Freud, Ông Tổ của ngành Phân tâm học đã có công đề ra khái niệm cơ chế tự vệ, và theo ông, có 9 hình thức tự vệ. Ngày này, dựa vào thuyết này, các nhà nghiên cứu đã tìm được thêm 11 hình thức tự vệ khác. Điều này cho thấy việc tự vệ hết sức quan trọng và biến thể dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú trong đời sống nhằm giúp con người giảm căng thẳng và bảo vệ sự an toàn cho cái tôi của mình. Dù có một số hình thức tự vệ được coi là tích cực cách nào đó nhưng trong tình yêu, người ta không “chấp nhận” tự vệ. Phải chăng đây là một đòi hỏi quá gắt gao ? Trong bài viết này, chúng ta chỉ bàn đến khía cạnh tự vệ để nhận ra đây là một điều kiện quan trọng giúp xây dựng con người trưởng thành trong tình yêu nói chung.
Trước tiên, chúng ta xét đến tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ biết cách yêu thương và dạy dỗ con cái, chúng sẽ luôn thành thật và tôn kính các ngài; trái lại, nếu các ngài tỏ ra hà khắc hay nóng nảy… các bé sẽ dễ dàng nói tránh hoặc nói dối để thoát khỏi cơn kinh nộ của các ngài. Đó là cách để chúng tự vệ.
Chúng ta nhớ lại cuộc trao đổi qua lại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Mẹ đã tỏ lộ vẻ không đồng ý về việc Chúa ở lại đền thờ mà không báo cho Mẹ khiến gia đình phải lo lắng đi tìm. Thay vì Chúa dùng sự khôn ngoan vốn có để biện minh nhằm chạy tội và thoái thác trách nhiệm về sai lỗi của mình, thay vì Người tự vệ, Người lại mặc khải sứ mạng của mình: Mẹ không biết là con phải ở nhà Cha con sao ? Qua đó, chúng ta thấy được lòng tôn kính và tình yêu thương Người dành cho cha mẹ trần gian hợp với ý muốn của Chúa Cha. Quả thật, tình yêu đích thực chẳng cần tự vệ.
Đến một lứa tuổi nào đó, con người cảm thấy cần đến nhu cầu kết bạn, cùng phái cũng như khác phái. Dù cùng phái hay khác phái, nếu được xây dựng nơi tình bạn trong sáng, tình yêu ấy cần có một sự cởi mở nhất định để hai bên có thể hiểu nhau và giúp nhau thăng tiến trong tình thân. Một tình thân đúng nghĩa giúp xóa tan mọi khoảng cách, đôi khi, bằng một nụ cười hay một cái liếc mắt… khiến người ngoài cuộc tưởng chừng như lố bịch, nhưng đó lại là ngôn ngữ của tình thân và tình yêu. Tuy nhiên, một khi có một sự lạm dụng nào đó khiến một bên cảm thấy bị xúc phạm, từ đó dẫn đến một sự tự vệ mà đương sự tự tạo nên như một rào chắn khiến người kia không thể nào bước vào thế giới của người kia. Nay tình thân đã bị mất đi sự tin tưởng cần thiết khiến họ sống tự vệ mà tình yêu đúng nghĩa chẳng hề tự vệ.
Ở đây, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly khi tồng đồ Gioan ngã người vào ngực Chúa. Nếu hình ảnh ấy được vẽ ra cho người thời đại, họ sẽ bĩu môi bảo rằng đồng tính. Thế mà, hành động ấy không hề bị các Tồng đồ khác bàn tán gì mà còn đưa vào Tin Mừng. Điều đó cho thấy, một tình yêu trong sáng chẳng cần biện minh và tự vệ; chính thái độ chân thành trong tình yêu mới đáng được mọi người tôn trọng.
