Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 36: LỜI CHUYỂN CẦU
I/ NGHI THỨC
Sau Lời nguyện dâng tiến, chủ tế chuyển sang đọc Lời chuyển cầu, chẳng hạn Lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể II: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Đức Giáo Hoàng […] Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại […] Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, […] Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa.”
II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA
Truyền thống dâng Lời chuyền cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể đã có ngay từ thuở đầu của phụng vụ Thánh lễ cả bên Đông lẫn bên Tây phương. Chúng bắt nguồn và được vay mượn từ phụng tự Do Thái: mỗi khi dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, dù tại tư gia hay hội đường, người Do Thái thường lồng vào các Lời chuyển cầu cho các nhu cầu hiện tại, cho tất cả những người thân thuộc trong tâm tình ngợi khen Thiên Chúa.[1]
Nhưng, cũng như kinh “Thánh, Thánh, Chí Thánh” (Sanctus), người ta không thấy những Lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể của thánh Hippôlytô nhưng nằm ở phần mà ngày nay chúng ta gọi là lời nguyện tín hữu. Chúng cũng không có trong các gia đình phụng vụ Gallican và Tây Ban Nha. Các gia đình phụng vụ khác đều có, nhưng vị trí của chúng trong các Kinh nguyện Thánh Thể lại khác nhau. Sự kiện này giúp chúng ta biết là chúng mới được thêm vào sau này.[2]
Trong gia đình phụng vụ Antiôkia, những Lời chuyển cầu được đặt sau kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần (Epiclesis) và trước Vinh tụng ca cuối cùng. Tại Ai Cập và Êtiôpi, chúng được đặt xen kẽ giữa kinh Tiền tụng và kinh Sanctus, trong khi nơi các nghi điển phụng vụ Syria mạn Đông, người ta xếp chúng giữa kinh Tưởng niệm (Anamnesis) và kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần (Epiclesis). Cụ thể như sau: [i] Cấu trúc của Anaphora thuộc gia đình Antiôkia theo thứ tự là: Đối thoại; Chúc tụng và cảm tạ; Dẫn nhập vào kinh Sanctus; Kinh Sanctus; Lời nguyện hậu-Sanctus; Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể; Anamnesis; Epiclesis; Lời chuyển cầu; và Vinh tụng ca; [ii] Cấu trúc Anaphora của gia đình Alexandria theo thứ tự: Đối thoại; Chúc tụng và cảm tạ; Lời chuyển cầu; Dẫn nhập vào kinh Sanctus; Kinh Sanctus; Epiclesis I; Lời nguyện hậu-Sanctus; Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể; Anamnesis; Epiclesis II; và Vinh tụng ca; [iii] Cấu trúc Anaphora của gia đình Đông Syria được sắp xếp như sau: Đối thoại; Chúc tụng và cảm tạ; Dẫn nhập vào kinh Sanctus; Kinh Sanctus; Lời nguyện hậu-Sanctus; Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể; Anamnesis; Epiclesis; Lời chuyển cầu; và Vinh tụng ca. [3]
