Truyện ngắn: Kho báu của ba tôi

04/07/2023

Ngàγ ba tôi đi học tập cải tạo, sáu chị em đứa lớn nhất mười lăm, đứa nhỏ nhất là tôi chỉ mới vào lớp một. Má tôi đơn độc giữa dòng xoáy cuộc đời bươn chải thăm chồng nuôi con đằng đẵng gần mười năm chờ ngày ba về.

Cứ hai tháng một lần, má lần lượt đem theo từng đứa một thăm ba. Trước ngày má đi, cả nhà nhộn nhịp tưng bừng như mở hội. Má lèn chặt hai giỏ lác đựng đường tán, cá khô, trà, cà phê, thuốc lá…, sáu chị em tôi cũng thi nhau bỏ vào đó những bài kiểm tra điểm mười, giấy khen tiên tiến xuất sắc… Tôi cũng được mấy lần đi theo má.

Hồi đó một trăm rưỡi cây số sao mà diệu vợi đến vậy. Má phải chuyển đến ba chặng xe, xuất phát từ bốn giờ sáng mà mãi đến năm giờ chiều hai mẹ con mới lếch thếch dắt nhau đi bộ thêm cả 2 cây số nữa mới tới cổng trại, vô một cái lán tranh dài trống hoác đông nghịt người nằm ngồi nhao nhác chờ đợi. Sau tiếng kẻng, hàng trăm người trong bộ đồng phục xanh ùa ra. Ai cũng giống như ai, lần nào tôi cũng suýt khóc vì sợ không tìm ra ba nhưng bao giờ ba cũng bế bổng tôi lên trước. Thường thường chỉ hai má con ngồi khóc sụt sùi còn ba bao giờ cũng cười to nói lớn, khen đứa này mau lớn đứa kia học giỏi, khen má tháo vát đảm đang, suýt xoa vì hai giỏ quà của má bao giờ cũng to đầy và chất lượng hơn người khác. Ba sẽ trách cứ má rằng bày vẻ mua chi nhiều quá, rằng hãy tiết kiệm dành dụm cho tụi nhỏ ăn học, rằng mẹ con hãy đùm bọc nhau mà giữ gìn sức khỏe. Cuối cuộc hàn huyên, thế nào ba cũng nhắc đi nhắc lại cái câu: “Hãy cố gắng giữ lấy nó, đó là tương lai của các con mình. Anh sẽ sớm về thôi”.

Nhưng nó là gì? Rồi tôi cũng quên bẵng điều đó suốt thời thơ ấu.

Má nuôi sáu chị em ăn học bằng cái hàng nước còm cõi đặt dưới cây trứng cá trước nhà, thỉnh thoảng mới có khách. Đồ đạc trong nhà lần lượt biến mất một cách lặng lẽ. Chị em tôi ăn ngủ trên cái nền gạch hoa trống trơn, kê vở trên sàn nhà nằm xoài ra mà viết nhưng vẫn nổi tiếng học giỏi nhất nhì trong lớp.

Chỉ có chị Hai tôi mới biết đến quần áo mới may bằng vải mậu dịch, rồi khi mặc không vừa nữa mới giao lại cho đứa kế tiếp, cứ thế dần chuyển dịch đến đứa cuối cùng là tôi. Đứa nọ nối tiếp đứa kia phổng phao lớn lên vùn vụt chỉ với một nhiệm vụ duy nhất mà ba má phó thác: ăn học cho nên người. Riêng má tôi càng ngày càng như bé nhỏ lại, đau đáu trong đôi mắt má là một nỗi buồn thầm lặng xa xôi; nhưng đó là điều sau này tôi mới nghĩ ra.

Chị Hai tôi thi ba năm liền mới đậu vào Cao đẳng Sư phạm. Chị Ba ít trầy trật hơn cũng mất hai năm mới vào được Đại học Tổng hợp. Chị Tư thi đỗ Thủ khoa Đại học Y. Chị Năm được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm. Chị Sáu vừa mới trúng tuyển Đại học Kiến trúc. Giữa lúc đó thì ba tôi về, sau mười năm, trước dự kiến của rất nhiều người.

