Công đồng Vat. II đã minh định: “Tất cả mọi Kitô hữu, nhờ Bí tích Rủa tội được tháp nhập vào Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, qua đó họ được qui tụ lại vào trong cộng đoàn Giáo Hội được gọi là Dân Thánh: Thật vậy, những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần, nay được thiết lập nên giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa” (LG số 9).
Công đồng tiếp tục khẳng định: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người” (LG số 12). Như vậy mỗi một Kitô hữu đích thị là sứ giả của Dân Thánh được Chúa Sai đi. Và đây chính là một hồng ân lớn lao, vì được Chúa sai đi. Sách Đệ Nhị Luật đã tường thuật lời của Đức Chúa: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Dnl 13, 18).
Đứng trước hồng ân này, người tín hữu chúng ta phải có thái độ gì để xứng hợp là Sứ giả của Dân Thánh? Công đồng Vat. II đã nói: “Rõ ràng là tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo; sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế” (LG số 40). Lời Công đồng đã chỉ cho chúng ta thái độ phải có để là Sứ giả của Dân Thánh phù hợp với ơn gọi Kitô hữu của mình chính là sống thánh thiện. Sự thánh thiện thuộc về bản chất của ơn gọi Tông đồ, bởi người Tông đồ được sai đi để loan báo về Nước Thiên Chúa, đây chính là mục đích khi Chúa Thiết lập Giáo Hội. Công đồng Vat. II đã minh định: “Giáo Hội được thiết lập nhằm mở rộng nước Đức Kitô trên khắp địa cầu để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu độ” (AA số 2). Do đó, ơn gọi Tông Đồ luôn hướng người Tông đồ kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là Đầu, một sự kết hợp trong sự thánh thiện được tỏ bày qua ba chiều kích sau đây:
1. Gặp gỡ Chúa
Sứ giả cua Dân Thánh phải là ngưỡi thấm đẫm hình ảnh của Thiên Chúa trong chính mình, và có thể nói dung mạo của Chúa Kitô được tỏ bày nơi dung mạo của người Tông đồ. Để có được điều đó, Sứ giả Dân Thánh trước tiên phải thường xuyên kiến tạo cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện chính là phương thế để người sứ giả Dân Chúa học cách thế để thể hiện đúng ân sủng được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa nhờ Bí tích Rủa tội, và qua đó người Sứ giả được kín múc nguồn lực để làm tông đồ, đó là hành động mà Đức Kitô đã thường xuyên thực hiện, Thánh Kinh đã kể, Chúa thường xuyên tìm nơi hoang vắng để cầu nguyện, vì chính qua việc cầu nguyện, chúng ta thể hiện một cuộc gặp gỡ được xây dựng trên tình yêu dành cho Chúa, một tình bằng hữu thân tình với Chúa Kitô. “Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng ta không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động lòng chúng ta” (Niềm vui Tin Mừng số 264).
Đời cầu nguyện được tỏ bày qua việc lắng nghe Lời Chúa. Công đồng dạy: “Chỉ có ánh sáng đức tin và việc suy niệm lời Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra Chúa mọi nơi và mọi lúc, ‘nơi Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện hữu’, đồng thời cũng giúp chúng ta tìm biết thánh ý Chúa trong mọi biến cố, nhận ra Chúa Kitô nơi mọi người, dù là thân quen hay xa lạ, thẩm định đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của các thực tại trần thế, trong bản chất của chúng và trong mối tương quan với cứu cánh của con người” (AA số 4). Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã nhắn nhủ các Sứ giả của Dân Chúa như sau: “Nếu không có những thời khắc lâu để thờ phượng, gặp gỡ Lời Chúa trong kinh nguyện, hay đối thoại chân thành với Chúa, công việc của chúng ta dễ dàng trở thành vô nghĩa; chúng ta mất năng lượng do sự chán ngán và những khó khăn, và nhiệt huyết của chúng ta tắt dần. Hội Thánh cấp thiết cần hơi thở sâu của kinh nguyện, và tôi rất mừng khi thấy ngày càng tăng số những nhóm người ở mọi cấp trong đời sống Hội Thánh chuyên tâm cầu nguyện và chuyển cầu, đọc Lời Chúa trong kinh nguyện và liên lỷ chầu Thánh Thể. Dù vậy, “chúng ta phải bác bỏ cái cám dỗ cung cấp một thứ linh đạo tư riêng và cá nhân, vì nó không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái, chưa nói đến những hệ luỵ của sự nhập thể”. Luôn luôn có nguy cơ là một số thời khắc cầu nguyện có thể trở thành cái cớ để từ chối hiến thân truyền giáo; một lối sống tư riêng có thể khiến người Kitô hữu tìm trú ẩn nơi một số hình thức linh đạo sai lạc” (Niềm vui tin mừng số 263).
2. Gặp gỡ chính mình
Sứ giả của Dân Chúa sống ở giữa thế gian, tuy không thuộc về thế gian nhưng vẫn mang lấy thân phận yếu đưới mỏng dòn của con người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được sự mỏng dòn của phận người: “Sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7, 19). Bởi đó, người Sứ giả của Dân Thánh cần phải luôn nỗ lực tìm về chính mình để nhận biết rõ mình là ai?
