Công đồng Vatican II (1962-1965) thực sự là một cuộc cách mạng trong lòng Giáo hội trên mọi lãnh vực. Gọi là cách mạng vì sau thời gian đó, đời sống Giáo hội phát triển và giúp cho con người thêm vững bước trên con đường lữ hành trần thế, trong thời đại mới. Hoa trái của Công đồng này có thể thấy trong các văn kiện, sắc lệnh của Công đồng. Trong bài này, chúng ta sẽ đi vào một Sắc lệnh về truyền giáo (Ad Gentes)[1]. Sau thời gian bàn thảo nhiều vòng, các nghị phụ đã công bố Sắc lệnh này vào ngày 18 tháng 11 năm 1965.
1. Truyền giáo là một nhiệm vụ thánh thiêng
Nếu trở lại buổi đầu công trình cứu chuộc, chúng ta thấy chính Thiên Chúa Cha, vì yêu thương, đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để cứu độ muôn dân (Ga 3,17). Hơn nữa Ngôi Lời còn được trao toàn quyền trên trời dưới đất, để nhân loại nhận biết Người (Mt 28,18-20). Trên dương thế, Đức Giêsu Kitô đã dành cả đời để chu toàn sứ mạng này. Ngài miệt mài loan báo Tin Mừng Nước trời từ làng này qua làng khác. Trên hành trình này, Đức Giêsu đã thiết lập nhóm Mười Hai để tiếp nối sứ mạng này. Ngài cũng mời gọi nhiều người tham dự vào nhiệm vụ linh thiêng này (Lc 10,17). Rồi sau khi sống lại và trước khi lên trời, Đức Giêsu tiếp tục để lại lệnh truyền: “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận phạt.” (Mc 16,15). Đây thực sự là ơn gọi cao quý, đặc biệt[2] và trong hành trình này, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta.
Do lệnh truyền sau cùng và tối quan trọng trên mà tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, theo ý định của Thiên Chúa Cha. Ra đi để loan tin vui cho người khác. Tin vui ấy ban đầu không gì khác hơn là Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại “Kerygma- κήρυγμα”. Lời loan báo tiên khởi ấy mỗi lúc một lan nhanh, đồng thời cũng gặp biết bao khó khăn để cho muôn dân cũng đón nhận tin vui này. Dẫu sao, Thiên Chúa luôn có cách để Giáo hội tiếp tục khai mở “mạch suối yêu thương, fount–like love” của Thiên Chúa đến với muôn người.
Thiên Chúa mong muốn và khao khát cứu độ con người. Một lần nữa, các nghị phụ Công Đồng thôi thúc mọi thành phần dân Chúa thực thi sứ mệnh này bằng cách “hãy để mình hiện diện với tất cả mọi người và cho mọi dân tộc”[3]. Trong sứ mạng thánh thiêng này, mỗi người hướng đến đời sống chứng tá, gương mẫu, với lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác. Giáo hội sẽ không ngại mở ra con đường rộng thoáng và vững chắc giúp nhiều người tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ đó, họ được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
2. Thấy mọi sự mới mẻ trong Đức Kitô
Có lẽ một trong những khó khăn của sứ mạng truyền giáo là vấn đề hội nhập vào tâm tư tình cảm, văn hóa và xã hội của từng người, từng sắc tộc trên thế giới[4]. Về điểm này, Công đồng đưa ra một chìa khóa để giúp người truyền giáo: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng được tìm thấy nơi các dân tộc như sự hiện diện ẩn khuất của Thiên Chúa […]bất cứ điều gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh.”[5]
Để sử dụng được chìa khóa trên đây, Công đồng mời gọi tất cả mọi người kinh nghiệm một cách cá vị với Thiên Chúa và ra sức học hỏi về đạo lý Công giáo. Nhất là những chủng sinh hoặc tu sĩ, những người dấn thân chính trong cánh đồng truyền giáo, “tâm trí họ phải được mở rộng và mài giũa để có thể hiểu biết và phán đoán đúng đắn về nền văn hóa dân tộc. Trong các môn triết học và thần học, họ phải tìm hiểu thấu đáo những liên lạc giữa truyền thống và tôn giáo dân tộc với Kitô giáo.”[6] Trong mối bận tâm này, người truyền giáo sẽ thấy được những điều mới mẻ nơi chính môi trường mình sống. Chỉ khi đó, họ mới giới thiệu Đức Giêsu một cách hữu hiệu và sinh nhiều hoa trái.
