“Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật không thể tưởng tượng, những gì Gióp than thở, ai oán – bài đọc một – được gọi “Đó là lời Chúa!”. Vậy mà điều nực cười là, ngay khi bài đọc kết thúc, cộng đoàn thưa, “Tạ ơn Chúa!”. Thưa như thế có ổn không? Với những đau đớn của một kiếp người như thế, thử hỏi có đáng để tạ ơn Chúa không? Rất đáng! Bạn và tôi ‘vẫn thưa lên’ “Tạ ơn Chúa!”.
Rõ ràng, Gióp đã bày tỏ những cảm xúc mà đôi khi, chúng ta trải nghiệm. Gióp nói đến những đêm không ngủ, những tháng ngày khốn khó như khổ dịch… Hy vọng những cảm giác này không phải là chuyện thường ngày, nhưng chúng có thật và mỗi người đã từng nếm trải. Vậy đâu là chìa khoá? Hãy nhìn vào toàn bộ cuộc sống của Gióp. Vì dẫu Gióp cảm thấy đau khổ, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến những quyết định của Gióp. Gióp không nhượng bộ tuyệt vọng; Gióp mải kiên trì trung thành với Chúa dẫu mất đi mọi thứ quý giá của mình. Gióp không bao giờ mất niềm tin và hy vọng vào Chúa. Trong mọi hoàn cảnh, giữa bao đớn đau, thất đoạt… Gióp ‘vẫn thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
Gióp là kiểu mẫu và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho chúng ta! Trong cuộc đời Gióp, Gióp không bao giờ nhượng bộ hoàn cảnh, dẫu bất ưng đến đâu. Gióp không bị cám dỗ để tuyệt vọng; vì tuyệt vọng sẽ ngăn cản Gióp ngợi khen Chúa. Gióp ca tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và này, Thiên Chúa đã trả lại cho Gióp tất cả. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ tâm tình của Gióp, “Hãy ca ngợi Chúa đi! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ!”.
Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy những con người cậy trông vào Chúa; họ ùn ùn kéo đến với Chúa Giêsu từ sáng đến chiều, mang theo những người đau yếu bệnh tật và Ngài đã chữa cho lành. Thiên Chúa gớm ghiếc sự dữ nhưng vẫn để chúng xảy ra; Ngài không cất sự dữ khỏi thế gian, cất đau khổ cho con người, ngay cả Con Một. Tung Hô Tin Mừng thật thâm thuý, “Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Qua đau khổ và sự dữ, Thiên Chúa muốn con người nhìn lên Chúa Giêsu để cậy trông hơn. Chính Ngài đã trải qua đau khổ – ngay cả cái chết – để ‘rửa tội’ cho chúng, mặc cho chúng một ý nghĩa cứu độ, ý nghĩa phục sinh. Sống mầu nhiệm khổ đau như Thiên Chúa muốn là rao giảng Tin Mừng sự chết và sống lại của Chúa Kitô như Phaolô chia sẻ, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” – bài đọc hai.
Chuyện kể về một vườn hoa. Người làm vườn đã vất vả biến khu đất thành một thiên đường thực sự. Một buổi sáng, anh vào vườn để thăm những bông hoa yêu thích và hoảng hốt khi phát hiện những cánh hoa đẹp nhất đã bị cắt đi. Lòng đầy lo lắng và tức giận, anh hỏi các gia nhân, “Ai hái trộm hoa?”. Một người trả lời, “Sáng nay ông chủ vào vườn, hái những bông hoa đó và mang đi”. Thế là người làm vườn nhận ra rằng, không việc gì mà anh phải lo lắng; việc chủ của anh chọn một số hoa riêng cho mình là hoàn toàn đúng đắn.
Anh Chị em,
Hơn cả những cánh hoa của nhà quý tộc, bạn và tôi thuộc về Thiên Chúa, sống cho vinh quang Ngài. Thiên Chúa có thể cắt tỉa chúng ta, đưa chúng ta đến một nơi nào đó, trao cho mỗi người một sứ vụ nào đó. Ngài yêu chúng ta theo cách của Ngài. Như Gióp, bạn và tôi phó mình cho Ngài; và trong mọi hoàn cảnh, có thể ‘vẫn thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để hoàn cảnh vùi dập con, cho con ‘trưởng thành hơn’ và ‘gần Chúa hơn’ giữa bao khốn khó!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)