Tài liệu Tuần cầu nguyện cho Kitô hữu hiệp nhất năm 2023

17/01/2023

BẢN THÁNH KINH CHO NĂM 2023

Is 1, 12-18

Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. Ðức Chúa phán: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

Kinh Thánh – Bản dịch Đại kết – TOB

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ NĂM 2023

Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình (Is 1, 17)

Giới thiệu

Isaia sống và nói lời ngôn sứ tại Giuđa vào thế kỷ VIII Trước Công Nguyên và là vị ngôn sứ cùng thời với các ngôn sứ Amos, Mikha và Hôsê. Thời kỳ mở rộng kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị của Israël và chi tộc Giuđa, do sự suy yếu của các “siêu cường quốc” thời bấy giờ, Ai Cập và Asyria, đến thời suy tàn. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà sự bất công, sự ác độc và bất bình đẳng hoành hành phổ biến ở cả hai vương quốc.

Vào thời điểm đó, tôn giáo cũng phát triển mạnh mẽ qua cử hành nghi thức phụng tự và biểu đạt chính thức niềm tin của mình vào Thiên Chúa, tập trung vào các lễ vật và tế lễ trong Đền thờ. Nghi thức phụng tự được các tư tế cử hành, những người cũng được hưởng lợi từ sự quảng đại của những người giàu có và quyền lực. Do sự gần gũi về mặt vật chất và mối tương quan giữa hoàng cung và Đền thờ, quyền lực và tầm ảnh hưởng gần như hoàn toàn nằm trong tay nhà vua và các tư tế, cả hai đều không đứng ra bảo vệ các nạn nhân khỏi áp bức và bất công. Vào thời điểm đó – và thực tế, như đã xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ – những người giàu có và những người dâng nhiều lễ vật được coi là tốt và được Thiên Chúa chúc lành, trong khi những người nghèo không thể dâng của lễ thì bị coi là xấu và bị Thiên Chúa nguyền rủa. Những người nghèo khổ thường bị gièm pha vì không có khả năng vật chất để đóng góp và tham gia đầy đủ vào việc thờ phượng ở Đền thờ.

Chính trong bối cảnh đó mà Isaia cố gắng thức tỉnh lương tâm của dân Giuđa về thực trạng của họ. Thay vì phượng tự thời đó được coi như một sự chúc lành, Isaia coi đó như một vết loét mưng mủ. Bất công và bất bình đẳng đã dẫn đến sự chia rẽ và mất tình liên đới. Những lời của ngôn sứ Isaia phơi bày và tố cáo các cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo cũng như thói đạo đức giả của việc tế lễ trong khi đàn áp người nghèo. Vị ngôn sứ mạnh mẽ đứng lên chống lại những kẻ thống trị thối nát và thay mặt cho những người kém may mắn, Thiên Chúa đối với vị ngôn sứ là nguồn mạch duy nhất của lẽ phải và công bình.

Nhóm làm việc do Hội đồng Giáo hội Minnesota chỉ định đã chọn câu này từ chương thứ nhất của sách ngôn sứ Isaia làm văn bản trọng tâm của Tuần cầu nguyện: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (1,17).

Isaia dạy rằng Thiên Chúa đòi lẽ phải và công bình từ tất cả chúng ta vào mọi lúc và trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thế giới hiện tại của chúng ta phản ánh những thách đố của sự chia rẽ theo nhiều hình thức khác nhau mà Isaia từng gặp phải khi rao giảng. Lẽ phải, công bình, và sự hiệp nhất đến từ tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, là trung tâm của bản tính thần linh và là cách thức mà Ngài mong đợi chúng ta hành xử với nhau. Thánh ý của Ngài là tạo dựng một nhân loại mới “từ mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9) mời gọi chúng ta tiến tới hòa bình và hiệp nhất mà Ngài hằng mong mỏi cho tạo vật Ngài đã dựng nên. Ngôn ngữ của vị ngôn sứ đối với việc phượng tự thời bấy giờ thật gay gắt: “đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương;… Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn” (câu 13, 15). Sau khi đưa ra những lời lên án gay gắt này, đồng thời chỉ ra điều sai trái, Isaia trình bày biện pháp khắc phục những điều bất chính này. Ngài ra lệnh cho dân Chúa phải rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ngài và đừng làm điều ác nữa (câu 16).

Ngày nay, sự chia rẽ và áp bức tiếp tục hoành hành một cách rõ rệt khi một nhóm hoặc một tầng lớp xã hội được ban cho những đặc quyền hơn những nhóm khác hoặc tầng lớp xã hội khác. Bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo hay việc thực hành đạo nào, phân biệt hoặc đặt một “chủng tộc” lên trên một “chủng tộc” khác, rõ ràng là phạm tội phân biệt chủng tộc. Khi được đi kèm hoặc được củng cố bởi quyền mất cân đối, thành kiến phân biệt chủng tộc không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ cá nhân mà còn ảnh hưởng đến chính các cơ cấu xã hội – dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc tồn tại một cách có hệ thống. Điều này đã gây ra sự bất công cho một số người, bao gồm cả các Giáo hội, đồng thời tạo gánh nặng và loại trừ những người khác, đơn giản chỉ vì màu da của họ và những gì liên quan đến văn hóa đối với nhận thức về “chủng tộc”.

Vì một số người theo đạo thời bấy giờ đã bị các ngôn sứ trong Kinh Thánh lên án gay gắt, nên các Kitô hữu đã hoặc đang tiếp tục đồng lõa ủng hộ hoặc duy trì thành kiến và áp bức, đồng thời cổ võ sự chia rẽ. Lịch sử cho thấy rằng thay vì nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, các Kitô hữu lại thường thấy mình bị lôi kéo vào các chế độ sai lỗi như chế độ nô lệ, thuộc địa, phân biệt nòi giống và chủng tộc, là những chế độ tước đoạt phẩm giá của người khác trên thế giới vì những cơ sở lý luận sai lầm về chủng tộc. Tương tự như vậy, trong các Hội Thánh, các Kitô hữu đã không công nhận phẩm giá và giá trị của tất cả những người đã được rửa tội và đã coi thường phẩm giá của anh chị em của mình trong Chúa Kitô.

