Trong Tông thư Sứ Vụ Cao Cả, Maximum Illud, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV đã dành một phần nói về vai trò các bề trên trong tương quan với sứ vụ loan báo Tin mừng. Nói về vai trò này, bản dịch tiếng Anh sử dụng cụm từ “bề trên truyền giáo” (superior of mission). Vai trò bề trên rất quan trọng trong công cuộc truyền giáo vì họ lãnh đạo và điều hành công cuộc ấy. Đức Thánh Cha khẳng định: “Sự thành công của các công cuộc truyền giáo tuỳ thuộc vào cách mà chúng được điều hành, đó là điều không thể tranh cãi” (MI, 10). Thật vậy, công cuộc truyền giáo chỉ được xem là “thành công” (tức là đem lại ơn cứu độ cho các linh hồn) khi những quyết định và cung cách lãnh đạo điều hành của bề trên gần gũi với Tin mừng; trái lại những quyết định và cách điều hành càng xa lạ với Tin mừng bao nhiêu thì công cuộc truyền giáo càng kém hiệu quả và “thất bại” bấy nhiêu. Bài viết này suy tư về hai cung cách lãnh đạo nói trên để giúp người môn đệ phân định và lựa chọn nhằm hỗ trợ công cuộc truyền giáo ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Nội dung bài viết gồm ba điểm: 1) “bề trên truyền giáo,” 2) “bề trên quản trị,” 3) chuyển đổi cung cách lãnh đạo vì Tin mừng.
1. “Bề trên truyền giáo”
“Bề trên truyền giáo” là khái niệm nói về vai trò lãnh đạo trong các cộng đoàn Hội Thánh, mà khi (vai trò ấy) thi hành thì Tin mừng được rao giảng. Sử dụng khái niệm này, Đức Thánh Cha muốn nói đến những “vị đặc trách các xứ truyền giáo, các Giám mục hay các vị Đại diện hoặc Phủ doãn Tông toà.” Tuy nhiên, cũng có thể áp dụng khái niệm này đối với hàng giáo sĩ/tu sĩ địa phương, các thừa sai và những tín hữu đảm nhận trách vụ hướng dẫn người khác, vì “tất cả trách nhiệm truyền bá đức Tin được đặt trực tiếp trên vai họ, và chính họ là những người được Hội Thánh uỷ thác cho việc mở rộng Hội Thánh trong tương lai” (MI, 8); và họ “nắm trong tay trách nhiệm trực tiếp loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô, và với trách nhiệm này là sự cứu rỗi của vô số các linh hồn” (MI, 18). Dưới đây chúng ta có thể tóm tắt vài nguyên tắc dẫn đường được Đức Thánh Cha đưa ra cho các bề trên truyền giáo.
Nguyên tắc thứ nhất, tôn trọng thuộc cấp. Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn họ lấy điều này làm nguyên tắc dẫn đường, đó là mỗi người phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo dưới sự chăm sóc của họ, có thể nói như thế. Họ phải quan tâm sâu xa tới công việc của các linh mục, cũng như của tất cả những người trợ giúp họ trong việc chu toàn bổn phận” (MI, 9). Tôn trọng thuộc cấp là một trong những yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả cho công cuộc truyền giáo. Đức Thánh Cha nói thêm rằng khi thi hành sứ vụ, các thừa sai (thuộc cấp) sẵn sàng chấp nhận gian nan, rất háo hức và ước muốn có cơ hội chinh phục thật nhiều linh hồn về cho Đức Kitô và “nếu một người như thế mà gặp được một bề trên quan tâm tới họ, luôn cư xử với họ bằng tình bác ái và sự khôn ngoan, công việc của họ không thể không đạt được kết quả” (MI, 10). Một cách cụ thể, ngài yêu cầu bề trên truyền giáo phải: 1) “Quan tâm sâu xa tới công việc của các linh mục, cũng như của tất cả những người trợ giúp họ trong việc chu toàn bổn phận”. 2) sử dụng mọi phương tiện họ có – lời nói, hành động, viết lách – để khuyến khích và thúc đẩy những người trợ giúp này đạt được những thành quả ngày càng cao hơn.”; 3) “Tạo điều kiện thuận lợi và cổ võ những kế hoạch và những công việc đáng được họ ủng hộ.” Tóm lại bề trên truyền giáo “phải lo sao biết để mắt đến tất cả những gì liên quan đến những người thuộc cấp như thể cũng liên quan đến chính mình vậy” (MI, 9).
