Quê hương

04/02/2022

1.

-“Má ơi! Chịu nghen má! Thương con theo con qua bển. Gần tay gần chưn con chăm sóc cho má!”

-“Nhưng…”

Thủy nũng nịu áp sát đầu vào ngực bà Sáu như chặn lại lời bà sắp nói ra. Bà chưa kịp nói dứt tiếng thì Thủy đã nại lý do:

-“Bộ má hổng thương con hả? Con xa quê con cũng nhớ má thấy mồ! Đi mà má!”

Bà Sáu ậm ừ vuốt tóc Thủy – đứa con gái duy nhất của bà – mái tóc ngày nào còn đen huyền nay đã xen lẫn ít muối giữa tiêu. Bà không trả lời từ chối hay đồng ý, nhưng chỉ ngồi cạnh con.

Thủy lấy chồng rồi hai vợ chồng định cư sang Mỹ. Khởi từ công việc quê nhà Thủy đã biết chút ít – hớt tóc và làm nail – Thủy xin vô làm cho những tiệm của người Mỹ. Không biết tiếng Anh rành rọt nên vừa làm vừa học thêm mấy tiếng bồi cũng khá vất vả, nhưng được cái siêng năng, làm kỹ lưỡng và nhanh nhẹn nên khách tây hay khách ta ở đất người ai cũng thích. Ông chủ tiệm thấy vậy mà quý mến rồi tạo nhiều cơ hội cho Thủy làm nhiều khách hơn, tiền lương cũng hậu hĩnh hơn xứng với công sức của cô. Chồng của Thủy cũng là nhân viên văn phòng nên tiền lương dù không cao nhưng khá ổn định. Dần dà vợ chồng cần mẫn làm việc nên không lâu đã mua được căn nhà ngoài ngoại ô thành phố với giá vừa phải. Nơi đó hai người xây đắp hạnh phúc cho mái ấm riêng của mình.

Bà Sáu có mỗi Thủy là đứa con duy nhất. Từ hồi Thủy định cư sang Mỹ, bà ở một mình. Dù ngoài bảy mươi nhưng còn minh mẫn và khỏe mạnh. Bà có thể tự chăm sóc cho bản thân và cũng có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với con gái bên nửa vòng bên kia thế giới. Thủy gọi cho bà Sáu hàng tuần, hay có khi nhớ quá mà một tuần gọi tới hai, ba lần hổng chừng. Nghe tiếng bà Sáu trong điện thoại mà Thủy mừng quá chừng, tiếng nói bằng tiếng mẹ đẻ mà nơi xứ người Thủy phải tập quên để nói tiếng Anh, tiếng nói thân thương của người má ở quê nhà. Chỉ bấy nhiêu đủ khiến Thủy bùi ngùi xúc động.

-“Anh Tom! Sắp tới dịp nghỉ vợ chồng mình về Việt Nam thăm má nha anh! Xa quê gần chục năm rồi, em nhớ má.”

Tom – chồng của Thủy – gật gù đồng ý. Tom rất vui vẻ và hòa đồng. Là người Mỹ nhưng anh rành tiếng Việt nên trong nhà vợ chồng nói bằng tiếng Việt và Tom cũng dùng tiếng Việt mà diễn giải tiếng Anh cho vợ. Vài ngày sau Tom đã mang về hai vé máy bay cho anh và Thủy về Việt Nam. Thủy ôm anh hôn thắm thiết, không quên cám ơn anh rối rít.

Trên máy bay, Thủy tâm sự với Tom:

-“Anh Tom! Em có ý muốn làm giấy tờ bảo lãnh má qua ở với vợ chồng mình. Vả lại sắp tới vợ chồng mình cũng muốn có em bé, chắc má ở cùng thì vui lắm! Anh thấy sao?”