Chúng ta hãy nhớ lại những lời đáng nhớ của Mục sư Martin Luther King. Tuyên ngôn của ngài nêu bật những giao điểm giữa sự chia rẽ của các Kitô hữu và sự chia rẽ của nhân loại. Mọi sự chia rẽ đều bắt nguồn từ tội lỗi, nghĩa là trong những thái độ và hành động đi ngược lại sự hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn cho tất cả tạo vật của Ngài. Phân biệt chủng tộc là một phần bi thảm của tội lỗi đã chia rẽ các Kitô hữu với nhau, buộc họ phải thờ phượng vào những thời điểm khác nhau và trong các tòa nhà riêng biệt, và trong một số trường hợp đã khiến các cộng đoàn Kitô giáo bị chia rẽ.

Đáng buồn thay, chẳng có nhiều thay đổi kể từ ngày Martin Luther King tuyên bố. Buổi lễ 11 giờ – khi số lượng các tín hữu quy lại đông nhất vào các ngày Chúa Nhật – thường không thể hiện sự hiệp nhất của Kitô giáo mà ngược lại là sự chia rẽ, theo tiêu chí chủng tộc, địa vị xã hội cũng như thuộc về một giáo phái. Như ngôn sứ Isaia đã tuyên bố, sự giả hình này giữa các tín hữu là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (c. 15).

Tập làm điều thiện

Trong đoạn Kinh Thánh được chọn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2023, ngôn sứ Isaia chỉ cho chúng ta cách chữa lành những sự dữ này.

Học cách làm điều thiện đòi hỏi phải quyết tâm dấn thân vào việc suy chiêm. Tuần lễ Cầu nguyện là thời điểm lý tưởng để các Kitô hữu nhận ra rằng sự chia rẽ giữa các Giáo hội và giáo phái của chúng ta không thể tách rời khỏi sự chia rẽ trong toàn thể gia đình nhân loại. Cùng nhau cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu giúp chúng ta suy ngẫm về những gì hiệp nhất chúng ta và dấn thân đấu tranh chống lại áp bức và chia rẽ trong nhân loại.

Ngôn sứ Mikha nhắc lại rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta biết điều gì là tốt và điều gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta: “đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6, 8). Cư xử công bình có nghĩa là chúng ta tôn trọng tất cả mọi người. Công bình đòi hỏi phải hành động một cách thực sự công bằng để khắc phục những định kiến trong quá khứ dựa trên “chủng tộc”, giới tính, tôn giáo và tình trạng kinh tế xã hội. Bước đi khiêm nhường với Chúa bao hàm sự ăn năn, đền tội và cuối cùng là sự hòa giải. Thiên Chúa mong đợi chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm để làm việc cho một thế giới công bình cho tất cả con cái của Ngài. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu phải là dấu chỉ và sự nếm trước sự hiệp nhất được hòa giải của mọi thụ tạo. Tuy nhiên, sự chia rẽ của các Kitô hữu làm suy yếu sức mạnh của dấu chỉ này và giúp củng cố sự chia rẽ thay vì mang lại sự chữa lành cho những sự đứt gãy của thế giới, đó là sứ vụ của Hội Thánh.

Tìm kiếm lẽ công bình

Isaia khuyên dân Giuđa tìm kiếm lẽ công bình (c. 17), điều này đồng nghĩa với việc nhận ra sự tồn tại của bất công và áp bức trong xã hội của họ. Vị ngôn sứ khẩn nài dân Giuđa lật ngược tình thế này. Tìm kiếm lẽ công bình đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những kẻ làm hại người khác. Đó quả không phải là một sứ vụ dễ dàng và đôi khi có thể dẫn đến xung đột, nhưng Chúa Giêsu đảm bảo với chúng ta rằng việc bảo vệ công bình chống lại áp bức sẽ dẫn đến Nước Trời. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Ở nhiều nơi trên thế giới, các Giáo hội phải thừa nhận rằng họ đã tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội cũng như giữ im lặng hoặc tích cực đồng lõa với sự bất công về phân biệt chủng tộc. Thành kiến về chủng tộc là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ các Kitô hữu vốn đã xé nát Thân Thể Chúa Kitô. Các hệ tư tưởng độc hại, chẳng hạn như quyền tối cao của người da trắng và Học thuyết Khám phá, đã gây ra tác hại lớn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và các quốc gia trên thế giới bị các cường quốc da trắng ở châu Âu chiếm đóng trong nhiều thế kỷ. Là Kitô hữu, chúng ta phải sẵn sàng thách thức các cơ cấu tổ chức áp bức và bênh vực sự công bình.

Năm mà nhóm ở Minnesota chuẩn bị các bản văn cho Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô hữu được đánh dấu bằng sự dữ và sự tàn phá của áp bức dưới nhiều hình thức khác nhau trên toàn thế giới. Sự đau khổ này đã gia tăng đáng kể ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Nam Bán cầu, do đại dịch COVID-19, nơi mà nhiều người hầu như không thể tự cung tự cấp và hầu như không có sự trợ giúp cụ thể nào. Tác giả sách Giảng Viên dường như nói về tình hình hiện nay: “Tôi thấy mọi sự áp bức diễn ra dưới mặt trời. Hãy xem tiếng kêu của những người bị áp bức: họ không có người an ủi; sức mạnh ở về phía những kẻ áp bức: họ không có người an ủi.” (Gv 4, 1). Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Sự áp bức gây hại cho toàn thể loài người. Không thể có sự thống nhất nếu không có công lý. Khi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, chúng ta phải nhận ra sự áp bức hiện tại và thế hệ và quyết tâm ăn năn những tội lỗi đó. Chúng ta có thể thực hiện mệnh lệnh của ngôn sứ Isaia để rửa mình, thanh tẩy mình, vì tay chúng ta đầy máu (x. c. 15, 16).

