Ủy ban Giáo dân – Tháng 10/2024: Bài 2 – Động lực của đời tông đồ

13/10/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 10/2024:

NUÔI DƯỠNG TINH THẦN CHIÊM NIỆM

BÀI 2: ĐỘNG LỰC CỦA ĐỜI TÔNG ĐỒ

Để thi hành sứ vụ của mình, mỗi người tín hữu chúng ta được mời gọi trước tiên phải nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Chúng ta không thể là men Tin Mừng nếu đời sống Kitô hữu của chúng ta không được nuôi dưỡng từ những cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Đức Phanxicô đã nhấn mạnh: “Giáo huấn của Phúc Âm rất rõ ràng: chúng ta phải luôn cầu nguyện, ngay cả khi mọi sự dường như vô ích, khi Thiên Chúa dường như im lặng, không nghe, và chúng ta dường như lãng phí thời gian. Ngay cả khi bầu trời tối sầm, Kitô hữu vẫn không ngừng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Kitô hữu đi đôi với đức tin. Và niềm tin, trong rất nhiều ngày của cuộc đời chúng ta, có thể giống như là một ảo tưởng, một nỗ lực không kết quả: có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta. Và ở đó, đức tin như là một ảo tưởng. Nhưng thực hành cầu nguyện cũng có nghĩa là chấp nhận nỗ lực này”[1].

Mỗi người Kitô hữu phải minh định rằng: cầu nguyện phải chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống của mình, bởi nếu không cầu nguyện mọi hành động trong đời sống của mình trở nên trống rỗng và không mang lại lợi ích đích thật. Có thể nói rằng khi thi hành mọi nhiệm vụ trong Giáo Hội mà không dành thời gian cho việc đối thoại với Đức Kitô qua cầu nguyện, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ phục vụ bản thân mình chứ không phục vụ cho Nước Chúa.

Đời sống cầu nguyện hơi thở của người tông đồ

Đời sống cầu nguyện cần được nuôi dưỡng như khi chúng ta trồng một cây xanh. Cây sẽ không sống được nếu chúng ta không chăm bón, không tưới nước mỗi ngày, cây chỉ có thể xanh tốt khi mỗi ngày chúng ta săn sóc nó, không để nó thiếu nước. Đời sống cầu nguyện cũng vậy, đời sống cầu nguyện “không thể chỉ sống dựa vào những khoảnh khắc mạnh mẽ hoặc những cuộc gặp gỡ thỉnh thoảng mật thiết và sau đó ‘đi vào giấc ngủ đông’. Niềm tin của chúng ta sẽ khô héo. Chúng ta cần nước hàng ngày của việc cầu nguyện, của thời gian được dành riêng cho Thiên Chúa, để Người có thể bước vào thời gian của chúng ta; của những khoảnh khắc kiên trì trong đó chúng ta mở rộng trái tim mình với Người, để Người có thể mỗi ngày đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu, bình an, niềm vui, sức mạnh, hy vọng và như thế Người nuôi dưỡng đức tin của chúng ta”[2]. Có nghĩa là chúng ta phải nuôi dưỡng bằng cách cầu nguyện liên lỉ qua những lời nguyện tắt, chẳng hạn ngay khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, con cảm ơn và con xin dâng ngày này cho Chúa”. Đây là một lời nguyện ngắn. Sau đó, trước khi bắt đầu làm việc, chúng ta có thể lặp lại: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Giữa việc này và việc khác, chúng ta có thể cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa và con yêu mến Chúa”. Những lời nguyện tuy ngắn nhưng nó giúp chúng ta tương tác với Chúa.

Quả thật, lời nguyện ngắn được thực hiện cách dễ dàng trong suốt cả ngày, trong mọi nơi mọi lúc, đó là dòng nước nuôi dưỡng đời cầu nguyện. Chính lời nguyện ngắn, giúp tâm hồn chúng ta luôn hướng về Chúa, cũng có nghĩa hướng về sự thiện hảo, giúp chúng ta luôn gắn kết với Chúa, nhờ thế chúng ta sẽ không bị cám dỗ quỷ ma lôi kéo, để có thể nói như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui”[3] . Một lời nguyện ngắn là một lời tuyên xưng đức tin, lời tuyên xưng được tỏ bày qua việc tín thác vào Chúa được gói gọn trong lời nguyện ngắn. Sự thánh thiện của thánh nữ Têrêsa Hài đồng gói gọn trong lời nguyện ngắn: “Lạy Chúa, Chúa đổ tràn niềm vui xuống trên con trong tất cả mọi việc Chúa làm cho con”[4]. Và đó cũng là cách thế thánh nữ thực hiện công việc cộng tác vào truyền giáo của Giáo hội. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã minh định: “Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mặc khải cho “những người bé mọn”, những tôi tớ Đức Kitô, những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để công lý và hoà bình của “Nước Chúa trị đến” có ảnh hưởng trên tiến trình lịch sử; nhưng cũng quan trọng là phải dùng cầu nguyện mà nhào nặn khối bột là những hoàn cảnh tầm thường hằng ngày. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Chúa”[5].

