Ủy ban Giáo dân – Tháng 12/2024: Bài 1 – Gia đình là Hội Thánh tại gia

03/12/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 12/2024:

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO HỘI

BÀI 1 – GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

Gia đình, với tư cách là nền tảng của xã hội và Giáo hội, luôn giữ một vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh Gioan Phaolô II đã gọi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” nơi tình yêu Thiên Chúa hiện diện sống động. Từ tổ ấm gia đình, các thế hệ được nuôi dưỡng trong đức tin, tình yêu và hy vọng, đồng thời được mời gọi trở thành chứng nhân Tin Mừng giữa lòng thế giới.

1. Gia đình là hình ảnh của Giáo hội

Gia đình Kitô hữu là hình ảnh cụ thể phản ánh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và sống động. Tình yêu giữa các thành viên gia đình được ví như “một cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”[1], nơi mọi người cùng chia sẻ niềm tin, vui mừng và hy vọng giữa những thách đố và khó khăn của cuộc sống.

Cha mẹ được trao trách nhiệm như những người thầy đầu tiên dạy con cái biết yêu thương và thực hành đức tin. Họ được mời gọi dùng đời sống và gương sáng để giáo dục con cái, vì chỉ qua đời sống đức tin, gia đình mới truyền lại đức tin cho thế hệ sau. Qua đó, gia đình trở thành nơi gieo mầm các giá trị Kitô giáo, giúp các thế hệ sống gắn bó với Chúa Kitô và Hội Thánh của Người.

Gia đình còn là không gian để cầu nguyện và sống phụng vụ. Khi cùng nhau đọc Lời Chúa, tham dự Thánh lễ và cử hành phụng vụ, các thành viên trong gia đình gắn bó mật thiết hơn với Thiên Chúa và với nhau. Nhờ đó, gia đình trở thành nơi đầu tiên để thực hành đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Kitô.

2. Gia đình – Cộng đoàn loan báo Tin Mừng

Không chỉ là nơi sống đức tin, gia đình còn mang nơi mình sứ mạng loan báo Tin Mừng qua đời sống yêu thương và gương sáng. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Gia đình là cộng đoàn đầu tiên được mời gọi rao giảng Tin Mừng”[2]. Qua cách sống trung thực, bác ái và tha thứ, gia đình Kitô hữu trở thành ánh sáng Tin Mừng giữa thế gian.

Thực hành bác ái trong gia đình là một phần quan trọng của sứ mạng này. Việc thực thi bác ái của gia đình thực sự là chứng tá sống động về tình yêu Thiên Chúa. Việc giúp đỡ người nghèo, an ủi người đau khổ hay chăm sóc các thành viên yếu thế trong gia đình là cách để sống trọn vẹn đức tin Kitô hữu.

Thêm nữa, gia đình Kitô hữu tham gia vào đời sống Giáo hội qua việc tham dự các hội đoàn, sinh hoạt giáo xứ và các hoạt động cộng đồng. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình không chỉ củng cố đức tin mà còn sống mầu nhiệm hiệp thông một cách cụ thể và sống động. Sự tham gia này giúp làm phong phú đời sống Giáo hội và gắn kết các thành phần Dân Chúa.

3. Gia đình – Trường học đức tin và đào luyện nhân cách Kitô hữu

Gia đình là nơi các thế hệ học cách yêu thương, sống đức tin và hình thành nhân cách. Gia đình có trách nhiệm dạy con cái biết sống công bằng, yêu thương và tôn trọng. Đây là nền tảng để trẻ em phát triển không chỉ trong môi trường gia đình mà còn trong xã hội.

Tha thứ và hòa giải là nền tảng cốt lõi trong đời sống gia đình Kitô hữu, nơi các vết thương được chữa lành và tình yêu được tái sinh. Qua lòng tha thứ và sự bao dung, gia đình không chỉ vượt qua những căng thẳng thực tế, hay xung đột mà còn được củng cố như một cộng đoàn hiệp nhất trong Chúa Kitô. Nhờ đó, gia đình trở thành môi trường thiêng liêng, giúp mỗi thành viên lớn lên trong đức tin và trưởng thành về nhân cách.

Cha mẹ là những nhân chứng sống động của đức tin và luân lý, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống thiêng liêng và nhân cách của con cái. “Cha mẹ là nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô cho con cái”. [3] Bằng đời sống gương mẫu, cha mẹ không chỉ giáo dục mà còn truyền cảm hứng, giúp con cái gắn bó với Chúa và sống đúng tinh thần Kitô giáo.

Tóm lại, gia đình là Hội Thánh tại gia, nơi phản ánh tình yêu, đức tin và sự hiệp nhất của Giáo hội. Qua việc sống đức tin, thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng, gia đình không chỉ trở thành cộng đoàn yêu thương mà còn là ánh sáng soi dẫn giữa đêm tối dặm trường của thế giới. Sứ mạng của gia đình Kitô hữu là làm cho Chúa Kitô hiện diện trong đời sống thường ngày, để từ đó xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và tràn đầy hy vọng.

4. Hồi tâm

1) Tôi làm gì để gia đình mình thực sự trở thành “Hội Thánh tại gia,” nơi tình yêu, hy vọng và đức tin được củng cố và lan tỏa?

2) Khi gặp những thách đố hoặc mâu thuẫn gia đình, tôi đã nhận ra dấu chỉ của Chúa Kitô Phục Sinh như thế nào để tiếp tục xây dựng gia đình trên nền tảng yêu thương và tha thứ?

3) Gia đình tôi đã sống chứng tá Kitô giáo như thế nào qua tình yêu, sự hòa giải và bác ái để mang ánh sáng Tin Mừng đến cho cộng đồng xung quanh?

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Tông huấn Familiaris Consortio, số 17.

[2] FC, số 51.

[3] FC, số 53.

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