Thủy hỏi dò trước vì cô biết những khó khăn ở đất Mỹ khi bảo lãnh một người từ Việt Nam sang. Khó hơn nữa vì chi phí nơi đất người thì đắt đỏ, liệu có đủ sức để lo cho má và… em bé mà vợ chồng định sinh trong năm tới. Thủy biết nếu đưa ra quyết định ấy Tom sẽ gánh một phần nặng nề vì anh là người làm việc chính trong gia đình. Mọi thủ tục đều do anh đứng ra lo lắng cho đến thành sự. Thủy nhớ lại từ lúc làm giấy tờ bảo lãnh sang Mỹ, chở Thủy đi nộp đơn xin việc, đứng ra chi trả mọi khoản tiền điện, nước… và đóng thuế đều do Tom đứng ra. Cô trông chờ sự đồng ý của Tom biết chừng nào:

-“Được chứ em! Anh sẵn lòng mà! Có má ở Việt Nam sang thì vợ chồng mình vui và an tâm lo cho má ở tuổi già chứ! Chỉ sợ má buồn vì xa quê thôi! Chứ anh không ngại gì cả!”

Thủy như muốn hét lên vì vui sướng trên máy bay, nhưng vì những hành khách xung quanh đang chìm vào giấc ngủ, nên cô chỉ lén ôm Tom và không quên đặt lên má anh một nụ hôn cám ơn anh đã đồng ý.

2.

-“Bà Sáu sướng nghen! Sắp thành Việt kiều đó! Đi bển tối ngày nói tiếng tiếng tây chớ mai mốt về quên luôn tiếng ta hổng chừng à!”

Có người trong xóm chọc bà Sáu vì hay tin Thủy làm giấy tờ bảo lãnh bà sang Mỹ, nhưng bà chỉ cười nói:

-“Ối! Cái xứ quỷ buồn thấy mồ! Sung sướng gì mà thích đi bển! Tui định ở lại chớ…”

Nói nửa chừng bà Sáu “Hới!…” một tiếng to rồi nói tiếp:

-“Ở đây còn mồ mả ông bà, hương khói cho ông bà hàng ngày, xóm giềng… đi sao đặng hả bà?”

Thủy nép phía sau chái nhà nghe hết lời bà Sáu nói với người hàng xóm. Thủy ray rứt, đi ra bờ sông ngồi lặng lẽ thầm nghĩ: “Mình có ác quá không? Bắt má đi về bên kia. Làng xóm, mồ mả tổ tiên… Dễ gì má chịu đi.” Nhưng Thủy cũng có lý do bảo vệ cho quyết định của mình: “Nhưng mình cũng muốn đáp hiếu cho má mà! Để má ở Việt Nam một mình ai coi cho đặng.” Suốt buổi chiều Thủy cứ thẩn thờ với những xung đột như thế trong lòng mình.

3.

Bà Sáu lẩn thẩn đi quanh xóm. Cả xóm ai cũng biết chuyện Thủy muốn đưa bà đi, ai cũng chúc mừng nhưng cũng có người bàn lui. “Cái xứ quỷ buồn thấy mẹ! Bà đi bển sao chịu thấu?” Có người kể chuyện từng qua Mỹ thăm con: “Con tui ở cái nhà bự chà bá, tui ở đó ba tháng trời trong nhà giữ nhà cho tụi nó. Chớ bước chân ra ngoài toàn nói tiếng tây tiếng u, làm gì mà biết nói. Sợ người ta bắt cóc hổng chừng. Tụi nó đi làm tối ngày, sáng đi chiều về. Tối mạnh việc ai nấy làm, tui cũng thui thủi. Cuối tuần tụi nó đưa tui đi chơi, mà trời ơi ra bãi biển coi mấy ông bà tây mặc đồ hớ hênh kỳ muốn chết. Tui biểu nó đưa tui về nhà thì nó nói tui quê mùa. Thèm miếng mắm cá mà nó biểu cái đó bên Mỹ cấm ăn vì… mùi thúi hoắc người ta chịu không nổi.”

Bà Sáu mới nghe thì cười nắc nẻ, nhưng hồi sau ngẫm lại thấy… thấp thoáng hình ảnh của mình đâu đó khi sắp tới đặt chân qua bên kia. Bà vội hỏi người hàng xóm đã kể về xứ Mỹ:

-“Bộ buồn dữ vậy hả chị?”

-“Thiệt! Tui dóc chị làm gì? Hôm về tui đòi nó đưa tui ra sân bay sớm cả ngày trời, muốn thoát cái xứ quỷ tha ma bắt đó liền trong ngày.” Người hàng xóm giặm thêm cho bà Sáu rõ.

