Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc HĐGMVN – Bài huấn luyện số 5

02/10/2018

UBGD-HĐGM. VN

Ban Nghiên Huấn

PHẦN TU ĐỨC

SỐNG MẦU NHIỆM RỬA CHÂN:

MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG (Ga 13,1-20)

Xây dựng cộng đoàn Kitô hữu sống “yêu thương nhau”, đó là một sứ mạng lớn lao mà hẳn là từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta cảm nghiệm được sức nặng và tính thách đố. Hành trình dựng xây cộng đoàn như thế chỉ có thể được thực hiện trong năng động yêu thương và cung cách phục vụ của chính Đức Giêsu, cách đặc biệt qua mầu nhiệm rửa chân.

Vì sao lại rửa chân? Hình ảnh bàn chân gợi lên cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Chúng ta thường dùng “đôi chân” để làm gì? Bàn chân mang ý nghĩa nào? Đó là nơi thấp nhất, bẩn-nặng mùi, và mang nhiều dấu ấn cuộc đời. Bàn chân đưa chúng ta đi trên mọi ngõ ngách đời sống, đến mọi nơi, thánh thiêng và phàm tục…

Việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ được hiểu như bài học thực hành về việc phục vụ khiêm tốn. Người rửa chân cho từng môn đệ của Người; Người tự làm lấy tất cả. Nhưng không chỉ như thế, chúng ta được mời gọi hiểu mầu nhiệm rửa chân dưới ánh sáng mầu nhiệm Thánh Thể; và trong ánh sáng này, chúng ta nhận ra rửa chân là một hành động mang tầm mức Thánh Thể. Cả hai cử hành đều diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh: “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (c. 1).

Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22);

Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ …” (Ga 13, 4-5).

 

Hành động rửa chân của Đức Giêsu tương ứng với hành động “trao Bánh” cho các môn đệ Người. Qua mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu trở nên Bánh trao ban sự sống; qua mầu nhiệm rửa chân, Người trở nên người phục vụ bàn ăn, trao ban chính mình, hành động đưa đến hiệu quả “chung phần với Thầy”. Như thế, việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một mẫu gương phục vụ, nhưng còn là một hoạt động đưa đến mầu nhiệm hiệp thông với Người: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8). Như chính hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành động rửa chân, Đức Giêsu làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch, làm cho chúng ta nên công chính, bằng chính ngôi vị của Người, bằng sự sống-bằng chính Thánh Thể Người.

Không dễ dàng gì khi để Đức Giêsu rửa chân cho mình như thế. Thánh Phêrô cũng gặp thách đố này, vì ông khép kín trong cách hiểu của mình. Đức Giêsu mặc khải cho ông lời hứa chung phần, dầu vậy, việc rửa chân và hiệu quả “chung phần” này vẫn khó hiểu, khó đón nhận. Vì thế, Đức Giêsu nói với Phêrô: “việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.

Như thế, rửa chân không chỉ mang ý nghĩa hạ mình phục vụ, nhưng còn mang ý nghĩa đưa đến hiệp thông-“chung phần” với Đức Giêsu. Chính vì thế, từng người chúng ta phải được Đức Giêsu rửa chân, phải kinh nghiệm mình được Đức Giêsu đích thân “rửa chân” như thế nào, khi đó chúng ta mới có lòng ước ao và có sức mạnh nội tâm để “rửa chân” cho nhau, nghĩa là phục vụ và xây dựng cộng đoàn hiệp thông. Chớ gì chúng ta được chinh phục bởi “tình yêu đến cùng” của Đức Giêsu, để Người rửa chân cho mình, nhờ đó chúng ta có thể rửa chân cho nhau qua việc phục vụ.

Hồi tâm.

  1. Tôi cần thay đổi trong điều gì trong đời sống và công việc cá nhân?
  2. Trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trong giáo xứ, những lãnh vực nào hay những tương quan-mối liên hệ nào tôi cần quyền năng Chúa chữa lành, cần Đức Giêsu “rửa chân”-thanh tẩy và biến đổi?
  3. Tôi có dự tính như thế nào để canh tân đời sống-cung cách ứng xử cá nhân và tương quan mục vụ, để nỗ lực phục vụ?