Giải phóng những người bị áp bức

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta không thể tách rời mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô ra khỏi thái độ của chúng ta đối với dân Chúa, đặc biệt là đối với những người bị coi là “bé mọn nhất” (Mt 25, 40). Sự cam kết, dấn thân của chúng ta với nhau đòi hỏi chúng ta tham dự vào mishpat, tiếng Do Thái có nghĩa là ‘công bình được phục hồi’, đứng lên bảo vệ những người mà tiếng nói của họ không được lắng nghe, phá bỏ các cơ cấu tổ chức được hình thành và duy trì sự bất công, đồng thời xây dựng các cơ cấu mới nhằm thúc đẩy và đảm bảo rằng mọi người đều được đối xử công bằng và được hưởng các quyền cơ bản của mình. Sứ vụ này phải mở rộng ra ngoài bạn bè, gia đình và cộng đoàn của chúng ta cho toàn thể nhân loại. Các Kitô hữu được kêu gọi ra đi truyền giáo cho người khác và lắng nghe tiếng kêu của tất cả những người đau khổ, để hiểu rõ hơn những đau khổ và tổn thương của họ và tìm ra giải đáp cho những khúc mắc đó. Mục sư Martin Luther King Jr thường nhắc lại rằng “bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe”. Khi các cuộc biểu tình và bất ổn diễn ra trong dân chúng, thường là do tiếng nói của những người nổi dậy không được lắng nghe. Nếu các Giáo hội lên tiếng với những người bị áp bức, thì tiếng kêu đòi công bình của họ sẽ được lắng nghe và họ sẽ được giải thoát. Chúng ta phục vụ và yêu mến Thiên Chúa và người thân cận bằng cách phục vụ và yêu thương nhau trong sự hiệp nhất.

Xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ

Bên cạnh những khách ngoại kiều, Kinh Thánh tiếng Hipri dành một vị trí đặc biệt cho những quả phụ và cô nhi, những người thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Vào thời Isaia khi Giuđa đang trải qua thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế, cô nhi và quả phụ lâm vào cảnh khốn cùng vì họ không được bảo vệ và quyền sở hữu đất đai, và do đó không có khả năng tự nuôi sống bản thân. Vị ngôn sứ kêu gọi cộng đoàn, khi họ vui mừng vì sự thịnh vượng của mình, không ngừng bảo vệ và nuôi dưỡng những người nghèo nhất và yếu thế nhất trong số họ. Lời kêu gọi ngôn sứ này vẫn còn vang vọng và thức thời trong thời đại chúng ta, khi chúng ta tự hỏi: ai là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta?

Những tiếng nói nào không được lắng nghe trong các cộng đoàn của chúng ta? Ai không được đại diện quanh bàn? Tại sao ? Những Giáo hội và Cộng đoàn nào vắng mặt trong các cuộc đối thoại của chúng ta, trong hoạt động chung của chúng ta và trong lời cầu nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất các Kitô hữu? Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất các Kitô hữu này, chúng ta sẵn sàng hành động như thế nào trước những tiếng nói vắng mặt này?

Kết luận

Isaia cổ võ dân Chúa thời của vị ngôn sứ hãy cùng nhau tập làm điều thiện, cùng nhau tìm kiếm lẽ công bình, cùng nhau trợ giúp những người bị áp bức, cùng nhau xử công minh cho cô nhi và cùng nhau bênh vực quả phụ. Thách đố do vị ngôn sứ chỉ ra cũng liên quan đến chúng ta ngày hôm nay. Làm thế nào chúng ta có thể sống sự hiệp nhất của chúng ta với tư cách là những Kitô hữu để chống lại những sự dữ và bất công của thời đại chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể tham gia đối thoại, nâng cao nhận thức, hiểu biết và trực giác của chúng ta về kinh nghiệm sống của nhau?

Những lời cầu nguyện và những cuộc gặp gỡ bằng trái tim này có sức mạnh biến đổi chúng ta – một cách cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta, khi chúng ta tìm cách biến đổi bản thân, phá bỏ các cơ cấu áp bức và chữa lành tội lỗi của nạn phân biệt chủng tộc. Chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào cuộc đấu tranh cho công bình trong xã hội của chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về Đức Kitô.

SUY GẪM KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN TÁM NGÀY

NGÀY THỨ I – Tập thực thi những điều công bình

Bài đọc

Is 1, 12-18: Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

Lc 10, 25-36: Người thông luật thưa cùng Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”

Suy niệm

Theo ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa muốn chi tộc Giuđa không những thực thi lẽ công bình, mà còn áp dụng nguyên tắc luôn luôn làm điều chính trực. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta chú tâm đến cô nhi và quả phụ, mà còn thực thi những điều thiện và công bình cho họ cũng như cho bất cứ ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Trong tiếng Do Thái, “bon – tốt” là “yaw-tab”. Từ này có nghĩa là hạnh phúc, vui vẻ, dễ chịu, làm tốt, làm điều gì đó tốt đẹp.

Là Kitô hữu, nghĩa là trở thành người môn đệ. Tất cả các Kitô hữu đến với nhau để lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau học hỏi ý nghĩa sâu xa của việc làm điều thiện và những ai cần đến sự liên đới này. Trong khi xã hội ngày càng thờ ơ, hững hờ với nhu cầu của người khác, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, phải học cách đứng lên vì anh chị em của mình bị áp bức bằng cách chất vấn những nhà cầm quyền và khi cần, bằng cách bảo vệ chính nghĩa của họ để họ có thể sống trong hòa bình và công lý. Nếu chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ luôn làm những điều công minh, chính trực!

