Người già sẽ cảm thấy cô đơn, tủi thân và thỉnh thoảng ứng xử vô thức, vì thế cần người thân quan tâm, động viên nhiều hơn.
“Tôi có 12 đứa con, đứa nào tới tuổi, tôi dựng vợ gả chồng, cho thêm của để con ra riêng, lập nghiệp. Bây giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, mỗi đứa sống một nơi. Tôi ở một mình, thỉnh thoảng có đứa cháu về thăm” – cụ Bạch Cúc (83 tuổi, quê Long An) bắt đầu câu chuyện của mình.
Cuộc sống một mình
Cụ Cúc sống trong căn nhà nhỏ ở huyện Thủ Thừa. Chồng qua đời khi cụ hãy còn trẻ nhưng cụ vẫn chọn sống một mình, không đi thêm bước nữa. “Con cái có con, có cháu, mỗi đứa bận rộn một kiểu. Mình già, đi đứng khó khăn, ăn uống cũng không giống con cháu nên tôi chọn sống một mình cho dễ” – cụ Cúc chia sẻ.
Mỗi ngày, cụ gửi hàng xóm mua rau, cá rồi tự nhóm lửa nấu cơm. Điều khiến cụ trăn trở nhất là có người con tuổi đã xế chiều nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, cơm không lành canh không ngọt. Cụ Cúc nói tiếp: “Con cái có cuộc sống riêng nhưng thấy con không hạnh phúc, lòng cha mẹ nào có an tâm? Cũng muốn khuyên con điều gì đó nhưng biết nói gì và bắt đầu từ đâu? Đi gần hết cuộc đời mới thấy nếu không nhường nhịn nhau để sống thì vợ chồng sẽ rất khó để đi tiếp cùng nhau”.
Sống một mình có buồn không? Nhiều người hỏi cụ Cúc. “Buồn lắm chứ. Một mình ăn, một mình ngủ, cái gì cũng một mình hết. Khi già, ngủ cũng không được nhiều. Một giờ sáng mới chợp mắt, đến 4 giờ đã dậy rồi. Tỉnh giấc thì cũng chỉ nằm đó thôi hoặc đi ra, đi vào, bắc ấm nước, chế bình trà rồi uống một mình” – cụ Cúc nhìn xa xăm, buông nhẹ tiếng thở dài.
Có 4 người con, mỗi người lập nghiệp ở mỗi nơi, cụ Lan Ngọc (75 tuổi, quê Khánh Hòa) cũng chọn cuộc sống một mình. Do có thói quen tiết kiệm từ thời trẻ nên khi nghỉ hưu, cụ Ngọc có một khoản để dành những lúc đau ốm cũng như tự lo được tiền sinh hoạt hằng ngày. Thỉnh thoảng, cụ đón xe từ quê vào TP HCM thăm con út chưa lập gia đình. Mỗi năm cụ và con đi du lịch ở một vài nơi.
“Tôi thấy buồn hay vui là do cách mình suy nghĩ, mình lựa chọn cuộc sống của mình như thế nào thì nó sẽ như thế đó. Mẹ con tôi tự lên kế hoạch đi du lịch, trải nghiệm ở nhiều nền văn hóa khác nhau, biết được nhiều nơi từ Á đến Âu, mỗi nơi có những điều thú vị” – cụ Ngọc kể với tâm thế vui vẻ.
Tuy nhiên, cụ cũng thừa nhận sống một mình sẽ rất buồn mỗi khi chuyển mùa hoặc những ngày lễ, cuối tuần, khi các gia đình sum vầy, tổ chức tiệc tùng. Theo cụ Ngọc, nếu được, người già nên sống gần một người con nào đó. Không sống chung nhà nhưng sống gần con, gần người thân sẽ thấy an ủi hơn rất nhiều.
Cha mẹ là vốn quý
Sống với mẹ chồng hơn 30 năm, chăm sóc bà những ngày cuối đời, chị Hồng Nga (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) thương mẹ nhiều hơn gấp nhiều lần.
“Mẹ tôi mất khi tôi học lớp 10, về nhà chồng, tôi may mắn được mẹ xem như con gái và tôi có được một gia đình hạnh phúc. Những năm mẹ tôi bước qua tuổi 80, bà bắt đầu bị lẫn, lúc nhớ lúc quên. Có lúc mẹ quên, la tôi nặng lời, tôi cũng buồn lắm nhưng mà nghĩ lại thấy thương hơn. Những ngày mẹ bệnh nằm viện cứ gọi tên tôi, khiến tôi thương đứt ruột. Khi tôi cạnh bên, trò chuyện, mẹ khóc và nói muốn ở bên tôi mãi mãi” – chị Nga tâm sự.
Theo PGS-TS Trương Văn Vỹ (giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM), cô đơn chỉ là một phần vấn đề của người già, họ còn bị bất lợi về nhiều thứ như sức khỏe, tinh thần nên rất dễ khóc, dễ cười. Người già và con cháu có khi không đồng quan điểm sống khiến họ dễ bị tủi thân, nghĩ mình bị con cái lãng quên nên sẽ hay trách móc. Khi được con cái quan tâm, hỏi thăm sức khỏe và một số vấn đề khác, họ sẽ thấy vui hơn, sống thoải mái hơn với con cháu. Ngoài ra, người già rất ngại chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với con cháu vì sợ làm phiền. Vì thế, con cháu cần quan sát kỹ hơn, quan tâm nhiều hơn để khi gặp vấn đề sức khỏe, cha mẹ dễ mở lời và hướng điều trị sẽ nhanh hơn.
“Bên cạnh đó, khi già, nhiều người sẽ bị mất trí nhớ, có tình trạng hay quên, hay tưởng tượng. Một số người còn tưởng tượng con cháu trộm tiền, trộm vàng. Những ứng xử này là từ trong vô thức. Cha mẹ là vốn quý của đời người, con cái cần lấy tình cảm, hiếu nghĩa để động viên, giúp cha mẹ vui hơn ở tuổi già” – PGS- TS Trương Văn Vỹ nhấn mạnh.
Lắng nghe cảm xúc
Chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy (Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight) lưu ý thêm người già cũng mắc phải trầm cảm nhưng chưa được xã hội nhắc đến nhiều hoặc quan tâm đúng mức. “Người già rất sợ bị xem là vô dụng, vì thế cách cư xử, sự quan tâm của con cháu rất quan trọng. Luôn hỏi thăm, lắng nghe cảm xúc, phản ứng tích cực với câu chuyện mà họ đang nhắc đến là cách để họ cảm nhận được rằng mình được trân trọng. Người trẻ cần loại bỏ ngay những câu nói kiểu như: “Ông bà, cha mẹ thì biết gì, giờ người ta hiện đại lắm!”. Hạn chế thấp nhất sự chê bai hoặc đổ lỗi cho những hành động chưa đúng mà người già mắc phải. Thay vào đó, cần cảm thông và bao dung hơn, góp ý mang tính xây dựng. Nên hiểu rằng đó có thể là hình ảnh chúng ta khi về già” – bà Mai Thanh Thủy nhắn nhủ.
Cũng theo chuyên gia Mai Thanh Thủy, nên để người già tham gia chăm sóc cây cảnh, cắm hoa…; tham khảo kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ về một vấn đề để họ nhận thấy mình có giá trị nhưng cần tinh tế và đặt bản thân vào câu chuyện đó. Ngoài ra, khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu bị trầm cảm như tâm trạng khó chịu, giảm lòng tự tin, mệt mỏi không dứt… thì cần được điều trị tâm lý.
L.A.Vũ
Tác giả: HẠNH NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Người Lao Động