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

 “GỌI THỢ LẠI MÀ TRẢ CÔNG CHO HỌ…”

“Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất’” (Mt 20,8)

Dẫn vào

Ngày 24-9-2018 vừa qua, tại Trung tâm Mục Vụ Giáo Phận Mỹ Tho, dịp Hội nghị Thường Niên của Hội đồng Giám Mục Việt Nam Kỳ II Năm 2018, trong diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, đồng thời là Đại diện Không Thường Trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã phát biểu: “Sự hiện diện của Đức Tổng là một bằng chứng cho mối dây hiệp thông hữu hình giữa Tòa Thánh và Giáo hội Việt Nam…”.[1]

Trong phần cuối của diễn từ, Đức Tổng Giám mục Giu-se cũng thưa với các thành viên của hội nghị về vai trò của các ngài, những mục tử, những “nhà quản lý”: “… điều chắc chắn là tất cả những gì chúng ta sẽ thảo luận và quyết định trong kỳ họp này đều nhằm mục đích lợi ích của Dân Chúa trên quê hương Việt Nam. Cũng vì thế, hội nghị của chúng ta mang chở niềm hy vọng cho các Ki-tô hữu Việt Nam, cho các giáo phận và cho các dòng tu nam nữ”.[2] Theo đó, chúng ta có thể suy luận về lãnh đạo mục vụ, về quản trị trong Giáo hội từ việc “… gọi thợ lại mà trả công” và “bắt đầu từ những người vào làm sau chót”.[3]

Gọi thợ lại mà trả công cho họ…

“Gọi thợ lại mà trả công cho họ…” được trình bày trong tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Ủy ban Giáo Dân (HĐGMVN) (2010), nhắc đến Thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi Ti-mô-thê.[4] Theo đó, người phục vụ Nước Chúa không mong chờ bổng lộc trần gian như danh vọng, chức quyền…. Người phục vụ Tin Mừng cần có tinh thần vô vị lợi và biết kiên trì hoạt động theo gương Thánh Tông Đồ Phao-lô.[5] Tuy nhiên, để có thể: (1*) nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ; (2*) cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ; (3*) có uy tín phục vụ và hứng khởi tham gia công việc Hội Thánh, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ có thể được hưởng một số quyền lợi khi còn sống và khi qua đời.

Quyền lợi khi còn sống

Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ khi còn sống, được: (1) học hỏi, huấn luyện, bồi dưỡng cách hệ thống qua tập huấn, thường huấn, chuyên huấn… nhằm nâng cao tinh thần và năng lực phục vụ; (2) bồi dưỡng cách riêng qua các dịp tĩnh tâm, đặc biệt là dịp nhận chức và chuẩn bị mừng trọng thể lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ; (3) linh mục chính xứ dâng lễ cầu nguyện cho dịp lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ;[6] (4) cộng đoàn giáo xứ bày tỏ thái độ trân trọng, biết ơn, cầu nguyện và chung tay cộng tác để xây dựng Giáo hội Chúa; (5) cấp vi bằng, khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, theo quy định của giáo phận.[7]

Quyền lợi khi qua đời

Vì các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã từng cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, khi: (1) đến dịp lễ các linh hồn (2-11), các thành viên đã qua đời có quyền được giáo xứ trích quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ để xin một thánh lễ cầu nguyện cho; (2) một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện; (3) người bạn đời của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:[8] * Người bạn đời của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Người bạn đời của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) đại diện hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. (4) cha hoặc mẹ của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Cha hoặc mẹ của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Cha hoặc mẹ của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.[9]

Câu hỏi giúp thảo luận

  1. Bạn nghĩ thế nào về ý tưởng “làm việc Nhà Chúa và được trả công”?
  2. Theo bạn, “… trả công… từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất” (Mt 20,8) nghĩa là làm sao?

28-9-2018, GTHH

 

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần II: GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

GIÁO DÂN TRONG CHIỀU KÍCH ÂN ĐIỂN CỦA GIÁO HỘI

1. Hội Thánh là Cộng Đoàn của Thần Khí

Hội Thánh toàn cầu đã vậy, huống hồ chi Hội Thánh địa phương (Giáo Phận và Giáo Xứ) không chính yếu hệ tại ở cơ cấu tổ chức hay địa giới hay cơ sở, nhưng là “gia đình của Thiên Chúa, gồm các phần tử được nung đốt bằng Thần Khí liên kết”, “một mái ấm gia đình niềm nở”, hay “cộng đoàn các tín hữu” như tông huấn Người Kitô Hữu Giáo Dân số 26 xác định.