Lễ quy Rôma có cấu trúc như Anaphora của gia đình Alexandria. Lúc đầu, có khá nhiều Lời chuyển cầu trước truyền phép, chẳng hạn Lời chuyển cầu cho Hội Thánh, cho Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục địa phương, những người còn đang sống và những người đang tham dự Thánh lễ; theo sau là bản liệt kê danh sách các thánh tông đồ và tử đạo được tôn kính đặc biệt ở Rôma. Hướng đến phần kết thúc lời nguyện là nhóm thứ hai gồm những lời nguyện cầu nhớ đến những anh chị em đã ly trần (từ thế kỷ IX) đồng thời kêu cầu các thánh tử đạo và các thánh.[4] Trong Lễ quy Rôma hiện nay, cấu trúc của Lời chuyển cầu vẫn không thay đổi. Trước truyền phép có 3 kinh: (1) Cầu cho Hội Thánh (NTTL 84); (2) Cầu cho người còn sống (NTTL 85); (3) Hiệp thông cùng Hội Thánh với bản danh sách các thánh (NTTL 86). Sau truyền phép thì có: (1) Cầu cho người đã qua đời (NTTL 95); (2) Cầu cho cả cho chúng con, là tôi tớ tội lỗi theo sau là bản danh sách các thánh (NTTL 96).[5] Như vậy, cả trước lẫn sau truyền phép Lễ quy Rôma có 5 kinh dùng làm Lời chuyển cầu và đều có bản liệt kê tên các thánh. Đây là cách xếp đặt riêng của Lễ quy Rôma, có lẽ không dựa vào lý do giáo lý, nhưng chỉ do tính thích cân đối, lặp đi lặp lại của Rôma, tuy vậy bản liệt kê danh sách các thánh được rút ngắn hơn.[6]
Trong cách xếp đặt các Lời chuyển cầu, các Kinh nguyện Thánh Thể mới (II, III, IV) khác xa với Lễ quy Rôma và đi theo cấu trúc Antiôkia. Trong các Kinh nguyện Thánh Thể này, các Lời chuyển cầu được phân phối ở trước và sau phần truyền phép. Các Lời chuyển cầu được sắp xếp theo diễn tiến của lịch sử cứu độ. Cũng như trong kinh Tin kính, Hội Thánh và các bí tích được xếp vào phần dành cho Chúa Thánh Thần, trong các Kinh nguyện Thánh Thể mới cũng vậy, những Lời chuyển cầu được đưa về phần cuối lời nguyện và nối kết với kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần. Đó là một trật tự rất tự nhiên và cần thiết. Trong kinh Tiền tụng mở đầu Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đã nhắc tới các thần thánh trên trời cũng như xin các ngài cùng tham dự vào lời tạ ơn của chúng ta, thì tại phần cuối, chúng ta lại nhắc tới các ngài và mong được chung hưởng vinh quang thiên quốc với các ngài.[7]
Hình như theo nguồn gốc, những Lời chuyển cầu này hướng theo hai chiều khác biệt, nhưng lại gần cận nhau và thường đồng quy với nhau:
(1) Trước tiên, chúng hướng về những người dâng bánh rượu hay những của lễ khác, cả những người dâng tiền xin chỉ ý lễ. Hội Thánh hướng về họ và xin cho họ được tham dự vào hiệu quả của Thánh lễ. Chẳng hạn cầu cho những người còn sống khi mới lãnh nhận các bí tích hôm ấy, hoặc mới nhận một chức vụ, một bậc sống mới trong Hội Thánh, cầu nguyện cho những anh chị em tân tòng. Ngoài ra, trong Thánh lễ cầu cho những tín hữu đã qua đời, trước khi tưởng nhớ chung những người quá cố, cũng có kinh cầu nguyện riêng cho những người linh mục chỉ lễ cho.[8]
(2) Chiều hướng thứ hai mà những Lời chuyển cầu hướng tới là sự hiệp thông trong Hội Thánh. Do vậy, vị tư tế nhắc tên của Đức Thánh cha, của Đức Giám mục giáo phận và cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ, những người hiện diện cũng như vắng mặt. Chúng ta (Giáo Hội lữ hành) không chỉ nhắc tới những người nơi trần thế, nhưng xin hiệp thông cả với các thần thánh trên trời (Giáo Hội khải hoàn) với lòng khao khát được ở cùng với các ngài và được chia sẻ những thiện hảo thiêng liêng. Chúng ta cũng hiệp thông với những anh chị em đã ly trần (Giáo Hội thanh luyện) và chuyển cầu cho họ được thương nhận vào Nước Chúa (x. GLCG 958, 1030, 1032; PV 7).
