Vượt quá sự đe doạ

27/10/2022

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

“Cụm từ “tước vũ khí” hay “giải giới” phát xuất bởi một từ Hy Lạp, “Apekoyo”, có nghĩa là “cởi bỏ hoàn toàn và làm cho bất lực”. Trên thập giá, Chúa Kitô đã tước vũ khí của Satan, khiến sức mạnh của nó trở nên bất lực. Vì thế, giờ đây, trước những kẻ chống đối, quấy nhiễu và đe doạ vì danh Chúa, bạn và tôi không cần phải sợ hãi, nhưng có thể ‘vượt quá sự đe doạ!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn và tôi không cần phải sợ hãi, nhưng có thể ‘vượt quá sự đe doạ!”. Ý tưởng thần học trên được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Sẽ rất thú vị, khi chúng ta xét xem hành động của Chúa Giêsu và hành động của giới biệt phái, những kẻ chỉ muốn hại Ngài. Phải chăng những người Pharisêu này lo lắng cho Chúa Giêsu? Chắc là không; ngược lại, họ đang cảnh báo Ngài về cơn thịnh nộ của Hêrôđê như một cách để đe doạ Ngài rời khỏi địa hạt của họ. Tất nhiên, Chúa Giêsu không nao núng trước những lời đe doạ đầy dã tâm đó; Ngài ‘vượt quá sự đe doạ!’.

Trong cuộc sống, một đôi khi, chúng ta cũng trải qua những điều tương tự. Chẳng hạn, có ai đó, có thể đến, kể cho chúng ta một số chuyện liên quan dưới chiêu bài giúp đỡ, trấn an; đang khi thực tế, đó chỉ là một cách đe doạ tinh vi khiến chúng ta phải lo lắng và sợ hãi. Ở đây, điều quan trọng là chúng ta sẽ chọn cách phản ứng như Chúa Giêsu khi đối mặt với sự ngu xuẩn và ác ý của người khác. Không nhượng bộ trước lời đe doạ, Ngài ‘vượt quá sự đe doạ’. Ngài không hề bận tâm đến ác ý của Hêrôđê; đúng hơn, Ngài đã trả lời cho những kẻ muốn hại Ngài theo cách tuyệt vời nhất, rằng, “Đừng lãng phí thời gian của các bạn nhằm làm cho tôi sợ hãi hay lo lắng. Tôi đang làm công việc của Cha tôi và đó là tất cả những gì tôi phải quan tâm!”.

Vậy thì điều gì làm phiền lòng bạn trong cuộc sống; bạn bị đe dọa bởi điều gì? Bạn có cho phép những ý kiến, manh tâm hay những đàm tiếu của người khác làm cho bạn thất vọng? Như Chúa Giêsu, điều chúng ta nên quan tâm là làm theo ý muốn của Cha Trên Trời. Một khi tự tin làm theo ý muốn của Chúa Cha, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’; và Chúa sẽ ban sự khôn ngoan và can đảm để chúng ta quở trách mọi lừa dối và những đe doạ ngớ ngẩn trong cuộc sống mình.

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô khuyên chúng ta hãy tựa nương vào Chúa để được mạnh mẽ, “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Ngài. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ!”; vì “Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn”, như lời Thánh Vịnh đáp ca, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’ để có thể không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương!

Anh Chị em,

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”. Một thông tin đầy ác ý đe doạ tính mạng mình ập đến; nhưng Chúa Giêsu đón nhận nó cách thanh thản và bình an. Tại sao? Bởi lẽ, xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã tự “cởi bỏ hoàn toàn và làm cho mình nên bất lực”. Ngài bằng lòng để quyền lực thế gian “tước mọi vũ khí”, hầu có thể đến gần, ôm lấy và chữa lành tất cả những ai bị quyền lực thế gian thống trị. Ngài đến với họ bằng lòng thương xót và tha thứ! Điều này lại không ‘vượt quá sự đe doạ’ sao? Cũng thế, là con cái được Ngài rất mực yêu thương của Thiên Chúa, bạn và tôi không để cho bất cứ thế lực nào đe doạ mình. Chúa Giêsu từng dạy, hãy biết nên sợ Đấng nào? May thay, Đấng ấy đang gìn giữ chúng ta như con ngươi mắt Ngài; giờ đây, Ngài đang bảo bọc chúng ta “như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh”. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta thanh thản đón nhận mọi bất ưng xảy đến cách bình an. Như Chúa Giêsu, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’ và tiếp tục không ngừng yêu thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con xao động trước bất cứ đe doạ và manh tâm nào của bất cứ ai. Cho con khôn ngoan và can đảm ‘vượt quá sự đe doạ’ và không ngừng tiếp tục yêu thương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)