Một trong những vấn đề mà các bậc làm cha mẹ thường nói đến, đó là giáo dục con cái. Làm cha mẹ Công giáo, giáo dục con cái còn khó khăn hơn nhiều. Làm thế nào để dạy con như ý Chúa muốn? Dạy làm sao đủ mọi phương diện khi chỉ cần nói con cái quét dọn phòng ốc của mình cho sạch sẽ ngăn nắp đã là việc khó khăn rồi?
Cần phải cố gắng nhiều mới có thể giáo dục con cái theo những nguyên tắc của Kinh Thánh được. Đôi khi chúng ta nghi ngờ khả năng giáo dục của mình không phải là không có nền tảng. Chúng ta, những cha mẹ Công giáo, không có một lựa chọn nào khác. Không thể trốn trách nhiệm được.
Trước hết, hãy nhớ rằng Thiên Chúa không đòi buộc chúng ta lãnh trách nhiệm đó một mình. Chính Ngài tự nguyện giúp đỡ chúng ta, ban cho ta sức mạnh và khôn ngoan khi ta tiếp xúc thân mật với Ngài. Ngài cũng còn muốn chúng ta liên kết với những Kitô hữu khác để cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái bằng cách giúp đỡ, khuyến khích nhau, chia sẻ với nhau sự khôn ngoan và sức mạnh.
Có ba yếu tố liên quan đến việc thực hành giáo dục con cái, đó là: gương sáng, giáo huấn và kỷ luật. Trong ba yếu tố này, bất cứ yếu tố nào nếu không đi kèm với hai yếu tố kia thì không thể nào đạt hiệu quả mong muốn được. Kỷ luật củng cố cho gương sáng và giáo huấn, một mình kỷ luật sẽ dẫn tới thất bại. Chúng ta thử tưởng tượng xem một người mẹ dạy con gái nấu cơm nhưng lại không chỉ cụ thể cho nó phải đổ bao nhiêu nước là vừa, cơm nhão thì la, cơm khô thì rầy, như vậy kết quả sẽ ra sao? Cô bé đó sẽ buồn mẹ và lo sợ mỗi khi phải nấu cơm.
Trong bài này, chúng ta bàn đến yếu tố đầu thôi: làm gương sáng . Nhưng trước khi bắt đầu, tôi muốn nói tới một yếu tố rất quan trọng trong việc giáo dục con cái, đó là cha mẹ phải biết hiệp nhất với nhau.
Hiệp nhất trong đời sống vợ chồng có một tầm rất quan trọng mà Chúa hằng mong muốn. Không có nơi nào sự hiệp nhất phải biểu lộ ra rõ ràng cho bằng trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Phải tập hiệp nhất trước bao khác biệt. Phải dành thời giờ để cùng bàn thảo về cách giáo dục từng đứa con một: mỗi đứa cần những gì và mình sẽ dạy chúng ra sao. Hai vợ chồng phải đi đến thống nhất trong đường lối giáo dục nào đó, rồi cùng giúp đỡ và củng cố lẫn nhau thực hiện đường lối đó. Cha mẹ phải làm sao cho con cái biết rằng họ luôn luôn hiệp nhất với nhau trong việc giáo dục chúng. Muốn thành công phải vượt cái khó này.
Gương Sáng
Không cha mẹ nào có thể dạy con sống theo cách mà chính mình hiện tại không sống. Con cái thấy rất rõ cách sống của cha mẹ và chúng chịu ảnh hưởng rất mạnh những gì chúng trông thấy. Nếu lối sống của cha mẹ không phù hợp với những lời mình nói, con cái sẽ không cho những lời nói ấy là nghiêm chỉnh.
Nhắc con cái đọc kinh tối mà mình nằm xem phim. La con hút thuốc mà miệng đang phì phèo hoặc người mẹ đã nói gì khi thấy có người nói chạm đến tự ái mình.… Chính cách hành xử của như thế làm sao dạy được con. Con cái học từ những điều nhỏ mọn mà chúng thấy, gương sáng hữu hiệu vô cùng.
Chỉ bảo cho con ăn nói lịch sự: “Xin mẹ làm ơn …”, “cảm ơn ba” … Không thể có kết quả, nếu con cái không thấy người lớn trong nhà nói: “Xin làm ơn” và “cảm ơn”. Một hôm, tôi đùa xin thằng bé út (4 tuổi) trong nhà miếng bánh. Nó đặt vào tay tôi, tôi cầm giả đò ăn, nó hồn nhiên nói: “Bố cám ơn đi”. Tôi giật mình hiểu ngay rằng mình chưa làm đúng điều mình dạy con, bắt trẻ nói mà người lớn không nói. Vì thế, nếu chúng ta muốn dạy cho con điều gì, thậm chí việc nhỏ nhặt nhất như nói “xin làm ơn”, “xin vui lòng”, thì chính chúng ta phải làm gương cho chúng trước.