Việc sắp xếp Lời chuyển cầu thường thay đổi trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng theo một chủ đề là dâng lên Chúa Cha (1) trước hết tất cả những ai sẽ được Mình và Máu Chúa Kitô bổ dưỡng; (2) thứ hai là dâng lên Chúa Cha toàn thể Hội Thánh hoàn vũ và chỉ giới hạn vào Hội Thánh cũng như sự hợp nhất của Hội Thánh mà thôi. Bởi vậy, Lời chuyển cầu thường có cấu trúc theo hình kim tự tháp như sau: (i) Lời cầu cho Đức Giáo hoàng (lãnh đạo Hội Thánh phổ quát), cho Đức Giám mục giáo phận (lãnh đạo Hội Thánh địa phương), cho tất cả các Đức Giám mục (Kinh nguyện Thánh Thể I), cho toàn thể hàng giáo sĩ (Kinh nguyện Thánh Thể II) như biểu hiện của sự hiệp thông với các ngài là mục tử của Hội Thánh; (ii) Lời cầu cho Hội Thánh hoàn vũ với toàn thể dân thánh đã được Thiên Chúa cứu độ (Kinh nguyện Thánh Thể II và III); (iii) Lời cầu cho sự hiệp nhất của Hội Thánh (Kinh nguyện Thánh Thể III và IV); (iv) Lời cầu cho những người đã qua đời; (v) Lời cầu cho những người đang tham dự cử hành Thánh Thể (kẻ sống) được liên kết với Đức Maria và các thánh hầu diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh hiệp thông (x. GLCG 1354).[9]
Tóm lại Lời chuyển cầu là một trong những phần thêm vào giá trị nhất cho phụng vụ ngày nay, cũng là phần quan trọng của Kinh nguyện Thánh Thể, có chủ đề là Hội Thánh, hy tế và ơn cứu độ đạt được nhờ Chúa Kitô cũng như được biểu lộ trong sự hợp nhất.[10] Lời chuyển cầu cho thấy Hy lễ Tạ ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, và cho thấy lễ phẩm được dâng tiến để cầu cho chính Hội Thánh và mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, là những chi thể đã được kêu mời thông phần ơn cứu chuộc và ơn cứu độ do Mình và Máu Ðức Kitô đem lại (x. NTTL 95-97, 105, 113, 122; QCSL 79g).[11]
III/ MỤC VỤ
A/ Nêu tên Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục
1) Phải nêu tên đức giáo hoàng và đức giám mục giáo phận trong Kinh nguyện Thánh Thể vì với thánh chức giám mục các ngài kế vị các tông đồ, là tiêu điểm và nguyên lý hiệp thông của Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương [bên cạnh bí tích Thánh Thể].[12]
2) Tư tế trước hết nêu danh hiệu của đức giáo hoàng đương kim mà không cần nêu con số. Tiếp đến, nêu danh tính của đức giám mục đang cai quản giáo phận hoặc đức giám mục giám quản giáo phận hoặc vị cùng đẳng cấp với giám mục giáo phận theo luật.[13] Nếu có thể, tư tế nêu thêm tên của đức giám mục phó hay phụ tá.[14]
3) Khi cử hành Thánh lễ trong một giáo phận khác mà cộng đoàn dân Chúa là những người của mình, ví dụ: khi đi hành hương, du lịch, nghỉ mát…, chủ tế sẽ xướng tên đức giám mục của mình trước rồi mới xướng tên của giám mục địa phương sau.[15]
4) Tư tế không nêu tên của: (1) các giám mục khác đang hiện diện, cho dù ngài là chủ tế;[16] (2) đức giám mục về hưu; (3) linh mục giám quản. [17] Bởi lẽ, (a) việc nêu tên Đấng Bản quyền địa phương trong Kinh nguyện Thánh Thể không phải là một vấn đề về danh dự hay kính trọng, nhưng bởi lý do hiệp thông và bác ái:[18] ngài là tiêu điểm và nguyên lý của sự hiệp nhất;[19] (b) những lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể cũng bao gồm việc cầu nguyện cho tất cả các giám mục (x. QCSL 92).[20]
