Có cần phải ghen tuông ?

18/06/2019

Có thể nói, từ ghen tuông chỉ được dùng trong giới hạn tình yêu đôi lứa khi đồng thời xuất hiện người thứ ba. Tất nhiên, người thứ ba này không thể hiểu là đứa con như hoa quả tình yêu của hai người mà là người tình của một trong hai người kia. Từ đó, sự ghen tuông được hiểu như là cách họ dùng để làm rạch ròi: đâu là cuộc tình vụng trộm và đâu là tình yêu thuộc về nhau. Chắc hẳn, sau cuộc ghen tuông này, tình thế sẽ khác đi, tình yêu sẽ được chữa lành và vững chãi hay sẽ có một cái kết bi thương còn tùy thuộc vào cách thức người ta thể hiện sự ghen tuông một cách văn minh đến mức độ nào.

Trước hết, chúng ta theo dõi một vài nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý về vấn đề này trên một số động vật để thấy được tính phổ quát của vấn đề.

Một nghiên cứu ghi lại thái độ của chó khi chủ vuốt ve hoặc đọc sách cho một con chó giả khác. Kết quả, nếu như bình thường các chú chó chẳng để ý mấy đến việc chủ đọc sách cho mình nghe, thì khi chủ đọc sách cho chó giả, 78% các chú chó có những hành động như khều tay, chân chủ để gây chú ý. Một số con cố tìm cách nằm chen vào giữa chủ và chú chó giả, hoặc sủa vào chó giả. Một trường hợp duy nhất gầm gừ đe dọa cả sách, chó giả, lẫn chủ.

Một nghiên cứu cũng được nhiều chú ý khác là trên khỉ titi.

Khỉ titi đực sẽ cao giọng dần đến mức gào thét khi con khỉ cái của nó bị một con khỉ đực khác tiếp cận. Khoảng cách giữa hai con kia càng gần, thì giọng khỉ đực sẽ càng to hơn. Cuối cùng, các nhà chuyên môn khẳng định rằng cảm xúc ghen tuông là phần rất tự nhiên trong giới động vật. Và có thể nói, con người cũng chung chia phần bản năng này với loài vật. Tuy nhiên, với sự hiểu biết và ý thức của con người, cách giải quyết vấn đề tế nhị này có văn minh hơn không ?

Như chúng ta đã biết, các nhà chuyên môn khẳng định rằng “tình yêu say nắng” có thể kéo dài đến những năm đầu kết hôn. Có thể nói, trong thời gian này, tình yêu của họ thăng hoa cùng với nhiều cung bậc cảm xúc. Họ chọn lựa quấn quýt bên nhau như cách duy nhất diễn tả tình yêu thực sự. Đôi khi sự thân mật này gây cảm giác ràng buộc nhưng đó lại là cách họ sống tình yêu tự nguyện hiến dâng. Mãi đến khi có con như hoa trái tốt tươi của tình yêu đẹp, họ chuyển dần mọi tình cảm cho việc yêu thương và nuôi dạy con cái. Dần dà, cách nhìn và quan niệm về tình yêu ấy cũng khác đi.

Thật vậy, trước kia, sự ràng buộc nhau là cách thể hiện tình yêu không thể tách rời, còn bây giờ, chàng cảm thấy ngột ngạt vì mất tự do. Chỉ khi bản thân thở phào nhẹ nhõm mỗi lần thoát khỏi sự kiểm soát của nàng, chàng mới ý thức mình quá miễn cưỡng khi sống trong bầu khí gia đình. Thay vì sống tự do như một người trách nhiệm và trưởng thành chăm lo vun đắp gia đình yêu thương, họ lại lạm dụng tự do mà sống cho chính mình bằng cách vụng trộm một cuộc tình mà với tư cách một người đứng đắn điều ấy chẳng đáng ước ao.

Dẫu biết rằng ai cũng có quyền được thỏa mãn nhu cầu yêu và được yêu. Trước kia, thời trai gái, chàng thích chứng tỏ bản lĩnh của mình khi chinh phục càng nhiều cô gái càng giỏi và ai cũng có thể làm vợ tương lai của chàng. Nhưng một khi đã sống cam kết hôn nhân, chàng đã chấp nhận đi đến một chung cuộc: chỉ chọn một người làm vợ. Từ đây, nhu cầu yêu và được yêu chỉ xoay quanh có một người là vợ. Nhờ đó, chàng dồn hết tâm lực mà vun đắp cho cuộc tình này.

