Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 16: BÀI GIẢNG LỄ
I/ VĂN KIỆN
– Bài giảng là thành phần của Phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo. Phải diễn giải hoặc một khía cạnh của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc các bản văn nào khác thuộc phần chung hay phần riêng của Thánh lễ ngày đó, có liên hệ tới mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu đặc biệt của thính giả (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 65).
– Thông thường bài giảng hoặc do chính linh mục chủ tế, hoặc một vị đồng tế được ngài ủy thác, đảm nhiệm. Đôi khi, cũng có thể tùy nghi trao cho một phó tế, nhưng không bao giờ trao cho một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, Đức Giám mục hoặc một linh mục khác, hiện diện nhưng không thể đồng tế, cũng có thể giảng. Vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc, trong mọi Thánh lễ cử hành có cộng đoàn tham dự, phải giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng; còn các ngày khác cũng nên giảng, nhất là các ngày trong tuần mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ. Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian vắn (QCSL 66).
II/ LỊCH SỬ
Bài giảng trong Thánh lễ hiện nay chắc chắn bắt nguồn từ thực hành giải thích sách Luật và Tiên tri theo thông lệ của Do Thái như thấy ghi lại trong sách Nơkhemia (Nkm 8, 7-8).
Trong Tân Ước, thực hành trên được tiếp nối như trường hợp Chúa Giêsu vào hội đường Do Thái và Ngài được mời lên dẫn giải Sách Thánh (x. Lc 4,16-22a); Ngài cũng thường xuyên giảng trong các hội đường khắp vùng Galilê (x. Mc 1,21; Lc 4,15); hay trường hợp của hai thánh Phaolô và Barnaba khi được yêu cầu diễn giảng Sách Thánh tại Antiôkia miền Pixiđia (Cv 13:15). Tuy nhiên, bài giải thích Sách Thánh của Chúa Giêsu cho hai môn đệ trên đường đi Emau (x. Lc 24,14) được coi là gần gũi nhất với Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ.[1]
Năm 150, thánh Justinô đã xác nhận thực hành này: sau các Bài đọc, Đức Giám mục hướng dẫn và giáo huấn dân chúng nên bắt chước những sự việc mà họ đã nghe (Apologia 67:4).[2] Bài giảng, tiếng La-tinh gọi là “homilia”, được hiểu lúc bấy giờ là bài giảng của Đức Giám mục, và là thành phần quan trọng của cử hành Thánh Thể trong thời giáo phụ. Rất nhiều bài giảng như vậy còn lưu truyền cho đến nay và nhiều giáo phụ [như Basil, Gioan Kim Khẩu, Ambrosio, Augustino] được coi là những nhà giảng thuyết vĩ đại, họ được nhớ đến cũng một phần vì bài giảng của các ngài.[3] Vào thế kỷ IV, nhiều vị kỳ mục được phép giảng, nhưng Giám mục luôn là người kết thúc và nói lời huấn dụ cuối cùng.[4] Thế kỷ VI, việc giảng chỉ dành riêng cho các Giám mục, lý do là vì địa vị của Giám mục lúc bấy giờ khá quan trọng, và thường chỉ Đức Giám mục mới chủ tế, nên ngài kiêm luôn phận vụ giảng dạy.[5] Công đồng Vaison (năm 529) yêu cầu rằng thông thường thì linh mục cũng phải giảng, khi không thể, thầy phó tế có thể đọc một bài giảng (Can. 3).[6]
Phụng vụ trước đây là ứng khẩu, và nội dung của bài giảng thường theo nhu cầu thực tế của cộng đoàn chứ không theo tiêu chuẩn nào hay theo bản văn Thánh Kinh. Dần dần, khi Giáo Hội phát triển và quy luật cử hành phụng vụ được hình thành, các bản văn Thánh Kinh là nguồn căn bản cho các Giám mục diễn giảng. Vào thế kỷ VIII, nhiều Giám mục coi chuyện giảng là thứ yếu so với phần vụ quản lý tài sản cũng như điều hành lãnh thổ. Dầu vậy, có nhiều tiếng nói kêu gọi phục hồi giá trị của bài giảng lễ. Chẳng hạn, nếu không tự soạn ra thì diễn giảng có thể đọc bài giảng của các giáo phụ.
Năm 833, người ta dịch các bài giảng giáo phụ ra tiếng địa phương. Để giúp các nhà giảng thuyết, người ta sưu tập các bài giảng danh tiếng và đóng thành bộ để các ngài tham khảo và nếu cần có thể đọc cho dân chúng nghe. Tuy nhiên, công việc này không mang lại nhiều kết quả mong muốn ở chỗ: thay vì quảng diễn Lời Chúa, nhiều nhà giảng thuyết của thế kỷ IX lại nhấn mạnh thuần túy đến những nguyên tắc đạo lý hay luân lý từ những tòa giảng được định vị ở giữa lòng nhà thờ.[7]
Nhằm phản ứng lại phong trào lạc giáo, trong thế kỷ XIII, giáo dân bị ngăn cấm giảng lễ. Trong bối cảnh đó, các tu sĩ dòng thuyết giáo (Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô) trở thành những chuyên viên giảng thuyết bên ngoài Thánh lễ. Sau bài giảng, dân chúng đọc các kinh bổn khác nhau, rồi học giáo lý qua việc nghe cắt nghĩa các kinh đó. Một số diễn giả còn nhấn mạnh đến lòng ăn năn sám hối, nên sau đó, mọi người sẽ đọc kinh Cáo mình rồi lãnh bí tích Giải tội.[8] Thánh lể theo Sách lễ của đức Piô V đề cập đến bài giảng sau Phúc Âm như một thực hành khả thi (Ritus servandus 6:6).[9]
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh tầm quan trọng của bài giảng và coi bài giảng là thành phần không thể tách khỏi phụng vụ: “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Hơn nữa, trong những Thánh lễ được cử hành những ngày Chúa nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh [PV], số 52).
III/ Ý NGHĨA
Bài giảng, homilia, có nghĩa là “nói chuyện thân mật”, là “đàm đạo thân tình” như hai môn đệ trên đường đi Emau lắng nghe “homilia” của Chúa Giêsu (x. Lc 24,14-15). “Nói chuyện” không có nghĩa là phải “đối thoại”, và “thân mật” không có nghĩa là phải nói những chuyện tầm thường hoặc thời sự, nhưng bài giảng lễ giống như cuộc đàm đạo thân tình mang tính gia đình trong đó vị chủ chăn như người cha trong nhà sẽ chia sẻ/phân phát “lương thực hàng ngày” cho con cái.[10]
Trong buổi cử hành Thánh Thể, Bài Tin Mừng “là tột đỉnh của Phụng vụ Lời Chúa”, theo truyền thống của Hội Thánh, được dành cho thừa tác viên có chức thánh… (Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ [BTCĐ], số 63). Cũng vậy, việc giảng lễ được dành riêng cho tư tế hay phó tế (x. Nghi Thức Thánh Lễ [NTTL], số 17; Mục Lục Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ [BĐ], số 24; QCSL 66). Tất cả những điều này nhằm nhắc nhớ mọi người biết rằng Tin Mừng được công bố và được thông hiểu với đức tin tông truyền. Nói cách khác, Hội Thánh muốn đảm bảo rằng bài giảng đi đúng theo đức tin tông truyền của Hội Thánh chứ không chỉ là những suy tư và kinh nghiệm cá nhân.[11] Chính qua bài giảng mà quyền giáo huấn của Hội Thánh được thể hiện. Hội Thánh không những đã nhận từ Đức Giêsu mệnh lệnh công bố Lời Chúa, mà còn nhận sứ mệnh diễn giảng, làm cho Lời Chúa được sáng tỏ và áp dụng Lời Chúa vào tất cả hoàn cảnh của đời sống nhân loại. Cùng với Phụng vụ Thánh Thể, nhờ bài giảng lễ, Lời Chúa trở thành một cuộc ‘rao truyền các công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô’ (PV 35).[12]
Trong phần Phụng vụ Thánh Thể (nghi thức hiệp lễ), bẻ bánh có vai trò như thế nào, thì bài giảng cũng có vai trò như vậy trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Tức là bài giảng, nhằm giải thích Lời Chúa, giải thích các mầu nhiệm thánh, như thể “bẻ Lời Chúa” ra mà phân phát cho mọi người, để người nghe có thể chấp nhận Lời được công bố đúng là Lời của Thiên Chúa,[13] và Lời Chúa cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo (x. PV 7, 33, 52; QCSL 29; Bộ Giáo Luật [BGL], số 767§1). Ý định của Hội Thánh là qua bài giảng lễ, chúng ta cảm nghiệm được sự dịu ngọt của Kinh Thánh, gợi lên trong tâm hồn chúng ta tâm tình tạ ơn trước những việc lạ lùng của Thiên Chúa, nuôi dưỡng đức tin chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta rước lễ có hiệu quả, thiết lập một mối liên hệ giữa Lời Chúa mới được công bố với những biến cố cụ thể trong cuộc sống, mời gọi chúng ta chấp hành những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu (x. PV 52; QCSL 65; BĐ 41).[14]
IV/ MỤC VỤ
1) Vì bài giảng là thành phần của hành động phụng vụ cho nên người giảng cần dựa vào bản văn Thánh Kinh và phụng vụ của ngày lễ mà soạn và giảng lễ cũng như nên soạn bài giảng trong khung cảnh cầu nguyện.[15]
2) Bài giảng phải rõ ràng, dễ hiểu, theo đúng mục đích huấn giáo và khích lệ của bài giảng.[16] Vậy phải tránh giảng với cung giọng tiêu cực, với những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc, hay nêu ra toàn những sự việc có tính tiêu cực, gợi lên sự sợ hãi, lo âu, buồn bực hay tức giận.[17] Trái lại, nên giảng với cung giọng tích cực, vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nêu ra những gương sáng lành thánh hầu gợi lên niềm vui, bình an và sự hăng say dấn thân nơi tín hữu; nhấn mạnh đến những gì nên làm hơn là những cấm đoán, khơi lên nơi người nghe niềm tin, hy vọng và hướng họ đến tương lai tốt đẹp.[18]
3) Bài giảng không nên quá dài dòng, lặp đi lặp lại, gán cho Thánh Kinh những ý nghĩa xa xôi,[19] không bao giờ là bài thuyết giảng về một chủ đề trừu tượng;[20] không phải là bài suy niệm, bài diễn văn, bài thuyết trình, bài dạy giáo lý hoặc bài chú giải Kinh Thánh dạy trên lớp học/giảng đường; không chỉ giới hạn vào việc khuyên răn luân lý và càng không phải là một công việc quảng cáo hay một hình thức trình diễn (QCSL 65-66);[21] người giảng tránh hướng về chính mình hay nói những câu chuyện riêng tư của mình.[22]
4) Thông thường bài giảng do chính chủ tế thực hiện như một chọn lựa ưu tiên (QCSL 213),[23] nhưng một vị đồng tế được ngài ủy thác có thể đảm nhiệm phần vụ này. Đôi khi, cũng có thể tùy nghi trao cho một phó tế, nhưng không bao giờ giao cho một giáo dân (x. BGL 766-767; NTTL 17; QCSL 66; BĐ 24; BTCĐ 64-66).[24] Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, đức giám mục hoặc một linh mục khác hiện diện nhưng không thể đồng tế, cũng có thể giảng lễ (x. QCSL 66; BTCĐ 64).
5) Vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc, trong mọi Thánh lễ cử hành có cộng đoàn tham dự, phải giảng mà không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng; còn các ngày khác cũng nên giảng, nhất là các ngày trong tuần Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ (x. NTTL 17; QCSL 66; BĐ 25; BGL 767).[25]
6) Bài giảng có thể được thực hiện tại 3 vị trí: (i) Ghế chủ toạ: ở chỗ này, trừ đức giám mục, linh mục giảng thuyết phải đứng giảng, và theo truyền thống, phó tế không bao giờ đứng tại ghế để giảng;[26] (2) Giảng đài; (3) [Tùy nghi] ở một nơi nào khác thích hợp (x. QCSL 136; BĐ 26), nhưng không đứng giảng tại bàn thờ.[27] Như vậy, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma không cấm nghiêm ngặt việc di chuyển đi lại trong khi giảng, nhưng chắc chắn Hội Thánh muốn rằng giảng từ một nơi cố định là giảng đài thì tốt hơn. Lý do là vì việc đi lại trong khi giảng có thể mang tính chất rạp hát (kịch nghệ) và diễn thuyết hơn là giảng lễ. Nó dễ dàng làm phân tán sứ điệp Tin Mừng cũng như không phù hợp với bối cảnh của toàn bộ việc cử hành, chẳng hạn như: [i] Có nguy cơ biến Thánh lễ thành một thứ show trình diễn; [ii] Khi kết thúc bài giảng, dân chúng không dễ dàng trở về trạng thái suy niệm nhằm chuẩn bị tâm hồn tham dự vào phần Phụng vụ Thánh Thể. Bởi vậy, muốn áp dụng cách thức này, người giảng phải có những tài năng đặc biệt trong lãnh vực truyền thông và biết sử dụng các phương pháp tạo ra hiệu quả thiêng liêng tốt đẹp. Cơ hội tốt nhất để thực thi hình thức giảng như vậy là dịp giảng tĩnh tâm bên ngoài Thánh lễ.[28]
7) Không nên trình chiếu slide show như một công cụ hỗ trợ cho bài giảng vì hình ảnh thường làm cho dân chúng thụ động, phân tâm khỏi sứ điệp cốt lõi được truyền tải bằng lời; và đức tin, như thánh Phaolô nói, được truyền tải trên hết bởi việc lắng nghe.[29]
8) Không vỗ tay sau bài giảng, vì chính phụng vụ đề nghị giữ thinh lặng một khoảng thời gian vắn lúc này để dân chúng hấp thụ Lời Chúa vào lòng và chuẩn bị tâm hồn đáp lại Lời Chúa trong kinh nguyện (x. QCSL 65-66, 136). Việc vỗ tay dễ làm cho vị giảng lễ quy hướng về mình chứ không phải về Chúa Kitô (x. QCSL 93).[30]
9) Như một nghệ thuật cử hành “ars celebrandi”, chấm dứt bài giảng, vị giảng lễ nên về chỗ ngồi và thinh lặng (x. QCSL 45, 136). Nếu chính chủ tế giảng, các phó tế/đồng tế gần bên có thể đứng lên chào đón ngài về ghế chủ tọa của mình.[31]
10) Có thể dạo đàn phong cầm trong khoảng thời gian thinh lặng sau khi nghe giảng miễn là việc dạo đàn thực sự diễn ra cách nhẹ nhàng và không làm chia trí dân chúng đang khi suy niệm (Notitiae 9 [1973] 192).
V/ SUY NIỆM
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Lạy Chúa Giêsu, tại thời điểm đó và trong không gian đó, nói như vậy quả là một sự liều lĩnh. Trong bài giảng, Chúa giải thích cho dân chúng tại hội đường Do Thái những gì Chúa vừa đọc trước đó từ sách ngôn sứ Isaia. Với tài hùng biện và xác tín trong giọng nói, Chúa cho rằng đó chính là những lời tiên tri vừa được loan ra và ứng nghiệm. Chúa đã được xức dầu bởi Chúa Cha để làm Đấng Mêssia, làm Đấng Kitô: đến thế gian thi hành sứ mệnh rao giảng, chữa lành và giải thoát. Nhưng thật không may, đám thính giả của Chúa lại là những người đồng hương. Họ biết rõ ngọn nguồn lý lịch gia đình của Chúa. Thế là họ không dễ dàng và không sẵn sàng chấp nhận người con trai của bác thợ mộc gần bên họ lại có thể thông thái đến vậy. Thật đúng là không có vị tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình (x. Lc 4, 24-30).
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Bài giảng mà vị linh mục chia sẻ là nhằm đảm bảo rằng Lời Chúa vẫn là Lời sống động và hữu hiệu; khi người nghe đón nhận Lời Chúa bằng đức tin, Lời Chúa sẽ xảy ra đúng như vậy. Bài giảng kết nối Bài đọc Sách Thánh với cuộc sống của cộng đoàn phụng vụ và với các biến cố xảy ra trên toàn cầu. Lạy Chúa, thật an ủi biết bao khi chúng con có thể tìm thấy trong Lời Chúa câu giải đáp cho những thắc mắc trăn trở của chúng con, sự soi sáng những lúc chúng con nghi ngờ, lời giải thích về những bấp bênh chao đảo của cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, chúng con cảm nhận sâu sắc về công việc rao giảng của các linh mục. Việc diễn giảng bằng cách sử dụng theo cùng chu kỳ các Bài đọc là một gánh nặng cho các ngài, ấy là chưa nói đến một thực tế là cũng những con người ấy hiện diện để lắng nghe ngài hết ngày này qua ngày khác, hết Chúa nhật này đến Chúa nhật kia.
Bài giảng trong Thánh lễ là nghĩa vụ thiêng liêng của các linh mục. Các ngài không chỉ bẻ bánh thân mình Chúa mà còn bẻ bánh Lời Chúa nữa. Các ngài là những thừa tác viên của bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Qua thừa tác vụ giảng Lời của linh mục, Chúa làm dịu cơn khát của dân chúng bằng lời trao ban sự sống cũng như Chúa nuôi dưỡng những linh hồn đang đói bằng bánh sự sống. Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho các linh mục của Chúa: ước gì các ngài có thể truyền đạt cho tất cả mọi người Lời Chúa đã nhận được trong niềm vui và cầu nguyện. Khi suy niệm về Lời Chúa, xin cho các linh mục tin vào những gì họ đọc, dạy những gì họ tin và thực hành những gì họ dạy. Amen.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 38.
[2] X. Domenico Sartore, CSJ, “The Homily,” trong Hand Book for Liturgical Studies, vol. III, The Eucharist, ed. Anscar J. Chupungco, OSB (Quezon City: Claretian Publications, 2004), 190.
[3] Ibid., 192.
[4] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 1, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 457.
[5] Ibid., 59.
[6] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 180.
[7] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, tập 2, ed. A. G. Martimort (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 154.
[8] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 60-61.
[9] Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 181.
[10] X. Jean Claude Crivellé, “Việc Giảng dạy,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb Đồng Nai, 1992), 205.
[11] Jeremy Driscoll, What Happen at Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), 51-52.
[12] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 74.
[13] Ibid.
[14] X. Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist (Makati: St. Paul Publications, 1991), 78.
[15] Sắc lệnh “Homiletic Directory” [Prot. N. 531/14] (29/06/2014), số 26.
[16] ĐGH Biển Đức XVI, Sacramentum caritatis, số 46.
[17] X. Huỳnh Văn Sỹ, “Bài Giảng trong Thánh lễ: Khía cạnh Pháp lý và Mục vụ” ( 05/11/2017), acc. 19/12/2023, https://gpquinhon.org/q/tu-lieu/bai-giang-trong-thanh-le-khia-canh-phap-ly-va-muc-vu-631.html
[18] X. Ibid.
[19] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 66.
[20] X. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Chỉ nam Giảng lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 17-18; Jean Claude Crivellé, “Việc Giảng dạy,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, 211.
[21] X. Chỉ nam Giảng lễ, 17-18.
[22] X. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, số 147.
[23] DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 68.
[24] X. Jeremy Driscoll, What Happen at Mass, 51-52; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 66.
[25] Huấn thị Inter Oecumenici, số 53; Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 264; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 66.
[26] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 106
[27] Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), nos. 264, 490; Turner, Ars Celebrandi, 105.
[28] X. McNamara, “Homilies While Walking” (31 Aug. 2004), acc. 13/12/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/homilies-while-walking-4677.
[29] X. McNamara, “Slide Shows at Homilies” (4 Sep. 2007), acc. 19/12/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/slide-shows-at-homilies-4384.
[30] X. McNamara, “Applause at Homilies” (20 Jan. 2009), acc. 19/12/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/applause-at-homilies-4459; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 93.
[31] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 191.
Nguồn: hgdmvietnam.com