Khôn ngoan thì tha thứ

09/09/2022

Hỏi: Con thấy đạo Công Giáo luôn dạy người ta yêu thương tha thứ, kể cả với kẻ thù. Nhiều người bạn của con cho rằng ý tưởng đó là cao vời, bất công. Vậy tha thứ có tầm quan trọng như thế nào và làm thế nào để có thể tha thứ?

Trả lời:

Không có tương quan nào lại không phảng phất “mùi vị” của phiêu lưu, của căng thẳng và của đổ vỡ. Ra khỏi mình để bước vào tương quan với người khác, và mở rộng cánh cửa đời mình cho người khác bước vào căn nhà của mình, là sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu, là ý thức và chấp nhận mình có thể bị tổn thương, bị đau đớn. Nhưng nếu chỉ ý thức và chấp nhận những hậu quả tiêu cực xảy ra, thì chưa đủ. Thêm vào đó, cũng cần ý thức để tìm cách chữa lành những vết thương, xoa dịu những khổ đau và xây dựng lại mối tương quan trong hòa bình và tình yêu. Cụ thể hơn, bước đầu tiên cần có là cần phải cảm thông và tha thứ. Tuy nhiên, tại sao lại phải tha thứ và làm thế nào để có thể tha thứ?

Tha thứ là yêu thương và quý trọng chính mình

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngắn ngủi như sau:

Một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van nài, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy viên đá nằm ven đường ném vào người hành khất. Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang viên đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.”

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì lừa dối, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người ăn xin nhẹ nhàng cất hòn đá vào trong túi của mình rồi tự nhủ: “Tại sao tôi lại mang hòn đá bên mình trong bao nhiêu năm qua. Con người này giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”. Sau đó thì anh ta tha thứ cho kẻ thù. Đúng thật, ai khôn thì luôn tha, ai khôn thì mau chóng quên đi lỗi lầm của người khác.

Hòn đá của hận thù cần được để xuống, nỗi đau cuộc sống cần được giải thoát khỏi cái vòng quỷ quyệt gây ra đau khổ. Hận thù được tháo cởi, con người tìm lại được sự thảnh thơi, an bình và nét đẹp trong tâm hồn. Nhưng không chỉ tìm lại nét đẹp bên trong, mà khi tha thứ còn tìm được nét đẹp bên ngoài được diễn tả qua thân xác nữa. Có vài lần bắt gặp những đôi mắt hận thù rực lửa trên khuôn mặt của người sống trong hận thù, chỉ muốn trốn xa họ, vì khi ôm ấp hận thù trong lòng, họ đánh mất đi nét đẹp của đôi mắt và khuôn mặt, dù cho họ có make up biết bao lớp phấn đi nữa. Và từ họ không còn toả ra niềm vui thanh thoát trong sáng nữa, mà một sự trì nặng của tức giận và thù hận đang kéo ghì họ xuống. Người ôm ấp hận thù đang đánh mất vẻ đẹp và niềm vui sống.

Nếu chúng ta cứ “cứng đầu” ôm ấp nỗi đau và nỗi hận trong lòng thì cũng chẳng giải quyết được gì tốt đẹp cả. Walter Kasper đã đặt lại vấn nạn chúng ta sẽ đi về đâu, khi chúng ta không nhân từ và không tha thứ, nếu chúng ta trả thù kẻ gây ra những bất hạnh cho chúng ta, bằng hành động xấu xa của chúng ta – Mắt đền mắt, răng đền răng. Với Kasper, khi nhìn những kinh nghiệm thật đau thương và ghê gớm của những hành động trả thù trong thế kỷ thứ 20, thì giới răn yêu thương cần được cập nhất hoá trở lại, và lòng thương xót nhân từ và tha thứ cần được mọi người nhắc đến như là những hành động khôn ngoan nhất. Chỉ có những ai vượt trên những nấm mồ cũ kỹ, và sẵn sàng đưa tay để bắt tay người khác, để xin được thứ tha, cũng như để sẵn sàng tha thứ, thì những xung đột gây ra nhiều đau thương và làm cho bao dòng máu phải chảy được đặt lại trên bàn để đi tìm hướng giải quyết.