Thế nhưng đời sống không phải lúc nào cũng êm ả, đôi khi hai bên xảy ra những xung khắc tưởng chừng như vô vọng, không khí gia đình trở nên ngột ngạt và khó thở, họ đi tìm những chiếc phao cứu sinh ngoài tầm với. Người thứ ba ấy xuất hiện như một vị cứu tinh, ân nhân của tôi. Người ấy không phải là người bạn, trưởng ban hòa giải mà là người tình, họ có đó để phân ranh cuộc tình đang trên đà đổ vỡ.

Người ta nói rằng ghen là cách thể hiện của tình yêu chiếm hữu. Sự chiếm hữu trong tình yêu không phải là một cuộc trả giá sòng phẳng từ một chiếc áo sang trọng để chúng thuộc về ta, nhưng là một sự tự nguyện từ hai phía muốn thuộc về nhau. Và nếu hiểu như thế, người kia có muốn gỡ bỏ mọi ràng buộc thuộc về ta thì dầu ta có dùng sức mạnh lôi kéo đến đâu đi nữa cũng chỉ là sự níu kéo một chiếc áo vuột khỏi tầm tay.

Có không gi mt đng tìm. Điều chúng ta “giữ” ở đây, không phải là nắm chặt người yêu, chỉ cho họ vẫy vùng trong một không gian giới hạn nào đó mà là “giữ” cho tình yêu đủ nồng để sưởi ấm tâm hồn nhau. Chúng ta không nắm giữ người yêu nhưng giữ chặt mối tình, vì khi nhân danh tình yêu, người ta sẽ luôn muốn vun đắp cho tình luôn đẹp; còn lo giữ lấy người yêu, đôi khi người ta chỉ yêu mình vì trông chờ sự vuốt ve mớn trớn mà không phải lúc nào người yêu cũng sẵn sàng. Trong khi bạn cứ đòi hỏi hay yêu sách với một nửa của mình thì bên ngoài, người thứ ba lại rất tâm lý với bạn tình luôn săn đón và cởi mở khiến đối tượng phải siêu lòng.

Điều này càng tồi tệ hơn, khi bạn đã quyết định dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Việc bạn làm tổn thương hay hủy hoại người thứ ba kia, chẳng giúp gì cho bạn mà còn làm người yêu xa lánh bạn hơn. Việc làm ấy chẳng khác nào những chú chó, chú khỉ gào thét và cào cấu khi đối thủ lại gần bạn tình của mình. Ban đầu đó chỉ là hành động tự vệ vì bạn muốn nắm giữ bạn tình nhưng dần dà, chúng chỉ khiến bạn bộc lộ hết tính bản năng hạ đẳng của mình mà làm cho cả người yêu cũng khiếp sợ. Nỗi ám ảnh về những bạo hành của bạn chỉ khiến người kia càng trở nên thất vọng không có đường về.

Thật ra, những phản ứng tiêu cực ấy, chúng nói nhiều điều hơn hành động thấp hèn của bạn, rằng bạn quá yêu chính mình hơn là bảo vệ tình yêu, rằng bạn đã bị tổn thương vì bị bỏ rơi, lòng tự trọng trong bạn bị khuấy động, rằng bạn đã không còn “dễ thương” và bị mất điểm trong mắt người kia. Nếu thực sự lắng đọng đủ thì bạn có thể tự hỏi, tôi đã sống hết mình với tình yêu gia đình của mình chưa ? Nếu bạn trả lời rằng: có, thì việc người yêu của bạn bỏ đi theo người khác là trách nhiệm của người đó, và một người thiếu trách nhiệm với gia đình như thế, bạn níu kéo làm gì…; còn nếu không chắc chắn, bạn cần ý thức rằng mình có phần lỗi trong cuộc tình dở dang.

Đến một lúc nào đó, bạn thử hỏi người yêu mình rằng: vì sao anh lại theo cô gái kia. Câu trả lời của anh ấy sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc rắc rối của bạn. Chẳng hạn, anh ấy trả lời rằng vì cô ấy quan tâm và lắng nghe đến những gì anh ấy chia sẻ thì bạn tự biết rằng trong quá khứ bạn đã quá độc quyền trên diễn đàn khiến anh ấy không còn có thể bày tỏ quan điểm cá nhân và thể hiện bản lĩnh của mình. Và đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc tình đổ vỡ. Có thể, bạn không đủ can đảm và nhún nhường để đưa ra câu hỏi đại loại như thế với người kia, nhưng bạn có thể nhờ một người khác, ngoài cuộc nhưng sáng suốt hơn để giúp bạn. Biết đâu, bạn sẽ có câu trả lời và đưa ra một quyết tâm cho một giai đoạn mới sau cuộc tổn thương này.