Một cuộc gặp gỡ được thực hiện trên nền tảng của sự khiêm nhường và lòng sám hối. Bởi từ bản chất của con người vẫn luôn in đậm “cái tôi” lớn lao, luôn tự hào về chính mình, và khó chấp nhận một sự thua kém người khác trong các mối tương giao. Và đây là nguyên nhân tạo ra một một lực cản lớn để người Tông đồ có thể chuyển tải Tin Mừng đến cho người khác. Bởi nội dung Tin Mừng là nói về một Thiên Chúa yêu thương và đầy lòng thương xót, còn “cái tôi” ích kỷ, tự ái thì không thể nào phù hợp với nội dung của Tin Mừng.
Trở về với chính mình trước tiên để nhận ra mình là một tội nhân, một con người mỏng dòn yếu đuối. Thánh Giacôbê đã minh định: “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gb 3,2) và người chỉ rõ: “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gb 3, 8-9). Nhận ra sự yếu hèn của mình để luôn nỗ lực hoán cải, Chân phước Barberi đã cho biết bí mật giúp ngài thành công trong việc truyền giáo chính là cầu nguyện không mệt mỏi và sám hối nghiêm ngặt.
Trong việc hoán cải, người Sứ giả luôn thấy mình được thứ tha, đây là yếu tố cần thiết, để người Tông đồ luôn mang trong mình một trái tim quảng đại, bao dung. Đức Phanxicô trong bài giảng tại nguyện đường thánh Martha vào ngày 21-03-2017 đã nói: “Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm”.
Người Sứ giả đích thật của Dân thánh luôn nỗ lực sống khiêm tốn, và nhận ra rằng mình phải luôn xin được tha thứ trong tiến trình hoán cải hằng ngày trong cuộc sống. Thư chung Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI gởi Dân Chúa ngày 25-10-2023 đã nhấn mạnh: “Ngày này qua ngày khác, chúng tôi cảm nhận được lời kêu gọi cấp bách phải hoán cải về mục vụ và sứ vụ. Vì ơn gọi của Giáo hội là loan báo Tin Mừng không phải bằng cách quy về mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho thế gian”.
3. Đến với mọi người
Sứ giả của Dân Thánh thi hành nhiệm vụ loan báo nhắm hướng đến mọi người. Đức Phanxicô đã khẳng định trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng: “Sự cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện và Hội Thánh vui mừng loan báo là ơn được dành cho hết mọi người. Thiên Chúa đã tìm ra một cách để kết hợp với mọi con người trong mọi thời đại. Người đã quyết định kêu gọi họ trong tư cách một dân tộc chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ. Không ai được cứu rỗi một mình hay nhờ cố gắng riêng của mình” (số 113).
Trong chiều kích nầy, Đức Phanxicô mời gọi một cuộc canh tân mục vụ để cho công việc truyền giáo đạt tới mục đích tối thượng của nó, tức là người Sứ giả của Dân Thánh phải đi ra khỏi “ốc đảo” an toàn của thói tục, của tập quán quen thuộc, để làm một cuộc hành trình đến với muôn dân, khởi sự từ việc gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe, đây là mẫu thức đã được Thượng hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI áp dụng và trở thành khuôn mẫu cho một Giáo Hội Hiệp hành.
Thật vậy, trong một thế giới được gọi là thế giới phẳng, người tông đồ đối diện nhiều bối cảnh có nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, Sứ giả của Dân Thánh phải ý thức về tính hiệp hành của Dân Thánh, có nghĩa Dân Thánh là một cộng đoàn được thiết lập ngay từ nguyên thủy đã mang tính hiệp hành, ngay cả khi tính hiệp hành vẫn đang trong quá trình được thực hiện. Thật vậy, tính hiệp hành buộc phải được thực hiện đầy đủ hơn bao giờ hết, thể hiện lời kêu gọi triệt để để hoán cải, thay đổi, cầu nguyện và hành động dành cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, một Dân Thánh, một cộng đoàn hiệp hành, biết cởi mở, và đón nhận tất cả mọi người. Không có biên giới nào có thể ngăn cản hành động của Chúa Thánh Thần. Bản chất triệt để của Kitô giáo không phải là đặc quyền của một vài ơn gọi cụ thể, mà là lời kêu gọi mọi tín hữu xây dựng một cộng đoàn sống và làm chứng cho hết thảy mọi người biết về mối tương quan của con cái Thiên Chúa, một mối tương quan đặt trên nền tảng chân lý tình yêu, một mối tương quan dựa trên quà tặng và sự nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, lời kêu gọi cấp thiết là cùng nhau xây dựng một Giáo hội hấp dẫn và cụ thể: một công đoàn Dân Thánh rộng mở để trong đó tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón.
Qua Bí tích Rửa tội, người Giáo dân lãnh lấy trách nhiệm làm Sứ giả cho Dân Thánh, đây là một ơn gọi trọng đại được Chúa trao ban, vì thế, mỗi người tín hữu cần phải yêu mến và trân quí ơn gọi nầy, phải khắc ghi lời nhắc nhở của Thánh Phaolô “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em” (1Tx 4); “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4, 1). Vì đây là ơn gọi được Chúa trao ban, mỗi người Kitô hữu cần phải sống thánh thiện phù hợp với trách nhiệm là Sứ giả của Dân thánh, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh định: “Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân” (Tông Huấn Gaudete Et Exsultate số 14).
Lm. Antôn Hà Văn Minh