Sự dấn thân của chúng ta nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc và chữa lành tội lỗi gây ra này, đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng và thực sự sẵn lòng liên kết với các anh chị em Kitô giáo của mình.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Vậy ai là người thân cận của tôi?” Lời đáp trả của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy nhìn vượt ra khỏi sự chia rẽ về tôn giáo, chi tộc hay quốc tịch để nhận ra người thân cận của mình đang gặp khó khăn. Các Kitô hữu cũng phải vượt qua những rào cản và chia rẽ này trong gia đình Kitô giáo để nhận biết và yêu mến anh chị em của mình trong Đức Kitô.

Thách đố

Ai là những người bị gạt ra lề hoặc bị áp bức trong xã hội của anh chị em? Làm thế nào để các Hội Thánh có thể đồng hành với những anh chị em này, đáp ứng nhu cầu của họ và lên tiếng thay cho họ?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã gọi dân Ngài đi từ tình trạng nô lệ đến tự do.

Xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để tìm kiếm những người đang cần đến công bình. Xin làm cho chúng ta thấy được nhu cầu này và biết cách chia sẻ sự trợ giúp của chúng con, và nhờ Thánh Thần của Chúa, xin quy tụ chúng con vào một đàn chiên duy nhất của Đức Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ II – Khi công bình được thực thi…

Bài đọc

Cn 21, 13-15: Thực thi công lý là niềm vui cho người công chính, nhưng là nỗi kinh hoàng cho kẻ bất lương.

Mt 23, 23-25: Công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.

Suy niệm

Ngay từ đầu, Sách Châm Ngôn cổ võ hãy làm cho sự khôn ngoan được biết đến và chỉ dẫn để “đạt được một nền giáo dục sáng rõ: công minh, chính trực” (Cn 1,3). Xuyên suốt những lời rao giảng về sự khôn ngoan của vị ngôn sứ, lời kêu gọi thực thi lẽ công bình và tìm kiếm sự công minh, chính trực là một lời kêu gọi không ngừng, thường xuyên được nhắc lại và được cho là dễ được chấp nhận trước mặt Chúa hơn là hy lễ. Trong một lời khôn ngoan, tác giả làm chứng rằng người công chính vui mừng khi công bình được thực thi. Nhưng sự công bình gây phiền toái cho những kẻ phục tùng tội ác. Các Kitô hữu, vượt lên trên những ngăn cách của mình, tất cả đều nên vui mừng khi công lý được thực thi, và sẵn sàng gắn kết khi công lý đó tạo ra sự chống đối. Khi chúng ta thực thi những gì Chúa đòi hỏi và dám tìm kiếm lẽ công bình, chúng ta có thể thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy của sự phản kháng và chống đối với bất kỳ cám dỗ nào, để làm mọi thứ tốt hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta.

Những người lợi dụng các hệ thống và cơ cấu tổ chức được ủng hộ bởi ưu thế của người da trắng và các hệ tư tưởng áp bức, lấn át khác, chẳng hạn như “chế độ đẳng cấp” và chế độ phụ hệ, có xu hướng trì hoãn và từ chối lẽ công bình, thường là một cách thô bạo. Nhưng tìm kiếm công lý, là đánh vào trọng tâm của quyền bính, là nhường chỗ cho một trật tự công bình và sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, trong một thế giới quá đỗi thường xuyên vô cảm với đau khổ. Tuy nhiên, cần cảm thấy vui khi làm những điều công bình. Vui khi khẳng định rằng “Người da đen đáng được sống” khi tìm kiếm công lý cho những người con yêu dấu của Chúa đang bị áp bức, thống trị và bóc lột.

Vui khi tìm kiếm sự hòa giải với các Kitô hữu khác để phục vụ tốt hơn cho việc loan báo Nước Trời. Ước mong niềm vui này được thể hiện qua việc chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, trên những con đường quen thuộc và lạ lẫm, nơi Thiên Chúa đi bên cạnh chúng ta, hướng tới sự chữa lành, hòa giải và hiệp nhất trong Đức Kitô.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin Mừng hôm nay đã quen thuộc với những bất công của nhân loại và chấp nhận điều đó. Họ rất vui khi thực hiện các trách vụ tôn giáo như nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Tương tự như vậy, các Kitô hữu đã quen và chấp nhận những chia rẽ tồn tại giữa họ. Hầu hết thời gian, chúng ta trung thành trong việc tuân giữ đạo của mình, nhưng chúng ta thường bỏ qua điều răn của Chúa là mong muốn tất cả các môn đệ của Ngài Nên Một.

Thách đố

Làm thế nào các cộng đoàn địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau để chống lại sự kháng cự có thể ảnh hưởng đến công lý?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch khôn ngoan của chúng con. Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và lòng can đảm để thực thi công bình, để phản kháng trước những sai trái xảy ra trên thế giới, cũng như dám hành động nhằm làm cho thế giới trở nên công bình, chính trực.

Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và lòng can đảm để lớn lên trong sự hiệp nhất của Con Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Đấng, cùng với Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Amen.

NGÀY THỨ III – Hãy thực thi công bình, quý mến nhân nghĩa, khiêm nhường bước đi

Bài đọc

Mi 6,6-8: Những gì Chúa đòi hỏi nơi bạn: không gì khác ngoài việc tôn trọng luật pháp Chúa Trời, quý yêu sự trung tín và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.

Mc 10,17-31:   Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?

