Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

10/05/2024

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh nghiệm cho thấy chỉ có tình thương mới thực sự giải phóng chúng ta khỏi ham muốn kiểm soát mọi thứ.

Tuần trước, trong lớp giáo lý tôi phụ trách ở một trường trung học, các học sinh đang tranh luận sôi nổi khi tôi bước vào lớp học. Tiết học trước đó, chúng tôi tham dự Thánh lễ và có một học sinh vì cảm thấy mình đã không tập trung nên quyết định không rước lễ vì tôn kính Bí tích Thánh Thể. Sau Thánh lễ, có một cuộc thảo luận sôi nổi dọc hành lang và lan sang cả lớp học của tôi. Liệu chúng ta có thể tham dự Thánh lễ một cách hoàn hảo không? Chẳng phải đôi khi chúng ta cũng mất tập trung và xao nhãng ít nhiều sao? Phải chăng có những loại tội cứ mãi dai dẳng? Hay tình yêu của chúng ta vẫn còn khiếm khuyết?

Tôi hình dung học sinh ở hầu hết các trường sẽ dành thời gian giải lao giữa các tiết học để vọc điện thoại, tán gẫu, hoặc vội vàng hoàn thành bài tập về nhà. Nói không khoe khoang chứ ở trường tôi thì các em tranh luận về các vấn đề thần học sâu sắc lắm. Tôi rất thích giảng dạy trong một ngôi trường có bản sắc Công giáo rõ ràng như vậy.

Khi chuông vào lớp bắt đầu, tôi quyết định đề ra một vài hướng dẫn cho cuộc thảo luận và biến nó thành chủ đề chính trong tiết học của chúng tôi.

Một người từng cầu toàn nói về việc cầu toàn
Về chủ đề này, tôi có đôi điều chia sẻ. Bản thân tôi đã từng vượt qua thói cầu toàn. Nó rất vất vả. Tôi từng thức khuya ôn thi mặc dù đã nắm vững kiến thức. Vì một lý do nào đó, với tôi thì điểm 100 quan trọng hơn 98. Dù sao thì tôi cũng chỉ được 98 điểm vì quá mệt mỏi vào ngày thi. Chạy đường dài mà không có đủ thời gian phục hồi? Vâng, tôi đã từng làm thế, đến mức tôi thực sự làm tổn thương cả cơ thể mình. Tôi nghĩ mình có thể chạy nhanh hơn vài giây nữa, nhưng thay vào đó, tôi chạy chậm hơn và bị chấn thương vì ép buộc cơ thể quá sức.

Trong đời sống thiêng liêng, sự cầu toàn đặc biệt tai hại. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đủ tốt lành để được Chúa yêu thương. Tôi nghi ngờ sự tha thứ của Ngài, lo lắng rằng mình ăn năn chưa đủ. Bạn có thể thấy đây là một vấn đề rất lớn.

Nếu tôi muốn làm gì, tôi muốn làm nó một cách thật hoàn hảo. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi hát solo thánh ca trong Thánh lễ với tư cách là linh mục. Tôi hát Kinh tiền tụng. Nó tạm ổn, nhưng tôi đã mắc lỗi ở một vài chỗ, và càng về cuối càng nhiều lỗi hơn. Bởi vì mong muốn không mắc lỗi nào, tôi đã không thể thoải mái và bình tĩnh khi mắc những lỗi nhỏ. Cổ họng tôi nghẹn lại. Giọng của tôi đã bị lệch tông. Điều trớ trêu là tính cầu toàn của tôi đã khiến giọng hát trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Điều cũng buồn cười là không ai khác trong nhà thờ ngày hôm đó quan tâm đến vài lỗi của tôi. Tất cả giáo dân đều ủng hộ tôi. Họ không muốn làm tôi lúng túng hay chú ý đến những thiếu sót của tôi. Vấn đề hoàn toàn nằm trong đầu tôi.

Muốn kiểm soát mọi thứ

Qua nhiều năm suy ngẫm, tôi tin rằng sự cầu toàn có liên quan đến việc thích kiểm soát. Tôi cảm thấy khó chịu khi mình không hoàn toàn làm chủ được tình hình. Đây là lý do tại sao tôi muốn có thể trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, muốn có một cơ thể không bệnh tật, và thể hiện hoàn hảo khi nói hoặc hát trước mặt người khác.

