Tầm quan trọng của những đức tính căn bản

26/07/2024

Mỗi người đều có một kinh nghiệm về cuộc sống mình đã trải qua, về sứ vụ mình đã lãnh nhận. Nếu phải hối tiếc, các bạn thường hay suy nghĩ về điều gì? Riêng tôi, càng sống thực với lòng mình tôi càng thấy rõ hơn những thiếu sót của tôi về những đức tính nhân bản cần phải có trong tương quan giữa người với người. Nhìn lại bản thân và quan sát những thành công, thất bại của tha nhân, tôi có thể nói lên xác tín rằng: những đức tính nhân bản là nền tảng và là hoa trái của đời sống tâm linh. Trong bài viết này, tôi muốn phân tích cụ thể hơn giá trị của những đức tính nhân bản cần được thể hiện qua ba thái độ sống sau đây:

1. Giao tiếp chân thành

Cuộc sống mỗi người là một tổng hòa những tương quan. Muốn có một tương quan tốt, mỗi người cần có thái độ chân thành với nhau được thể hiện qua những thói quen cơ bản như: “chào hỏi, cám ơn và xin lỗi”. Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta đã quá quan trọng hóa công việc riêng của mình mà vô tình xem thường việc chào thăm bạn hữu hay những người chúng ta gặp gỡ, đặc biệt là những người bé mọn. Nhiều khi chúng ta vô tâm không nói được lời cám ơn sau khi chúng ta nhận được sự giúp đỡ của người khác, và tệ hơn nữa chúng ta lại có thái độ tự ái “ta đây” để từ chối không xin lỗi một người nào đó mà chúng ta đã làm phiền lòng họ. Dó chỉ là những thiếu sót xem ra nhỏ mọn nhưng với những thái độ đó, chúng ta đã thực sự đánh mất đi mục đích sự hiện diện của mình trong môi trường sống.

Vì thế, mỗi người cũng phải từ những thái độ nhân bản đơn giản như việc chào hỏi, cám ơn, xin lỗi rất tự nhiên và chân thành để có thể trở nên người được mến phục trong gia đình và xã hội.

2. Làm chủ cảm xúc

Trong cuộc sống, nhiều người tự cho mình đã trưởng thành tình cảm. Nhưng nếu mỗi người khiêm tốn nhìn lại phong cách ứng xử của mình trong những tình huống khác nhau, chắc sẽ thành thật nhận ra rằng: mình vẫn chưa làm chủ được cảm xúc của mình khi vui, lúc buồn khi thành công, lúc thất bại. Đặc biệt là những tình cảm trong những mâu thuẫn gây tổn thương, nóng giận, đau khổ.

Đời sống tình cảm của con người rất phong phú và đa dạng. Những cảm xúc yêu, ghét, hưng phấn, chán nản của chúng ta xuất hiện một cách rất tự nhiên trước một sự kiện, một hoàn cảnh hay một con người. Nó thay đổi như thời tiết, tự nó chưa phải là xấu hay tốt. Mỗi người có thể biết được tính tình của mình qua những tình cảm đó, nhưng tùy theo mức độ làm chủ được cảm xúc của mình mà mỗi người được đánh giá là đã trưởng thành hay còn ấu trĩ. Nhìn lại mình, có khi chúng ta là người có kiến thức, tài năng hay có một vai trò nào đó trong xã hội, nhưng có lúc chúng ta lại thiếu tự chủ khi gặp một mâu thuẫn trái ý. Thái độ vội vàng phản ứng với nét mặt căng thẳng kèm theo những lời nói chưa suy nghĩ đủ, chúng ta đã vô tình đánh mất sự tín nhiệm của người khác. Điều tồi tệ là khi chúng ta không nén được cơn nóng giận, chúng ta thường dễ dàng trách móc, phê bình đối tượng. Điều này sẽ châm ngòi cho “chiến tranh” bùng nổ, vì khi cả hai bên cùng mất bình tĩnh thì không ai còn có thể làm chủ được ngôn từ của mình.