Suy niệm

Chúng tôi – không phải tôi. Ngôn sứ cảnh báo dân về ý nghĩa của việc trung tín với giao ước của Thiên Chúa: “Chúa đòi hỏi bạn điều gì? Không có gì khác hơn ngoài việc tôn trọng luật pháp Chúa Trời, quý mến sự trung tín và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn ”. Trong tiếng Do Thái trong Kinh Thánh, công lý và lòng nhân từ (lòng thương xót) không khác biệt hoặc đối lập nhau. Trên thực tế, chúng được liên kết trong một hạn từ, mishpat. Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy điều gì là tốt lành, đòi hỏi chúng ta thực thi công bình bằng lòng nhân từ và khiêm nhường bước đi với Ngài. Khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa nghĩa là bước đi bên cạnh những người khác; do đó, đó không chỉ là về vấn đề cá nhân: hành trình của tôi, tình yêu của tôi.

Tình yêu mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta luôn là tình yêu đưa chúng ta đến với nhau trong sự hiệp thông: chúng tôi – không phải tôi. Quan điểm này tạo nên sự khác biệt trong cách chúng ta “thực thi công bình”. Là Kitô hữu, chúng ta hành động ngay chính để biểu lộ điều gì đó của Vương Quốc Thiên Chúa trong lòng thế giới, và rồi để mời gọi những người khác bước vào nơi này, nơi của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Trong Vương Quốc của Ngài, tất cả chúng ta đều được yêu thương như nhau như con cái của Thiên Chúa, và với tư cách là Hội Thánh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi yêu thương nhau như anh chị em và để mời gọi người khác bước vào tình yêu yêu này.

Thực thi công bình, nhân từ và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa kêu gọi các Kitô hữu cùng hành động để làm chứng cho Nước Chúa trong sự hiệp nhất giữa lòng các cộng đoàn của chúng ta: chúng tôi – không phải tôi.

Hiệp nhất các Kitô hữu

 “Khiêm nhường bước đi” là một thách đố đối với người thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu rằng anh ta phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thời trẻ, anh ta đã tuân giữ mọi điều răn nhưng không thể đi bước cuối cùng để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu vì sự giàu có của mình; anh ta là một tù nhân của tài sản của chính mình. Kitô hữu chúng ta thật khó khăn biết bao khi loại bỏ những gì chúng ta coi là của cải nhưng lại ngăn cản chúng ta tiếp cận với sự giàu có lớn hơn, thứ cho phép chúng ta kết hợp với các môn đệ của Chúa Giêsu trong sự hiệp nhất của các Kitô hữu.

Thách đố

Làm thế nào các Giáo hội của chúng ta có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những anh em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh mọi tiếng nói trong các cộng đoàn của chúng ta?

Cầu nguyện

Lạy Cha là Đấng nhân từ và xót thương

Xin mở rộng tầm mắt của chúng con để chúng con thấy được sứ vụ mà chúng con chia sẻ với tất cả các anh chị em Kitô hữu của chúng con, đó là thể hiện sự công bình và sự tốt lành của Vương Quốc của Chúa. Xin giúp chúng con đón tiếp người thân cận của chúng con như Con của Chúa đã đón tiếp chúng con.

Xin giúp chúng con quảng đại hơn bằng cách sống làm chứng cho ân sủng mà Chúa trao ban cho chúng con. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ IV – Kìa những người bị áp bức đang khóc than

Bài đọc

Gv 4, 1-5 Mặt khác, tôi nhìn thấy mọi chuyện áp bức diễn ra dưới ánh mặt trời. Kìa những người bị áp bức đang khóc than mà không người an ủi; sức mạnh đứng về phía những kẻ áp bức: họ không có người an ủi.

Mt 5, 1-8 Phúc thay ai sầu khổ: họ sẽ được ủi an

Suy niệm

“Kìa những người bị áp bức đang khóc than”. Chúng ta có thể dễ hình dung tác giả đã không may và thường chứng kiến những hành động tàn bạo kiểu này. Tuy nhiên, đây có lẽ là lần đầu tiên vị ngôn sứ thực sự nhìn thấy tiếng khóc than của những người bị áp bức, và ngài ý thức được đầy đủ về nỗi đau và sự lệ thuộc của họ. Nếu điều này là đáng tiếc, thì sự chú tâm và cái nhìn mới mẻ này dù sao đi nữa vẫn là những người mang hạt giống hy vọng: có thể lần này, sự chứng tá này sẽ thay đổi cục diện, có thể sẽ khác.

Một người phụ nữ trẻ nhìn thấy tiếng khóc than của những người bị áp bức. Đoạn video về vụ sát hại George Floyd, vào tháng 5 năm 2020, được cô quay lại bằng điện thoại và được phát tán trên khắp thế giới, đã làm dấy lên sự nổi giận thánh vì tất cả mọi người đều chứng kiến và cuối cùng nhận ra những gì người Mỹ gốc Phi châu sinh sống từ nhiều thế kỷ: sự nô lệ bất công của họ dưới các chế độ áp bức ở giữa những kẻ chứng kiến mù lòa và đặc quyền đặc lợi. Ý thức về thực tế đau đớn này đã khơi dậy lòng trắc ẩn từ lâu dưới hình thức những lời cầu nguyện và lên tiếng nhằm cho sự công bình trên khắp thế giới.

Thực ra, việc chuyển từ sự ghi nhận đơn thuần sang một tầm nhìn rõ ràng và ý thức hơn, là một sự cổ võ cho chúng ta, là những tác nhân của thực tại này trên mặt đất: Thiên Chúa có thể làm sáng mắt chúng ta để làm chứng cho các biến cố trên nẻo đường mới và tự do. Khi mắt chúng ta sáng ra, Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta và đồng thời ban cho chúng ta niềm xác tín rằng chúng ta có thể phản ứng theo cách khác và một cách tự do. Một trong những phản ứng mà các Giáo hội và các Cộng đoàn đưa ra là dựng lều cầu nguyện ở Quảng trường George Floyd, nơi ông bị ám sát. Do đó, chính trong sự hiệp nhất mà các Giáo hội và Cộng đoàn này đã trao ban sự an ủi của họ cho những người đang đau buồn và bị áp bức.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Trình thuật về các mối phúc của thánh Matthêu bắt đầu bằng việc Chúa Giêsu đối diện với đám đông. Trong đám đông này, hẳn Người đã nhìn thấy những thợ kiến tạo hòa bình, những người nghèo về tinh thần, những tâm hồn thanh sạch, những người nam và người nữ đang than khóc và những người khao khát công lý. Trong các mối phúc, Chúa Giêsu không chỉ nêu lên những cuộc đấu tranh của những người này mà còn công bố những gì họ sẽ trở thành: họ sẽ là con Thiên Chúa và Nước Trời sẽ là của họ. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để ý thức về những cuộc chiến đấu thánh thiêng của anh chị em chúng ta trong Đức Kitô.

