“Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông?”.
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, “Mùa đông sắp đến, một người thợ săn vào rừng săn gấu, anh muốn có một chiếc áo lông gấu ấm áp. Bỗng, một con gấu lớn xuất hiện, anh đưa súng lên nhắm bắn. “Chờ đã!”, con gấu nói, “Tại sao bạn muốn bắn tôi?”. “Tôi lạnh!”, người thợ săn nói. “Nhưng tôi đói!”, con gấu trả lời, “Vì vậy có lẽ chúng ta có thể đạt được thoả thuận!”. Cuối cùng, người thợ săn ‘được bao bọc’ bởi bộ lông gấu ấm áp và con gấu đã ăn xong bữa tối của mình!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ngụ ngôn trên muốn nói rằng, thoả hiệp với tội lỗi, chúng ta luôn thua thiệt; vì cuối cùng, nó sẽ tiêu hao chúng ta. Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tội lỗi. Tội lỗi khiến chúng ta ‘xa lánh và xa cách’ Thiên Chúa và tha nhân! Hai người bị quỷ ám nhất định giữ khoảng cách với Chúa Giêsu, họ chỉ muốn Ngài để họ yên, “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông?”.
Tội lỗi của chúng ta, dù là trọng hay nhẹ, đều đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Tội trọng lấy đi ân sủng thánh hoá khỏi linh hồn, cắt đứt chúng ta khỏi Thiên Chúa, khiến Ngài trở nên xa lạ. Nó như thể chúng ta muốn nói với Thiên Chúa rằng, ‘Con không cần Ngài, không muốn Ngài có mặt và can thiệp trong cuộc sống của con!’; đây cũng là điều đã xảy ra với dân thành Giêrasa lúc họ đối diện với Chúa Giêsu, “Khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng của họ!”.
Tội lỗi còn làm phương hại đến mối quan hệ của chúng ta với tha nhân. Rõ ràng, sự hung tợn của những người quỷ ám đã huỷ hoại mối quan hệ của họ với đồng loại, “Chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy”; họ không còn có thể là một phần của cộng đồng nhưng phải sống tách biệt với cộng đồng, họ chọn cách sống ‘xa lánh và xa cách’. Theo một nghĩa nào đó, mọi tội lỗi đều ‘mang tính xã hội’ vì nó gây ra những ‘hậu quả xã hội’. Ngay cả tội cá nhân thầm kín nhất, thậm chí trong suy nghĩ, vẫn làm tổn thương Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, và do đó ảnh hưởng đến người khác; người còn sống và cả các linh hồn đã qua đời. Đó là chưa nói đến những tội công khai, vốn sẽ tác hại nghiêm trọng hơn, vì chúng gây tai tiếng và có thể dẫn người khác vào tội lỗi hoặc ngay cả mất đức tin. Địa vị của người phạm tội càng cao, sự tàn phá nó tác động càng lớn!
Tội lỗi cũng gây hại cho chính chúng ta. Điều dữ chúng ta làm, trước hết, tác hại cho linh hồn mình. Marcô cho biết, “Người bị quỷ ám tru tréo và lấy đá đập vào mình”; qua đó, cho thấy một nỗi đau tinh thần sâu sắc hơn. Linh hồn vốn dĩ được tạo ra cho Thiên Chúa, nay lại ‘xa lánh và xa cách’ Ngài, một điều hết sức đau lòng. Tội lỗi tránh thể hiện bộ mặt xấu xí của nó, nhưng một khi nó ‘được chọn lựa’, lương tâm của chúng ta bắt đầu bất an, lương tâm không để chúng ta yên. Sau đó, chúng ta muộn màng nhận ra rằng, lựa chọn sai lầm khi phạm tội đã tách chúng ta khỏi Đấng mà lẽ thường, chúng ta phải được lôi kéo đến gần Ngài. Bấy giờ, chúng ta phải trải nghiệm nỗi đau của sự chia cắt và rạn nứt vốn đang phân hoá và xâu xé chính linh hồn mình từ bên trong.
Tội lỗi khiến con người ‘xa lánh và xa cách’ Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa thì không, Ngài làm mọi cách để đến gần nó, cứu sống nó! Làm sao Ngài có thể dễ dàng để con người lìa xa Ngài, Đấng mà bài đọc Sáng Thế hôm nay cho biết, đã phải mủi lòng vì lời than vãn của một người mẹ nô tỳ, đến nỗi, Ngài không thể cầm mình khi nghe tiếng khóc thét của đứa bé con nàng giữa rừng vắng. Vì thế, đối diện với người bị quỷ ám, Luca cho biết, Chúa Giêsu hỏi đích danh nó, “Tên ngươi là gì?”; và sau đó, cả ba Tin Mừng nhất lãm cho biết, Ngài trừ quỷ để trả lại nhân phẩm cho họ. Câu chuyện Cựu Ước và Tân Ước hôm nay, một lần nữa, cho thấy Thiên Chúa là Đấng cứu kẻ khốn cùng, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe!”.
Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn biết đích danh, tên của ‘quỷ dữ’ đang trói buộc chúng ta, “Tên ngươi là gì?”. Tội lỗi nào đang làm chúng ta xa lánh Thiên Chúa và xa cách anh em; xiềng xích nào đang khiến chúng ta sợ hãi sự hiện diện và can thiệp xót thương của Ngài? Chúng ta có ngước mặt lên trời để nguyện cầu như cô nô tỳ của bà Sara trong rừng vắng? Chúng ta có khóc thét lên như Ismael, đứa con tội nghiệp của nàng? Hẳn không ai trong chúng ta không ước muốn được giải thoát khỏi tội lỗi; với Thiên Chúa, đó không phải là ước muốn nhưng là khao khát; đúng, Ngài đang khao khát chúng ta, khao khát linh hồn chúng ta. Ngài đang ở trong Bí tích Thánh Thể để bổ sức; đang ở trong Bí tích Hoà Giải để tháo cởi. Chúng ta hãy đến, đừng chạy trốn Ngài nữa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, “xin rửa con sạch điều gian ác, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”; xin Thánh Thần Chúa ban ân sủng và sức mạnh, để con biết chế ngự các đam mê, vốn luôn làm con ‘xa lánh Chúa và xa cách anh em con’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)