Trong tác phẩm “Vũ khúc của cơn giận”, bà Harriet, một nhà tâm lý nhân bản đã cho chúng ta lời khuyên như sau: Khi gặp một mâu thuẫn trong quan hệ gây tổn thương, qui luật chung để vệ sinh tinh thần là phải bộc lộ, nhưng bạn hãy biết tự chủ để chuyển cơn giận thành lời phát biểu rõ ràng về chính mình một cách quyết tâm nhưng dịu hòa. Bạn hãy dừng ngay cảm xúc muốn trách móc, phê bình, kết án về tính cách và ý định của đối tượng. Vì trong cơn nóng giận, bạn không thể có được những lời nói và quyết định khôn ngoan. Trái lại, bạn hãy từ từ suy nghĩ về mối quan hệ giữa mình với họ, và tìm lý do tại sao vấn đề đó lại làm bạn khó chịu. Rồi sau đó, bạn mới có thể nói lên điều đang làm bạn bị tổn thương mà vẫn giữ được thái độ tôn trọng đối tượng. Khi đó, bạn mở ra một cơ hội để có thể đối thoại hiệu quả.

Nguyên tắc làm chủ cảm xúc trên đây, giúp chúng ta có được phong cách điềm tĩnh và tinh thần khôn ngoan. Đôi khi trong hiện tại, chúng ta có thể chịu thiệt thòi, thua lỗ, hiểu lầm một chút, nhưng thời gian và thái độ bình an nội tâm của chúng ta sẽ thẩm định chân giá trị của mình một cách thuyết phục nhất.

3. Ý thức trách nhiệm

Nếu chúng ta có những dự phóng rất tốt, rất hay cho mình trong tương lai, nhưng trong hiện tại chúng ta lại không dấn thân chịu trách nhiệm và tích cực hoàn thành công tác của mình với hết khả năng, ý muốn; thì chúng ta cũng chỉ dậm chân tại chỗ để nuối tiếc những cơ hội vuột khỏi tầm tay dù có sẵn tài năng và kiến thức. Trái lại, nhiều người đã âm thầm đi lên từ những công việc rất bé nhỏ cụ thể được hoàn tất với ý thức trách nhiệm rất cao. Nếu gặp thất bại, họ cũng không tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Trái lại, họ can đảm nhận ra giới hạn của mình để rút kinh nghiệm và xin sự hướng dẫn của người khôn ngoan hơn. Nhờ đó, họ đã gây được sự tín nhiệm của người chung quanh và có được lòng tự tin để dấn thân hơn trong sứ vụ. Những người nhút nhát sợ trách nhiệm, sợ đau khổ không dám bắt đầu một việc gì thì sẽ không bao giờ phát triển được tiềm năng của mình. Những người sống cầu nhàn, sợ thất bại, không biết khắc phục khó khăn, là những người không bao giờ được hạnh phúc, vì hạnh phúc là con đẻ của đau khổ. Vì chỉ qua thập giá mới tới vinh quang.

Tóm lại, qua phân tích trên chúng ta nhận thấy rằng: Tình yêu là động lực duy nhất để chúng ta tử tế với anh em. Thực thế, muốn có được những đức tính nhân bản cần thiết, chúng ta cần có lòng nhân ái, yêu thương, thích làm vui lòng người khác từ trong nội tâm của mình. Từ đó, chúng ta biết sống tự trọng và tôn trọng người khác để có được một truyền thông thật vui và thật hạnh phúc trong gia đình cũng như trong mọi quan hệ đời thường.

Đó chính là Tin Mừng được sống từng ngày gắn liền với cuộc đời của mỗi người qua những thói quen tốt, dễ thương, nhưng trong tình yêu nó đã trở nên một lời chứng thuyết phục nhất.

Nt. Thérèse Phạm Thị Oanh, OP

 Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org