Thách đố

Anh chị em có dấn thân trong các nhóm Kitô giáo đấu tranh chống lại sự áp bức trong khu phố của mình không? Làm thế nào các Giáo hội trong thành phố của anh chị em có thể gắn kết với nhau để thể hiện tình tình liên đới tốt hơn với những người phải chịu sự áp bức?

Cầu nguyện

Nguyện xin Chúa là Đấng công minh, chính trực và giàu lòng xót thương, xin làm sáng đôi mắt chúng con để có thể nhìn thấy được những áp bức xung quanh chúng con.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa-chúng-con, Đấng đã nhìn thấy đám đông dân chúng và tỏ lòng xót thương. Amen.

NGÀY THỨ V – Bài ca kính Chúa Trời nơi đất khách quê người

Bài đọc

Tv 137, 1-4: Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên:

“Hát đi, hát thử đi xem. Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài”

Lc 23, 27-31: Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em.

Suy niệm

Lời khóc than của tác giả Thánh vịnh có từ thời dân Giuđa đi lưu đày ở Babylon, nhưng nỗi đau bị lưu đày vẫn vang vọng khắp mọi thời và mọi nền văn hóa. Có lẽ lời khóc than của tác giả thánh vịnh đã vang tận các tầng trời. Có lẽ từng câu Thánh vịnh được thốt ra giữa những tiếng nấc chua xót và nỗi buồn sâu kín. Có lẽ Thánh vịnh này được sáng tác trong một sự cam chịu phải sống trong bất công và một cảm giác bất lực để thay đổi mọi thứ theo bất kỳ cách nào có thể gợi lên. Tuy nhiên, những lời này đã được thốt lên, nỗi đau của bản văn này tìm thấy một dư âm trong trái tim của những người bị đối xử như những khách ngoại kiều nơi đất khách quê người hoặc trên chính đất nước của họ.

Trong Thánh vịnh này, kẻ áp bức đòi phải mỉm cười và vui mừng, hát những bài của một quá khứ “hạnh phúc”. Điều này nhắm đến những người trong suốt nhiều thế kỷ đã bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Cho dù đó là các buổi biểu diễn của ca sĩ, điệu múa của geisha hay các buổi biểu diễn cao bồi và Ấn Độ về Miền Tây hoang dã, kẻ áp bức thường đòi những người bị áp bức biểu diễn vui vẻ để đảm bảo sự sống còn của họ. Thánh vịnh này cho phép những người bị áp bức lên tiếng. Làm sao chúng ta có thể hát nổi bài ca kính Chúa Trời khi chúng ta là những khách ngoại kiều trên đất nước của mình? Chúng ta không hát cho những ai tước đoạt tự do của chúng ta nhưng chúng ta hát chúc khen Thiên Chúa. Chúng ta hát vì chúng ta không cô đơn, vì Chúa chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta hát bởi vì chúng ta được bao quanh bởi những nhân chứng. Tổ tiên và các thánh đã truyền cảm hứng cho chúng ta. Các ngài khuyến khích chúng ta hát những bài ca hy vọng, bài ca tự do, bài ca giải phóng, những bài ca nói với chúng ta về một vùng đất mà một dân được phục hồi.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Tin Mừng Luca thuật lại những con người, kể cả nhiều phụ nữ, theo Chúa Giêsu ngay cả khi Người vác thập giá lên đồi Canvê. Theo thánh sử, đây là hành động của các môn đệ trung tín. Chúa Giêsu nhận thấy những vất vả và những đau khổ mà họ phải chịu khi họ vác thập giá đời mình trong đức tin.

Nhờ Phong trào Đại kết, các Kitô hữu ngày nay chia sẻ những bài thánh ca, lời cầu nguyện, suy niệm và những ý tưởng vượt ra ngoài truyền thống của họ. Chúng ta đón nhận những điều này từ những Kitô hữu từ các cộng đoàn khác với chúng ta như những món quà đến từ đức tin và từ đời sống người môn đệ, sống trong tình yêu thương, thường là ở giữa những khó khăn. Những món quà được chia sẻ này là kho báu cần được trân trọng và làm chứng cho đức tin Kitô giáo mà chúng ta chia sẻ.

Thách đố

Làm thế nào để chúng ta thuật lại những câu chuyện mà tổ tiên và các thánh đã sống giữa chúng ta và hát những bài ca đức tin và đức cậy lên tới Chúa, cảm tạ Ngài vì đã được giải thoát khỏi ách giam cầm?

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Chúa của những người bị áp bức,

Xin mở rộng tầm mắt chúng con trước sự dữ đang tiếp tục gây ra cho các anh chị em chúng ta trong Đức Kitô.

Nguyện xin Thần Khí của Chúa ban cho chúng con ơn can đảm để có thể đồng thanh ca hát và để lên tiếng với những người mà nỗi đau khổ của họ không được lắng nghe. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ VI – Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy

Bài đọc

Ed 34, 15-20: Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh.