Kiểu suy nghĩ cho rằng mình có thể và cần phải hoàn hảo mọi lúc hàm chứa nhiều kiêu ngạo. Suy nghĩ như vậy thật vô lý. Nó cũng làm lãng phí rất nhiều thời gian và công sức. Trong nhiều năm, chính nó đã góp phần vào những giằng xé tinh thần và trầm cảm của tôi.

Thừa nhận sự bất toàn của bản thân
Dù tốt hay xấu, chúng ta vẫn là chính mình. Chúng ta không thể kiểm soát được điểm mạnh hay điểm yếu của bản thân. Những người cầu toàn sẽ được lợi rất nhiều khi thừa nhận một cách thẳng thắn rằng chúng ta không hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo bao lâu còn thanh luyện ở trần gian này.

Thừa nhận mình bất toàn có vẻ giống như thừa nhận thất bại. Nhưng không phải vậy. Nó mở ra không gian cho đời sống cộng đoàn, thấu cảm và yêu thương. Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm, và một trong những cơ hội chúng ta có với tư cách là những tạo vật bất toàn đó là chấp nhận thiếu sót của mình đối với người khác và cũng chấp nhận thiếu sót của người khác đối với mình. Đây là cách chúng ta yêu thương nhau, học hỏi từ nhau và hỗ trợ nhau. Chúng ta cùng nhau mang lấy những vất vả của nhau và cuối cùng, nếu chúng ta chiến thắng, nếu chúng ta đi đến Thiên Đàng và mỗi người chúng ta trở nên viên mãn nhờ ân sủng Chúa, chúng ta sẽ cùng nhau đến đích.

Như thế, thành công của chúng ta không được định nghĩa bằng sự hoàn hảo mà là bằng tình yêu thương, những người cầu toàn sẽ được giải thoát khỏi ham muốn luôn luôn kiểm soát mọi thứ. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất đó là sau khi tôi biết buông bỏ thì bây giờ tôi đã thực sự có tiến bộ. Tôi nhẹ nhàng với bản thân hơn trong việc luyện tập và hiện tại tôi đang chạy tốt hơn bao giờ hết. Tôi không lo lắng về việc mắc lỗi khi hát và bây giờ giọng hát tôi tự tin hơn. Tôi không còn cảm thấy mình cần phải hoàn hảo để được Chúa tha thứ.

Tất cả những gì tôi cần làm là đi xưng tội. Lần đầu tiên tôi đi xưng tội cũng là lần đầu tiên tôi thực sự biết mình được tha thứ. Nhờ đó mối tương quan giữa tôi với Chúa bắt đầu được chữa lành và vẻ đẹp của đức tin Công giáo dần mở ra trước mắt tôi đầy kinh ngạc.

Một tương phản lạ lùng nhưng thú vị
Nhân tiện nói luôn, đây là lý do tại sao tôi vô cùng tự hào về em học sinh trong lớp tôi đã quyết định không lên rước lễ. Khi chúng tôi thảo luận về điều này ngày hôm đó, thì rõ ràng là em ấy đã không làm thế vì tính cầu toàn lệch lạc. Em ấy đã làm vậy vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu.

Hôm nay, trước bàn thờ, tôi hát xướng suốt Thánh lễ. Tôi luôn thấy thú vị về sự tương phản lạ lùng mà chắc chắn nhiều giáo xứ khác cũng gặp phải: Khi tôi xướng và có người đáp theo phụng vụ, giọng hát của ca viên đáp lại còn hay hơn nhiều so với giọng của tôi là linh mục.

Cần phải rất khiêm tốn trong sự tương phản như thế, và ngay cả khi tôi cố gắng cải thiện giọng hát của mình, tôi đã bắt đầu cảm thấy vui với điều đó. Ca viên dâng cho Chúa món quà tốt nhất của mình. Tôi cũng dâng cho Ngài món quà tốt nhất của tôi. Chúa yêu thương, chấp nhận cả hai.

Năm nay, lần đầu tiên tôi hát một phần của bài Tin Mừng trong phụng vụ Tuần Thánh. Để xem nó sẽ như thế nào đây.

Tác giả: Fr. Michael Rennier
Người dịch: Lê Minh
Nguồn: dongten.net