Nếu sự tin tưởng cần thiết để xây dựng một tình thân thế nào, thì trong tình yêu vợ chồng lại là một đòi hỏi thiết thực hơn nữa ! Hai vợ chồng không chỉ tin tưởng nhau mà còn phải tôn trọng nhau, có thế, tình yêu ấy sẽ giúp nhau dấn thân phục vụ trong mọi sinh hoạt gia đình và còn mở rộng ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc tranh luận trong gia đình luôn luôn có, nhưng đó không phải là hình thức tự vệ cho đến khi hai vợ chồng đưa ra một thỏa thuận mới giúp hai bên hòa hợp. Khi ấy, họ sẽ hiểu nhau hơn, và đến chỗ đồng thuận để có thể củng cố việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng nếu, một trong hai bên không tôn trọng những qui ước chung đã đề ra, sẽ dễ dàng khiến người kia cảm thấy bị xúc phạm và bắt đầu tự vệ để bảo toàn lòng tự trọng. Thật vậy, con người chỉ tự vệ khi cảm thấy mình mất an toàn và tự tin trong cách thể hiện bản thân. Thay vì được người kia tôn trọng và chia sẻ cả những khó khăn của bản thân, họ lại bị khước từ và bỏ mặc. Điều này đã tạo nên một làn sóng tiêu cực khiến họ cảm thấy xúc phạm nặng nề đến cái tôi của mình, từ đó, họ tự vệ và tự vệ. Thế nhưng tình yêu đích thực chẳng hề tự vệ.
Tưởng cũng cần nhắc lại một trong những yếu tố quan trong trong tình yêu nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng, đó là tôn trọng không gian thể lý của người khác. Không phải cứ nắm tay nhau mà bước đi trên đường hay vuốt ve mơn trớn nhau là tình yêu đâu. Tình yêu đúng nghĩa là giúp mỗi người trở nên con người tự do hơn, trở nên chính mình hơn. Có thế, tình yêu mới giúp nhau lớn lên nhờ việc tôn trọng không gian riêng tư của mỗi người. Thay vì yêu thương và giúp đỡ đúng cách và tinh tế, đôi khi lại làm cho họ sống trong tình trạng lệ thuộc đưa đến thái độ thiếu tự tin thể hiện bản thân, và kết cục là một trong hai người sẽ tự cô lập như một cách tự vệ để tìm sự an toàn bản thân. Sự quan tâm trong tình yêu thay vì giúp xây đắp hạnh phúc gia đình nay lại trở thành một hình thức lấn lướt vì thiếu tôn trọng không gian riêng của người kia.
Một lần nữa, chúng ta nhận ra chân dung của Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly để thấy sự tinh tế của Người khi biết tôn trọng không gian riêng của tông đồ Giuda. Người đã nói: Anh muốn làm gì thì cứ làm đi. Và Chúa biết ông đang trải qua một cuộc giằng co nội tâm nhưng thay vì can thiệp trực tiếp để giúp ông giải gỡ hầu đưa ra một quyết định sáng suốt – điều này có thể xâm phạm đến không gian riêng của ông, Người âm thầm cầu nguyện. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu Chúa luôn tôn trọng tự do và không gian riêng của mỗi người. Điều còn lại là chúng ta có bám vào Người để được thanh luyện trong tình yêu không ! Có thế, chúng ta không tự vệ nhưng luôn yêu thương hết tình và phục vụ hết mình.
Giờ đây, chúng ta bàn đến tình yêu dưới góc độ tương giao nhân loại dựa trên việc bác ái phục vụ nhau. Nếu trong tình yêu đôi lứa, hai người đạt đến một sự hiểu biết nhất định nào đó để xây dựng hạnh phúc gia đình, thì trong việc phục vụ tha nhân, đòi hỏi một sự tinh tế hơn khi ý thức rằng đối tượng mình phục vụ dễ bị tổn thương. Ngoài việc trao dồi các chuyên môn trong vai trò người phục vụ, nắm bắt tâm lý đối tượng mình phục vụ mà còn ý thức việc phục vụ người khác là phục vụ chính Đức Kitô. Tuy nhiên, trong đời sống thực tiễn luôn có những cám dỗ khiến con người rời xa lý tưởng ban đầu và sống một tình yêu thực sự.