Nói như thế, không phải là chúng ta sẽ giấu nhẹm hay quên khuấy những bất công, những hành động bất nhân. Thật vậy, chúng ta không được phép cất chúng vào trong những ngăn tủ bàn. Chúng ta cần phải thành thật với nhau, đặt những hành động bất nhân và bất công trên bàn, và chúng ta cần phải thú nhận tội lỗi mà chúng ta gây ra với tất cả sự hối lỗi xin thứ tha, cũng như chúng ta mở rộng lòng khoan nhân để tha thứ, để cùng hướng tới một tương lai mới hơn và tốt hơn. Có như thế, thì tinh thần tha thứ sẽ đến, tinh thần này sẽ tẩy trừ nọc độc của thù hận, và làm cho tương quan của chúng ta không còn vướng mắc hai từ ngữ “kẻ thù”. Như vậy, một sự khởi đầu mới sẽ lên đường, và một tương lai mới của chúng ta sẽ tìm thấy lối đi. Trong tinh thần này, thì giới răn yêu thương kẻ thù không còn là một thứ của credo quia absurdum est – một kiểu hành động vô lý, mà là một kiểu của credo quia rationabile est, nghĩa là giới răn yêu thương kẻ thù là một kiểu hành động của lý trí đầy khôn ngoan.

Cũng thế, hận thù như là cỏ dại trong cánh đồng đời mình, nên nếu chúng ta cứ nuôi hận thù, thì cỏ dại có thể lan tràn và theo thời gian sẽ tràn ngập cánh đồng, lấy màu mỡ của đất và lấn át những cây lúa tốt tươi. Vì vậy, nếu còn yêu thương mình và quý trọng cuộc sống của mình, thì chúng ta cần phải thoát ra nỗi khổ đau của hận thù, cần phải nhổ cỏ dại ra khỏi cánh đồng tâm hồn mình và tha thứ thật sự.

Nhớ đến ngày lìa đời và khôn ngoan chấm dứt hận thù

Trong sách Huấn Ca viết:

“Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn”
(Hc 28,6).

Một số lần đồng hành với những người đau yếu nặng trên giường bệnh, tôi nhận ra một điều rất đẹp, đặc biệt và khôn ngoan. Người bệnh nặng, trước khi vào cơn hấp hối, luôn khôn ngoan mở lời xin lỗi mọi người trong gia đình, xin lỗi vợ, xin lỗi chồng, xin lỗi con cái, xin lỗi tất cả và xin mọi người trong gia đình và họ hàng cùng bạn bè thân quen tha thứ cho mình. Có lần, một người có mặt đáp lời: “Cháu cũng xin lỗi và cũng xin Cô tha thứ cho cháu về những lời nói, cử chỉ, hành động làm mất lòng Cô”. Hận thù gì nữa, khi chuẩn bị bước vào cõi chết. Thật vậy, cần bước vào cõi chết với đôi mắt thanh thoát từ từ nhắm lại trong an bình, như là bước vào giấc ngủ say của cõi ngàn thu, mà không có hận thù và căng thẳng nào đeo bám. Đó là sự khôn ngoan của đời người.

Tha thứ không chỉ là hành động khôn ngoan, mà còn là một hành động yêu thương bản thân và yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, sẵn sàng ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

Tha thứ cho người khác là cho họ một tương lai

“Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ. Chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và chưa bị vẩn đục” (Simon Weil). Ý tưởng của Simon Weil thật mạnh mẽ và rõ ràng. Còn trong thực tế, tương lai thường bị những lỗi lầm “ám ảnh”, đến nỗi khó có thể xây dựng một tương lai cho đẹp. Vì vậy, con người sẽ trao tặng cho nhau “món quà tương lai”, khi con người yêu thương và tha thứ cho nhau.

