Gia đình học với Chúa Giêsu

02/07/2024

Gia đình được định nghĩa là tổ ấm, nơi đó mọi thành phần của gia đình sống yêu thương nhau, hy sinh và tạo dựng hạnh phúc cho nhau. Tuy nhiên, ý nghĩa đó nay không còn trọn vẹn nữa, nếu không nói là không còn! Lý do làm cho ý nghĩa gia đình là nơi tổ ấm không còn trọn vẹn là vì ngày nay, các gia đình đang dần rơi vào nguy cơ tan vỡ rất cao. Mọi thành phần trong gia đình dường như không còn tôn trọng nhau đúng và đủ theo như định chế của hôn nhân đòi hỏi. Vợ chồng không còn yêu thương, tôn trọng và ân cần với nhau theo đúng nghĩa; cha mẹ không còn quan tâm đủ đến việc yêu thương và giáo dục con cái nên người; và con cái không còn kính trọng và vâng lời cha mẹ theo như đạo lý thường tình. Từ những lý do đó, bạo lực gia đình ngày càng gia tăng; hạnh phúc vợ chồng tan vỡ; cha mẹ vô tình và vô tâm với con cái; và con cái trở nên hư hỏng, bất hiếu với cha mẹ.


 
Thế nhưng, đâu là nguyên nhân làm cho vợ chồng không còn yêu thương, tôn trọng và ân cần với nhau; cha mẹ không còn quan tâm đủ đến việc yêu thương và giáo dục con cái nên người; và con cái không còn kính trọng và vâng lời cha mẹ?
 
Nguyên nhân chính là vì mọi thành phần trong gia đình không còn có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong cung cách sống và đối xử với nhau. Thật vậy, nếu thiếu lòng hiền hậu, con người sẽ không thể sống yêu thương nhau; và nếu thiếu vắng lòng khiêm nhường thì con người sẽ không thể ân cần phục vụ nhau. Và như vậy thì con người sẽ luôn sống trong thù hận đối với nhau, và tìm mọi cách để thống trị và đàn áp nhau. Và, vì điều đó xảy ra trong gia đình nên gia đình không thể là một tổ ấm yêu thương đối với những người sống trong đó, và dẫn đến nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình là điều đương nhiên.
 
Vậy, để gia đình thực sự là một tổ ấm yêu thương hầu mọi người sống trong đó luôn tìm được niềm vui hạnh phúc thì mọi thành phần trong gia đình phải làm gì? Thưa, mọi người cần phải học với Chúa Giêsu bài học về tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường.
 
Quả thế, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mời gọi mọi người: “Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Đây là bài học duy nhất mà Chúa Giêsu mời gọi con người học với Ngài trong suốt ba năm Ngài rao giảng. Ngài không mời gọi học với Chúa cách chữa bệnh, làm phép lạ, hay tài hùng biện. Ngài chỉ mời gọi họ học với Ngài sự hiền hậu và khiêm nhường. Tại sao vậy? Tại vì, chỉ với tấm lòng hiền hậu thì ta mới có thể yêu như Chúa yêu; và chỉ với lòng khiêm nhường thì ta mới có thể ân cần phục vụ nhau như Ngài phục vụ. Sống yêu thương và phục vụ nhau chính là điều mà tất cả những ai bước theo Ngài phải sống.
 
Sống trong gia đình Công Giáo, mọi người đều là môn đệ của Chúa Giêsu, nên được mời gọi sống yêu thương và ân cần phục vụ nhau để tạo dựng hạnh phúc cho gia đình và cho nhau. Hiểu như vậy và để sống được như thế, các gia đình Công Giáo cần phải học nơi Chúa Giêsu bài học về tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường.
 