Chìa khóa trên cũng đúng cho cả giáo lý viên và những giáo dân muốn giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Chúng ta không chiêu dụ hay lôi kéo tín đồ! Thay vào đó, với tinh thần cộng tác và lắng nghe, trải qua thời gian cầu nguyện và suy tư, hy vọng Thiên Chúa khai mở cho người truyền giáo nhiều lối nẻo để đi vào được tâm thức của người khác. Rộng lớn hơn, văn hóa dân tộc phải là cơ hội để hạt giống Lời Chúa phát triển nhanh chóng, nếu người loan báo Tin Mừng biết cách chăm sóc và vun tưới.
Công đồng mời gọi người truyền giáo không nói về những chuyện mơ hồ, xa rời với dân chúng. Ngược lại, bằng lối nẻo hội nhập, như chính Chúa Kitô đã tìm hiểu tâm hồn con người và dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, người loan báo Tin Mừng cũng cần chân thành đối thoại mang đầy tính nhân bản, và thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô. Giáo hội nhấn mạnh rằng người truyền giáo cũng phải “hiểu biết những người họ đang chung sống, hãy trao đổi với họ, để nhờ việc đối thoại chân thành và kiên nhẫn, các môn đệ nhận ra những gia sản phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc.” [7] Trong tiến trình đó, bằng sự nhạy bén của tâm hồn tông đồ, chứng nhân của Chúa biết cách đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, nâng cao và đưa những gia sản (văn hóa chẳng hạn) quy hướng về với Chúa Cứu Thế.
Để làm được điều trên, tôi thấy dưới đây là vài hướng dẫn hữu ích cho người truyền giáo[8], nhất là những bạn trẻ khi trò chuyện với chúng bạn:
– Hãy chia sẻ niềm vui nỗi buồn với những ai bạn gặp gỡ, biết rõ những ước vọng và những khó khăn của họ, cảm thông với họ trong nỗi lo âu về sự chết. Đối với những ai tìm kiếm hòa bình, Giáo Hội muốn đưa ra lời giải đáp qua việc đối thoại huynh đệ, bằng cách mang lại cho họ sự bình an và ánh sáng phát xuất từ Tin Mừng.
– Hãy can đảm hoạt động và cộng tác với mọi người để điều hành cách tốt đẹp các sinh hoạt kinh tế xã hội.
– Liên kết chặt chẽ với nhân loại trong cuộc sống và trong hoạt động, các môn đệ Chúa Kitô hy vọng sẽ trình bày một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và dấn thân hoạt động vì phần rỗi của họ, kể cả ở những nơi mà việc rao giảng về Chúa Kitô còn bị hạn chế.
– Với những bạn không cùng tôn giáo, người Công giáo cần tránh những thái độ dửng dưng, bài bác hay đối kháng. Hãy cùng nhau cộng tác trong lãnh vực xã hội và kỹ thuật cũng như văn hóa và tôn giáo. Chấp nhận những khác biệt vốn luôn có, để từ đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô với chính phong cách sống tốt lành[9].
3. Môi trường sống là mảnh đất truyền giáo
Sau Công đồng Vaticanô, tới nay trên nhiều quốc gia Giáo hội Công giáo đã hiện diện tại địa phương. Nơi đó có Giám mục, linh mục, tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa. Từ môi trường nòng cốt này, Giáo hội mời gọi mỗi người hãy ý thức môi trường mình đang sống và làm việc là cơ hội để mở rộng Nước Chúa[10]. Chúng ta phải mở cửa cho việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô thật tin tưởng và bền chí cho tất cả mọi người. Tin tưởng vì chính Thiên Chúa cùng với Giáo hội đang mời gọi con cái mình nên chứng nhân giữa đời. Bằng đời sống bám vào nguồn mạch tình yêu là Thiên Chúa, (đỉnh cao là bí tích Thánh Thể), người truyền giáo cũng mang trong tim lửa yêu mến ấy để chia sẻ với người xung quanh. Bền bỉ vì đây là công việc gieo rắc đức tin[11] từ thế hệ này qua thế hệ khác, cho đến tận thế.
