Cô đơn về tình cảm

20/10/2023

Tôi là một thanh niên 20 tuổi. Nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là cô đơn về tình cảm: tôi không thể làm quen hoặc tiếp xúc với một thiếu nữ nào cả, đừng nói gì đến chuyện yêu thương ai; tôi không gia nhập một nhóm hay một đoàn thể nào; nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình bị tách biệt ra khỏi xã hội. Đâu là lý do tâm lý bất thường của tôi và tôi phải làm gì để thay đối hoàn cảnh của tôi?

Trước hết phải nhìn nhận rằng cô đơn tình cảm là một thảm cảnh đang lan ra như một vết dầu loang trong xã hội ngày nay, không chỉ những người già, mà cũng không thiếu những người trẻ đang sống trong cô đơn lẻ loi, chính vì thế thường có những cơ quan, những tổ chức từ thiện nâng đỡ những người bị bỏ rơi trong cô đơn, cô độc. Đối với nhiều người trẻ, cô đơn còn trở thành gánh nặng vào những ngày cuối tuần; trong khi bạn bè tham gia sinh hoạt nhóm hoặc vui chơi giải trí, thì họ lại giam mình trong nhà, không biết tiếp xúc với ai, và có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi hoặc bị trừng phạt vì một tội lỗi nào đó, bù lại, họ thường tìm đến các giải pháp kích thích tinh thần như men rượu, ma túy, phim ảnh. Một bác sĩ tâm lý còn nhận định rằng vào thời gian trước những dịp lễ lớn, như Giáng sinh, đầu năm mới, những người sống trong cô đơn lại càng cảm thấy bị đè nặng hơn: đang khi những người khác quây quần bên cạnh xe người thân, thì họ vẫn một thân một mình gậm nhấm hương vị đắng cay của cảnh cô đơn.

Trước thảm cảnh tâm lý đang lan tràn này, điều khẩn thiết là tái khám phá ra ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống chung. Mỗi người cần ý thức rằng họ không chỉ sống cho bản thân, mà còn phải thoát dần ra khỏi cái tôi để sống với người khác nữa. Trong tuổi thơ ấu, cảm giác về đời sống chug hầu như không có, cái tôi vốn là tâm điểm của đời sống đứa trẻ. Tuy nhiên, tiến trình phát triển tâm lý và nhân bản phải bắt đầu từ cảm giác về bản thân, về cái tôi, để dần dần rộng mở và bước sang cảm giác về đời sống chung, từ gia đình sang cộng đồng xã hội. Nói khác đi, tiến trình phát triển con người toàn diện là một hành trình từ chủ quan tiến đến nhãn giới khách quan rộng mở, ra khỏi những ràng buộc hẹp hòi của bản thân.

Thế nhưng, ra khỏi cái tôi ích kỷ là bước tiến cam go nhất trong đời sống mỗi người, là cả một sự liều lĩnh, chẳng khác nào nhắm mắt lao mình vào bóng tối. Người Ý có nói: “Biết bỏ những gì sau lưng, nhưng không biết rõ sẽ gặp những gì trước mặt”. Thật vậy, từ bỏ cái tôi ích kỷ của tuổi thơ, từ bỏ vị trí được ưu đãi trong gia đình, để mất hút trong cộng đồng rộng lớn hơn, thiết tưởng không phải là chuyện dễ dàng. Bước tiến cam go và liều lĩnh đó đòi hỏi lòng tự tin và can đảm; thiếu tự tin và can đảm sẽ dẫn đến những bất ổn và chậm trễ trong tiến trình phát triển tâm lý.

Con người không chỉ sống sự sống thân xác mà thôi, nhưng còn phải sống với tất cả nhiệt huyết tinh thần nữa. Nhiệt huyết tinh thần đó chính là tình thương, là cảm thấy mình được yêu thương và có thể yêu thương. Và dĩ nhiên, nếu thiếu tình thương, thì buồn sầu, thất vọng, cô đơn, chán nản sẽ xâm chiếm tâm hồn. Ai trong chúng ta lại không có lần cảm nghiệm được tâm linh trong ánh mắt buồn thảm của người không biết yêu hoặc không được yêu. Cả những băn khoăn, lo lắng, bất an, cũng là dấu hiệu, là tiếng kêu của cơn đói khát tình thương.

Con người không được tạo dựng để là một hòn đảo giữa đại dương, nhưng là để sống liên đới với người khác; mỗi người chẳng khác nào một mảnh đá nhỏ cần tìm thấy chỗ đứng của mình trong bức tranh khảm đá khổng lồ. Khát vọng yêu thương và xã hội tính đó cho chúng ta hiểu tại sao sự cô đơn tinh thần và tình cảm là một gánh nặng khó chấp nhận hơn cả. Nhưng để có thể yêu thương người khác một cách chân thành, thì điều kiện tiên quyết là phải biết yêu thương chính mình, là biết chấp nhận những giới hạn của mình, kể cả sự cô đơn tình cảm. Để tìm ra động lực yêu thương tha nhân, trước hết phải biết tìm ra lý do yêu thương chính mình, bởi vì chỉ khi nào chúng ta chấp nhận thực trạng của mình, lúc đó chúng ta mới có thể chấp nhận người khác với tất cả những hạn hẹp của họ. Nếu không có tình yêu trong tâm hồn và không khiêm tốn chấp nhận thực trạng của bản thân và của người khác, mọi sự sẽ trở nên gánh nặng làm cho chúng ta dễ bực tức, nóng nảy, và do đó càng bị người khác xa tránh và nỗi cô đơn tình cảm càng thêm sâu đậm.

Với ý chí cương quyết thắng vượt tính ích kỷ, bạn sẽ nhận ra rằng bạn càng làm cho mình dễ mến bao nhiên, thì mọi sự và mọi người sẽ càng trở nên dễ chịu hơn. Bạn cũng đừng quên rằng mỗi cử chỉ, mỗi hành động yêu thương, là như mở thêm một cánh cửa đưa bạn ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến gần người khác hơn, và rằng nỗi cô đơn tình cảm không phải là gánh nặng không thể chia sẻ, cho bằng vì bạn chỉ muốn mang gánh nặng một mình mà thôi.

Thánh Phaolô đã có lý khi khuyên nhủ tín hữu Galata: “Anh em hãy mang gánh nặng của nhau, như vậy anh em chu toàn được luật Chúa Kitô”, và luật Chúa Kitô là gì, nếu không phải là luật yêu thương đến mức anh hùng tức là hiến mạng sống vì người mình yêu và yêu thương ngay cả thù địch nữa.

Pasquale Ionata

Nguồn: dongten.net