Gia đình học với Chúa Giêsu bài học hiền hậu
 
Mỗi gia đình và mọi thành phần trong đó luôn được mời gọi nên thánh trong bổn phận của mình đối với nhau. Sống thánh để thánh hóa chính mình và thánh hóa người khác. Đây là ơn gọi và là trách nhiệm mà vợ chồng, cha mẹ, con cái, và anh chị em phải có đối với nhau. Sống thánh là ta sống một cuộc sống không tỳ ố, không vết nhơ do tội. Đó là một đời sống không hận thù ghen ghét, nhưng mọi người luôn biết yêu thương, tha thứ và hy sinh trong cung cách sống của mình đối với nhau. Để có được cung cách sống như vậy, mọi người trong gia đình cần phải học với Chúa Giêsu bài học về lòng hiền hậu.
 
Với lòng hiền hậu, Chúa Giêsu đã không hận thù, ghen ghét với những kẻ chống đối và làm hại Ngài, mà Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho họ. Với lòng hiền hậu, Chúa Giêsu đã không kết án người có tội, nhưng yêu thương họ và giúp họ được giải thoát khỏi sự trói buộc của tội. Ngài đã sống thánh trong thân phận con người để thánh hóa những ai bước theo Ngài và giúp họ nên thánh. Ngài không có tội và luôn nói “không” với tội, nhưng Ngài không kết án người có tội, vì Ngài có lòng hiền hậu. Đây là bài học quý giá cho mọi thành phần trong các gia đình để xây dựng gia đình mình nên thánh thiện. Mỗi người trong gia đình cần phải biết nói “không” với tội, nhưng cũng cần phải có lòng hiền hậu như Chúa Giêsu để biết yêu thương và tha thứ cho những người phạm lỗi, không kết án họ, hầu giúp họ sửa đổi những sai lỗi, để rồi họ cũng có được một đời sống thánh thiện, và khi đó gia đình mới nên thánh được.
 
Yêu thương và tha thứ cho người phạm lỗi là ta cho họ cơ hội nên thánh. Chúa Giêsu đã không kết tội người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đã cho chị cơ hội nên thánh (x. Ga 8, 2-11). Ngài đã tha thứ cho một người phụ nữ phạm tội, và người đó đã trở thành người yêu mến Chúa cách nồng nàn (x. Lc 7, 36-50). Trong gia đình, với tấm lòng hiền hậu, vợ chồng yêu thương nhau và tha thứ cho nhau những lỗi lầm, để giúp nhau trở nên tốt; cha mẹ yêu thương con cái, tha thứ cho chúng những lỗi lầm để giúp chúng trở nên những người con ngoan hiền và đạo hạnh, sống đúng với nhân phẩm của một con người và là người con Chúa; và anh chị em yêu thương tha thứ cho nhau những sai lỗi để giúp nhau sống đúng và sống tốt bổn phận làm con cái trong gia đình và là anh chị em tốt đối với nhau.
 
Gia đình học với Chúa Giêsu bài học khiêm nhường
 
Với lòng hiền hậu, ta sẽ biết sống yêu thương và tha thứ. Tuy nhiên, bài học mà Chúa Giêsu muốn ta học nơi Ngài không chỉ dừng lại ở tấm lòng hiền hậu để chỉ có yêu thương và tha thứ, Ngài muốn chúng ta vươn xa hơn nữa đến sự ân cần phục vụ nhau. Quả thế, hành động yêu thương và tha thứ chỉ có ý nghĩa đích thực và trọn vẹn khi hành động đó vươn tới hành động phục vụ. Nếu hành động yêu thương và tha thứ là cho người khác cơ hội nên thánh, thì việc ân cần phục vụ họ là việc làm cụ thể giúp họ sống thánh. Thế nhưng, để có thể ân cần phục vụ người khác, điều quan trọng và cần thiết là ta phải có lòng khiêm nhường. Tại sao vậy?
 
