Giáo dân mong gì?

15/12/2022

Giáo dân là thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội. Tùy vào nhu cầu sinh sống và ở những phương diện khác nhau mà mỗi người giáo dân sẽ có tâm thế, địa vị giữa xã hội khác nhau.

Giáo dân mong đợi điều gì ở cha xứ?

Mỗi người giáo dân đã chu toàn bổn phận trách nhiệm như thế nào đối với sự tương quan đó?

Giáo dân thường hay liệt kê vô số những nguyện vọng, có nhiều người luôn miệng nói rằng: muốn cha xứ của mình phải gần Chúa, gần chiên, gần gũi, ân cần, vui vẻ, lắng nghe và thấu hiểu; muốn cha xứ phải thánh thiện, tận tâm, tận lực, thăng tiến… Họ muốn như vậy nhưng lại không cộng tác xây dựng, không làm tròn bổn phận mà chỉ biết đưa cha sở của mình lên bàn cân để so sánh, để chỉ trích, đả kích. Liệu rằng những mong muốn đó của chúng ta có thật xứng đáng không? Quả thật “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga12,26).

Chúng ta thường hay nghe: “Chúc cha trở nên Linh mục như lòng Chúa ước mong và lòng dân mong đợi”, nhưng đôi khi sống như lòng dân mong đợi, thì lại không như lòng Chúa ước mong. Nhiều người cứ đòi hỏi cha xứ phải theo ý riêng của mình, mà lầm tưởng là tâm tư nguyện vọng. Điều đó chẳng lạ, vì Thánh Phanxicô Salêxiô đã từng nói: “Theo bản tính tự nhiên, ai cũng muốn điều khiển và ai cũng không muốn vâng phục.”

Có bao giờ chúng ta thử hỏi rằng: trong một ngày cha xứ phải buộc giữ bao nhiêu giờ kinh bổn phận, các ngài phải sắp xếp việc từ nhà thờ đến nhà xứ, từ soạn bài giảng, bài giáo lý, hội đoàn.., biết bao là việc không tên, đã phải hy sinh thời gian, hy sinh sở thích, sống đời tu được ví như cuộc chiến liên lỉ, âm ỉ, phải nỗ lực từng phút giây, gắn liền trách nhiệm với Chúa, trách nhiệm với bề trên, trách nhiệm với cộng đoàn và cả trách nhiệm với chính bản thân.

Cha xứ không phải là người hoàn mỹ từ đầu đến chân, “nhân vô thập toàn” không ai là hoàn hảo. Linh mục được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhưng họ không phải là người toàn năng, toàn diện. Cho dù cha xứ của bạn có muốn hy sinh hết mình thì chắc chắn rằng không thể nào đáp ứng được tất cả những nhu cầu của giáo dân. Chính vì thế, đôi khi có những giây phút vì bận bịu hay suy tư mà cha xứ bất chợt có hành xử chưa hay, thì xin hãy góp ý, chứ đừng chỉ trích, phóng đại, bàn tán, như thế không chỉ làm gương mù, gương xấu, mà còn gây hại cho uy tín của cha xứ. ”Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan” (. Ep 5,15-16)

Giáo dân có được quyền phát biểu đóng góp điều gì cho Giáo xứ không?

Thưa có, nhưng chỉ nên nói đến phạm vi và giới hạn, phải biết phân định đúng sai, bởi vì mọi tín hữu phải vâng phục “Quyền Giáo Huấn” của Giáo Hội, không ai được quyền thách đố, đặt vấn đề hay bác bỏ điều gì được dạy dỗ bởi thẩm quyền, không thể lấy cớ góp ý xây dựng để đòi hỏi điều vô lý, cũng như không thể dùng ‘bánh tráng và rượu vang’ thay cho ‘rượu nho và bánh không men’. Hãy thưa với cha xứ về nhu cầu và khát vọng của mình một cách tín cẩn, với lòng chân thành, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến vị chủ chăn, bởi vì cha xứ là người có Chức Thánh, thay mặt Chúa Kitô để chăn dắt cộng đoàn Dân Chúa. Hãy tỏ lòng biết ơn, cảm thông và cầu nguyện nhiều hơn, vì các ngài đã dành cả đời để hy sinh phục vụ. Thánh Augustinô dạy: “Nơi đâu có đức vâng lời ngự trị, nơi đó không thể vắng mặt một nhân đức nào”.

Xin Chúa cho mỗi người Giáo dân của chúng con biết làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình với Giáo xứ và Giáo Hội. Xin cho chúng con biết rằng: vâng phục vị chủ chăn của mình chính là vâng phục Chúa Giêsu mà các ngài nhân danh, như Thánh Bônaventura đã nói: “Người vâng phục được sánh như một vị tử đạo vì họ giống như một kẻ bị chặt đầu trong ý riêng của mình.” Xin cho chúng con hiểu được rằng sự vâng phục và kính trọng cha xứ không làm mất đi danh dự, địa vị và trách nhiệm của giáo dân, mà còn chứng tỏ đức tin trưởng thành và đúng đắn của người Kitô hữu. Thánh Phanxicô Salêsiô đã dạy: “Một việc nhỏ nhất mà ta làm vì đức vâng lời, thì đẹp lòng Chúa lắm. Các con đi nghỉ vì vâng lời, thì sự nghỉ ngơi của các con có giá trị hơn và đẹp lòng Chúa hơn là việc làm theo ý mình”. 

Hồng Nhi