Mười giờ đêm, ba tôi về nhà trên một chiếc xích lô. Sau này ông phân trần, xe dừng bỏ khách ngay Ngã Sáu cách nhà tôi không quá năm trăm mét lúc chạng vạng tối; ba xuống xe, đinh ninh là đã thuộc lòng những con đường vậy mà không hiểu sao thay vì quẹo xuống Lê Thánh Tôn ba lại đi ngược lên Thái Nguyên, đến trước ga xe lửa mới biết mình bị lạc, lòng vòng hoài không làm sao về nhà được nên đành phải gọi xích lô. Ai cũng vừa thương vừa khóc vừa cười, ba đãng trí đến vậy thì thôi.

Những ngày tiếp theo gia đình tôi sống như trong mơ. Ba tôi vô cùng hài lòng, mãn nguyện khi nhìn đàn con khôn lớn. Nhà cửa tuy không còn tài sản gì ra hồn nhưng bù lại, má tôi đã giữ đúng lời hứa, giữ gìn nguyên vẹn nó đến ngày ba về. Vào những năm đó nó là cả một gia tài, là một kho báu thực sự mà ba má tôi đã chắt chiu dành dụm và gởi gấm tương lai của cả sáu đứa con gái.

Đó là một hộp nữ trang đặt gọn trong lòng bàn tay gồm sáu chiếc nhẫn nhận mặt đá và sáu sợi dây chuyền. Mỗi bộ nhẫn và dây chuyền được đánh bằng năm chỉ vàng y. Làm thế nào má tôi vượt qua được mười năm khốn khó mà vẫn giữ nguyên hộp nữ trang đó thì quả là một điều kỳ diệu. Tôi còn nhớ, ngay ngày hôm sau khi má tôi mở tủ đưa nó cho ông bằng đôi bàn tay run run, ông đã cầm lên trang trọng, mở hé ra nhìn rồi đóng lại như sợ nó bay mất. Ba má tôi vốn sinh trưởng trong gia đình nghèo, thất cơ lỡ vận, nếm mùi cực nhọc từ bé, ông bà nội ngoại đều chết trong cơ hàn nên có lẽ, luôn luôn trong tâm khảm song thân của tôi là nỗi ám ảnh không nguôi về một tuổi già hắt hiu và mòn mỏi.

Có ba về, kinh tế gia đình tôi cũng không khá hơn là mấy dù đã có được hai chị đi làm. Ba tôi làm tất cả mọi việc lặt vặt trong nhà, còn ra quán đứng rửa ly lau bàn phụ bán hàng với má tôi. Ông dè sẻn chi tiêu cá nhân đến mức thấp nhất, nhặt nhạnh tận dụng tối đa khả năng phục vụ của các vật dụng thiết yếu. Nhìn ông ngồi tỉ mẩn lấy que sắt nung đỏ để hàn đôi dép nhựa chỉ đáng vất đi hoặc tay dao tay kéo trước gương tự hớt tóc lấy, tôi thầm ứa nước mắt và giận mình quá vô tích sự.

Một năm sau chị Hai tôi lấy chồng, một thầy giáo nghèo như chị. Đám cưới được nhà trường đứng ra tổ chức, giản dị và ấm cúng. Ba tôi vui lắm, có vẻ như ông đã chờ biết bao lâu để nói với đứa con gái đầu lòng như vầy:

– Ba má chỉ cho con nên hình nên hài, nay con trưởng thành, lập gia đình với người đàng hoàng tử tế thì không còn gì bằng. Trước khi con rời khỏi ba má và các em con để ra riêng, ba má dành dụm được cho con chút này để gọi là bước đầu tạo cơ sở cho con tự lập!

Rồi ông âu yếm gọi má tôi.