5) Tư tế không đọc các danh hiệu/tước vị nào khác của đức giám mục hay đức giám mục giám quản (như tổng giám mục, hồng y tổng giám mục hay giám quản tông toà) mà chỉ đơn giản đọc như trong bản văn của Sách Lễ Rôma: “Đức giám mục T. chúng con…”. [21]
6) Khi có nhiều vị [giám mục phụ tá] phải được nêu tên, thì đọc dưới một công thức tổng quát: đức giám mục T… chúng con và các giám mục cộng tác với ngài (QCSL 149).[22]
7) Khi một giáo phận trống ngôi/trống tòa (sede vacante) và được tạm thời cai quản bởi một giám mục trong chức vụ giám mục giám quản/giám quản tông tòa, thì công thức trong Kinh nguyện Thánh Thể không cần thay đổi, nghĩa là vẫn đọc: “…đức giám mục T. chúng con…” như thường. Không đọc các danh hiệu khác biệt nếu có của vị giám mục giám quản như tổng giám mục, hồng y tổng giám mục hay giám quản tông toà.[23]
8) Chỉ khi đã chịu chức giám mục và đã tựu chức/nhậm chức, vị giám mục tân cử mới được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể vì bấy giờ ngài mới hưởng quyền tài phán mục vụ trong giáo phận, và do đó thiết lập sự hiệp thông trong Hội Thánh qua việc cử hành Thánh Thể.[24]
B/ Cầu cho người sống và các tín hữu đã qua đời
1) Khi sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể I, tư tế đọc: “Lạy Chúa xin nhớ đến (những) tôi tớ của Chúa là… (và …)” rồi chắp tay cầu nguyện giây lát cho những người mà ngài có ý cầu nguyện cho. Tuy nhiên ở đây, tư tế không nhất thiết phải nêu rõ danh tính của họ mà chỉ cần nếu ý lễ lúc đầu lễ hoặc ghi nhớ tổng quát ý lễ trước Thánh lễ (x. NTTL 85; Ritus servantus in celebratione Missae (1962) VIII, n. 3).[25]
2) Khi sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể II và III: việc nêu tên người quá cố/ý lễ chỉ áp dụng đối với các Thánh lễ: [i] an táng; [ii] lễ sau khi được tin báo tử; lễ giỗ đầu (x. QCSL 355, 381);[26] [iii] lễ giỗ mãn tang (theo tục lệ Việt Nam) trong đó chắc chắn phải sử dụng bài lễ “Thánh lễ cầu cho người đã qua đời”[27] và mặc lễ phục màu tím (x. QCSL 346d). Nên nhớ rằng trong Thánh lễ nào Hội Thánh cũng có cầu cho kẻ sống và người chết, và trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể đều có nhớ đến những người quá cố rồi (x. Notitiae 5 [1969] 325, n. 4; QCSL 355).[28]
C/ Nêu tên các thánh
1) Với Kinh nguyện Thánh Thể I, tư tế không nên đọc thêm bất kỳ tên thánh nào khác không gồm trong danh sách của Sách lễ Rôma.[29] Cũng không tùy tiện thêm bất cứ tên thánh nào khác theo ý thích của mình vào trong các Kinh nguyện Thánh Thể II, IV, hay Kinh nguyện Thánh Thể Hòa Giải (I và II) vì các Kinh nguyện Thánh Thể này không được dự liệu cho trường hợp đó.[30]
2) Nếu tư tế muốn đọc thêm tên thánh bảo trợ, thánh sáng lập dòng, thánh mừng kính trong ngày…, ngài nên chọn đọc Kinh nguyện Thánh Thể III (NTTL 113), hay nếu vào dịp đúng, sử dụng một trong số những Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các dịp hội họp (I, II, III, IV).[31]
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 131.
