Bạn có cầu nguyện chung với con cái? Có thường xuyên? Tại sao có tại sao không? Cầu nguyện còn hơn là một hoạt động ngoại khóa. Thực phẩm dinh dưỡng, ngủ nghỉ và không khí trong lành cần thiết cho sự phát triển thể lý của con cái, cầu nguyện cần thiết cho sự phát triển của linh hồn lành mạnh.
Có nhiều cách để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của con cái. Đây là 7 gợi ý:
1. Nói về Thiên Chúa bằng cách tích cực. Mary Wurster, người mẹ có 4 con ở Vịnh Granite, California, cho rằng nên đưa Chúa Giêsu vào những câu chuyện hàng ngày. Chẳng hạn, cha/mẹ có thể hỏi con cái: “Con có biết Chúa Giêsu cũng có cha mẹ như con?”. Theo chị, hầu hết trẻ em dễ hiểu nhất về Chúa Giêsu so với khái niệm về Thiên Chúa.
2 Khởi đầu đơn giản. Anh Bart Tesoriero ở Phoenix, cha của 4 đứa con từ 9 tới 16 tuổi, đưa ra lời khuyên: “Đừng cố gắng đọc hết cả chuỗi Mân Côi chung với trẻ hoặc bắt chúng chầu Thánh Thể cả giờ. Tùy theo độ tuổi và hãy cầu nguyện đơn giản”. Cứ dần dần cho chúng làm quen từ một kinh Kính Mừng tới một chục kinh Mân Côi mỗi tối. Vô tri bất mộ. Chưa quen biết nên không thể bắt chúng như người lớn.
3. Sử dụng ngũ quan. Người Công giáo thích cầu nguyện bằng cách dùng các “đồ nhà đạo” (sacramentals) – như nến, nước phép, hình ảnh Chúa hoặc Đức Mẹ hoặc các thánh, và thánh ca. Chị Lita Friesen ở Minneapolis, mẹ của 2 đứa con, nói rằng dùng phương pháp thực hành (hands-on approach) rất quan trọng. Chị và chồng, anh Mickey, có nhiều hoạt động cầu nguyện theo mùa trong gia đình. Mỗi tối mùa Vọng, khi các con đã thay đồ ngủ, họ thắp nến rồi ngồi bên nhau cùng nghe bài “Đêm Thánh Vô Cùng”. Thật lòng mà nói, cha mẹ đôi khi cũng ngại đọc kinh chứ nói chi trẻ em! Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, họ rửa chân cho nhau, rửa chân cho chó luôn. Mùa Thu, họ viết những mơ ước cho tương lai trên lá cây, rồi chôn xuống đất, và trồng những loại cây sẽ nở hoa vào mùa xuân.
4. Tạo thói quen cầu nguyện. Giờ ăn và giờ đi ngủ có vẻ là thời gian tốt nhất để gia đình cùng cầu nguyện với nhau. Chị Wurster kể rằng chị hát một bài thánh ca quen thuộc cho con nghe trước khi đặt con vào nôi. Điều này làm cho giờ ngủ trở thành thời gian tự nhiên để cầu nguyện khi các con lớn khôn.
5. Cứ để con cái ngọ nguậy. Dù bạn dạy con cái có thái độ đúng đắn khi cầu nguyện, nhưng cũng nên nhớ rằng chúng còn nhỏ và đang học hỏi. Theo anh Tesoriero, cứ để chúng ngọ nguậy, thậm chí chúng có thể nằm xuống và cầu nguyện, chúng sẽ khó chịu khi phải quỳ gối hoặc ngồi nghiêm trang khi cầu nguyện – nhất là khi chúng còn tuổi nhi đồng.
Cứ để trẻ ngọ nguậy còn giúp trẻ tăng tính sáng tạo. Một hôm, anh Mickey Friesen bước vào phòng và thấy con gái Chloe đang múa. Anh hỏi sao lại múa, nó vui vẻ trả lời rất vô tư: “Đó là cách con cầu nguyện!”. Đúng vậy, Chloe vừa múa vừa hát cho Chúa thưởng thức mà!
6. Tận dụng mọi khoảnh khắc để cầu nguyện. Các bậc cha mẹ khuyến khích con cái cầu nguyện bất kỳ lúc nào đó trong ngày. Chị Wurster nói đến việc cầu nguyện ngắn gọn cùng nhau khi gia đình nghe thấy tiếng xe cứu thương, hoặc cầu nguyện cho một đứa bé hoảng sợ, như vậy trẻ sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu ở với chúng khi cha mẹ vắng mặt. Đi đường, thấy có đám tang hoặc tai nạn, hãy dạy trẻ biết cầu nguyện cho những người gặp chuyện không may đó.