Nguyên tắc thứ hai, làm việc vì giá trị vĩnh cửu. Giá trị vĩnh cửu là ý định của Thiên Chúa, Đấng “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Chính vì giá trị này mà Đức Giêsu Kitô được sai đến thế gian và Hội Thánh cũng được Ngài sai đi như vậy. Mục đích tối hậu của hoạt động loan báo Tin mừng không phải là những giá trị chóng qua ở đời mà là ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2, 6) và ơn cứu độ này “không có nơi một người nào khác” (Cv 4,12). Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các bề trên truyền giáo “phải làm việc vì sự cứu rỗi đời đời của mọi người sống trong vùng.” Ngài nói: “Họ phải trở thành người hướng dẫn và bảo vệ cho những đứa con này mà họ đã sinh ra trong Đức Giêsu Kitô; họ cũng phải chăm lo lương thực thiêng liêng cho những người này và không được để một người nào sa ngã và hư mất.” Không những chỉ có vậy, các bề trên truyền giáo còn được mời gọi dấn thân hơn nữa vì giá trị vĩnh cửu này. Đức Thánh Cha nói: “Họ còn phải làm nhiều hơn thế nữa. Họ không được nghĩ rằng mình đang chu toàn các bổn phận chức vụ của mình, trừ khi họ không ngừng làm việc với tất cả sức lực để đưa những cư dân khác trong vùng, còn đông đảo hơn rất nhiều, tới chỗ được chia sẻ chân lý Kitô giáo và đời sống Kitô hữu” (MI, 11).
Nguyên tắc thứ ba, làm việc với mục tiêu cao thượng, tinh thần vô vị lợi và ý hướng đại đồng. Mục tiêu cao thượng là mục tiêu vượt lên và vượt ra khỏi phạm trù vật chất cũng như hình thức bề ngoài chóng qua để làm điều Chúa muốn. Đức Thánh Cha nói: “Sẽ là thảm kịch nếu một thừa sai nào của chúng ta hoàn toàn quên mất sự cao cả nơi chức vụ của họ, khiến họ chỉ bận tâm tới những lợi ích quê hương trần thế của họ mà sao lãng những bổn phận quê hương trên trời” (MI, 19). Tinh thần vô vị lợi là tinh thần làm việc không nhằm mưu ích cho bản thân hay lợi ích nhóm nhưng vì lợi ích các linh hồn. Đức Thánh Cha nhắc các thừa sai: “Còn một khuyết điểm nữa mà người truyền giáo phải cẩn thận xa tránh, đó là ước muốn tìm kiếm lợi lộc bên ngoài việc chinh phục các linh hồn” (MI, 21). Ý hướng đại đồng là hướng đến toàn phần chứ không giới hạn trong cục bộ. Đức Thánh Cha nói: “Trong khi theo đuổi các mục tiêu của mình, một bề trên truyền giáo tận tâm cũng sẽ không được hạn hẹp các mối quan tâm của mình vào các ranh giới của giáo điểm mình, cũng không được coi mọi chuyện xảy ra ở nơi khác như không hề liên quan đến mình” (MI, 13). Thật vậy, mục tiêu cao thượng, tinh thần vô vị lợi và ý hướng đại đồng là những yếu tố quyết định cho sự thành bại của công cuộc truyền giáo. Cho dù người môn đệ có tài giỏi và “nhiệt huyết” đến dường nào mà không cao thượng trong mục tiêu, thanh thoát trong tinh thần và quảng đại trong ý hướng thì hoạt động của họ cũng chẳng khác gì “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13, 1), chứ không đem lại hiệu quả Tin mừng. Đức Thánh Cha nói rằng: “Sẽ là thảm kịch nếu một người tông đồ tiêu hao bản thân mình chỉ để gia tăng hay tôn vinh uy tín của quê hương mình sau khi đã rời bỏ nó” (MI, 19). Ngài nói tiếp: “Nếu một người là nạn nhân của ước muốn tìm kiếm lợi lộc tài chánh thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý chu toàn bổn phận tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa? Và làm sao họ có thể … luôn sẵn sàng hy sinh mọi sự mình có, kể cả mạng sống, mà kêu gọi người khác phục hồi sức khoẻ thiêng liêng được?” (MI, 21).