Một trong những lời kinh giúp chúng ta nuôi dưỡng đời cầu nguyện đó là “kinh Lạy Cha”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã minh định: “Trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nghi thức trao Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh. Vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh… nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1 Pr 1,23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xóa nhoà trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ”[6].

Đời sống cầu nguyện còn được nuôi dưỡng bởi lòng đạo đức bình dân. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: lòng đạo bình dân “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được”[7], và ngài nói thêm: Lòng đạo Đức bình dân “khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”[8]. Lòng đạo đức bình dân nuôi sống đời cầu nguyện và nguồn lực giúp chúng ta ý thức về sứ vụ truyền giáo của mìn. Các Giám mục Châu Mỹ La tinh và vùng Caribê cũng đa nhấn mạnh, lòng đạo đức bình dân giúp người tín hữu “một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”[9].

Vì thế để đời sống cầu nguyện luôn triển nở và tăng thêm sự gắn kết với Thiên Chúa chúng ta luôn nại đến lời cầu nguyện qua những hình thức lòng đạo đức bình dân. Giáo sư Guzman Carriquiry, phó giám đốc Ủy ban Châu Mỹ La Tinh và là người gần gũi với Đức Phanxicô cho biết: “Khi còn nhỏ, cùng với cha mẹ mình, Đức Phanxicô thường hay cầu nguyện với Đức Mẹ Phù trợ. Ngoài ra, ngài cầu nguyện với Đức Mẹ Lujan thân thiết của người dân Buenos Aires, với Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng châu Mỹ, với Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt mà ngài tìm thấy trong một lần ngài đến Đức”[10]. Đức Phanxicô nói với Linh mục Alexander Awi, tác giả quyển sách nói về lòng kính mến Đức Mẹ: “Từ nhỏ, bà nội đã dạy tôi đọc Kinh Kính Mừng”. Lớn lên khi đi học, lòng tôn kính có được từ thời thơ ấu được vững mạnh về mặt trí tuệ, đặc biệt là với “thần học quần chúng”[11].

Đời sống chiêm niệm: Lương thực bổ dưỡng đời tông đồ

Tuy không là một đan sĩ, nhưng người tín hữu được mời gọi sống đời cầu nguyện qua việc chiêm niệm. Cầu nguyện chiêm niệm là cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự quan chiêm về tinh yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm Ba Ngôi, sự thương khó của Chúa Giêsu và nhất là đối với Thánh Thể Chúa. Qua việc quan chiêm Thánh Thể, chúng ta đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta củng cố đời sống đức tin hầu trở nên chứng nhân đích thực của tình yêu Chúa. Càng gắn kết với Chúa qua việc tôn thờ Thánh thể trong chiêm niệm, chúng ta càng làm cho đời chúng ta nên giống Chúa, và thúc đẩy chúng ta sẵn sàng tham gia vào hiến tế của Đức Kitô, từ đó chúng ta sẽ tuôn trào tình yêu của Người đến cho tha nhân.

Vì thế, cầu nguyện không chỉ là “khẩu nguyện” mà còn là cầu nguyện chiêm niệm. Cầu nguyện chiêm niệm chính là tìm kiếm một sự gặp gỡ thân mật với Chúa. Theo Thánh nữ Têrêsa: “Cầu nguyện chiêm niệm không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để một mình ở bên Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta”[12].Việc cầu nguyện chiêm niệm tìm kiếm “Đấng lòng ta yêu mến” (Dc 1,7). “Chúng ta tìm kiếm Đức Giêsu, và Chúa Cha hiện diện trong Người, bởi vì khao khát Người luôn là khởi đầu cho sự yêu mến Người. Và chúng ta tìm kiếm Người trong đức tin tinh tuyền, một đức tin khiến chúng ta được sinh ra bởi Người và được sống trong Người. Chúng ta cũng có thể suy niệm khi cầu nguyện chiêm niệm, nhưng cái nhìn luôn hướng về Chúa”[13].

Có thể nói, cầu nguyện chiêm niệm là thinh lặng“biểu tượng của thế giới đang tới”[14], hay “lời thầm lặng của tình yêu”[15]. Các lời nói trong việc cầu nguyện chiêm niệm không phải là những diễn từ, nhưng là những cọng rơm nuôi ngọn lửa tình yêu. “Trong sự thinh lặng này, là điều con người ‘bên ngoài’ không thể chịu đựng nổi, Chúa Cha nói cho chúng ta biết Ngôi Lời của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; Thần Khí nghĩa tử giúp cho chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu”[16] .

