Cử hành Thánh Thể: Bài 48 – Lời nguyện hiệp lễ

25/09/2024

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 48: LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ

I/ NGHI THỨC

Kết thúc thời gian thinh lặng sau rước lễ hoặc sau khi chấm dứt bài ca sau hiệp lễ, tư tế đứng tại bàn thờ hay tại ghế, chắp tay, hướng về giáo dân và đọc “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”, rồi dang tay đọc lời nguyện hiệp lễ để hoàn tất lời nguyện của dân Chúa và để kết thúc toàn bộ nghi thức rước lễ mà cũng là kết thúc phần Phụng Vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện hiệp lễ, giáo dân tung hô “Amen” (x. NTTL 139; QCSL 89, 165).

II/ LỊCH SỬ

Lời nguyện hiệp lễ nảy sinh do ước muốn diễn tả ra bằng lời hiệu quả của bí tích Thánh Thể mà các tín hữu vừa lãnh nhận. Lời nguyện hiệp lễ xuất hiện lần đầu tiên hồi thế kỷ V và được sách Sacramentarium Gregorianum gọi là “Lời nguyện kết thúc/Lời nguyện hoàn tất” (oratio ad complendum/ad completa) vì nó là lời kinh công khai mang tính tổng hợp, để kết thúc cuộc rước/di chuyển trong thánh đường. Tuy nhiên, các sách phụng vụ khác của Rôma (chẳng hạn Sacramentarium Gelasianum) lại gọi là “Lời nguyện sau hiệp lễ” (oratio post communionem) vì nó kết thúc phần cử hành [phụng vụ] Thánh Thể.[1]

Lời nguyện hiệp lễ cũng được biết đến là “Lời nguyện sau hiệp lễ của cộng đoàn” như bên Ai Cập và người ta cũng tìm thấy những lời nguyện tương tự như vậy ở những nơi khác bên Đông phương.[2]

Cuộc rước nào cũng thường có bài ca đi kèm, chẳng hạn cuộc rước nhập lễ thì có ca nhập lễ (introitus), cuộc rước dâng lễ vật thì có ca dâng lễ (offertorium), cuộc rước hiệp lễ thì hát ca hiệp lễ (postcommunio); và cứ sau mỗi cuộc rước hoặc sau một nghi thức thì lại có lời nguyện kết thúc, cho nên chúng ta thấy có lời nguyện nhập lễ/lời tổng nguyện (collecta) kết thúc phần nghi thức đầu lễ, lời nguyện tiến lễ (secreta) kết thúc nghi thức tiến lễ, còn nghi thức hiệp lễ được kết thúc bởi lời nguyện hiệp lễ (postcommunionem).[3]

Cũng như một số lời tổng nguyện mở đầu Thánh lễ được nhân lên nhiều lần trong thời Trung cổ, thì một loạt lời nguyện tương xứng cũng được đọc lên vào lúc sau hiệp lễ có ý nghĩa tưởng nhớ trong hầu hết các cử hành phụng vụ. Hiện nay, chỉ còn lại một lời nguyện hiệp lễ để kết thúc nghi thức rước lễ với ý định xin Chúa ban cho cộng đoàn đón nhận được hoa trái của Thánh Thể. Cộng đồng sẽ thinh lặng trước lời nguyện này hoặc ngay sau khi rước lễ hoặc sau lời mời gọi “chúng ta dâng lời cầu nguyện.”[4]

III/ Ý NGHĨA

Câu mời gọi “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” giúp chúng ta ý thức rằng bản chất của Thánh lễ là một kinh nguyện của cộng đoàn, là kinh nguyện của Hội Thánh, của gia đình Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ có cấu trúc gồm 4 phần giống như lời tổng nguyện: [i] Mời gọi cầu nguyện; [ii] Thinh lặng; [iii] Lời nguyện của chủ tế; [iv] Lời đáp của cộng đoàn.

Lời nguyện hiệp lễ còn gần giống như lời tổng nguyện ở một điểm khác nữa: là lời nguyện mà vị tư tế tổng góp hay thu thập vào trong một lời nguyện của cộng đoàn phụng vụ tất cả những tâm tư tình cảm đã có của mỗi người tham dự trong những phút giây thinh lặng trước đó của họ sau khi rước lễ.

Lời nguyện hiệp lễ gần với đặc tính của Kinh nguyện Thánh Thể, nhất là kinh Tiền tụng. Nội dung của lời nguyện hiệp lễ có thể là lời cảm tạ vì hồng ân Thánh Thể, nhưng chủ yếu, là lời nguyện để cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả, tức là, xin cho hiệu quả của Thánh lễ đến với Dân Chúa (x. QCSL 89); đặc biệt là xin cho những quà tặng của hợp nhất và yêu thương cũng như sức mạnh của thần lương vừa lãnh nhận giúp các Kitô hữu sống ơn gọi của mình trong Hội Thánh đang khi mong chờ quà tặng sự sống vĩnh cửu vào ngày phục sinh trong vương quốc mai sau.[5] Hiệu quả này chúng ta đọc thấy trong những lời nguyện hiệp lễ điển hình sau đây:

– Xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa (Tuần I, mùa Thường niên).

– Xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau.” (Tuần II, mùa Thường niên).

– Xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi (Tuần IV, mùa Thường niên).

– Xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Đức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ (Tuần V, mùa Thường niên).

– Xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được vào hưởng vinh quang thiên quốc (Tuần IX, mùa Thường niên).

– Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời (Tuần XVIII mùa Thường niên).

Trong Thánh lễ, khác với thời kỳ trước Công đồng Vaticanô II vốn có thể có hơn một lời nguyện hiệp lễ vào một số dịp, nay thì chỉ có một lời nguyện hiệp lễ duy nhất với câu kết ngắn. Như vậy, lời nguyện hiệp lễ không phải là lời nguyện kết thúc Thánh lễ mà chỉ là đơn vị cuối cùng của Phụng vụ Thánh Thể (x. NTTL 139; QCSL 89, 165).[6]

IV/ MỤC VỤ

1) Để hoàn tất lời nguyện của Dân Chúa và kết thúc toàn thể nghi thức hiệp lễ, linh mục dang tay đọc lời nguyện hiệp lễ [tại bàn thờ hoặc tại ghế chủ tọa đều được] với ước nguyện xin Chúa ban cho cộng đoàn đón nhận được hoa trái của Thánh Thể (x. NTTL 139; QCSL 89, 165).

2) Trước lời nguyện này, có thể giữ thinh lặng trong giây lát sau câu “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”, trừ khi đã giữ thinh lặng ngay sau khi rước lễ (x. NTTL 139; QCSL 165).

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 400, 421.

[2] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 122.

[3] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 421-22; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 473-74; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 277.

[4] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith,  124.

[5] X. Phan Tấn Thành, 277.

[6] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 350; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 165; Turner, Let Us Pray, no. 789.

Nguồn: hdgmvietnam.com