2. “Bề trên quản trị”
Khác với bề trên truyền giáo, “bề trên quản trị” là khái niệm nói về vai trò lãnh đạo trong các cộng đoàn Hội Thánh mà khi thi hành vai trò ấy, quyền bính được thể hiện, luật lệ được gia tăng và cơ cấu được củng cố, nhưng Tin mừng thì chưa hẳn được rao giảng. Có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt về mục đích và cách thức của hai lối lãnh đạo này: bề trên truyền giáo lãnh đạo bằng yêu thương và phục vụ, bề trên quản trị lãnh đạo bằng mệnh lệnh và sai khiến; bề trên truyền giáo làm việc vì giá trị vĩnh cửu, bề trên quản trị làm việc vì giá trị chóng qua; bề trên truyền giáo nhắm đến mục tiêu cao thượng, tinh thần vô vị lợi và ý hướng đại đồng, bề trên quản trị quan tâm đến những mục tiêu vụn vặt, tinh thần trục lợi và ý hướng cục bộ…. Nói cách khác, bề trên truyền giáo có tâm hồn và cung cách lãnh đạo sát với Tin mừng còn bề trên quản trị thì ngược lại. Bề trên quản trị có thể là “nhà quản lý tài ba” nhưng chưa hẳn là người môn đệ truyền giáo theo Tin mừng.
Thật ra, tự bản chất, chức năng quản trị là một phần các quyền của bề trên và giữ vai trò quan trọng giúp họ thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Nói cách khác, quyền quản trị là công cụ (không phải mục đích) hỗ trợ bề trên chu toàn trách nhiệm được Thiên Chúa trao. Chức năng quản trị có mục đích trước tiên, làm vinh danh Thiên Chúa (loan báo Tin mừng) vì tất cả mọi quyền bính đều đến từ Ngài (x. Rm 13, 1; Ga 19, 11) và kế đến, thánh hóa con người (thuộc cấp). Bản chất của chức năng quản trị là quản lý thực tại trần thế (vật chất, nhân sự, tổ chức…) và huấn luyện con người hướng tới thực tại thiêng liêng (nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ…). Chức năng này được thi hành dựa trên nguyên tắc căn bản của sự khôn ngoan, kiên định và nhân hậu. Như vậy, việc quản trị có đem lại giá trị Tin mừng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích, ý hướng và cung cách lãnh đạo mà người ta sử dụng. Vì thế, sẽ là bất cập và thiệt hại cho công cuộc truyền giáo nếu người lãnh đạo quá tập trung vào việc quản trị như là cứu cánh nhằm củng cố vai trò của mình mà quên mất mục tiêu tối hậu của chức năng ấy là làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Nhìn vào Giáo hội Việt Nam hiện nay, có lẽ không ít người ưu tư và đặt câu hỏi: cung cách lãnh đạo nào đang chiếm ưu thế trong chúng ta? Thật là khó đưa ra câu trả lời dứt khoát và chính xác, bởi vì hầu như chưa có cuộc khảo sát hay nghiên cứu rõ ràng về vấn đề này. Do đó, sẽ có hai hướng trả lời: 1) cung cách lãnh đạo của “bề trên truyền giáo” chiếm ưu thế; 2) cung cách lãnh đạo của “bề trên quản trị” chiếm ưu thế. Nếu thực sự câu trả lời thứ nhất phản ánh đúng hiện trạng Giáo hội Việt Nam thì không còn gì hạnh phúc bằng, bởi vì chúng ta đang rao giảng Tin mừng đúng theo ý Thiên Chúa và sát với hướng dẫn của Hội Thánh. Lúc này, việc còn lại của chúng ta là tiếp tục duy trì và phát huy những điều tốt đẹp đang làm, đồng thời hân hoan đợi chờ ngày ông Chủ đến “thắt lưng, đưa (chúng ta) vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Nhưng, nếu câu trả lời thứ hai phản ánh đúng hiện trạng của chúng ta thì rất cần xem lại toàn bộ cung cách lãnh đạo, bởi vì, nếu không, khả năng bị ông Chủ “loại ra” và “bắt phải chung số phận với những tên thất tín” là khó tránh khỏi (x. Lc 12, 35 – 48).