Một trong các chiều kích chính yếu của cộng đoàn ân điển này chính là:Hội Thánh (cả cấp giáo phận và giáo xứ) được trình bày cách sống động, dựa trên  nền tảng thần học vững chắc, như một “cộng đoàn Thánh Thể”. Điều đó có nghĩa là Hội Thánh, nhất là trong cơ cấu gần gũi nhất là Giáo Xứ, phải được hiểu và biểu hiện như một cộng đoàn thích hợp nhất cho việc cử hành Lời Chúa và Thánh Thể. Đó chính là nguồn mạch xây dựng cộng đoàn, sợi giây liên kết bền chặt giữa các phần tử và cột chặt nó trong sự hiệp thông toàn cầu. Hội Thánh toàn cầu và Giáo Phận có thể thực hiện được điều cơ bản này khi làm cho Giáo Xứ được toàn thể các phần tử của mình tích cực coi nó như một cộng đoàn đức tin có tổ chức xây dựng vững chắc trên nền tảng Lời Chúa Thánh Thể.

2. Vai trò của Chủ Chăn trong Gia Đình ân điển này

Chắc chắn trong Gia Đình ân điển này, hàng Giáo Sĩ giữ một vai trò then chốt như tông huấn CFL số 22 xác định: vai trò này làm họ được tham dự vào chính chức linh mục tư tế của Đức Kitô Giêsu, là tác vụ không chỉ khác về cấp độ và còn trong nội dung với sự tham dự được ban cho mọi Kitô hữu thông qua Phép Rửa và Thêm Sức. Mặt khác, như Công Đồng Vatican II nhắc nhở, tác vụ linh mục này phải hoàn toàn hướng về và phục vụ cho tác vụ linh mục vương giả của tất cả mọi tín hữu. (Lumen Gentium 10)

3. Vai Trò và Công Tác của Kitô hữu Giáo dân trong Gia Đình Thánh Thể

Như vậy, vai trò của người Kitô hữu Giáo dân bên trong Hội Thánh (cụ thể là Hội Thánh địa phương) chính là xây dựng để biến giáo xứ mình trở thành một “Cộng đoàn – Gia đình Thánh Thể trong Thần Khí”. Cho dầu không phải là phần tử đứng đầu với chức thánh, tất cả mọi Kitô hữu giáo dân đều phải là các chi thể tích cực của cộng đoàn này, tùy theo khả năng, tuổi tác và địa vị của mình.  Điều này phải được biểu lộ cách đặc biệt trong các hoàn cảnh, khi nào và nơi đâu, vì một lý do nào đó, tác vụ của giáo sĩ nhất thiết cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của giáo dân .Giáo Luật 230 khẳng định: “Ở đâu nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên giáo sĩ, các giáo dân dù không có tác vụ chính thức đọc sách hay giúp lễ, cũng có thể làm thay, cụ thể là thực thi thừa tác viên Lời Chúa, chủ tọa các buổi đọc kinh phụng vụ, ban Phép Rửa và cho rước lễ, theo các qui định của giáo luật.

Ở đây không có vấn đề một năng quyền đặc biệt nào được ban cho người tín hữu, mà chỉ là xác định sự chuẩn bị xứng đáng của một số phần tử nào đó trong cộng đoàn đứng ra đảm trách công khai thi hành các việc phục vụ liên quan tới cộng đoàn Thánh Thể và thực hành tác vụ linh mục chung của mọi người. Công Đồng Vatican II gọi điều này trong ngôn ngữ thần học là ‘tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô” (xem CFL 21). Các xác định trên là nền tảng cho tất cả mọi sinh hoạt giáo dân đóng góp vào việc xây dựng giáo xứ, nhất nhất xoay quanh cử hành Thánh Thể và Lời Chúa, từ các tác vụ liên quan trực tiếp tới các phục vụ gián tiếp hơn như ca đoàn, giúp lễ, quét đọn nhà thờ, phòng thánh, và còn xa hơn nữa cho tới mọi trang hoàng, rước sách và lễ hội v.v… của cộng đoàn này.Tất cả các sinh hoạt này chỉ có ý nghĩa một khi giáo dân thi hành trong ý thức xây dựng gia đình Thánh Thể và Lời Chúa của Giáo Hội Địa Phương (Giáo Xứ).