Thinh lặng quan chiêm Thánh Thể rất quan trọng, đặc biệt sau khi rước lễ. Cha Guy Oury nói rằng: khoảng thời gian im lặng này rất quan trọng: “Toàn thể Hội Thánh, toàn thể cộng đồng, nên dành thời gian để âm thầm tạ ơn. Làm như vậy là điều quan trọng, ngay cả khi việc này được làm sau khi kết thúc Thánh Lễ. Thánh Lễ tự nó là một lời tạ ơn, nhưng việc tạ ơn không chỉ dừng lại ở việc Rước lễ, nhưng vào lúc này, nên để sự yên lặng ”[17]. Giây phút im lặng sau rước lễ là đặt mình đối diện với Chúa Giêsu, và chính trong bầu khí này chúng ta dễ dàng nghe tiếng Chúa, nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Chúa chỉ có thể ngỏ lời với ta khi trái tim của chúng ta thinh lặng. Nếu bạn tự đặt mình trước mặt Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, Chúa sẽ nói với bạn. Và khi đó, bạn sẽ biết rằng bạn chẳng là gì cả. Chỉ khi bạn biết mình chỉ là hư vô, là trống rỗng, thì Chúa mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Những linh hồn cầu nguyện vĩ đại là những linh hồn biết thường xuyên thinh lặng thẳm sâu”[18].

Cha Joseph McGloin nhắc nhở chúng ta rằng thời gian im lặng này không thể là thời gian vô tâm và thụ động: “Giây phút kết hợp với Thiên Chúa sau khi Rước Lễ phải là phần tích cực và tuyệt vời nhất của Thánh Lễ đối với chúng ta. Chúng ta nói chuyện với Người và chúng ta lắng nghe. Cuộc nói chuyện của Người sẽ là cuộc nói chuyện lặng lẽ – cách mà Người hầu như luôn giao tiếp với con người… Người muốn dạy chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm thân mật này, hãy đáp lại tình yêu của Người. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ đáp trả cách tích cực. Cầu nguyện thầm lặng không có nghĩa là chỉ ngồi thụ động như vua chúa, chờ đợi những món quà được đặt dưới chân mình”[19].

Cầu nguyện thường xuyên là cách thế kiến tạo tình bằng hữu với Chúa Kitô cách mật thiết, và nhất là khi đặt mình trong bầu khí thinh lặng trước Thánh Thể. Chính nơi đây, chúng ta gặp gỡ Chúa cách mật thiết, chúng ta nghe được tiếng Chúa, và khi chúng ta đặt mình lắng nghe được giọng nói của Chúa trong con tim bình an, “con tim của bạn sẽ tràn ngập Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi nhiều hi sinh. Nếu bạn đã nghĩ đến và muốn cầu nguyện, bạn phải sẵn sàng, không trì hoãn. Ngay từ đầu, nếu bạn không quyết tâm, bạn sẽ không đạt đến tột đỉnh của sự cầu nguyện là chính sự hiện diện của Chúa”[20]. Tập trung vào việc đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Thánh Thể qua cầu nguyện, quan chiêm Thánh Thể sẽ làm chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy hơn cho tình yêu của Chúa.

Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Sự tác động lẫn nhau giữa lời nói và sự thinh lặng, là điều đánh dấu lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế của Người, cũng ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta bằng hai cách. Cách thứ nhất liên quan đến việc đón nhận Lời Chúa. Sự thinh lặng bên trong và bên ngoài là điều cần thiết để chúng ta có thể nghe được Lời này. Và điều này đặc biệt khó khăn đối với chúng ta trong thời đại này. Thật vậy, chúng ta sống trong một thời đại không mấy thuận lợi cho việc chiêm niệm; ngược lại, đôi khi người ta có ấn tượng rằng mình sợ tách rời, ngay cả chỉ một giây lát, khỏi sự ào ào của những lời nói và hình ảnh, là điều đánh dấu và tràn ngập thời đại chúng ta”[21]. Và ngài mời gọi: “Tái khám phá tính cách trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm. Truyền thống cổ kính của các Giáo phụ dạy chúng ta rằng các Mầu nhiệm của Chúa Kitô đều có liên hệ với sự thinh lặng; chỉ nhờ thinh lặng, Lời mới đến cư ngụ trong chúng ta, như nơi Đức Maria, vừa là người phụ nữ của Lời vừa là người phụ nữ của thinh lặng”[22].

LM Antôn Hà Văn Minh