Bà Sáu thiệt tình ứng khẩu:

-“Ừ! Nhà bự để làm gì? Hiện đại để làm gì? Để cái mình muốn làm giống ở quê mà hổng được chị hén!”

Buổi đi thăm xóm ấy khiến bà Sáu nao lòng. Chẳng hiểu vui hay buồn. Nghĩ thì thương con mà cũng không muốn rời đất quê. Hơn nữa, Thủy đề nghị má bán mảnh đất quê để sang Mỹ sống. Bán đất đai ông bà để lại là chuyện bà chưa từng nghĩ tới.

4.

-“Chào chị tui dìa!” Người phụ nữ mặc bộ đồ sang trọng, xịt dầu thơm sực nức với dáng đi ngoe nguẩy. Sổ nhà đất của bà Sáu đã nằm gọn lỏn trong chiếc cặp LV cắp nên hông người phụ nữ ấy. Mớ tiền còn để trên bàn trà, nhưng bà Sáu không ngó tới dù là một chút, bà nhìn xa xa nước mắt rớt lộp độp, Thủy đứng sau lưng má cứ xoa xoa vai của bà. Thủy không mở lời nào, chỉ để cho bà Sáu khóc, khóc một mình.

Bà đứng lên cái rột, tay vịn thành bàn, bước ra ngõ sau, nhìn mấy lỗ đất trước đây là mồ mả ông bà cha mẹ nay bị đào hoắm sâu, bà quỳ xuống, chắp tay rồi cúi lạy. Bà nghẹn ngào trong nước mắt:

-“Con lạy ông bà tổ tiên. Xin tha thứ cho con tội bất hiếu, đã không ở cận kề nhang khói…” cứ thế bà nghẹn ngào phân bua.

-“Má à! Má đừng buồn nữa. Má chịu theo vợ chồng con rồi mà! Về bên kia má ở với con. Sắp tới vợ chồng con có cháu cho má ẵm bồng, bà cháu hủ hỉ cũng vui mà má!” Thủy day day bờ vai của bà Sáu sau hồi dài xúc động. Bà vẫn chưa hết nghẹn ngào nhưng đã ngưng khóc, trả lời con mà vẫn còn hước vài tiếng kèm theo: “Ờ! Má theo vợ chồng con”. Trả lời trong nghẹn ngào, mắt vẫn còn đọng hai hàng nước mắt. Giọng vẫn còn dư âm những tiếng hước nho nhỏ.

5.

Chiều hôm đó, bà Sáu rảo một vòng quanh xóm tạm biệt bà con. Hít một hơi thật dài mùi cây cỏ làng quê. Mùi muối thoảng trong hơi nước mà hơn bảy mươi năm trời bà đã ngửi quen. “Ờ! Sắp xa rồi!”. Cảm thức xa nơi người phụ nữ ở cái tuổi ngoài bảy mươi là một cái xa rất khác. Không đơn thuần chỉ là về khoảng cách địa lý. Không như con gái và con rể của bà, vì bà biết tụi nó vẫn còn cơ hội quay về đất mẹ vào một ngày nào đó. Nhưng với một người tuổi đã gần xế chiều thì đi biết ngày nào sẽ trở về. Lúc đó, muốn về cũng không về được. Mà… biết đâu… chết ở nơi đất khách thì còn nỗi buồn nào buồn hơn.

-“Thôi! Chị Sáu đi mạnh giỏi nghen!”

Người hàng xóm rất thân tạm biệt bà Sáu. Bà cũng chào lại với một điều mà bà biết không chắc chắn:

-“Ừa! Tui đi nghen! Vài năm tui lại dìa!”

Về tới hàng ba, bà Sáu ngó qua bên hè, giàn bầu đã bị hạ xuống. Người ta – chủ đất mới – đã thuê người dọn dẹp khu vườn, nghe nói sắp tới họ định mở quán gì đó ở đây, vì chỗ nhà bà Sáu mà ngã ba nên thuận tiện việc giao thương. Bà Sáu lẳng lặng bước vào nhà, tới gần bàn thờ ông bà tổ tiên rồi chắp tay lạy. Nước mắt lại chảy nhưng không xúc động mạnh như lần trước, có lẽ bà đã cố kềm lại.

6.

-“Má ơi! Con xếp đồ rồi má coi đủ chưa?”