Đến đây, vấn đề kiên quyết vẫn được đặt ra: cung cách lãnh đạo nào đang chiếm ưu thế trong chúng ta? Nếu không để mình rơi vào tình trạng ngụy biện (dù là vô thức hay ý thức), sẽ rất khó khẳng định câu trả lời thứ nhất vì không đủ dữ kiện chứng minh. Trong khi đó, quan sát từ gia đình ra đến bên ngoài, người ta thường gặp thấy những “người lớn” có lối tư duy, thái độ, phát biểu, quyết định và hành vi ứng xử diễn tả luật lệ, khuôn phép, hình phạt, chế tài hơn tình yêu và Lòng thương xót. Do đó, có thể nói rằng câu trả lời thứ hai phản ánh đúng hiện trạng của chúng ta hơn, vì có nhiều dấu hiệu được cho là hệ quả của cung cách lãnh đạo thiên về quản trị gây ra. Cung cách này đang hình thành nên những Kitô hữu có khuynh hướng vững vàng trong phẩm trật, cứng rắn trong cơ cấu, mạnh mẽ trong quyền lực và tỉ mỉ trong lề luật… nhưng lại thiếu khả năng dấn thân cho Tin mừng, do đời sống đức Tin có vẻ như bị vây hãm bởi những tổ chức, hoạt động và luật lệ nghiêm khắc hơn được nuôi dưỡng bằng “dược phẩm Lòng thương xót.” Nói cách khác, cung cách lãnh đạo này sẽ dẫn tới tình trạng Kitô hữu “ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình…, bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và những thủ tục…”
Nếu đúng như vậy thì đâu là nguyên nhân? Chắc chắn có nhiều nhưng, đáng kể nhất, là hai nguyên nhân sau: 1) tính cách người Việt đang bị nhiễm “thói hư tật xấu” do những thứ “sạn văn hóa” gây ra; 2) đời sống đức Tin của tín hữu Việt Nam chưa bén rễ sâu trong Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Trước hết, theo các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, bên cạnh những phẩm chất tốt, tính cách người Việt còn tồn đọng nhiều thứ “sạn văn hóa” và đang ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, đến nỗi người ta xem đó như bình thường. Có khoảng 30 tật xấu của người Việt được các nhà nghiên cứu tổng hợp lại: thói dựa dẫm; thói cào bằng, chụp mũ; bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh thành tích; bệnh phong trào; bệnh hình thức; bệnh “chém gió”; bệnh thụ động, khép kín; bệnh lề mề, chậm chạp; bệnh tủn mủn, thiếu tầm nhìn; bệnh sùng ngoại; bệnh đại khái, xuề xòa; bệnh dĩ hòa vi quý; bệnh trung bình chủ nghĩa; bệnh nước đôi, thiếu quyết đoán; thói hời hợt, thiếu sâu sắc; bệnh sống bằng quan hệ; thói tùy tiện, cẩu thả; bệnh thiếu ý thức pháp luật; thói ăn cắp vặt… Những viên “sạn” này đang hình thành nơi nhiều người Việt lối ứng xử kém văn minh trong tương quan xã hội. Hơn nữa, tính cách người Việt cũng bị ảnh hưởng bởi “mặt trái” của tinh thần Nho giáo thời phong kiến như: thói tự cao, trịch thượng trước thế yếu nhưng lại tự ti, khúm núm trước thế mạnh; thói trọng nam khinh nữ; thói độc tôn, cục bộ… Chắc chắn những điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống đức Tin của các tín hữu và hình thành nên lối ứng xử xa lạ với Tin mừng như: tinh thần cầu an, tình trạng thủ thân khép kín và hiện tượng suy đồi những giá trị nền tảng của gia đình. Kế đến, tình trạng đời sống đức Tin của không ít tín hữu Việt Nam chưa bám rễ sâu trong Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới cung cách lãnh đạo xa lạ với Tin mừng. Có lẽ không khó khăn lắm để nhận ra tình trạng này, vì nó được biểu hiện ngay trong đời sống thường nhật của người tín hữu qua cách ứng xử đời thường (kiểu làm ăn bất chính, tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, ly dị, phá thai…), qua các hành vi thiếu nghiêm túc trong cử hành phụng vụ (thái độ uể oải, hút thuốc, làm việc riêng, sử dụng điện thoại khi tham dự thánh lễ…), qua cách ứng phó lệch chuẩn trước những tin đồn hay những biến cố gây lo âu trong xã hội (tích trữ lương thực, tích trữ nến trong mùa đại dịch vì sợ tận thế…). Đặc biệt, người ta có thể nhận ra tình trạng này thông qua hiện tượng đi tìm “phép lạ” của rất nhiều tín hữu (ồ ạt chạy tới lòng thương xót, đặt tay chữa bệnh, khấn vái…).