Với sự dè dặt, tôi thấy nhiều nơi tại Việt Nam (vài nơi trên thế giới), chúng ta đang “nhốt Chúa” trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Thay vì đi ra (nhất là các linh mục[12]) đến với muôn dân, những người chưa biết Chúa, nhiều người thích bám trụ trong giáo xứ, cộng đoàn dân Chúa có vẻ an toàn hơn! Có lẽ vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhấn mạnh rằng: “Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài người này sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”[13].
Đã đến lúc Chúa tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta, dù ở đâu và làm gì, cũng có thể chia sẻ Tin Mừng của Chúa. Đó là thách đố không nhỏ! Tuy vậy Giáo hội cho thấy nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô bằng cung cách sống, cũng như bằng lời nói, trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Rồi với sự hướng dẫn của giám mục và linh mục, chắc chắn đoàn dân Chúa sẽ gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng!
Thú vị là trên mảnh đất màu mỡ này, mỗi người sẽ biết cách cộng tác vào Tin Mừng tùy theo khả năng, tài sức, đặc sủng và tác vụ của mình (x. 1 Cr 3,10). Do đó tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt (Ga 4,37) , kẻ trồng và người tưới, phải hợp nhất với nhau (x. 1 Cr 3,8), để nhờ cùng nỗ lực trong tự do và trật tự hướng về cùng một mục đích là cứu độ con người. Sẽ là tuyệt vời khi mỗi người có những ân huệ khác nhau, biết đồng tâm chung sức xây dựng Giáo hội thành nhiệm thể của Đức Giêsu[14]. Đó là bí tích cứu độ, là bí tích của thế giới (Sacramentum mundi) bởi càng nhiều người dấn thân loan báo Tin Mừng, Giáo hội càng có thêm nhiều người nhận biết và tin yêu Thiên Chúa.
Có lẽ đến đây chúng ta thấy truyền giáo là một nhiệm vụ cao quý từ khi mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Là người Công giáo, chúng ta đều có vinh dự tham gia vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Trong Sắc lệnh này, chúng ta có thể lượt ra những việc làm cụ thể sau:
– Ý thức mình được mời gọi nên chứng nhân của Chúa giữa đời.
– Cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.
– Cổ võ ơn gọi hiến dâng, nhất là xin Chúa gửi nhiều người trẻ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng.
– Cộng tác với cha xứ, với cộng đoàn.
– Tham gia các sinh hoạt phụng vụ nơi mình làm việc và sinh sống.
– Học hỏi Lời Chúa, đời sống cầu nguyện và để tâm đến phẩm chất đạo đức và thánh thiện.
– Can đảm gieo rắc hạt giống Tin Mừng ở mọi nơi, mọi lúc.
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Toàn văn: http://www.giaolyductin.net/cong-dong-vaticano-ii-sac-lenh-ve-hoat-dong-truyen-giao-cua-giao-hoi.html
[2] Ad Gentes số 23
[3] Ad Gentes số 5
[4] Thời đại hôm nay cũng nên có những người biết sử dụng thông thạo các phương tiện kỹ thuật và truyền thông xã hội. Không gian mạng (là món quà của Thiên Chúa), là mảnh đất để giao rắc hạt giống Lời Chúa.
[5] Ad Gentes số 9
[6] Ad Gentes số 16
[7] Ad Gentes số 11
[8] Ad Gentes số 11, 12 và 15
[9] Là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun đắp lòng yêu nước, tuy nhiên phải hết sức tránh xa thái độ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia quá khích, phải cổ võ tình yêu thương đại đồng của nhân loại. (Ad Gentes số 15)
[10]Ad Gentes số 21
[11] CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, 17
[12] Các linh mục bản xứ ở những Giáo Hội trẻ phải hăng say dấn thân vào việc rao giảng Tin Mừng bằng cách tổ chức hoạt động chung với những vị thừa sai ngoại quốc, họp nhau thành một linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền Giám mục, không những để chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự, nhưng còn để rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Giáo Hội. (Ad Gentes số 20)
[13] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tc-luon-ra-di-tim-kiem.html
[14] Ad Gentes số 28
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com