Má tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Bà mang ra một cái hộp nhựa màu hồng nhỏ xíu thường dùng để đựng nữ trang và đưa nó cho ba tôi. Ông mở ra, nhón sợi dây chuyền và chiếc nhẫn được đặt trên lớp bông gòn trắng nõn bằng hai ngón tay, ngắm nghía trong giây lát rồi mở bàn tay chị Hai ra, cẩn trọng đặt nó vào. Chị Hai bỗng ôm chầm lấy má òa khóc nức nở, chị khóc thỏa thuê như chỉ chờ có dịp này. Má tôi cắn môi rưng rưng nước mắt, còn ba tôi cười to, cố giấu vẻ xúc động khi lũ chúng tôi cứ trố mắt ra nhìn.

Hai năm sau, đến khi chị Ba tôi lên xe hoa, mọi việc lại diễn ra tốt đẹp như vậy. Chị Ba tôi cũng không kềm được xúc động rơi nước mắt khi nhận của hồi môn của mình trên tay ba.

Tuần tự một cách hoàn hảo, kho báu của ba tôi vơi dần theo năm tháng cùng với sứ mệnh của nó theo ước nguyện của người. Các chị tôi ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, cuộc sống khá ổn định – tôi chắc một phần cũng là nhờ chút của nả mà ba má mừng cho ngày cưới. Tôi cũng có cảm giác má tôi ngày càng trút đi được gánh nặng ưu phiền mà bà vẫn canh cánh bên mình từ bao lâu nay.Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng Ьắt gặp cái nhìn đầy khó hiểu của má. Chắc vì chỉ còn lại tôi chưa kiếm đâu ra được ý trung nhân!

Mãi rồi cũng đến lượt tôi. Hôm trước lễ cưới, má cứ quanh quẩn bên tôi, vẻ xốn xang bồn chồn khó tả. Khi ba nằm nghỉ trưa, má gọi tôi ra sau bếp, pha nước bồ kết rồi bắt tôi ngồi cúi xuống cho bà gội đầu. Tôi chờ đợi nghe má nói những điều hệ trọng liên quan đến hôn lễ như tất cả những bà mẹ trên đời này nhưng má lại bắt đầu bằng một câu nói khác: “Ngày trước, cách đây cả hai chục năm, khi ba vắng nhà, một mình má với sáu đứa con đang tuổi ăn học…”. Má nói cứ như đang kể chuyện cổ tích.

Tôi bàng hoàng đến tê tái người. Nước mắt tôi rơi lã chã xuống thau nước gội. Hai bàn tay má vẫn dịu dàng gội đầu chải tóc cho tôi. Mãi mà tôi vẫn gầm mặt xuống, mắt không rời khỏi đôi bàn chân nứt nẻ khô sạm của má. Tôi nghĩ đến các chị của mình trong ngày vu quy, tôi mường tượng ra nét mặt nhẹ nhõm mãn nguyện của ba tôi vào giây phút đó, và đôi vai gầy trĩu nặng của má…

Toàn bộ của cải dành dụm đã được má tôi bán sạch để trang trải cho cuộc sống gia đình qua nhiều cơn nguy kịch, trước ngày ba tôi về khá lâu. Kho báu mà ba tôi quyết tâm bảo trọng cho tương lai của sáu đứa con gái thực tế chỉ là những món hàng nhái rẻ tiền được bày bán từng vốc trên những tấm ni lông trải dưới đất trước các cổng chợ quê mà thôi. Tới kỳ hạn, má lại tiết lộ điều này cho từng đứa con cần phải biết và tất cả đã diễn ra suôn sẻ, êm thấm như má đã nguyện cầu. Ngày mai, khi ba tôi trân trọng trao nó cho tôi thì cũng đồng thời giải phóng cho má tôi một gánh nặng đằng đẵng gần hai mươi năm trời.

Khi bước lên nhà trên tôi dừng lại ngang giường ba nằm trong giây lát. Trong giấc ngủ nhẹ, khuôn mặt ba thanh thản lạ, đôi mắt nhắm hờ dường như khẽ rung động; chắc là ba đang trong giấc mơ hạnh phúc cho bầy con gái.

Ái Duy

Nguồn: dongten.net