Nói gì khi con không muốn tham dự Thánh lễ

11/06/2024

“Con ghét đi nhà thờ! Lễ chán quá!” Nghe quen nhỉ? Các con nhỏ của tôi nói thường nói như vậy. Và đây là cách tôi trả lời với chúng.

Bạn có quen với những câu nói này không? “Con ghét đi nhà thờ! Đi lễ chán quá!”

Các con nhỏ của tôi nói thường nói như vậy.

Con lớn nhất của tôi hiện nay 9 tuổi, những ý tưởng như vậy thường xảy ra với những đứa nhỏ hơn. Tôi nghĩ là câu trả lời sẽ khác hơn nếu nói với một trẻ lớn hơn hoặc tuổi teen.

Nhưng khi các con còn nhỏ, chẳng hạn như bé con tôi 6 tuổi, mới nói với tôi Chúa Nhật tuần trước. Đây là cách tôi trả lời với con.

1. Thánh lễ là không thể thương lượng

Một số phụ huynh để cho con cái tùy ý, đi hoặc không đi tham dự Thánh lễ, nhưng đối với tôi, nghe giống như để chúng quyết định mang đai bảo vệ hay không, đánh răng hay không hoặc ăn rau hay không.

Chúng ta đi đến nhà thờ ngày Chúa Nhật. Đó là việc cả gia đình cùng nhau thực hiện, và chúng ta quyết định làm việc này như một sinh hoạt hằng tuần của văn hóa gia đình, không thể khoan nhượng.

Nhưng không có nghĩa là chúng ta quá nghiêm khắc hay thô bạo với con mình trong việc này. Trái lại! Đây là cách làm.

2. Hiểu biết và đón nhận cảm xúc của các con

Một điều thực sự quan trọng là giúp các con hiểu biết và xác định điều chúng ta muốn. Tôi thường hay nói như vầy:

“Mẹ nghe rồi. Con không muốn đến nhà thờ. Hiện nay, đi lễ khiến con cảm thấy chán. Thường khi còn nhỏ, ai cũng thấy như thế. Mẹ cũng đã từng nghĩ, đi dự lễ ở nhà thờ rất chán khi mẹ bằng tuổi con”.

Tôi muốn biết chắc là con tôi biết và hiểu tôi quan tâm đến những cảm xúc của chúng. Nhưng dĩ nhiên, tôi không dừng lại ở đó.

3. Giải thích tại sao chúng ta đi nhà thờ

Kế đến, tôi giải thích, “Lúc còn nhỏ như con, mẹ cũng cảm thấy chán khi phải đi nhà thờ, nhưng bây giờ, được tham dự Thánh lễ là niềm vui sướng của mẹ trên trần gian này. Vì thế, mẹ biết là con cũng sẽ hiểu ra và yêu thích khi con lớn lên”.

Tuần trước, khi nói với con gái 6 tuổi của tôi về điều này, tôi đã nói: “Chúa cho chúng ta tất cả ngày giờ, phút giây để sống. Hằng ngàn giờ để vui chơi và tận hưởng cuộc sống. Ngài chỉ xin chúng ta một giờ mỗi tuần, đến nhà thờ tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Con không thể làm điều đó sao?”

Bé suy nghĩ một phút và trả lời: “Dạ, con nghĩ là được”.

Vài giờ sau đó, tôi ngạc nhiên khi thấy bé quỳ trước một tượng Mẹ Maria trong vườn. Con tôi nói, “Con quyết định con sẽ đi nhà thờ, mẹ ơi!” Có một sự thay đổi hoàn toàn từ buổi sáng hôm đó!

4. 
 Chia sẻ chứng từ của chúng ta

Giáo lý Công giáo dạy rằng, cha mẹ là những người truyền giáo đầu tiên cho con cái:

“Thông qua ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm ưu tiên truyền giảng Phúc Âm cho con cái. Cha mẹ nên khai tâm cho con, mầu nhiệm của đức tin ngay khi tuổi còn nhỏ, để trở thành là nhà truyền giáo đầu tiên của con cái mình”. (2225)

Chúng ta có thể bắt đầu chia sẻ niềm tin vào Đức Kitô của mình cho con trẻ.

Khi các con của tôi không muốn đến nhà thờ, tôi nói với chúng, “Mẹ thật sự rất thích đi lễ. Mẹ rất thích được gặp Chúa, Người tạo dựng nên chúng ta, và hiện diện ở đó có các thiên thần và các thánh, tất cả cùng thờ phượng Chúa với mọi người thân quen của chúng ta.”

Mặt khác, tôi liên kết giữa gia đình và nhà thờ bằng việc lập một bàn cầu nguyện nhỏ, trong phòng học của các con, và chúng tôi cũng thường thắp nến và đọc Kinh Thánh ở bàn nguyện nhỏ này.

Tôi muốn các con hiểu rằng, chúng ta không đi tham dự Thánh lễ vì bắt buộc, mà là vì chúng ta muốn làm việc này. 

5. Giáo dục thêm những lúc khác

Lúc ra khỏi nhà đi đến nhà thờ, không phải là thời điểm tốt nhất, để dạy con cái hiểu được giá trị của Thánh lễ. Vì thế, tôi cố gắng giảng dạy chúng về điều đó vào những thời gian khác trong ngày.

Tôi muốn giới thiệu cuốn sách này, Thánh Lễ: dưới trần thế cũng như trên Trời. Bất cứ khi nào chúng tôi đọc nó, các con tôi đều bị lôi cuốn và thậm chí muốn đi lễ ngay, để xem những gì được đề cập trong cuốn sách đó.

Có lúc, một trong những đứa con tôi phản đối và từ chối quỳ gối trong Thánh lễ. Sau đó trong ngày, tôi ôm con vào lòng và bảo, “Tại sao chúng ta quỳ gối trong Thánh lễ? Nó có ý nghĩa gì về việc chúng ta ở đâu và ai đang hiện diện ở đó?”

Chúng tôi thảo luận với nhau, về việc quỳ gối là một biểu hiện của sự tôn kính và vinh danh, tôi nói, “Con có nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên bầu trời, trái đất, tạo nên chính con cùng những người con yêu thương, là Người mà chúng ta phải quỳ gối bái thờ không?”

Con trai gật đầu chậm rãi, khi bắt đầu hiểu tại sao phải quỳ gối, thay vì chỉ làm theo máy móc. Kể từ sau cuộc nói chuyện đó, con tôi không bao giờ từ chối quỳ gối trong Thánh lễ.

Đó là cách tôi trả lời các con tôi, khi bọn nhỏ không muốn đi lễ ngày Chúa Nhật. Trong khi bảo chúng đi tham dự Thánh lễ mà không cần phải bàn cãi, tôi hiểu chúng cảm thấy như thế nào, giải tích tại sao phải đi đến nhà thờ, chia sẻ với chúng niềm vui của tôi khi được tham dự Thánh lễ, và tìm giờ trong ngày để dạy dỗ chúng sau đó, về những gì diễn ra trong Thánh lễ và tại sao tham gia Thánh lễ quan trọng đến như vậy. 

Theresa Civantos Barber 

 Cành Dương (chuyển ngữ)

Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org