Những hương liệu làm nên tình yêu

10/06/2022

“Phúc cho đầy tớ nào chủ gặp thấy còn tỉnh thức khi chủ trở về” (Lc 12,37).

Đâu đâu trên thế giới người ta cũng đi tìm tình yêu, vì ai cũng tin rằng chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới, chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống.

Nhưng rất ít người hiểu được tình yêu thực sự là gì và làm thế nào tình yêu nảy sinh trong tâm hồn con người. Tình yêu thường được đồng hoá với những tình cảm tốt đẹp của ta đối với người khác, hoặc là sự nhân hậu, không bạo động hay sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên, tất cả những tình cảm này tự chúng không phải là tình yêu.

Tình yêu phát sinh từ sự tỉnh ngộ. Tình yêu chỉ có bao lâu bạn biết nhìn một con người đúng như sự thật của người ấy ngay lúc này và tại đây, chứ không nhìn họ như bạn nhớ, như bạn mong muốn, như bạn tưởng tượng, như bạn dự kiến.

Bằng không, không phải bạn đang yêu con người ấy mà chỉ đang yêu cái ý tưởng bạn có về người ấy hoặc chỉ đang yêu người ấy như đối tượng bạn hằng mong muốn, chứ không phải chính con người ấy.

1. Thế nên, hành vi đầu tiên của tình yêu là nhìn người ấy, vật ấy đúng như sự thật của nó. Và muốn làm việc này, bạn phải chấp nhận một sự hy sinh lớn là bỏ những mong muốn, những thiên kiến, những ký ức, những dự phóng, hay cách nhìn có lựa chọn của mình – một sự hy sinh lớn tới mức rất nhiều người thà vùi đầu vào những hành động và những việc phục vụ hơn là chấp nhận để cho ngọn lửa của sự hy sinh khổ hạnh ấy thiêu cháy mình.

Tìm cách phục vụ một con người mà không chịu vất vả nhìn xem người ấy, bạn có chắc là đang đáp ứng các nhu cầu của người ấy hay lại đang thoả mãn các nhu cầu của chính mình? Thế nên, hương liệu thứ nhất làm nên tình yêu là hãy thực sự nhìn xem người khác.

2. Hương liệu thứ hai cũng quan trọng để nhìn thấy mình, để có thể chiếu thẳng vào những động cơ, tình cảm, nhu cầu, sự bất lương, thói tìm mình, khuynh hướng muốn kiểm soát và lèo lái của bạn. Đó chính là dám gọi mọi sự bằng đúng tên của chúng, dù khám phá ra những điều ấy gây cho bạn nhiều hậu quả đau đớn đến đâu.

Nếu tỉnh ngộ được về người khác và bản thân mình như thế, bạn sẽ biết thế nào là yêu. Bởi vì lúc ấy bạn sẽ có được trí khôn nhanh nhẹn và tỉnh táo, tâm hồn trong sáng và nhạy  cảm, nhận thức minh bạch, khả năng sắc bén tới mức có thể tìm ra sự ứng phó thích hợp cho mọi tình huống và mọi lúc. Có khi bạn bị thôi thúc không thể cưỡng lại để bắt tay hành động, nhưng cũng có lúc bạn như bị kéo lại và dừng tay. Có lúc bạn được lệnh không biết đến những người khác, nhưng cũng có lúc bạn như được yêu cầu phải chú ý tới họ như họ mong muốn. Có khi bạn trở nên rất dịu dàng và gần như chiều theo, nhưng cũng có lúc bạn tỏ ra không khoan nhượng, cương quyết, thậm chí mạnh bạo.

Bởi chưng, tình yêu mà xuất phát từ sự nhạy cảm sẽ mang rất nhiều hình thức bất ngờ, không khuôn theo một hướng đi hay một nguyên tắc đã có sẵn, chỉ tùy vào thực tại cụ thể lúc này. Lần đầu tiên khi trải nghiệm sự nhạy bén ấy, rất có thể bạn thấy sợ. Vì lúc ấy mọi sự tự vệ của bạn như bị vỡ toang, sự bất lương của mình như bị phơi trần, các tường luỹ che chở bạn như bị đổ sập xuống.

Hãy nhớ tới sự sợ hãi của người nhà giàu kia khi dám nhìn vào tình trạng đáng thương của người nghèo, hay sự sợ hãi của nhà độc tài khát khao quyền lực đã can đảm nhìn vào tình cảm của đám dân bị mình đàn áp, hay sự sợ hãi của người cuồng tín nọ khi nhìn ra sự giả dối trong những niềm tin của mình và khi khám phá ra những niềm tin ấy không ăn khớp chút nào với thực tế. Hoặc sự sợ hãi của một tình nhân lãng mạn khi quyết định nhìn điều mình đang yêu không phải là người mình yêu mà chỉ là một hình ảnh của mình về người ấy.

Đó chính là lí do tại sao người ta nói rằng hành vi đau đớn nhất mà con người có thể làm, và cử chỉ đáng sợ nhất của con người chính là dám nhìn. Chính khi dám nhìn như thế mà tình yêu nảy sinh, hay có thể nói chính xác hơn, chính hành vi dám nhìn mình ấy là tình yêu.

Một khi bạn bắt đầu nhìn, khả năng tình cảm sẽ đưa bạn tới chỗ tỉnh ngộ để nhận thức không chỉ những điều bạn muốn thấy mà tất cả mọi điều khác nữa.

Cái tôi đáng thương của bạn sẽ tìm cách, dù hoàn toàn vô vọng, làm sao cho khả năng nhạy cảm của bạn cùn nhụt đi, vì những hàng rào tự vệ do cái tôi ấy dựng lên đang bị cướp đi dần, chẳng còn gì che chở và chẳng còn gì để bám vào.

Nếu có bao giờ bạn để cho mình được nhìn ra như thế, lúc ấy bạn sẽ thấy cái tôi của mình chết. Đó chính là lí do tại sao người ta nói tình yêu là điều hết sức kinh khủng: yêu là nhìn thấy và nhìn thấy thì sẽ chết. Nhưng tình yêu cũng là điều hết sức hạnh phúc, là kinh nghiệm đem lại hân hoan vui sướng nhiều nhất trên thế giới này. Và khi cái tôi chết là ta có được tự do, bình an, thư thái và hân hoan.

Nếu tình yêu đúng là điều bạn ao ước, thì hãy bắt đầu tập nhìn đi.

Hãy làm việc này cách nghiêm túc: thử nhìn một người mà bạn không thích, và nghiêm túc xem thành kiến của bạn về người ấy. Thử nhìn một người hay một vật mà bạn đang bám víu, và nghiêm túc xem sự bám víu ấy đã khiến bạn đau khổ, hời hợt và mất tự do như thế nào; rồi nhìn lại thật lâu với cái nhìn âu yếm những khuôn mặt và bóng dáng những con người ấy. Thử dừng một lát để nhìn ra thiên nhiên với tất cả sự ngỡ ngàng: một con chim bay, một bông hoa nở, một chiếc lá vàng rơi, một dòng sông chảy, một ánh trăng lên, một dáng núi in trên bầu trời. Trong lúc nhìn ngắm ấy, bỗng dưng bạn cảm thấy lớp vỏ chai cứng bao bọc tâm hồn bạn mềm ra và tan ra, con tim bạn linh hoạt trở lại với tất cả sự nhạy cảm và hưởng ứng. Màng đen trong mắt bạn rụng xuống và cái nhìn của bạn lại trong sáng và tinh tế. Lúc ấy, bạn mới biết thế nào là tình yêu.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích trong sách: Tiếng gọi yêu thương