Hoặc bạn có thể chọn cách của cô gái trong câu chuyện sau:

Sau một thời gian hai vợ chồng chung sống, họ có một đứa con rất ngoan ngoãn và học giỏi. Tuy nhiên, anh chồng quyết làm đơn ly dị và đòi người vợ ký vào để anh có thể thong dong theo một cô thư ký trẻ đẹp trong sở làm chung.

Người vợ sẵn sàng đồng ý nhưng với điều kiện một tháng sau, đồng thời, cô đề nghị một việc này là anh ta phải ôm cô ấy từ phòng ngủ ra nhà khách trong vòng một tháng trước mắt đứa con để nó an tâm vượt qua kỳ thi chuyển cấp. Anh ta miễn cưỡng chấp nhận không một lời thắc mắc miễn là anh đạt được ước nguyện.

Quả thật, cứ mỗi sáng anh ôm người vợ ra khỏi giường thì được tiếng hoan hô của đứa con vô tư. Sau vài ngày, anh cảm thấy có một sự chuyển biến tích cực nào đó, đến ngày cuối cùng, anh đã chạy xe đến chỗ làm để báo với cô thư ký rằng anh đã thay đổi quyết định, rằng: anh không thể chia tay với người vợ của mình. Vừa lúc ấy, anh được tin người vợ ở nhà đã tắt thở bởi căn bệnh ung thư vào giai đoạn cuối. Hóa ra, anh đã phủ phàng khi không nhận thấy cuộc chiến đấu với căn bệnh khủng khiếp của vợ mình. Tình yêu của nàng dành cho gia đình và đứa con quá lớn đến nỗi, nàng chấp nhận đánh đổi tất cả để đứa con được an tâm trong việc học hành và thi cử, và chồng được thỏa lòng bên người tình mới. Nàng chẳng ghen tuông và hờn dỗi, hơn nữa, nàng cũng chẳng làm gì hơn được vì chỉ còn biết đối diện với căn bệnh quái ác, nó sẽ cướp đi mạng sống nàng và mọi người mà mình yêu mến. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói đúng: “Cuc đi đó có bao lâu mà hng h” (Mưa Hồng). Nàng đã sống hết mình vì tình yêu và đã chinh phục được chàng chỉ bằng một cái ôm siết chặt trong một tâm trạng chẳng vui của chàng. Thế mà, bao kỷ niệm quay về và chúng đã tái sinh cuộc tình, mặc dù, nàng chẳng còn cơ hội để nghe lời xin lỗi của chàng, nàng đã ra đi mãi mãi nhưng trong tư thế của một người chiến thắng trong tình yêu.

Dù sao, mi nhà mi cnh, chẳng có qui tắc và giải pháp nào khả dĩ áp dụng cho mọi trường hợp và mọi người. Chỉ có điều là một khi bạn nghĩ rằng mình đang hành động để hàn gắn một vết thương, vô tình lại là lúc bạn hủy hoại cả cuộc tình. Nói đi cũng phải nói lại, bạn có thể tỏ lộ một chút hờn ghen tinh tế như cách để thể hiện tình yêu bạn dành cho người kia, và chứng tỏ người kia cũng còn quan trọng trong cuộc đời bạn. Biết đâu, qua biến cố đau thương này, cả hai cùng ngộ ra rằng mình chưa sống hết mình và hết tình vì nhau. Và người lạ kia không phải là kẻ thù mà chỉ là một chiếc phao có mặt kịp thời cứu sống một cuộc tình tưởng chừng giẫy chết. Hơn nữa, họ là bản trắc nghiệm hữu hiệu và thiết thực về mức độ dấn thân trong tình yêu của hai người yêu nhau.

Có cả ngàn lẻ một cách nghệ thuật để chứng tỏ tình yêu và nắm giữ cuộc tình, miễn sao ta chủ động chọn cho mình cách thức diễn tả tình yêu lành mạnh và văn minh ngõ hầu, anh vẫn là anh và em vẫn là em trong mắt của nhau. Ai cũng có đôi lần lầm lỡ, chỉ có trái tim đủ rộng mở để tha thứ mới có sức bao bọc lấy cuộc tình. Có thể nói, chỉ những người biết tha thứ mới là người mạnh, họ mới xứng đáng là những người xây dựng và vun đắp tổ ấm yêu thương.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist. 

Nguồn: dongten.net