Tình trạng tính cách con người bị “sạn văn hóa” làm nhiễm bẩn và đức Tin bám rễ chưa sâu vào Lời Chúa cũng như giáo huấn của Hội Thánh dẫn tới một hệ lụy khủng khiếp là: căn tính của Kitô hữu bị “bào mòn” hoặc “khô hóa” bởi thói đời và đánh mất cảm thức “không thuộc về thế gian” của người môn đệ (x. Ga 17, 14). Như thế, thay vì thực hiện sứ mạng Phúc âm hóa nền văn hóa, thì nhiều Kitô hữu lại bị “trần thế hóa” đời sống đức Tin bởi những trào lưu vô bổ. Nói cách khác, đời sống Đạo của Kitô hữu không những không thánh hóa được môi trường sống nhưng lại bị “bẩn hóa” ngay trong chính môi trường ấy. Điều này rất nguy hiểm đối với công cuộc truyền giáo, bởi vì nó đang hình thành trong Hội Thánh nhiều lối ứng xử và lãnh đạo xa lạ với Tin mừng (cục bộ, độc đoán, phe nhóm, mại thánh…).
3. Chuyển đổi cung cách lãnh đạo vì Tin mừng
Rất là bình thường khi xe chạy lạc đường mà phải quay lại chính lộ, bởi vì như thế mới đến đích; nếu không, chuyến xe đó vô dụng. Cũng rất là bình thường khi phải thay đổi cung cách lãnh đạo vì Tin mừng; nếu không, công cuộc truyền giáo không sinh ích các cho linh hồn. Như vậy, để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng sát ý Chúa hơn và đem lại hiệu quả hơn trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay, việc chuyển đổi cung cách lãnh đạo là rất cần thiết và cấp bách. Điều kiện cần và điều kiện đủ cho việc chuyển đổi này là: Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh cùng với lương tâm ngay lành và sự nhân hậu, khiêm nhường trong tâm hồn người môn đệ. Trước hết, cung cách lãnh đạo bám rễ sâu vào Lời Chúa và theo sát hướng dẫn của Hội Thánh luôn có đặc tính của đức Ái: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13, 4-7). Những nguyên tắc mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XV hướng dẫn bề trên truyền giáo (được trình bày ở trên) đều có nền tảng vững chắc này. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium cũng đưa ra những nguyên tắc tương tự giúp người lãnh đạo thi hành Sứ vụ đạt hiệu quả hơn: thời gian lớn hơn không gian, hiệp nhất chiến thắng xung đột, thực tại lớn hơn ý tưởng, toàn thể lớn hơn thành phần. Kế đến, lương tâm ngay lành giúp người môn đệ bình tâm phân định và can đảm buông bỏ cung cách lãnh đạo xa lạ với Tin mừng và lựa chọn cung cách đẹp lòng Chúa hơn. Nếu thiếu lương tâm ngay lành, người môn đệ dễ rơi vào tình trạng ngụy biện nhằm “cố thủ” theo ý riêng hơn theo ý Chúa và dẫn tới những điều sai lạc. Thánh Phaolô đã khuyên Timôthê đề phòng những giáo lý sai lạc do lương tâm không ngay lành gây ra. Ngài nói: “Các lời truyền dạy ‘phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình’” (1Tm 1, 5), và chính ngài cũng luôn “cố gắng để trước mặt Thiên Chúa và người ta, lương tâm không có gì đáng chê trách” (Cv 24, 16). Thật vậy, “lương tâm ngay lành càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.” Sau cùng, sự nhân hậu và khiêm nhường giúp người môn đệ bình an lắng nghe và vâng phục ý Chúa trong vai trò lãnh đạo, bởi vì “việc tôn trọng ý Chúa giúp cho những người cầm quyền sống trong một trạng thái tìm kiếm khiêm tốn, ngõ hầu hành động của họ hết sức phù hợp với ý Ngài.”