Anh Mickey Friesen nói rằng cha mẹ có thể nói lớn tiếng để con cái nghe khi cùng con cái ở ngoài trời: “Hôm nay trời đẹp quá! Tạ ơn Chúa!”. Khi buồn cũng cầu nguyện, chẳng hạn khi viếng mộ hoặc viếng hài cốt, khi xem cảnh thiên tai hoặc tai nạn trên ti-vi, thậm chí khi phát hiện một con thỏ chết phía sau nhà. Điều này giúp trẻ nhận ra Thiên Chúa ở với chúng ngay cả lúc khó khăn hoặc buồn chán nhất.
7. Tập sống im lặng và cô tịch. Cha Mẹ đồng ý rằng con cái cần một chút im lặng và cô tịch để khả dĩ phát triển tâm linh. Điều này không dễ để nuôi dưỡng trong một nền văn hóa coi trọng các hoạt động ồn ào và cấp thời. Ngoài ra còn có mối quan ngại rằng con cái có thể lẫn lộn giữa sự im lặng lành mạnh với cách thỏa hiệp im lặng hoặc bị phạt phải im lặng.
Cha Mẹ nói tắt ti-vi, thắp nến, nghe nhạc nhẹ, hoặc đọc sách đạo đức (gọi là đọc sách thiêng liêng) cùng nhau là cách phát triển kỹ năng sống cô tịch. Chị Wurster nói rằng giữ một không gian im lặng trong nhà dành cho việc cầu nguyện là một cách để phân biệt 2 nơi tách biệt.
Hãy cầu nguyện riêng. Anh Tesoriero nói: “Cũng như các thánh tông đồ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, con cái chúng ta cũng noi gương chúng ta. Hãy cầu nguyện thật lòng chứ đừng cầu nguyện để được chú ý”. Khi con cái thấy cha mẹ đi lễ, đọc Kinh thánh, hoặc xin Chúa tha thứ, tự nhiên chúng cũng sẽ bị thu hút và thích cầu nguyện riêng.
Bàn tay cầu nguyện:
1. Ngón cái gần bạn nhất. Hãy cầu xin những điều gần gũi nhất với bạn. Đó là những điều dễ nhớ nhất. Hãy cầu nguyện cho những người thân yêu, như C. S. Lewis gọi đó là “nhiệm vụ ngọt ngào”.
2. Kế đó là ngón trỏ. Hãy cầu nguyện cho những người dạy dỗ mình, hướng dẫn mình, và chữa lành mình (cả thể lý và tinh thần). Đó là các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các bác sĩ, các ca trưởng, các huynh trưởng, các vị hướng dẫn tinh thần,… Họ cần sự hỗ trợ và khôn ngoan để “chỉ” cho người khác đi đúng hướng. Hãy nhớ cầu nguyện cho họ.
3. Ngón giữa là ngón cao nhất. Nó nhắc chúng ta nhớ đến các nhà lãnh đạo. Hãy cầu nguyện cho tổng thống, giám đốc, nhà quản lý,… Những người này hình thành quốc gia và hướng dẫn nhân dân. Họ rất cần được Chúa hướng dẫn.
4. Ngón kế tiếp là ngón đeo nhẫn. Rất lạ vì đây là ngón yếu nhất. Giáo viên dương cầm luôn kiểm tra cách đánh đàn của ngón này. Nó nhắc chúng ta phải cầu nguyện cho những người yếu đuối, gặp khốn khó, hoặc bệnh tật. Họ cần chúng ta cầu nguyện cả ngày lẫn đêm.
5. Cuối cùng là ngón út, ngón nhỏ nhất trong các ngón. Đây là nơi chúng ta cần đặt mình vào mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Kinh thánh nói: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16). Ngón út nhắc chúng ta cầu nguyện cho chính mình. Khi đã cầu nguyện cho 4 nhóm người khác, lời cầu dành cho mình sẽ hiệu lực hơn.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Dù nhặt một cây kim cũng có thể cứu một linh hồn”. Nghĩa là dù làm gì, ngay cả những việc nhỏ mọn nhất, nếu vì yêu mến Chúa và cứu các linh hồn thì việc làm ấy trở nên công trạng trước mặt Chúa vậy. Quả thật, sự cầu nguyện là sự yếu đuối của Thiên Chúa nhưng là sức mạnh của chúng ta, do chúng ta thành tâm cầu nguyện mà Thiên Chúa “mềm lòng”, vì Ngài luôn hết lòng yêu thương chúng ta!
Nguồn: https://tinmung.net