Gia trưởng độc hại: Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình

23/04/2024

“Trải nghiệm về gia đình là vô cùng quan trọng cho mỗi cá nhân” (Docat #117), và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển con người toàn diện. Tuy nhiên, không phải mọi gia đình đều lành mạnh và tích cực. Trong đó phải kể đến thói “gia trưởng độc hại” đã, đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho cá nhân và cộng động.

Theo Wiki, Gia trưởng là một thuật ngữ dùng để chỉ sự độc đoán, bảo thủ, kiểm soát và áp đặt ý kiến, quan điểm của một cá nhân hay một nhóm người đối với một cá nhân hay một nhóm người khác với ý định là mang lại lợi ích cho họ.

Gia trưởng xuất phát từ Nho giáo, gắn liền với những ý nghĩa tiêu cực, mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, đàn ông có quyền quyết định, còn phụ nữ thì phải phục tùng theo.

Nhìn chung, gia trưởng mang một ý nghĩa tiêu cực về tính cách của đàn ông, hay còn được gọi là “gia trưởng độc đoán” hoặc “gia trưởng độc hại”.

Dễ nhận thấy đàn ông có xu hướng gia trưởng độc hại qua các biểu hiện như:​
– Thích kiểm soát, kìm kẹp, ghen tuông vô lý.​
– Có xu hướng trọng nam khinh nữ, bằng mọi giá phải đẻ được con trai​
– Thích làm theo ý mình, bảo thủ, không chịu nghe ai, coi mình là trung tâm của vũ trụ

Việc sống trong một gia đình có người đàn ông gia trưởng độc hại có thể gây ra những vết thương tinh thần sâu sắc cho các thành viên trong gia đình. Và trở thành nỗi ám ảnh không hề nhỏ mỗi khi nhắc về gia đình.

Theo chia sẻ của nhiều người, khi phải sống với một người gia trưởng, họ thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng, lo lắng, không dám bày tỏ chính kiến bản thân. Đặc biệt là các em nhỏ, khi phải sống trong môi trường độc hại này, có thể ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển toàn diện.

Bố tôi lại không cho tôi ăn diện, mỗi lần tôi thử đổi kiểu tóc hay cách ăn mặc là y như rằng bố tôi lại kêu tôi đú đởn. Tôi bị bố mắng nhiều vì vụng về, Mỗi lần tôi làm sai, bố tôi toàn quát mắng ầm ĩ và dành cho tôi vô số lời miệt thị kiểu như: “Mày còn ngu hơn con chó, mày chỉ xứng đáng ăn…”, v.v…bố tôi toàn nhắm vào bữa cơm để sỉ nhục tôi. Nhiều lúc không kiềm chế được, bố tôi còn đánh tôi như đánh một con vật.” – Chia sẻ của bạn V.T.M.H.

Khi nói về vấn đề này, Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo khẳng định rằng, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, nam và nữ đều có phẩm giá làm người như nhau, với ý định để họ sống vì nhau, và cần đến nhau, mà không để một giới nào thống trị. (x. Docat #59)

Vì thế, trong một gia đình, người nam và người nữ có quyền hạn và trách nhiệm ngang nhau, và đảm nhận các vai trò tùy theo sự khác biệt độc đáo giữa nam và nữ. Việc coi đàn ông làm chủ và đàn bà phải phục tùng là một hành vi xâm phạm tới phẩm giá con người.

Bên cạnh đó, gia đình là nơi con người bắt đầu, lớn lên và hình thành nhân cách cho bản thân. Với một môi trường gia đình tích cực, được yêu thương, được tôn trọng, mỗi thành viên có thể phát huy hết năng lực của bản thân để có sức mạnh đương đầu với mọi biến cố trong xã hội. (x. Docat #117)

Một trong những hệ quả mà tính gia trưởng độc hại đem lại chính là vòng luẩn quẩn của nó, khiến cho mỗi thế hệ tiếp theo đều phải gặp khó khăn và những thách thức tương tự.

Vì thế, với mỗi người, cần có nhận thức đúng đắn về phẩm giá con người, và những hệ lụy tiêu cực mà tính gia trưởng độc hại đem lại. Sự hiểu biết và chung tay hỗ trợ có thể giúp giảm thiểu các hậu quả này, và tạo nên một môi trường gia đình lý tưởng, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của tất cả thành viên trong gia đình.​

Tác giả: Nannerl

Nguồn tin: phailamgi.com