ‘công chính’ bên ngoài của họ chỉ là mặt nạ che đậy “tham lam và gian ác” vốn đã thiêu huỷ họ từ bên trong. Vì vậy, Ngài gọi họ là “những kẻ ngu dại”; dẫu thế, Ngài ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’.

Mặc cho những thách thức của những người biệt phái, cư xử của Chúa Giêsu với họ, rõ ràng, vẫn là một hành động của lòng xót thương; vì khi mạo hiểm đến với họ, Ngài ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’. Mỗi khi có cơ hội, Ngài bày tỏ nỗi ưu tư của Ngài là làm sao giải thoát họ khỏi những rào buộc nệ luật bên trong khi họ cho mình là tốt lành. Ngài không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải trực tiếp mạnh mẽ nêu rõ sai lầm của họ, và đây là cách duy nhất để họ có cơ hội ăn năn.

Điều này cũng có thể đúng với mỗi người chúng ta. Đôi khi, chúng ta cũng giằng co với việc quan tâm nhiều hơn đến một hình ảnh công chúng nghĩ về mình hơn là bận tâm đến sự thánh thiện nội tâm linh hồn. Thế nhưng, điều quan trọng là Thiên Chúa nhìn thấy bên trong, Thiên Chúa nhìn thấy ý định và tất cả những gì nằm sâu trong lương tâm mỗi người; Người nhìn thấy những động lực, những nhân đức và cả những tội lỗi cũng như những ràng buộc của chúng ta. Tắt một lời, Thiên Chúa nhìn thấy tất cả mọi thứ bị che giấu trước mắt người khác nhưng dẫu nó xấu xa đến đâu, tồi tệ đến mấy, Người ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’.

Ước chi Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời cầu nguyện tự đáy lòng của mỗi người, “Lạy Chúa, xin cho con được hưởng tình thương Chúa”; “Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con”. Thánh Phaolô hôm nay cũng nhắc nhở, “Cắt bì hay không cắt bì, chẳng có gì là quan trọng”; điều quan trọng là ‘lòng tin và lòng mến’ của chúng ta đối với Đấng ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’ mỗi người.

Nếu thế kỷ 16, Thánh Têrêxa Avila viết “Lâu Đài Nội Tâm”, một trong những thành quả trưởng thành nhất của giáo huấn Kitô giáo về đời sống thiêng liêng, thì xem ra hôm nay, cùng với những biệt phái, chúng ta đang viết ‘Lâu đài ngoại tâm’ của mình để rồi, tự giam hãm, tự vây kín mình trong ‘lâu đài bên ngoài’ đó, một lâu đài mà cửa đã khoá trong, khoá ngoài, và chúng ta không thể vào lại lâu đài nội tâm thật sự của mình; chúng ta là những tù nhân của thế giới bên ngoài!

Anh Chị em,

Như với những biệt phái, Chúa Giêsu mong mỏi mỗi chúng ta nhìn vào bên trong để tẩy sạch mọi điều ác khỏi trái tim và linh hồn mình. Trầm mặc trong Lời Chúa, chúng ta thấy Ngài không những ưu tư, khắc khoải cũng như trực tiếp nêu rõ những sai lầm của chúng ta, nhưng chính Ngài còn giải thoát chúng ta thật sự bằng cách để mình bị trói buộc bởi luật lệ loài người. Ngài bị trói buộc trong thân xác; thân xác Ngài bị trói buộc bởi những chiếc đinh; thi hài Ngài lại bị trói buộc để vùi trong mồ, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã xót thương, đã hy vọng; thì hôm nay, Người ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’, “Vậy, chúng ta hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa”. Hãy tự cởi trói cho mình khỏi những sợi chỉ vô hình đang ràng buộc cái tôi, những cái khiến chúng ta không thể tự do làm theo ý Người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn trở nên thánh thiện, con muốn được thanh tẩy sạch sẽ. Xin giúp con nhìn linh hồn con như Chúa đang nhìn thấy; xin ân sủng và lòng thương xót Chúa thanh luyện những gì Chúa thấy con cần tẩy rửa, vì con biết, Chúa ‘vẫn hy vọng, vẫn xót thương’ con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)