[2] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 103-04.
[3] X. Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Eucharistic Prayers,” by Barry Ryan, 451-459; Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ,141.
[4] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 197.
[5] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 248-59.
[6] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 142; X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ. 407-08.
[7] X. Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship, s.v. “Eucharistic Prayers,” by Barry Ryan, 451-459.
[8] X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh, 142.
[9] X. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 294.
[10] Ibid.
[11] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 79g.
[12] X. McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” (24 Nov. 2009); “Which Ordinary to Mention at Mass” (27 Sept. 2011); Notitiae 45 (2009) 308-320; Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo Hội như là Hiệp thông,” số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion” trong The Gift of the Church, ed. Peter C. Phan (Collegeville: The Liturgical Press, 2000), 159-176.
[13] X. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội [Lumen Gentium], các số 22-23; Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của Giám mục [Christus Dominus], no. 6; Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1369; ĐGH Biển Đức XVI, Sacramentum caritatis, số 39; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 41.
[14] Notitiae 45 (2009) 308-320.
[15] Arturus Tabera, “Sắc Lệnh về việc Phải Xướng Tên Đức Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể” (09/10/1972), Phụng Vụ, Năm III, số 16 (06/1973): 3-5.
[16] X. McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” (24 Nov. 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/mentioning-bishops-in-the-eucharistic-prayers-4503.
[17] Sắc lệnh Cum de nomine (09/10/1972): Acta Apostolicae Sedis 64 [1972], 692-694; X. McNamara, “When the Holy See Is Vacant (19 Feb. 2013 & 26 Feb. 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-the-holy-see-is-vacant-4668; McNamara, “Coadjutors in the Eucharistic Prayer” (20 Nov. 2018), https://www.ewtn.com/catholicism/library/coadjutors-in-the-eucharistic-prayer-13307.
[18] Bộ Phụng Tự, “Sắc Lệnh về việc Phải Xướng Tên Đức Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể” (09/10/1972), Phụng Vụ, Năm III, số 16 (06/1973): 3-5.
[19] X. McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” (24 Nov. 2009); “Which Ordinary to Mention at Mass” (27 Sept. 2011); Notitiae 45 (2009) 308-320.
[20] X. Foley, et al. (eds.), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, 250-251.
[21] X. USCCB, Committee on Divine Worship, “The Naming of the Pope and the Bishop in the Eucharistic Prayer,” Newsletter, Vol. XLIX (Mar. 2013).
[22] X. McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” (24 Nov. 2009), “Which Ordinary to Mention at Mass” (27 Sept. 2011).
[23] X. USCCB, Committee on Divine Worship, “The Naming of the Pope and the Bishop in the Eucharistic Prayer,” Newsletter, Vol. XLIX (Mar. 2013); McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” (24 Nov. 2009).
[24] X. McNamara, “Mentioning a Bishop-Elect or Apostolic Administrator”, https://saintcharles.co.za/liturgy-qa-mentioning-a-bishop-elect-or-apostolic-administrator-zenit/.
[25] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 134.
[26] X. Notitiae 5 (1969), 325, n. 4
[27] Sách Lễ Rôma [1992], 1124-1164.
[28] X. McNamara, “Mentioning the Mass Intention” (9 Oct. 2007), https://www.ewtn.com/catholicism/library/mentioning-the-mass-intention-4390; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ (17/12/2001), no. 255; Joyce Ann Zimmerman, “The Choice of the Mass and Its Parts,” trong A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, ed. Foley, et al., 411; Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 312, 314; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 355.
[29] X. McNamara, “Adding Names in Eucharistic Prayers” (17 Feb. 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/adding-names-in-eucharistic-prayers-4463.
[30] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 312, 316.
[31] X. Notitiae 14 [1978] 594-595, n. 17.
Nguồn: hgdmvietnam.com