Bà Sáu đang ngồi trên ghế đặt trước hàng ba. Thủy vừa kêu vừa nắm bàn tay bà Sáu. Tom hai tay xách hai vali quần áo và đồ đạc cần thiết của bà Sáu bày ra trước mặt bà và Thủy.

-“Con có đem cho má mấy cái áo bà ba với mấy cái quần nhung ống loa?”

-“Dạ có! Con có xếp vô vali rồi. Có mấy cái rách quá con bỏ lại!”

“Bỏ lại!” Bà Sáu nghe hai tiếng ấy sao vô tình quá sức. Bà không muốn bỏ lại gì cả, thậm chí nếu có thể bà muốn gom cả cái mảnh đất quê hương, gom hết bà con làng xóm qua bên kia đất Mỹ để ở với bà hổng chừng. Hôm qua bà đã ngồi lau từng tấm hình ông bà tổ tiên, cuộn vào từng lớp vải kỹ lưỡng, rồi cẩn thận xếp vào vali để đem sang bên kia đất khách vì bà muốn tổ tiên đi theo mình dù ở bất cứ nơi nào. Định gom cả cái lư hương bằng sứ bỏ vô vali, nhưng Thủy ngăn lại.

-“Má ơi! Mình quá số ký cho phép rồi. Thôi má để lư hương lại. Sang bên kia con vào khu người Việt con mua cái lư hương cho má nghen!”

Bà Sáu “Ờ!” trong buồn bã. Đêm ấy bà không chợp mắt. Hình như bà sợ hoang phí thời gian để ngủ. Bà đi từng góc nhà, sờ từng góc cột. Vặn tim đèn trên bàn thờ nhỏ xuống. Ngồi xuống ghế tay cầm quạt đưa đẩy nhè nhẹ. Thủy nép sau rèm nhìn ra, thấy bà Sáu sao buồn quá. Một lần nữa Thủy lại ray rứt về quyết định của mình: “Hổng lẽ quyết định của vợ chồng mình là sai hay sao? Mà sai sao má hổng chịu phản đối?” Cuối cùng, cô để ý chí của mình chiến thắng: “Mà mình làm vậy là vì thương má mà!”

7.

Tiếng taxi đã bóp còi trước cửa. Thủy chạy vào gọi bà Sáu và Tom. Cả ba người thu mình và mớ hành lý vào chiếc xe nhỏ xíu. Bà Sáu khựng lại trước cửa xe. Cái cảm giác khựng lại như hồi bà về làm dâu, ông Sáu đưa tay dắt bà xuống xuồng vì sợ bộ đồ cô dâu rườm rà sẽ làm cho bà vấp té. Bà cũng khựng lại mà ngoảnh lại nhìn căn nhà thân quen và ba mẹ ruột đứng trước cửa nhà rơm rớm nước mắt. Hôm nay, bà cũng ngoái lại nhìn căn nhà, mà đúng hơn là nhìn quê hương thân yêu lần cuối.

Sân bay đông rợp người. Mùi dầu thơm và máy lạnh khiến bà khó chịu. Mùi bơ sữa khiến và phát no và ngán dù chưa một lần ăn thử. Ngồi với Thủy trên hàng ghế chờ Tom đi làm giấy tờ. Chừng mười lăm phút sau Tom quay lại, tay cầm ly cà phê hút một hơi vì vừa chen vào hàng dài để làm xong thủ tục.

Tên hành khách đi chuyến bay Việt Nam – Mỹ được cất lên. Thủy dắt bà Sáu đứng lên, bà Sáu vẫn không nói gì. Đi được một đoạn, Thủy có cảm giác bước chân của bà càng lúc càng nặng và đi chậm. Thủy quay lại: “Má à! Sao vậy?”

Bà Sáu từ hồi tới sân bay tới giờ mới cất lên tiếng nói đầu tiên. Bà nói cách dứt khoát chứ không hề yếu ớt. Đôi mắt bà mở to cương nghị có chút lưng tròng. “Thủy! Bắt xe cho má về! Hai con đi thôi nghen!”

Thủy ôm bà Sáu giữa sân bay. Cô không kèo nài thêm tiếng nào nữa. Thủy nói gì đó với Tom bằng tiếng Anh. Rồi cô dắt bà Sáu ra xe…

Little Stream

 Nguồn: dongten.net