Khi nói đến phục vụ, ta hiểu ngay đó là việc làm của người đầy tớ phải làm đối với chủ. Chỉ có đầy tớ mới phải phục vụ chủ của mình, không có chuyện chủ phục vụ đầy tớ. Nếu giả như có người chủ nào đó ân cần phục vụ đầy tớ mình, thì người chủ đó phải là người rất khiêm nhường. Vì, chỉ với lòng khiêm nhương, người chủ mới có thể hạ mình xuống để ân cần phục vụ đầy tớ của mình. Người chủ mà ta giả định đó chính là Chúa Giêsu, Ngài chính là Thiên Chúa, đã hạ mình, xuống thế làm người, sống thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi, để phục vụ con người cách ân cần. Đây là điều mà thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Philipphê, đã khẳng định với chúng ta: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8). Và chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với chúng ta: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45), và Ngài khuyên các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10, 43-44)
 
Với lòng khiêm nhường, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ con người cách ân cần hầu nâng con người lên để con người có thể sống đúng với ơn gọi làm người và làm con Chúa. Nghĩa là, nhờ sự ân cần phục vụ của Ngài, con người được đưa trở lại với tình trạng thánh thiện ban đầu mà con người đã đánh mất do tội. Đây chính là bài học cho các gia đình.
 
Thực vậy, trong gia đình, mọi người chỉ có thể chu toàn trách nhiệm đối với nhau và ân cần phục vụ cho hạnh phúc của nhau khi mỗi người có lòng khiêm nhường, hạ mình xuống. Ai cũng mang nơi mình cái tôi rất lớn, không ai muốn chịu thua ai. Chồng có cái tôi của chồng và vợ cũng vậy. Nếu ai cũng cứ cố chấp trong sự cao ngạo của mình thì làm sao có thể hy sinh chính mình để phục vụ người khác được. Trách nhiệm của vợ chồng là hy sinh cho nhau và phục vụ cho hạnh phúc của nhau. Vậy nếu vợ chồng, mỗi người không có được một tấm lòng khiêm nhường thì không thể hạ mình xuống và hy sinh đi cái tôi của mình để phục vụ nhau. Hơn nữa, nếu thiếu lòng khiêm nhường, vợ chồng sẽ không thể nhận ra những thiếu sót và sai lỗi của mình trong trách nhiệm đối với nhau. Chỉ với lòng khiêm nhường, vợ chồng sẽ biết tôn trọng nhau, mới nhận ra những thiếu sót của mình trong bổn phận đối với nhau, và như vậy mới có thể sửa đổi và ngày càng thăng tiến hơn trong việc chu toàn trách nhiệm đối với nhau. Vậy còn trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái thì thế nào?
 
Bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ là phải phục vụ cho sự trưởng thành và hạnh phúc của con cái. Vậy, cha mẹ cần phải học nơi Chúa Giêsu bài học về lòng khiêm nhường thì mới có thể ân cần phục vụ con cái cách đúng đắn. Với lòng khiêm nhường, cha mẹ mới có thể chịu đựng được những đứa con ngỗ nghịch và kiên trì trong việc giáo dục chúng nên người tốt. Phần con cái cần phải học với Chúa Giêsu bài học khiêm nhường để biết vâng lời cha mẹ, sống theo những chỉ dẫn của các ngài hầu trở nên những người con tốt. Và với lòng khiêm nhường, con cái sẽ luôn biết phục tùng cha mẹ, hiếu thảo với các ngài và chu toàn cách tốt nhất bổn phận của những người con đối với cha mẹ mình.
 
Tóm lại, tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường là điều mà mỗi người trong các gia đình cần phải có đối với nhau hầu có thể xây dựng gia đình mình trở thành một tổ ấm của sự yêu thương và hạnh phúc. Thế nhưng, tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường đó phải là tấm lòng mà mỗi người phải học với Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa Giêsu mới có lòng hiền hậu và khiêm nhường đích thực và Ngài mời gọi tất cả chúng ta học với Ngài. Đó là tấm lòng của Con Thiên Chúa làm người dành cho nhân loại, hầu đem lại cho nhân loại niềm vui hạnh phúc của ơn cứu độ. Đến lượt mình, con người, đặc biệt là mỗi người trong các gia đình Công Giáo, được mời gọi học với Ngài để cũng có được lòng hiền hậu và khiêm nhường trong cung cách sống đối với nhau, hầu mang lại cho gia đình mình và gia đình nhân loại niềm vui và hạnh phúc, và đó cũng là cách các gia đình sống Phúc Âm Hóa và mang Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người.

 Hương Quê

Nguồn: gphanthiet.com