Trong quá trình lịch sử, Giáo Hội Việt Nam đã sớm khai thác và triển nở một dạng phục vụ cộng đoàn Thánh Thể và Lời Chúa cách rất đa dạng và độc đáo. Do nhiều hoàn cảnh xui khiến, cũng như do lòng quảng đại của các giáo dân mà nhiều hình thức tham gia phục vụ rất sáng tạo và quan trọng được hình thành. Thời xưa‘Thầy Giảng’ chính là trường hợp các giáo dân tích cực nhất được chọn lọc tham gia vào công tác này; các thày làm thay cho giáo sĩ trong mọi sự, trừ cử hành thánh lễ, khi các ngài vắng mặt. Ngày nay, nhất là tại nhiều vùng truyền giáo, đặc biệt giữa các anh chị em dân tộc, các Giáo Phu cũng là các giáo dân tích cực cũng cống hiến một sự phục vụ quảng đại và hữu hiện thuộc dạng này. Họ không thể được coi như một thứ bán giáo sĩ, nhưng phải được nhìn nhận là các Kitô hữu giáo dân đích thực nhất trong cộng đoàn, hầu xây dựng Gia Đình Thánh Thể tại một Hội Thánh địa phương. Chúng ta cần cảm tạ Chúa và nỗ lực vun trồng truyền thống tốt đẹp đáng tự hào này của Hội Thánh Việt Nam chúng ta.

4. Vai trò và Công tác của Giáo Dân trong việc xây dựng Cộng Đoàn Ân Điển

Ngoài ra Kitô Hữu Giáo Dân cũng nhận được trực tiếp từ Chúa Thánh Thần rất nhiều ân điển phong phú hầu đóng góp xây dựng Cộng Đoàn Ân Điển. Các ân điển này được gọi là ‘đoàn sủng’ (charisms) như CFL 24 giải thích như sau: “Chúa Thánh Thần, trong khi ban phát nhiều tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hiệp thông, còn không ngừng tô điểm Hội Thánh bằng những ân huệ đặc biệt dưới tác động của ơn thánh; điều này được gọi là ‘đoàn sủng’. Các đoàn sủng này mang nhiều hình thức rất khác nhau, vì biểu hiện sự tự do tuyệt đối của Thánh Thần, Đấng hằng cung cấp các đoàn sủng này cách phong phú hầu đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của lịch sử Giáo Hội. (xin tham khảo1 Cr 12:7-10; 1 Cr 12:4-6, 28-31; Rm 12:6-8; 1 Pr 4:10-11, cũng xem Apostolicam Actuositatem, số 3). Hội Thánh có bổn phận nhìn nhận và tôn trọng các ân điển này, không những trên bình diện cá nhân, mà cả trên bình diện tập thể. Riêng trên bình diện tập thể dưới dạng dòng tu, hiệp hội và hội đoàn, Hội Thánh có vai trò  và thẩm quyền minh định rõ nguồn gốc Thần Khí, cũng như định hướng qui về và phục vụ Nhiệm Thể của Đức Kitô của các tổ chức ấy, qua việc phê chuẩn cách chính thức.

Nếu ‘đoàn sủng’ được hiểu theo nội dung trên, thì mỗi Kitô hữu bất luận giáo sĩ hay giáo dân đều có trách nhiệm tối đa cổ súy đoàn sủng mình nhận được vì lợi ích chung của toàn Hội Thánh Chúa, đồng thời họ có thể liên kết với những người khác hầu phát huy đoàn sủng này cách mạnh mẽ hơn (xem CFL 29). Ta gọi việc liên kết này là quyền thiết lập và tham gia vào các hiệp hội và hội đoàn, mà mọi phần tử Kitô hữu, bất luận Giáo sĩ hay Giáo dân đều có.  Cũng trong nội dung này ta mới hiểu được ý nghĩa và vai trò của các hội dòng, các hiệp hội và đoàn thể do bất kì Kitô hữu nào sáng lập trong Hội Thánh. Thật vậy Giáo luật số 215 khẳng định: “Các Kitô hữu Giáo dân hoàn toàn tự do trong việc thành lập và điều hành các hội đoàn, đoàn thể mang mục đích bác ái và tôn giáo hay để khích lệ ơn gọi Kitô hữu trên thế giới. Họ hoàn toàn tự do tham dự các buổi họp hầu theo đuổi mục đích chung đã đề ra”. Cũng trong nội dung này ta hiểu được sự tại sao các ‘dòng tu’, trong tư cách là một tập thể đoàn sủng trong Hội Thánh, có thể dung nạp được cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân trong số các thành viên của mình.

