Giá trị của việc nói “Không”

17/01/2025

Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về một cuộc sống mà nơi đó chúng ta phát triển không chỉ về mặt nghề nghiệp mà còn về cá nhân và tinh thần.

Trong thế giới bận bịu của mình, chúng ta luôn chịu áp lực phải nói “có”. Chúng ta thường thấy bản thân bị ngập ngụa bởi mong muốn làm hài lòng người khác hoặc leo lên trên bậc thang nghề nghiệp, khiến chúng ta phải chấp nhận thêm công việc, thêm trách nhiệm mới và những cam kết khiến lịch của chúng ta kín mít. Động lực đằng sau những tiếng “có” này thường đa dạng, bao gồm cả sự hấp dẫn về thu nhập, tiềm năng được thăng chức hoặc đơn giản là nhu cầu đảm bảo vị trí của chúng ta trong một thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với những lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta liên tục nói “có”?

Trong đoạn Phúc Âm theo thánh Mát-thêu 5:37, Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Lời khuyên này không chỉ nói về sự trung thực, mà còn mời chúng ta suy ngẫm sâu sắc về những cam kết của chính mình: Bạn đang nói “có” với những điều gì?

Trong khi chúng ta có lẽ đang thăng tiến trong sự nghiệp của mình, chúng ta có nguy cơ bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống đòi hỏi sự chăm sóc của chúng ta: mối quan hệ, hạnh phúc cá nhân và thăng tiến thiêng liêng.

Giá trị của việc nói “không” 

Sự cám dỗ cam kết quá mức thường khiến chúng ta bỏ qua giá trị của sự cân bằng. Khi chúng ta đồng ý đảm nhận nhiều hơn những gì chúng ta có thể xử lý, chúng ta có thể tạm thời cảm thấy hiệu quả hoặc thậm chí không thể thiếu, nhưng điều này có thể trả một cái giá đắt. Điều cần thiết là phải nhận ra rằng nói “không” không phải là hành động ích kỷ; đúng hơn, đó là một bước thiết yếu hướng tới việc nuôi dưỡng một cuộc sống tròn đầy hơn. Bằng cách đặt ra những ranh giới, chúng ta tạo ra không gian cho những gì thực sự quan trọng. 

Hãy tưởng tượng những khoảnh khắc chúng ta có thể lấy lại bằng cách nói “không”, thời gian để dành cho con cái, những khoảnh khắc cầu nguyện và suy ngẫm, hoặc thậm chí là cơ hội tham gia vào những sở thích làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta. Đây là những trải nghiệm làm sâu sắc thêm ý thức mục đích và sự hài lòng của chúng ta, nhiều hơn so với lịch trình kín mít đó. 

Hơn nữa, hãy xem xét đến ảnh hưởng của việc nói “không” một cách cẩn thận đối với các mối quan hệ của chúng ta. Khi chúng ta học cách nói “không” một cách khéo léo, chúng ta không chỉ bảo vệ thời gian của mình mà còn định hình ranh giới lành mạnh cho những người xung quanh. Chúng ta khuyến khích gia đình và bạn bè mình nên ưu tiên sức khỏe và theo đuổi những thú vui mang lại cho họ niềm vui. Khi làm như vậy, chúng ta tạo ra văn hóa tôn trọng thời gian và nhu cầu của nhau, cho phép hỗ trợ lẫn nhau. 

Học cách phân định

Hơn nữa, hành động nói “không” có thể được xem như một cơ hội cho việc phân định. Nó thúc đẩy chúng ta tự hỏi bản thân những câu hỏi thiết thực: Điều gì thực sự quan trọng đối với tôi? Làm thế nào tôi có thể phục vụ gia đình, cộng đồng và hạnh phúc của chính mình một cách tốt nhất? Việc suy ngẫm này cho phép chúng ta sắp xếp các lựa chọn của mình với các giá trị của bản thân, phải chắc chắn rằng những việc “có” và “không” của chúng ta luôn có chủ đích và ý nghĩa.

Sau hết, học cách nói “không” với lòng bác ái và khéo léo không chỉ là một món quà dành cho chính bản thân mình mà còn là một biểu hiện sâu sắc cho tình yêu thương với những người chúng ta trân trọng. 

Bằng việc ưu tiên những gì thực sự quan trọng, chúng ta có thể nuôi dưỡng sự tồn tại tròn đầy và có mục đích hơn, dựa trên sự phong phú của các mối quan hệ và niềm vui của việc sống theo các giá trị của chúng ta.

Nguồn: Aleteia 

Tác giả: Daniel Esparza  

Chuyển ngữ: Huyền Đào | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên