Vài góp ý về kế sách truyền giáo

19/11/2024

I. NHỮNG GHI NHẬN ĐÁNG LO VỀ HIỆN TRẠNG TRUYỀN GIÁO

Giáo dân tự hài lòng và an tâm với những sinh hoạt và tổ chức nội bộ, các lễ nghi phụng tự, các hoạt động từ thiện bác ái, các hội đoàn tấp nập… Chưa ý thức vận dụng những thuận lợi sẵn có này cho công cuộc truyền giáo.

Các linh mục chuyên chăm việc mục vụ hơn là truyền giáo (vì công tác mục vụ đã có nề nếp, quy củ, mọi người đều thừa nhận và cộng tác), ưu tiên lo cho giáo dân hơn là đi tìm lương dân, hoạt động nghiêng về điều hành hơn là mở rộng, quản lý hơn là khám phá, suy nghĩ theo lối mòn hơn là tư duy cải tiến, chuộng an thân hơn là dấn thân.

Hoạt động truyền giáo, thường không biết bắt đầu từ đâu và thực hiện thế nào, lại không có đường hướng chung, cá nhân tuỳ tiện sáng kiến, “mạnh ai nấy làm”, thiếu chỉ đạo và hướng dẫn. Vì thế, công tác truyền giáo kể là rời rạc, không đồng bộ, mang tính tự phát, nhất thời. Thêm vào đó, các chương trình và hoạt động truyền giáo không có tính kế thừa, người sau ít tiếp tục đường hướng và công việc của người trước. Hệ quả là khi người phụ trách chuyển nhiệm sở, công tác truyền giáo tại đó thường kết thúc hoặc mai một.

Mức độ giao tiếp với anh em lương dân còn rất ít. Người Công giáo co cụm, chỉ thích giao tiếp với nhau. Cả linh mục và giáo dân chưa nỗ lực tạo thân thiện, thương mến và tin tưởng nơi anh em lương dân, để khởi đầu cho việc loan báo Tin mừng. Các hoạt động bác ái lại không hướng tới truyền giáo: bố thí hơn là chăm lo ân cần, ban phát hơn là phục vụ yêu thương, chỉ làm từ thiện mà không nhằm xây dựng yêu thương và giới thiệu Chúa…

Nói chung, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam thiếu đường hướng lẫn sinh khí, công tác truyền giáo còn mang tính lý thuyết, có hội họp nhưng chưa đưa tới hành động cụ thể. Kết quả cụ thể là trong 50 năm qua, tỉ lệ số giáo dân Công giáo không tăng…

II. ĐỀ NGHỊ VÀI KẾ SÁCH CỤ THỂ CHO CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO

1. GIÁO DÂN LÀ LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT TRÊN CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO

– Nhắc nhớ và nhấn mạnh tới sứ mạng loan báo Tin mừng của giáo dân: Trong Giáo hội, giáo dân là thành phần dân Chúa, có sứ vụ loan báo Tin mừng qua bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức. Không ai được miễn trừ, không ai được trốn tránh sứ vụ này. Ngược lại, cũng đừng ai loại trừ hay bỏ quên thành phần giáo dân trong công cuộc truyền giáo. Vì thế, cần nhắc nhớ giáo dân quan tâm và tạo điều kiện giúp họ thực thi sứ vụ đem Chúa đến cho anh em lương dân.

– Giáo dân, cả tân tòng và dự tòng, có vai trò quan trọng và hoàn cảnh thuận lợi: Trước tiên, do số đông, giáo dân là lực lượng truyền giáo quan trọng và không thể thiếu. Các linh mục và tu sĩ, dù nhiều bao nhiêu cũng không hơn và không thể thay thế thành phần giáo dân được. Giáo dân, và cả dự tòng hay lương dân, đóng vai trò đắc lực trong công cuộc truyền giáo. – Thứ đến, giáo dân lại có nhiều điều kiện thuận lợi và hữu hiệu hơn các linh mục và tu sĩ trong sứ vụ thừa sai. Họ có mặt khắp nơi, ở ngay “mặt trận” truyền giáo, có thể tiếp cận và gần gũi với lương dân; môi trường sống của họ rất đa dạng; họ có nhiều tương quan thân thiết với đủ mọi thành phần xã hội, như: láng giềng, bà con, sui gia, đồng nghiệp…; họ có ngôn ngữ và ứng xử bình dân; lại thêm hoàn cảnh và thời gian cống hiến của họ cũng “tự do” hơn các linh mục, tu sĩ. Như thế, giáo dân cũng như dự tòng phải được coi là những tay thợ đắc lực, không thể thiếu, trên cánh đồng truyền giáo.

– Các tín hữu cần được huấn luyện và được sai đi: Nhiều giáo dân coi sứ vụ loan báo Tin mừng là bổn phận dành riêng cho các linh mục tu sĩ, nên họ không quan tâm, cũng ít cộng tác vào việc loan báo Tin mừng, chỉ lo giữ những bổn phận đạo đức của một Kitô hữu. Tuy vậy, cũng có người đầy nhiệt huyết, sẵn lòng “lên đường” truyền giáo, nhưng lại không được ai sai đi, một số khác thì không biết bắt đầu từ đâu, hoặc không biết cách nào để góp phần hữu hiệu vào công tác truyền giáo… Vì thế, không chỉ gây ý thức và thúc bách giáo dân thi hành sứ vụ thừa sai, mà còn phải hướng dẫn, huấn luyện và tạo điều kiện để họ biết cách tham gia vào công tác truyền giáo.

– Diễn tiến ba bước đến với anh em lương dân: Trình tự loan báo Tin mừng thường theo 3 bước cơ bản sau: Trước tiên là tìm đến tiếp cận với lương dân, bằng gặp gỡ, làm quen, nhất là thăm viếng. Không tiếp cận làm sao gặp gỡ. Và thăm viếng luôn là phương thế hữu hiệu nhất để đến với lương dân. Kế đến là nỗ lực xây dựng yêu thương, không phải “chiêu dụ” hoặc “lấy lòng”, nhưng phải thực sự gây được thiện cảm, tạo tình thân, sẵn lòng tương trợ bác ái. Có yêu thích “người có đạo” thì mới mến mộ đạo. Sau cùng, khi có dịp thì “loan báo”: kể lại những điều may lành mình đã được là do Chúa ban. Người giáo dân khó nói về Chúa và không có khả năng để trình bày giáo lý, nhưng lại dễ dàng chia sẻ những cảm nghiệm về ơn lộc từ Chúa. Và những trải nghiệm cá nhân này có thuận lợi là rất thuyết phục người nghe.

– Phương thức 1-cặp-1 trong công tác bác ái và truyền giáo. Đó là phương cách, mỗi giáo dân, thậm chí dự tòng và cả lương dân, tìm đến gặp gỡ một anh em lương dân khác để kết thân, thuyết phục, chia sẻ phúc lợi, rồi mời gọi đến nhà thờ… Tùy cách thế, tương giao, ngôn ngữ, hoàn cảnh riêng của mình và với nhiều hình thức khác nhau, mỗi tín hữu sẽ tìm tiếp cận với một lương dân, theo kế hoạch truyền giáo do linh mục hay xứ đạo đề ra. Điển hình, trong Lớp Đến-Mà-Xem, một phụ nữ trên 50 đến với giáo điểm Rạch Vọp mới 2-3 tuần, nhưng trong chương trình “Tư vấn sức khỏe” (khám bệnh phát thuốc) của giáo điểm, chị đã mời được 7 người khác cùng đến; sau đó mời đi lễ và tham gia sinh hoạt của nhà thờ.

– Truyền giáo từ xứ đạo và từ gia đình: Gia đình là trường học đầu tiên. Mọi người đều tích lũy nhiều thói quen và nề nếp từ gia đình, theo gương cha mẹ. Một gia đình sống nhân ái, hay làm việc thiện, thì con cái cũng học được những ứng xử tương tự. Do đó, một gia đình Công giáo biết quan tâm giao tiếp với anh em lương dân, quen thực thi việc bác ái truyền giáo, thì xứ đạo và Giáo Hội sẽ có những tín hữu quen việc truyền giáo. Ngoài ra, chương trình giáo lý của các xứ đạo cũng cần quan tâm đào tạo thanh thiếu niên thói quen tiếp cận với người ngoài Công giáo, xây dựng yêu thương với người thân cận và biết kể lại những cảm nghiệm ân phúc Chúa ban… để chuẩn bị cho các thế hệ trẻ biết cách đến với lương dân và loan truyền đạo.

2. LINH MỤC LÀ ĐẠO DIỄN TRONG CÔNG TÁC LOAN BÁO TIN MỪNG

– Ý thức trách nhiệm trong vị thế Linh mục: Với ưu thế do Bí tích Truyền Chức thánh, với uy tín lãnh đạo cộng đoàn, linh mục, chứ không ai khác, phải lãnh trách nhiệm chủ động loan truyền Tin mừng. Ngài đích thực là một nhà truyền giáo tiên phong và hơn nữa, còn là một programmer – lập trình viên, người lên kế hoạch- truyền giáo. Tuy không trực tiếp tiếp cận với lương dân, nhưng linh mục có cơ hội suy nghĩ, sáng kiến tổ chức sự kiện, lập các kế hoạch truyền giáo, điều động giáo dân lên đường. Chúa Giêsu, nhà chỉ đạo truyền giáo, cũng đã sai các tông đồ ra đi như thế và còn hướng dẫn cách thế rao báo Tin mừng Nước Trời. Ngày nay, các cha xứ là nhà lãnh đạo, cũng phải sáng kiến ra kế hoạch, phát lệnh và thúc bách giáo dân tích cực hưởng ứng các dự án truyền giáo.

– Cần hướng dẫn và vận dụng giáo dân: Thiếu sự chỉ đạo của linh mục, giáo dân không làm được gì, không biết phải làm thế nào, và cũng không thể quy tụ và khởi động cộng đồng. Linh mục phải chỉ đạo và hướng dẫn vận dụng nhân sự, lôi cuốn mọi người vào công tác truyền giáo. Ngược lại, ngài không thể hoàn thành sứ vụ nếu thiếu sự cộng tác và góp phần của giáo dân. Nên linh mục cần quan tâm tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cộng tác viên, bồi dưỡng và “sai đi”… Chuẩn bị một đội ngũ nhân sự dồi dào, Hội đồng Mục vụ và giáo lý viên có năng lực và hăng say, đó cũng là di sản cần thiết của một linh mục để lại cho xứ đạo. Di sản đó là công trình đáng giá và sẽ là nguồn kế thừa sự nghiệp truyền giáo của linh mục.

– Không quên ai trong chính sách truyền giáo: Linh mục không chỉ chuyên tâm lo cho người nghèo, đến xem thường hoặc bỏ quên người giàu. Nhiều người giàu sẵn lòng làm bác ái, cống hiến giúp đỡ những ai cùng khốn. Họ là hỗ trợ đáng kể, cần được linh mục ủng hộ, cộng tác và hướng dẫn trong công tác truyền giáo. Ngược lại, linh mục không thể bỏ rơi người nghèo để ưu ái và thỏa hiệp với người giàu. Linh mục phải là trung gian giữa người giàu và người nghèo, và Tin mừng cần được loan báo cho cả hai: Đáp ứng nhu cầu và thăng tiến người nghèo – Đem lại niềm vui và ân phúc cho người giàu. Vai trò này không ai thay thế được, vì linh mục đủ uy tín để vận động người giàu chia sẻ phúc lợi, tiếp tay với ngài để làm việc bác ái; đồng thời ngài cũng biết đúng địa chỉ những ai cùng khốn đang cần cứu giúp, và có khả năng để giáo hóa người nghèo khi nhận sự trợ giúp.

– Tránh những “Lỗ hổng truyền giáo”: Chuyển về một xứ đạo hay một giáo điểm, linh mục mới thường dễ dàng tiếp tục công việc mục vụ theo nề nếp sẵn có. Nhưng với công tác truyền giáo, có thể các ngài sẽ không tiếp tục nữa, hoặc không theo đường hướng và cách thế của vị tiền nhiệm, đôi khi còn ra mặt lơ là với “đoàn chiên của cha trước”. Kết quả là mất dần lương dân, vắng bóng dự tòng, những người thiện chí như giáo lý viên, cộng tác viên, thành viên Hội đồng Mục vụ từng cộng tác với vị tiền nhiệm cũng nản lòng và dần rút lui… Khi đó, công cuộc truyền giáo đã dày công trong nhiều năm bị tổn hại “cả chì lẫn chài”. Nguy cơ này có thể gọi là “Lỗ hổng truyền giáo”. Chừng nào mới vá lại được! Vì thế, công cuộc truyền giáo, dù lớn nhỏ, cần phải có tính kế thừa để liên tục và lâu bền. Đây không chỉ là kế thừa về mặt nhân sự, mà còn phải kế thừa cả chính sách, đường hướng, phương thức hoạt động nữa.

– Nguyên tắc “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một vài hoạt động nổi trội, quy mô, đặc sắc… nhưng chỉ được thực hiện riêng lẻ, một hai lần, tại một địa phương, một xứ đạo, sẽ không thể gây được ảnh hưởng lâu dài, như ánh lửa chợt lóe sáng rồi tắt. Theo nguyên tắc “hợp quần gây sức mạnh”, công tác truyền giáo sẽ có hiệu quả to lớn và gây tác động mạnh mẽ, lâu bền, khi cả giáo phận, tất cả các xứ đạo cùng thực hiện một kế hoạch truyền giáo, dù lớn hay nhỏ, và chung tay vào một hoạt động đồng loạt, “đâu đâu cũng có – nơi nơi cùng làm”.

3. VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH CỦA GIÁM MỤC

Có chiến lược truyền giáo rộng lớn, liên tục, hiệu quả, lâu dài…

Đào tạo một đội ngũ linh mục truyền giáo, vừa phục vụ cánh đồng truyền giáo hôm nay, vừa có năng lực kế thừa sự nghiệp thừa sai mai ngày.

Sẵn sàng hỗ trợ hữu hiệu và đúng lúc cho những nhu cầu cũng như tình huống cấp bách trong các hoạt động truyền giáo.

4. NHỮNG CƠ HỘI THUẬN LỢI CHO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

– Hoạt động bác ái truyền giáo: Công tác bác ái từ thiện của các xứ đạo, đoàn thể, hiệp hội, hoặc của cá nhân Kitô hữu… ngày càng nhiều. Đó là một thuận lợi cho việc rao giảng về Chúa Kitô. Các hoạt động bác ái đó không nhằm “chiêu dụ tín đồ”, nhưng thường chỉ mang tính xã hội và vì mục đích từ thiện. Tuy nhiên, hoạt động đó còn phải thể hiện được nét đẹp của đức ái Kitô giáo, và nhất là cần nhắm tới việc giới thiệu khuôn mặt nhân hậu của Chúa Giêsu cho người nghèo, hầu đưa họ tới gần Ngài hơn. Đó gọi là bác ái truyền giáo, một định hướng mới cho các hoạt động bác ái xã hội: Giới thiệu Chúa Kitô qua việc bác ái và công tác bác ái cần hướng tới việc loan báo Tin mừng. Trong ý hướng truyền giáo, ký gạo hay phần quà kia là “cái giá” để “mua” một cơ hội, qua đó có thể tiếp cận với anh em lương dân – tạo thiện cảm, thương mến, sớt chia – rồi mượn dịp kể lại những ơn lành Chúa cũng đã từng cứu giúp ta như chính họ lúc này. Đó chính là việc bác ái “theo định hướng” truyền giáo, là việc bác ái truyền giáo, cần khuyến khích và hướng dẫn những giáo dân nhiệt tình thực hiện.

– Tổ chức các sự kiện truyền giáo: Ngoài việc gây ý thức và nhắc nhở giáo dân về sứ vụ Loan báo Tin mừng, linh mục cũng cần tạo nhiều cơ hội cụ thể, để giúp họ đến với anh em lương dân. Vào những dịp thuận tiện, cần tổ chức sự kiện và mời lương dân đến nhà thờ, để giao lưu (Thắp hương cho Ông Bà Tổ tiên, Hội chợ trang phục cho người nghèo, thể thao, văn nghệ Trung thu…), chia sẻ (thuyết trình chuyên đề sức khỏe, khám bệnh từ thiện, hiến máu nhân đạo…), học hỏi (khóa hè, khóa đàn, khóa vi tính…), mừng lễ (Trung thu, Noel, Tết). Mỗi sự kiện đều là cơ hội truyền giáo, qua đó hướng dẫn, khích lệ, đôn đốc và khen thưởng giáo dân “ra đi” đến với lương dân. Chính những dịp như thế cũng tạo cho giáo dân niềm hãnh diện về đạo, về nhà thờ… và giúp họ thêm hăng hái trong những sự kiện kế tiếp.

