Thắng vượt tính nhút nhát

08/09/2023

Tôi là một thanh niên, nỗi khổ lớn nhất của tôi là tính nhút nhát; mỗi lần phải lên tiếng trước mặt bạn bè hoặc người khác, tôi đều cảm thấy run sợ; tôi rất dễ đỏ mặt, sợ bị chê cười và sợ bị bẽ mặt; tôi cảm thấy hổ thẹn với bản thân, vì sự nhút nhát không xứng với phận làm trai chút nào; tôi phải làm gì để thắng vượt tính nhút nhát e thẹn này?

Trước hết phải thành thật nhìn nhận rằng một trong những đặc điểm của tuổi trẻ là sự bất an tâm thần và mặc cảm tự ti được bộc phát dưới nhiều hình thức, và một trong những hình thức đó là tính nhút nhát. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi dạt dào tình cảm, vì thế khi phải đối phó với một vấn đề không khỏi bị ảnh hưởng bởi sức ép của những xúc cảm đến trở thành mặc cảm, chẳng hạn như thân xác quá gầy, hoàn cảnh gia đình quá nghèo, những yếu tố này trở thành một vấn đề không nhỏ đối với tuổi trẻ. Ở tuổi dậy thì, người trẻ thường được nghe nhắc nhở rằng phải hành động như người lớn, phải biết tự lập, trong khi đó họ lại chưa tìm được chỗ đứng trong thế giới người lớn. Trong tình trạng bấp bênh đó, điều mà người trẻ có thể làm là sai lỗi, vấp ngã, từ đó họ sinh ra nhút nhát, rụt rè, không dám liều lĩnh, sợ trách nhiệm về hậu quả của những sai lầm của mình.

Tuy nhiên, tính nhút nhát e thẹn không phải là chứng bệnh tâm thần không thể chữa được; với thời gian, dần dần người trẻ cảm thấy được môi trường chấp nhận, được tự tin hơn, và do đó cũng bớt nhút nhát đi. Tính nhút nhát nẩy sinh từ trong tâm trí, từ cách suy tư và nhận định, vì thế, mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, như phải đối diện với những người quyền thế, phải tiếp xúc với những người khác phái, nhưng tính nhút nhát vẫn tùy thuộc phần lớn vào thái độ nội tâm và những phản ứng tiêu cực. Để thắng vượt tính nhút nhát, người trẻ phải có một động lực mạnh mẽ để chấp nhận thay đổi từ bên trong, phải nhận ra đâu là cái nhìn, đâu là yếu tố gây nên mặc cảm tự ti, đâu là thái độ và phản ứng tiêu cực của mình, đồng thời phải biết kiên nhẫn, bởi vì mọi thay đổi đều cần đến yếu tố thời gian, như người Ý đã nói: “Thời gian là phương thuốc chữa lành mọi thứ bệnh.” Trong tiến trình cải hóa này, còn đòi những điều kiện khác, chẳng hạn : đừng xét đoán quá nhiều và quá khắt khe về mình, đừng đánh giá trị bản thân dựa trên những nhận xét của người khác, đừng có tham vọng được là tâm điểm sự chú ý của người khác.

Một phương thế khác để thắng vượt tính nhút nhát, đó là tập diễn tả, thú nhận tính nhút nhát của mình; nói khác đi là biết tự cười mình trước, là có vài nét khôi hài về chính mình. Người có tính nhút nhát nên tránh những kiểu nói, như tôi không thể làm được, tôi không biết, tiếp tục từ chối bản thân như thế chỉ là thoái lui, bỏ cuộc.

Một phương thế nữa để thắng vượt tính nhút nhát, đó là phát triển một tài năng nào đó của bạn và chia sẻ kết quả tài năng đó với người khác, dần dần bạn sẽ cảm thấy mình được vững chãi hơn. Cũng nên lui tới những bạn bè hoặc những môi trường mà bạn thấy mình được chấp nhận, cũng như tham gia vào các phong trào giới trẻ, sân vận động thể thao là nơi ít có ai chú ý đến bạn và cũng không cạnh tranh chê trách bạn.

Tình trạng bất an của tuổi trẻ còn bộc phát dưới một hình thức khác, đó là mặc cảm tội lỗi. Trên thực tế, có nhiều thứ mặc cảm tội lỗi: có thử mặc cảm tội lỗi như một tâm bệnh, đến nỗi cảm thấy tủi hổ về cách cư xử và lối sống của mình mà thật ra sự kiện không trầm trọng như thế. Người ở trong tâm trạng bất an thường bị mặc cảm tội lỗi xâm chiếm và đè nặng tâm hồn. Nguyên do của mặc cảm tội lỗi thường ăn sâu trong tiềm thức từ tuổi thơ ấu; nhiều khi vì thiếu khôn ngoan, cha mẹ đổ tội cho con cái, từ đó đứa trẻ cảm thấy nhục nhã, oan ức, bất an, không được vui sống. Mặc cảm tội lỗi này là một vết thương tổn hại trọng, cảm thấy mình không đáng được yêu thương. Người bị mặc cảm tội lỗi như một tâm bệnh rất dễ buông xuôi trong thái độ thụ động, thay vì tìm cách thoát khỏi mặc cảm tội lỗi đó.

Tuy nhiên, cũng có một thứ mặc cảm tội lỗi tích cực hơn, mà đúng hơn phải gọi là sự bén nhạy của lương tâm trước điều thiện và điều ác. Đó là kết quả của việc huấn luyện lương tâm theo những bậc thang giá trị rõ ràng, nhờ đó chúng ta sẽ cảm thấy như bị lương tâm khiển trách mỗi khi vi phạm những giá trị luân lý căn bản. Trong trường hợp này, mặc cảm tội lỗi sẽ như tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn, như người bạn chính trực đặt lại trước mắt điều bất lương chúng ta đã làm và thúc đẩy chúng ta nhìn nhận lỗi lầm, thay đổi cách hành xử và xin được tha thứ.

Mặc cảm tội lỗi như một tâm bệnh đè nặng tâm hồn là điều cần phải được giải tỏa, trong khi sự bén nhạy lương tâm trước tội lỗi là điều cần được huấn luyện trong việc giáo dục nhân cách, bởi vì lương tâm bén nhạy có thể trở nên nguồn sinh lực giúp đào sâu và tăng triển niềm hạnh phúc và an bình trong đời sống mỗi người.

Pasquale Ionata

Nguồn: dongten.net