Con cái cũng học được nơi chúng ta từ những chuyện lớn hơn. Khi gia đình gặp chuyện bối rối, chẳng hạn như khi người cha mất việc làm, khi ông hay bà nội qua đời, hay khi mẹ bị bệnh, thì chúng nhìn xem cha mẹ phản ứng như thế nào trước cơn khủng hoảng. Nếu phản ứng của cha mẹ là lo sợ, thì chúng cũng sẽ phản ứng bằng lo sợ. Nếu thấy cha mẹ sầu khổ, chúng cũng sầu khổ theo. Đôi khi chúng thấy cha mẹ phải ứng không hay, chúng sẽ phản ứng ngược lại mà trong lòng không phục. Nếu thấy cha mẹ phản ứng bằng cách tin cậy Chúa, chúng cũng sẽ học được cách phản ứng bằng đức tin. Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ được đào tạo và dạy dỗ qua cách thức phản ứng của cha mẹ trước sự việc.
Điều này càng đúng trong việc giáo dục con cái đời sống Kitô giáo. Kitô Giáo không chỉ là một hệ thống tín lý mà chúng ta bắt con cái mình thuộc lòng. Nó là một lối sống mà chúng ta phải đem ra áp dụng vào đời sống. Tôi biết có một vị chức việc trong HĐGX, ông ta rất siêng năng việc nhà thờ nhưng con cái rất hỗn hào. Có lần ông đến gặp tôi xin ý kiến, qua câu chuyện tôi biết rằng trước mặt cha sở thì ông dạ vâng nhưng về nhà ông lại hay ca thán ngài, ông làm việc vì ham danh ham chức, thích người ta khen ngợi. Ở nhà thờ thì lịch lãm, vui vẻ với mọi người, nhưng khi trở về nhà thì chẳng đếm xỉa gì đến con cái, lại hay trách mắng vợ nặng lời. Những lời thường buông ra từ cửa miệng ông: “Mệt thấy mồ mà lại phải đi trực lễ!”, hoặc “Chết rồi, lại phải đi họp bây giờ!”. Như vậy con cái sẽ nhận xét về bố mình ra sao? Kitô Giáo, quả là một gánh nặng!
Trong việc giáo dục con cái, gia đình nào cũng thấy nguyên tắc làm gương sáng là đúng. Một cặp vợ chồng nọ nói về đứa con lên hai tuổi rưỡi của họ bị té cầu thang. Lúc bị té, nó bỗng kêu lên: “Giêsu, xin cứu con!”. Cha mẹ nó chưa chính thức dạy nó kêu tên Chúa Giêsu đến cứu giúp khi gặp nguy hiểm. Nhưng nó thấy cha mẹ nó thường làm như thế nên nó cũng bắt chước làm theo.
Gương sáng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con cái, nên cha mẹ phải tỏ ra hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, và để Ngài giáo dục chúng cũng như mình từng cố gắng giáo dục chúng. Khi chúng nhìn thấy nơi cha mẹ mình gặt hái được những thành quả tốt vì vâng theo ý Chúa, như hạnh phúc, vui tươi, thành công, thì chúng cũng bị lôi kéo đến với Ngài.
Có những cha mẹ không muốn tiếp xúc với các Kitô hữu khác trong giáo xứ hoặc trong nhóm cầu nguyện hay trong hội đoàn của mình, vì họ nghĩ rằng thời giờ của họ ở gia đình sẽ ích lợi cho con cái họ hơn là đi gặp người khác. Đang khi đó lại có những cha mẹ thích lo những việc ích lợi bên ngoài mà lơ là chuyện gia đình. Cả hai thái độ đó đều không đúng lắm, cần lấy lại quân bình. Nếu cha mẹ không quan hệ thắm thiết và thường xuyên với các Kitô hữu khác, nếu họ không hy sinh và phục vụ cho cộng đoàn, nếu họ không nhận được những giáo huấn và sự hướng dẫn của cộng đoàn về đời sống tâm linh, thì dù họ có dành thật nhiều thì giờ để sống với con cái đi nữa cũng chẳng ích lợi cho con cái họ bao nhiêu. Muốn giáo dục con cái theo tinh thần Kitô Giáo, chính cha mẹ cũng phải sống vì Chúa và cho Chúa Kitô.
Jos. Nguyễn Hùng Cường
Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org