Qua tha thứ, người ta không để cho sức mạnh tiêu cực của quá khứ ảnh hưởng trên hiện tại và trên tương lai nữa, cả tương lai của người tha thứ lẫn tương lai của người được thứ tha. Ở đây, nếu nhắc đến người được tha, chúng ta lại trở về với dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca. Người con đi hoang được Cha yêu thương, tha thứ và đón nhận trở về cách rộng lượng vô cùng. Cách hành xử của Cha vượt trên tất cả những thành kiến và khổ đau, để vẫn giữ được một cái nhìn thật thanh cao của tình yêu tràn đầy sự cảm thông và tha thứ. Cái nhìn thanh cao này không chỉ trao lại cho người con hoang chiếc nhẫn diễn tả vị thế làm con, mà cái nhìn này còn mở ra cho người con, đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại, một chân trời mới, một tương lai với những viễn tượng mới đầy tràn tình yêu thương. Hơn nữa, qua sự tha thứ của người Cha tốt lành khôn ngoan dành cho con mình, bầu khí của gia đình và cộng đoàn cũng tìm lại sức sống mới.

Tha thứ đem lại sức sống mới cho gia đình và cho cộng đoàn

Tại bàn tiệc của lòng nhân hậu và tha thứ, người con hoang đàng trong Tin Mừng tìm lại vị trí “Cậu” trong gia đình. Niềm vui của “Cậu” chắc là lớn lắm. Niềm vui đó được hòa chung với niềm vui của nhiều người trong nhà. Niềm vui đó cũng chính là sức sống mới mà gia đình và cộng đoàn của “Cậu” nhận được qua sự tha thứ, để mọi người bắt đầu xây dựng lại bầu khí yêu thương.

Trở về với Đức Kitô chúng ta thấy, sau khi tỏ lòng nhân từ và tha thứ cho Gia–kêu, cho Lê–vi, Ngài đã đến gia đình của họ để chia sẻ bàn tiệc với họ, nghĩa là qua sự tha thứ cho một thành viên, Đức Kitô cũng muốn đem lại một làn gió mát cho gia đình và cộng đoàn của họ. Nói cách khác, sự tha thứ không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân, mà cộng đoàn cũng nhận được những ảnh hưởng rất tích cực từ sự tha thứ cho mỗi thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn. Nếu tội lỗi làm đổ vỡ cộng đoàn, thì sự tha thứ nối kết và xây dựng lại cộng đoàn. Vâng, “nếu cộng đoàn là nơi tội lỗi hiện diện, thì chúng ta phải mạnh dạn xin mọi người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta cũng cần tha thứ cho mọi người”.

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê–su đã dạy rằng: “Vậy, khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23–24). Sự chia cách và khuynh hướng tạo nên những căng thẳng không được phép “có mặt” trong đời sống cộng đoàn và giữa anh chị em với nhau. Nếu không, thì mọi người trong cộng đoàn sẽ không xứng đáng dâng lễ để thờ lạy Thiên Chúa. Nói khác đi, sự bất hòa của anh chị em với nhau làm rách mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa của cộng đoàn cần được phát xuất từ những con tim hiệp nhất, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Thật vậy, chúng ta không thể đi vào cộng đoàn để cầu nguyện, để dâng của lễ lên Chúa, cũng như để sống tinh thần hiệp thông yêu thương, nếu lòng chúng ta nặng trĩu những nỗi đau, những nỗi hận đang trì kéo chúng ta xuống những hố sâu đen đủi. Cộng đoàn của Tin Mừng được thành lập trên tinh thần tha thứ. Cộng đoàn đó chỉ hiện hiện ở nơi mà tất cả các anh chị em, nghĩa là từng cá nhân một trong cộng đoàn có được một chỗ để hiện diện, được góp mặt vào trong một tập thể chung, vượt trên sự khác biệt về tính tình, và bất chấp mặt ưu và mặt khuyết của họ. Trong cộng đoàn đó, anh chị em chấp nhận mỗi người như họ là, chấp nhận tất cả những lỗi lầm và tội lỗi họ gây ra.