Xét đến người phục vụ, chúng ta có thể nhận ra sự tự vệ của họ trong cung cách phục vụ và những thái độ ứng xử đối với người thụ ân. Họ dễ tách mình ra khỏi đoàn người được phục vụ mà tự coi bản thân thuộc đẳng cấp cao hơn, và có phong cách trịch thượng khiến kẻ khác phải lụy mình. Còn những người dễ bị tổn thương, họ dễ dàng cảm nhận ai là người thực lòng phục vụ và tôn trọng họ; nếu chỉ phục vụ theo thói quen bổn phận, họ có thể chữa lành thân xác người khác nhưng những tâm hồn ấy sẽ chẳng được cảm hóa. Qua đó cho thấy chỉ tình bác ái phục vụ thực sự mới cảm hóa toàn diện con người. Một khi hai bên đều trong tư thế tự vệ, họ sẽ miễn cưỡng đến với nhau, và không đem lại niềm vui trong việc phục vụ, dần dà họ sẽ chán nản và bỏ cuộc.
Chuyện kể về một người phụ nữ sáu mươi bảy tuổi đã chấp nhận sống trong cơn bão để bảo vệ tám bệnh nhân hấp hối tại một trung tâm y tế. Con của bà đã khuyến cáo rằng: “ Mẹ đừng cố gắng trở thành một siêu nhân nhé!”. Nhưng bà đã chọn việc ở lại cùng bệnh nhân với một động lực đơn giản: tôi phải chu toàn trách nhiệm của một y tá chăm sóc bệnh nhân. Trong khi cơn bão tấn công vào bờ biển, quật gãy cửa sổ và giật tung cánh cửa chính của trung tâm y tế, bà đã bảo các bệnh nhân của bà: “Chúng tôi sẽ ở đây cùng các bạn, và sẽ không rời khỏi đây”. Cuối cùng, họ cũng được sơ tán sau 5 ngày chịu trận. Người phụ nữ ấy tên là Ruby Jones. Bà được nhắc đến như một nữ siêu nhân. Có thể nói, tình yêu phục vụ của bà không chút tự vệ, sẵn sàng đồng hành với những ai mình đang phục vụ cả những lúc khó khăn nhất mà bà có thể đưa ra quyết định “bỏ của chạy lấy người”.
Đứng trước nguy cơ con người đánh mất dần tình yêu quên mình trong tương giao liên vị, những hướng dẫn của thánh Têrêsa Calcutta và Đức Phanxicô sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống yêu thương.
Thánh Têrêsa đã nói rằng tình yêu được chia sẻ thực sự khi người trao ban cảm nhận trong mình nỗi mất mát, nỗi đau nào đó. Điều đó cho chúng ta thấy, tình yêu chia sẻ chẳng hề tự vệ, vì khi yêu, họ chấp nhận nỗi đau, phần thiệt thòi về mình. Trong lúc người tự vệ sẽ tìm mọi cách để củng cố vị thế của mình và co cụm lại khi gặp khó khăn hay bị tấn công, người có một tình yêu lớn lao vượt qua tất cả để cho người kia lớn lên và như thế, chính họ cũng được trưởng thành trong cảm xúc và kiên vững trong tinh thần xả kỷ. Xét dưới góc độ khác, Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình, đi đến vùng ngoại biên, ra khỏi sự an toàn của bản thân để hướng về tha nhân. Không những thế, ngài còn ví Giáo hội như một bệnh viện dã chiến luôn có mặt khắp nơi để chữa lành những ai cần đến, cho dù bản thân mình có nguy cơ bị vướng bụi đường. Như thế, thay vì dựng lên những bức tường ngăn cách, mỗi người cần tạo những nhịp cầu yêu thương, một nền văn hóa gặp gỡ. Có thế, mọi rào chắn sẽ không còn là cách con người tự vệ, giữ mình an toàn; trái lại, chính khi quên mình phục vụ mọi người mà mỗi người được lớn lên trong tình yêu quên mình và tình yêu Chúa.
Tóm lại, tình yêu dưới bất cứ hình thức nào, nếu xét cách đúng đắn và đúng nghĩa, chẳng cần tự vệ. Thậm chí, họ sẵn sàng thiệt mất mạng sống cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Chính Chúa Giêsu đã đi bước trước trong cuộc tình này khi mặc khải tình yêu lớn lao là tình yêu hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Chỉ những ai đã từng kinh nghiệm, trắc nghiệm, cảm nghiệm và trải nghiệm mới có thể sống yêu thương mà chẳng cần tự vệ.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
Nguồn: dongten.net