– Vận dụng các lễ hội đạo đời: Hằng năm có khoảng 20 lễ hội đạo đời, là dịp rất thuận lợi để xứ đạo hay cộng đoàn mở rộng tương giao với anh em lương dân chung quanh, đồng thời là cơ hội để giáo dân thực hành truyền giáo. Điển hình như: Giáng Sinh 24/12 (Canh thức GS nhằm giới thiệu đạo cho lương dân hơn là trình diễn cho người Công giáo) – Phục Sinh – Mồng II Tết, cầu cho ông bà cha mẹ – Thắp hương Suy tôn Tổ tiên 02/11 – Mồng III Tết, cầu mùa & thánh hóa việc làm ăn & làm phép dụng cụ lao động – Rằm Tháng Ba âl.,Thanh Minh tảo mộ – Tết Đoan Ngọ 5/5 âl., cầu mùa – Trung Thu – Khóa hè cho Thiếu nhi – Khai giảng và bế giảng Năm học – Quốc Khánh 02/9 – Ngày Nhà giáo 20/11 – Ngày Thầy thuốc 27/2 – Lễ Bổn mạng Nhà thờ, Bổn mạng các giới, Lễ Thánh Gia…

Ngoài những dịp lễ hội trên là những sự kiện định kỳ theo năm tháng, còn có những sự kiện đột xuất như: thiên tai (tổ chức chương trình cứu trợ), hoạn nạn (vận động chia sẻ, trợ giúp nạn nhân và gia đình), cưới xin (chia vui, chúc mừng, chụp ảnh cưới ở nhà thờ), tang chế (trợ cấp hòm và gạo cho gia đình gặp khó khăn)… cũng cần được vận dụng để thành cơ hội truyền giáo. Những sự kiện đột xuất này lại dễ gây ấn tượng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng (Cứu trợ đồng bào Miền Trung trước biến cố cá chết Formosa).

– Giới thiệu vài hình thức cụ thể khác tạo điều kiện để giáo dân đến với lương dân và mời lương dân đến nhà thờ: Lịch Năm mới Vui sống Hạnh phúc – Tủ thuốc Truyền giáo – Chương trình “Ký gạo khi khốn khó” – Gói mì “Midomino” – Lớp hè kỹ năng sống cho Thiếu nhi lương & giáo – Phần thưởng “Cùng đi tìm Chúa” – Thi đua làm hang đá Noel ở các tụ điểm công cộng (quán cà phê, trường học, cửa hàng..) – Hội chợ Trang phục – Hội chợ ẩm thực miễn phí các dịp lễ, kèm theo văn nghệ và trình diễn Thánh Ca, có vé mời anh em lương dân…

ĐỂ KẾT

Mỗi Kitô hữu đã “được thanh tẩy và được sai đi”, nên mọi thành phần dân Chúa hãy cùng nhau “lên đường” đem Tin mừng đến cho muôn dân. Để tiến hành công cuộc Loan báo Tin mừng của Giáo hội, cần lắm những vị lãnh đạo đầy nhiệt huyết, dám tiên phong, nhiều sáng kiến, quyết dấn thân… đó là các linh mục. Trong nỗ lực truyền giáo, mỗi sự kiện, mỗi tiện ích, mỗi phúc lợi cần được các linh mục vận dụng đầy sáng tạo, như cơ may loan Tin mừng, thiết kế thành những kế hoạch truyền giáo thực tiễn, tạo điều kiện để tiếp cận và quy tụ lương dân đến nhà thờ. Thực hiện kế hoạch đó, chắc hẳn không thể thiếu lực lượng giáo dân là những tay thợ đắc lực, làm trung gian nối kết lương dân với Giáo hội, rồi đưa đến gần Chúa. Có được như thế, tin chắc rằng cánh đồng truyền giáo của Giáo hội, trong tương lai, sẽ gặt hái được nhiều thành quả to tát, không nhờ những dự án lớn lao, nhưng nhờ những nỗ lực Loan báo Tin mừng đồng loạt, liên tục, và được kế thừa lâu dài.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 115 (tháng 11 & 12, năm 2019)

Nguồn: hdgmvietnam.com