Tha thứ thuộc về cuộc sống thường ngày của người Công Giáo

Là người Công Giáo, chúng ta từ thuở nhỏ ai cũng thuộc làu làu Kinh Lạy Cha. Trong đó có lời cầu nguyện: xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Lời cầu nguyện này thật đặc biệt, vì nó đưa chúng ta đi vào thực tế đời sống hằng ngày, với biết bao đụng chạm, với biết bao bực dọc, cũng như không thiếu tức tối, ghen ghét và hận thù. Có những người đã chia sẻ rằng, càng đọc lời kinh này, thì càng nhức nhối, vì thật là khó để tha thứ, đặc biệt tha thứ cho những người đã gây ra biết bao đau khổ cho cuộc đời mình. Đó là một thực tế không ai chối cãi được. Thực tế đó cũng chỉ ra giới hạn của con người chúng ta, vì vậy chúng ta cần có ơn Chúa ban, cần được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, hoán chuyển mọi nỗi hận thù tức giận trong lòng, để từng bước mặc lấy chính tinh thần của Đức Ki–tô, sống tha thứ thật sự cho kẻ thù.

Cùng cộng tác với ơn Chúa ban, chúng ta liên lỷ tập sống tha thứ, dù khó đến mấy. Đúng vậy, khó thì mới tập, mà càng khó thì càng phải nỗ lực tập mỗi ngày. Một tâm tình có thể giúp chúng ta tập sống tinh thần tha thứ, là chúng ta nên nhớ lại sự tha thứ của Chúa dành cho chúng ta như thế nào. Biết bao lần lầm lỡ, biết bao tội lỗi chúng ta gây ra, làm thương tổn người khác, làm thương tổn đến chính bản thân mình, và xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa đều tha thứ tất cả. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi, Ngài đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với mỗi người chúng ta, thì lời xin vâng đó có giá trị đời đời. Sự tha thứ của Chúa luôn “có chỗ” trong cuộc đời của chúng ta.

Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không? Có lần Chúa Giêsu đòi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21–22). Đức hồng Y Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ gần 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.

Có một phương cách khác giúp tập tha thứ mỗi ngày, là chúng ta nên dành vài phút ngắn ngủi vào đêm khuya để nhìn lại ngày sống, trước khi đặt mình lên giường nghỉ. Trong cầu nguyện chúng ta xin Chúa Thánh Thần trở thành “nhà tư vấn”, để xin Ngài giúp chúng ta nhận ra những cảm xúc giận hờn, bực tức và hận thù trong ngày chúng ta có. Chúng ta tự hỏi: Cảm xúc tiêu cực đó đến từ đâu vậy? Chúng ảnh hưởng trên tôi trong ngày sống như thế nào và chúng dẫn tôi đến đâu? Sau đó, trong âm thầm và khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết dâng lên Chúa những cảm xúc tiêu cực đó, và nếu có ai đó trong ngày đã làm cho chúng ta giận hờn, tức tối và hận thù, thì xin Chúa dạy chúng ta biết cảm thông mở lòng tha thứ cho họ. Cuối cùng, chúng ta dâng lời cầu nguyện cho người đã làm mất lòng chúng ta.

Chắc chắn khi nhìn lại như vậy xong, thì Chúa sẽ vui lòng và ban lại cho chúng ta bình an và sự thảnh thơi, để lên giường ngủ thật ngon. Nếu mỗi ngày được Chúa Thánh Thần tư vấn và hướng dẫn, và khôn ngoan bước theo đường Ngài chỉ dẫn, thì niềm vui sống luôn hiện diện trên hành trình cuộc đời.

Lời kết

Khôn ngoan thì tha thứ. Tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng và nền tảng trong đời sống làm người, làm Ki–tô hữu.

Ý thức tinh thần tha thứ thật khó đối với phận người, nên chúng ta cùng chạy đến với Chúa. Xin mời bạn cùng bắt đầu tập sống tha thứ với lời cầu nguyện sau đây:

Lạy Chúa Giê–su, cùng với Chúa, con xin tha thứ cho kẻ thù của con.
Như Chúa, con xin cầu nguyện cho họ và xin Chúa đoái nhìn đến họ,
để họ cũng được Chúa yêu thương, như Chúa yêu thương con,
và cuối cuộc đời, Chúa cũng đón nhận cả kẻ thù và cả con
vào hưởng hạnh phúc bên Chúa, Đấng Yêu Thương và luôn tha thứ. Amen.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Nguồn: hdgmvietnam.com