Câu hỏi gợi ý:

  1. Bạn có thấy nhu cầu thống nhất tầm nhìn của nhiều hoạt động đa diện trong giáo xứ, để mọi ban ngành cùng chung một chí hướng phục vụ Gia đình Thánh Thể không?
  2. Bạn quan niệm gì về Thầy Giảng hay Giáo Phu? Các sinh hoạt này nói lên điều gì cho nội dung phục vụ của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (Ban Hành Giáo) chúng ta?
  3. Cha xứ có trách nhiệm nào trong việc thiết lập hay sinh hoạt của một hiệp hội hay đoàn thể đã được Đấng Bản Quyền công nhận cách chính thức? Khi nào thì ngài có quyền câm đoán hay ngăn cản các đoàn thể – hiệp hội đó?

 

PHẦN MỤC VỤ

Nền văn hoá toàn diện và liên đới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965) cho đến nay, từ “văn hoá” được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện chính thức và quan trọng của Giáo hội Công giáo[10]  vì văn hoá bao gồm hầu như mọi sinh hoạt thường ngày của con người. Vì thế chúng ta cần tìm hiểu xem văn hoá là gì, Giáo hội muốn chúng ta xây dựng loại văn hoá nào và xây dựng nó bằng cách nào?

  1. Văn hoá là gì?

Từ văn hoá có nhiều nghĩa. Theo nghĩa chữ, văn là vẻ đẹp do mầu sắc tạo ra, là hình thức đẹp trong nghi lễ, nghệ thuật, ngôn ngữ, trong cách cai trị, cư xử…; hoá có nghĩa là dạy dỗ, làm cho hình thành. Trong Từ điển Tiếng Việt, ta thấy có 5 ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa rộng nhất: “Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Ví dụ: kho tàng văn hoá dân tộc[11].

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 53, đã xác định văn hoá gắn kết chặt chẽ với bản tính con người: “Một đặc điểm của con người là bản ngã nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hoá, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị tự nhiên. Vì thế, cuộc sống con người bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và văn hoá”.

Công đồng cũng mở rộng nội dung của văn hoá: “Theo nghĩa tổng quát, từ “văn hoá” chỉ tất cả những gì con người có thể sử dụng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để tìm cách  chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, cả trong đời sống gia đình cũng như nơi cộng đồng chính trị, trở thành nhân bản hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau cùng, để diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, để giúp cho nhiều người, thậm chí cho toàn thể nhân loại, tiến bộ hơn”.

Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á công bố năm 1999, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gián tiếp nhắc đến các yếu tố cơ bản về văn hoá để chúng ta nhận thức được nội dung lớn lao của văn hoá. Ngài xác nhận: “Châu Á có nhiều nền văn hoá”, được hiểu như là những hệ thống giá trị.  

Ngài nhắc nhở: “Văn hoá là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá mà họ đang sinh sống. Nếu con người và xã hội thay đổi, văn hoá cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hoá đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hoá ấy biến đổi theo[12].

  1. Giáo Hội đang muốn xây dựng nền văn hoá nào?

Trong lịch sử nhân loại, người ta đã biết đến nhiều nền văn hoá khác nhau như văn hoá bái vật hoặc bái thần, văn hoá duy vật hoặc duy tâm, văn hoá sự sống hoặc sự chết, văn hoá hữu thần hay vô thần, văn hoá xã hội chủ nghĩa hoặc cá nhân chủ nghĩa….

 2.1. Văn hoá nhân bản

Giáo hội Công giáo cổ vũ nền văn hoá nhân bản. Đây là một hệ thống giá trị bao gồm các suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Hệ thống suy tư giúp ta có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những hành vi và kỹ năng sống để ta thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại [13].

Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội [14] và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô”[15] .

2.2. Mục đích của nền nhân bản mới

Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là Adam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” [16].

Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23, để trở thành con người mới có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu[17] cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này [18] .

2.3. Con người  toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?

Nền văn hoá nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới. Công đồng Vaticanô II đã lưu ý đến những lĩnh vực này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến chế Gaudium et Spes. Công đồng lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.