Mt 25, 31-40: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Suy niệm

Tin Mừng Matthêu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể tách rời tình yêu Chúa với tình yêu tha nhân. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa khi cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, khi tiếp rước khách lạ, cho kẻ trần truồng mặc, khi thăm viếng kẻ đau yếu và ngồi tù. Khi chúng ta chăm sóc và phục vụ “một trong những người bé mọn nhất” này là chúng ta chăm sóc và phục vụ chính Đức Kitô.

Năm 2020 và 2021 đã nêu bật thử thách to lớn mà các thành viên trong gia đình của Thiên Chúa phải hứng chịu. Đại dịch toàn cầu COVID-19, kết hợp với sự mất cân đối về kinh tế, giáo dục và môi trường, đã tác động rất mạnh đến chúng ta mà phải mất hàng thập kỷ mới khắc phục được. Điều này cho thấy những đau khổ cá nhân và tập thể đã trải qua trên khắp thế giới và đã mang các Kitô hữu đến gần nhau trong tình yêu thương, sự đồng cảm và tình liên đới. Trong khi đó, tại Minnesota, vụ sát hại George Floyd bởi cảnh sát Derek Chauvin đã phơi bày sự dai dẳng của bất công chủng tộc. Tiếng rên của Floyd – “Tôi không thể thở được” – cũng là tiếng rên rỉ của nhiều con người bị đè bẹp bởi đại dịch và áp bức.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta tôn vinh sự thánh thiêng và phẩm giá của mỗi thành viên trong gia đình của Chúa. Quan tâm đến người khác, phục vụ họ và yêu thương họ không tiết lộ họ là ai, nhưng chúng ta là ai. Là Kitô hữu, chúng ta phải hiệp nhất trong trách nhiệm yêu thương và chăm sóc người khác, giống như chúng ta nhận được sự chăm sóc và yêu thương từ Thiên Chúa. Khi làm như vậy, chúng ta sống đức tin chung của mình ngang qua các hành động phục vụ thế giới.

Hiệp nhất Kitô hữu

Ngôn sứ Edêkien mô tả Chúa là Thiên Chúa như một người chăn cừu, người tập hợp đàn chiên của mình, mang những người đi lạc trở về và chữa lành những người bị tổn thương. Chúa Cha muốn dân của Người được hiệp nhất và Người tiếp tục thực hiện sự hiệp nhất ấy, để quy tụ đàn chiên, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ cầu nguyện, chúng ta chuẩn bị đón nhận Thần Khí, Đấng phục hồi sự hiệp nhất của tất cả những người đã chịu phép rửa.

Thách đố

Ở mức độ nào “những người bé mọn” vô hình với anh chị em hay với Giáo hội của anh chị em? Làm thế nào chúng ta có thể làm việc cùng nhau để chăm sóc và phục vụ “những người bé mọn”?

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa tình yêu,

Chúng con cảm tạ Chúa vì sự săn sóc và tình yêu vô biên mà Chúa dành cho chúng con. Xin giúp chúng con cất hát những bài ca cứu chuộc.

Xin mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con đón nhận tình yêu của Chúa và đến lượt chúng con cũng dâng lên lòng từ bi của Chúa, toàn thể gia đình nhân loại chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ VII – Những gì của ngày hôm nay không nhất thiết phải giữ nguyên như vậy

Bài đọc

G 5, 11-16: Bấy giờ kẻ nghèo khó lại bừng lên niềm hy vọng và phường tội lỗi chẳng còn dám hé môi.

Lc 1, 46-55: Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Suy niệm

Gióp, người đã có một cuộc sống hạnh phúc, bất ngờ mất gia súc và đầy tớ của mình và trải qua nỗi buồn đau đớn khi chứng kiến tất cả con cái của mình chết chóc. Gióp đau khổ về tinh thần, thể lý và thiêng liêng. Tất cả chúng ta đều đau khổ, dù trong tâm trí, thể xác hay tinh thần. Chúng ta có thể tách mình ra khỏi Thiên Chúa và những người khác. Chúng ta có thể mất niềm hy vọng. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta hiệp nhất trong sự xác tín rằng Chúa ở cùng chúng ta giữa những đau khổ của chúng ta.

Vào ngày 11 tháng 4 năm 2021, tại Minnesota, Daunte Wright, một thanh niên Mỹ gốc Phi 20 tuổi không vũ trang, đã bị một cảnh sát da trắng bắn chết khi đang dừng giao thông thường lệ. Sự cố này xảy ra trong phiên tòa xét xử Derek Chauvin vì tội giết George Floyd.

Chúng ta rất dễ rơi vào tuyệt vọng khi một lần nữa được nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một xã hội rạn nứt không hoàn toàn công nhận, tôn vinh và bảo vệ phẩm giá con người cũng như quyền tự do của tất cả mọi người. Theo Cha Bryan Massingale, một chuyên gia Công giáo nổi tiếng về đạo đức xã hội và là chuyên gia về công bằng chủng tộc, “Đời sống xã hội do con người tạo ra. Xã hội mà chúng ta đang sống là kết quả của những lựa chọn và quyết định của con người. Có nghĩa là con người có thể thay đổi mọi thứ. Những gì con người phá vỡ, chia rẽ, chúng ta cũng có thể, với sự giúp đỡ của Chúa, chữa lành, hợp nhất và phục hồi. Những gì ngày nay không nhất thiết phải tiếp tục như vậy, trong đó có niềm hy vọng và thách đố.

Khi cầu nguyện, người Kitô hữu hòa nhịp trái tim mình với trái tim Thiên Chúa, để yêu những gì Ngài yêu và yêu như Ngài yêu. Do đó, sự chính trực trong lời cầu nguyện sẽ sắp xếp trái tim của tất cả các Kitô hữu trong các bộ phận của họ, để yêu những gì Chúa yêu, Ngài yêu ai và cách Ngài yêu, đồng thời thể hiện tình yêu đó trong hành động của chúng ta.