Kết luận
“Bề trên truyền giáo” và “bề trên quản trị” là những khái niệm nói về hai cung cách lãnh đạo thường thấy nơi các tín hữu. Cách thứ nhất có nền tảng vững vàng trong Lời Chúa, theo sát giáo huấn của Hội Thánh và giúp người môn đệ trở nên cộng đoàn loan báo Tin mừng. Cách thứ hai xem ra xa lạ với Tin mừng vì bị “nhiễm khuẩn” bởi những thứ “sạn văn hóa” cũng như ý riêng của con người. Trong bối cảnh hiện nay, dường như Giáo hội Việt Nam đang vất vả đối diện với cung cách lãnh đạo này. Vậy, để Hội Thánh ngày càng trở thành cộng đoàn loan báo Tin mừng hơn, người môn đệ rất cần can đảm chuyển đổi cung cách lãnh đạo từ khẩu hiệu – lời nói sang thực hành – cụ thể; từ mệnh lệnh – sai khiến sang cộng tác – đồng hành; từ luật lệ nghiêm khắc sang Lòng thương xót. Cuộc chuyển đổi này có thể làm cho người môn đệ đau đớn, vì phải buông bỏ những thứ mình đang gắn bó, nhưng chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa hơn, bởi vì “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29); như thế, hương thơm Tin mừng từ trong chính tâm hồn người lãnh đạo tỏa ra cộng đoàn và lan ra thế giới.
Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, đặc biệt Hội Liên hiệp Truyền giáo dành cho các Giáo sĩ và Tu sĩ (PMU) là một trong những môi trường hữu ích mà Hội Thánh sử dụng đào luyện các bề trên truyền giáo, những người có cung cách lãnh đạo gần gũi với Tin mừng. Hơn 100 năm trước, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV đã mong muốn và tha thiết kêu gọi thành lập Hội này. Ngài nói: “Tôi ước muốn trong mọi giáo phận của thế giới Công Giáo thành lập một tổ chức gọi là Hội Liên hiệp Giáo sĩ Truyền giáo. Tổ chức này được đặt dưới sự hướng dẫn của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin… Công việc của Hội được tôi phê chuẩn hoàn toàn, và tôi đã minh chứng việc phê chuẩn của Tông Toà bằng cách ban cho Hội một số đặc ân. Với lý do chính đáng, vì các phương pháp của Hội phù hợp tuyệt vời với nhiệm vụ nuôi dưỡng nơi hàng giáo sĩ sự sẵn sàng và khả năng ghi tạc vào lòng người Kitô hữu một mối quan tâm tới phần rỗi của vô số người không Công Giáo và cổ vũ các công cuộc khác nhau mà Toà Thánh đã phê chuẩn là những kênh hiệu quả để trợ giúp các xứ truyền giáo (MI, 40). Từ đó đến nay, Hội Liên hiệp Truyền giáo vẫn không ngừng đào luyện trong Hội Thánh nhiều nhà truyền giáo nhiệt tâm và tận tụy với Tin mừng. Ước mong Hội này sớm được thiết lập tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động truyền giáo theo hướng dẫn của Hội Thánh.
Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
Giáo phận Xuân Lộc
Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam
Nguồn: hdgmvietnam.com