Bốn mươi năm sau Công đồng, Giáo hội Công giáo tổng hợp những vấn đề của con người trong cuốn Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo, công bố năm 2004, thành một nền văn hoá nhân bản đúng đắn và toàn diện. Nền văn hoá này còn được xác nhận qua cuốn Docat, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi tặng các bạn trẻ thế giới năm 2016.

2.4. Con người liên đới có các mối tương quan nào?

Con người toàn diện có 4 mối quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện tốt đẹp các tương quan ấy:

Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên.

Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào.

Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ:  Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống.

  1. Giáo Hội xây dựng nền văn hoá bằng cách nào?

Phương cách quan trọng được Giáo Hội cổ vũ là hội nhập văn hoá (HNVH)[19].

Hội nhập là hoà mình vào trong một cộng đồng lớn. Ví dụ: Việt Nam hội nhập vào khối ASEAN. HNVH là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới.

Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo Hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Ví dụ các thừa sai nước ngoài đến giảng đạo đã học tiếng Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ đã hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô Giáo HNVH vào châu Á[20]. “Thánh Thần đã cho chúng ta hiểu biết chân lý toàn diện, thì cũng có thể giúp chúng ta đối thoại với các giá trị văn hoá và tôn giáo của các dân tộc được kết quả[21] .

Ngoài tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, chủ thể hội nhập chính là Giáo Hội được hiểu như là cộng đồng Kitô hữu. Những con người này, có một nền văn hoá riêng, nghĩa là có cả một hệ thống giá trị vật chất cũng như tinh thần được sáng tạo và tích luỹ qua dòng lịch sử. Bây giờ Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại với một nền văn hoá nào đó, “trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy[22].

Hơn nữa, việc HNVH bao gồm nhiều giá trị trên các lĩnh vực khác nhau, nên chủ thể hội nhập có thể trao đổi, gặp gỡ và đón nhận các giá trị trên nhiều bình diện khác nhau. Vì thế, ĐTC nói đến việc đưa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, hay đưa những giá trị về đức tin, thần học, phụng vụ, linh đạo, huấn giáo của Kitô giáo hội nhập vào một nền văn hoá nhất định[23].

Kết luận

Nhìn vào cộng đồng xã hội Việt Nam, người Công giáo chúng ta không thể không ưu tư vì số người biết Đức Giêsu hãy còn quá ít sau hàng trăm năm loan báo Tin Mừng cũng như tình trạng suy thoái về văn hoá và đạo đức của dân tộc. Chúng ta chỉ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách xây dựng nền văn hoá toàn diện và liên đới với những cố gắng hội nhập văn hoá của mọi thành phần dân Chúa.

Câu hỏi gợi ý

  1. Giáo Hội muốn xây dựng nền văn hoá với những đặc điểm nào nào?
  2. Việc hội nhập văn hoá được diễn tả qua những mối tương quan nào?

[1] Nguyễn Chí Linh, Diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (24-9-2018).

[2] Ibid.

[3] X. Mt 20,8.

[4] 2 Tm 4,7-8.

[5] X. BGL, đđ. 305; 536.

[6] Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm.

[7] Tòa giám mục cấp cho các thành viên ban thường vụ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ (theo đề xuất của linh mục chính xứ). Linh mục chính xứ cấp cho các thành viên khác.

[8] Tương tự như số (2) của điều này.

[9] X. Ta, “Điều 19-21: Quyền lợi – Quyền lợi khi còn sống – Quyền lợi khi qua đời” trongThần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 768-773.

[10] Xem Mục lục phân tích chủ đề, mục từ Văn hoá, cúa sách Công đồng Chung Vaticanô II, năm 2012, tr 1025; sách Giáo Lý Hội Thánh công Giáo, năm 2010, tr 1063; sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, tr 686-689; sách Docat, năm 2017, tr 112,242,76,155,243,45,102,277-278.

[11] Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr 1409

[12] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[13] X. CĐ. Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10

[14] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo,  xuất bản năm 2007, số 62

[15] Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22

[16] X. Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22

[17] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo,  năm 2007, số 575-580

[18] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, số 431

[19] X. Như được nói đến trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 13; Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 20; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 52. Trong tông huấn Giáo hội tại Châu Á, ĐTC Gioan Phaolô II nhắc đi nhắc lại từ này nhiều lần, đặc biệt ở số 21 (4 lần) và 22 (10 lần).

[20] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[21] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[22] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[23] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 22