Hiệp nhất các Kitô hữu

Kinh Magnificat là bài ca ngợi khen, trong đó Đức Maria vui mừng vì mọi điều Thiên Chúa làm: Người khôi phục sự bình đẳng bằng cách nâng cao người khiêm nhường, sửa chữa bất công bằng cách cho kẻ đói ăn và nhớ đến Israel, tôi tớ của Người. Chúa không bao giờ quên lời hứa và không bao giờ bỏ rơi dân Người. Thật dễ dàng bỏ qua hoặc đánh giá thấp đức tin của những người thuộc các cộng đoàn Kitô giáo khác, đặc biệt nếu họ là những cộng đoàn nhỏ. Nhưng Chúa làm cho dân của Ngài được toàn vẹn bằng cách nâng đỡ những người khiêm nhường để giá trị của mỗi người được công nhận. Chúng ta được mời gọi để nhìn như Ngài nhìn và đánh giá cao mỗi anh chị em Kitô hữu của chúng ta như Ngài.

Thách đố

Làm thế nào chúng ta có thể đến với nhau trong Đức Kitô với niềm hy vọng và tin rằng Thiên Chúa sẽ làm cho “phường tội lỗi chẳng còn dám hé môi”?

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Chúa của niềm hy vọng,

Xin giúp chúng con nhớ rằng Chúa ở gần chúng con khi chúng con đau khổ. Xin giúp chúng con trao niềm hy vọng cho nhau khi nỗi tuyệt vọng lại ngự trị trong tâm hồn chúng con. Xin ban ơn cho chúng con để chúng con neo đậu trong Thánh Thần tình yêu của Chúa khi chúng con cùng nhau làm việc để xóa bỏ mọi hình thức áp bức và bất công.

Xin ban cho chúng con lòng can đảm để yêu những gì Chúa yêu, yêu những người Chúa yêu và yêu như cách Chúa yêu, và thể hiện tình yêu đó ngang qua hành động của chúng con. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ VIII – Công bình phục hồi sự hiệp thông

Bài đọc

Tv 82, 1-4: Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng.

Lc 18, 1-8: Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?

Suy niệm

Sách Thánh Vịnh là một sự kết hợp của những lời cầu nguyện, ngợi khen, than thở và những lời răn dạy mà Chúa nói với chúng ta. Trong Thánh vịnh 82, Thiên Chúa kêu gọi công lý, bảo vệ các quyền cơ bản của con người mà mỗi người chúng ta nên được ban cho: tự do, an toàn, nhân phẩm, sức khỏe, bình đẳng và tình yêu. Thánh vịnh cũng kêu gọi lật đổ các hệ thống tạo ra sự mất cân đối và áp bức, đồng thời sửa chữa tất cả những gì bất công, tham nhũng hoặc góp phần vào việc bóc lột con người. Đây là công lý mà với tư cách là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi cổ võ. Là thành phần của cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta kết hợp ý chí và hành động của mình với những ý chí và hành động của Chúa, Đấng hoạt động vì sự cứu rỗi của tạo thành. Tội lỗi luôn là gốc rễ của sự chia rẽ, bao gồm cả sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, và sự cứu chuộc luôn phục hồi sự hiệp thông.

Chúa kêu gọi chúng ta thể hiện đức tin Kitô giáo của mình bằng cách hành động từ chân lý rằng mọi người đều quý giá, rằng con người quan trọng hơn mọi thứ và việc đánh giá bất kỳ cơ cấu thể chế nào của xã hội phải dựa trên các mối đe dọa hoặc nâng cao cuộc sống và phẩm giá của mỗi người. Mọi người đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào xã hội, cùng nhau tìm kiếm công ích và hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt là những người khiêm tốn và thiếu thốn nhất.

Trong Jesus and the Disinherited, Mục sư Howard Thurman, người từng là cố vấn thiêng liêng cho Mục sư Martin Luther King, tuyên bố: “Chúng ta phải công bố sự thật rằng toàn bộ sự sống là một và tất cả chúng ta đều liên đới với nhau. Vì vậy, trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là làm việc cho một xã hội mà trong đó ai cũng có thể tìm được nơi nương tựa và an ủi. Anh chị em phải đặt đời mình trên bàn thánh của sự thay đổi xã hội để dù anh chị em ở đâu, Nước Trời cũng ở trong tầm tay.”

Hiệp nhất các Kitô hữu

Chúa Giêsu kể dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán bất công để dạy dân chúng “cần phải cầu nguyện không ngừng và đừng nản chí” (Lc 18, 1). Chúa Giêsu đã dứt khoát vượt thắng bất công, tội lỗi và chia rẽ, và bổn phận của chúng ta với tư cách là Kitô hữu, là đón nhận chiến thắng này trước hết vào tâm hồn qua lời cầu nguyện và sau đó vào đời sống qua hành động cụ thể. Xin cho chúng ta đừng bao giờ nản lòng và tiếp tục cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn hiệp nhất và thể hiện sự hiệp nhất đó trong cuộc sống của chúng ta.

Thách đố

Là dân của Chúa, các Giáo hội của chúng ta được kêu gọi như thế nào để cam kết thực hiện sự công bình vốn liên kết chúng ta trong các hành động của mình nhằm yêu thương và phục vụ cả gia đình của Thiên Chúa?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Cứu chuộc muôn loài. Xin dạy chúng con biết nhìn vào nội tâm, để bén rễ sâu trong Thần Khí tình yêu của Chúa, để chúng con có thể mở lòng ra cho người khác bằng sự khôn ngoan và lòng can đảm, qua việc luôn chọn con đường của tình yêu và công lý. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Nguồn: christianunity.va
Chuyển ngữ: Nữ tu Phương Thúy, OA

Văn phòng Đại kết và Đối thoại liên tôn
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Nguồn: hdgmvietnam.com