Thánh ca Việt Nam, từ một góc nhìn khác

01/05/2022

I. LỜI MỞ ĐẦU

Hơn ba phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ giai đoạn hình thành những bài thánh ca tiếng Việt (thập niên 1940), nền Thánh nhạc Việt Nam đã và đang phát triển không ngừng. Những bài thánh ca Việt Nam, ngoài việc góp phần nuôi dưỡng đức tin của Dân Chúa[1], còn góp phần thăng tiến các giá trị khác trong đời sống văn hoá của xã hội. Nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca trưởng, nhạc đoàn, ca đoàn.. .đã và đang nối tiếp nhau đóng góp cho Thánh nhạc Việt Nam ngày càng thêm đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, trong bất cứ sự phát triển nào cũng có mặt tích cực cần được phát huy, và mặt tiêu cực cần phải khắc phục, như nhận định của Uỷ ban Thánh Nhạc (UBTN) trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) “còn nhiều vấn đề cần phải được gạn đục khơi trong ở cả hai lĩnh vực: sáng tác và sử dụng, sao cho đúng tinh thần phụng vụ của Giáo hội”[2].

Bài viết này không đề cập nhiều về những thành tựu của Thánh nhạc Việt Nam trong thời gian đã qua, nhưng tập trung khảo sát những khiếm khuyết cần khắc phục để có thể phát triển toàn diện hơn trong tương lai.

Những khiếm khuyết ấy phát xuất (2) từ bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển với chỉ một hình thể âm nhạc độc tôn và một danh xưng “thánh ca” duy nhất, đã (3) dẫn đến một số ngộ nhận nơi các nhạc sĩ và người sử dụng tác phẩm. Mà để hạn chế và giảm thiểu những ngộ nhận ấy, cần phải tìm hiểu xem giáo hội đã (4) phân loại thánh nhạc như thế nào, để dựa trên những hướng dẫn đó, chúng ta có thể (5) phân loại và định danh các bài thánh ca tiếng Việt. Việc nhận ra những khiếm khuyết trong quá khứ chắc chắn sẽ giúp mở ra một tầm nhìn cho sự phát triển (6) hướng đến tương lai.

II. TỪ BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VỚI MỘT HÌNH THỂ ÂM NHẠC ĐỘC TÔN VÀ MỘT DANH XƯNG “THÁNH CA” DUY NHẤT

Tại Việt Nam, trước Công đồng Vatican II, thánh lễ được linh mục cử hành bằng tiếng La tinh. Vì vậy, để hiệp thông với linh mục, giáo dân thường hát những bài ca diễn tả ý nghĩa chung của từng phần phụng vụ mà sau này được gọi là “hát chầu lễ”[3].

Thí dụ nhập lễ thì hát những bài như “Con sẽ bước lên bàn thờ” của Hùng Lân, “Con hân hoan” của Kim Long… Dâng lễ thì hát những bài có nội dung dâng tiến bánh, rượu, “Con kính dâng Cha cùng bánh và rượu nho…” Ngoài những bài có những nội dung trên, còn có những bài hát kính Đức Mẹ, hát mừng Giáng Sinh, Phục Sinh..

Hình thể ca khúc hai đoạn

Chịu ảnh hưởng của những “bài hát đạo” tiếng Pháp, đặc biệt là những bài được các cha truyền giáo phổ biến từ tuyển tập Cantiques de la jeunesse[4], những bài “hát chầu lễ” tiếng Việt thường được viết theo hình thể (music form) ca khúc hai đoạn, một đoạn là điệp khúc (chorus) và một đoạn là phiên khúc (verse) bao gồm nhiều lời ca được hát với cùng một giai điệu.

Và cũng có lẽ từ chữ “cantique” mà những bài hát tiếng Việt như đã mô tả được gọi là “thánh ca”.

Theo sự phát triển chung về âm nhạc của xã hội, ngày càng có nhiều nhạc sĩ với nhiều ca khúc “tân nhạc”[5] hơn, thánh ca tiếng Việt cũng được sáng tác nhiều hơn, đáp ứng không chỉ cho việc “hát chầu lễ”, mà còn cho các hoạt động đạo đức khác, như các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, các sinh hoạt giáo lý đức tin, các phong trào, các hội đoàn, các hoạt động truyền giáo…

Sau năm 1954, sinh hoạt thánh nhạc tại hai miền Bắc – Nam tuy có sự khác biệt, nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên các bài ca vẫn tập trung vào những chủ đề và hình thể âm nhạc như đã nêu ở giai đoạn trước.

Trong số những bài thánh ca tiếng Việt thời ấy, có nhiều bài đã vướng mắc nhiều sai sót đối với những quy định của Hội Thánh, nên đầu thập niên 1960, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã ra thông cáo buộc các bài thánh ca phải xin imprimatur mới nếu muốn tiếp tục được sử dụng[6].

Sau Công đồng Vatican II, (nửa cuối thập niên 1960) thánh lễ được phép cử hành bằng tiếng bản xứ.

Hình thể bộ lễ (kyriale)

Dựa trên hình thể âm nhạc của các bộ lễ bình ca, những bộ lễ (kyriale) bằng tiếng Việt bắt đầu được các nhạc sĩ sáng tác và phổ biến.

Xét về phương diện âm nhạc, những bộ lễ này đã làm cho thánh nhạc Việt Nam trở nên phong phú bởi các phong cách kết cấu giai điệu và cấu trúc hình thể âm nhạc của mình.

Những bộ lễ tiếng Việt thực sự đã mang đến một luồng sinh khí mới cho giáo dân tham dự phụng vụ. Trong số những bộ lễ được viết từ thời đó, phải kể đến những bộ lễ cho đến ngày nay đã trở nên phổ cập bởi giá trị nghệ thuật và tính thánh thiện của chúng, như bộ lễ Seraphim (1964) của Đức Cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà và các bộ lễ Ca lên đi 1 và 2 (1968) và 3 (1970) của cha Kim Long.

Tuy nhiên, ngoài hình thể bộ lễ, hầu hết các bài ca khác vẫn chỉ được soạn theo mô hình ca khúc hai đoạn, tương tự như các bài “hát chầu lễ” ở giai đoạn đầu.

Cùng thời kỳ này, nhóm Alleluia của Học viện dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, với những bài ca theo châm ngôn “đem Chúa vào đời để giới thiệu cho mọi người, nhất là cho giới trẻ ”[7] đã tạo nên một màu sắc trẻ trung, sôi nổi nhưng đậm chất Thánh Kinh. Trong số những bài ca này, có nhiều bài rất hay mà ngày nay vẫn còn được nhiều người và ca đoàn hát.

Có thể nói, giai đoạn từ 1960 đến trước năm 1975, thánh ca Việt Nam đã phát triển phong phú hơn, cả về nội dung lời ca[8], lẫn về hình thể và phong cách âm nhạc[9].

Nội dung lời ca từ Thánh kinh

Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh[10] là một trong những người tiên phong viết lời ca dựa theo ý lấy từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống. Cũng chính ngài đã đề xướng những hình thể khác nhau trong thánh ca cần phải được nghiên cứu và làm cho hoàn chỉnh hơn ở những lớp nhạc sĩ kế thừa.

Hình thể Đối ca với Thánh Vịnh (antiphona cum psalmo suo)

Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim[11] trong tập Họp Mừng Vượt Qua bắt đầu soạn các bài đối ca với thánh vịnh theo phong cách Gelineau[12].

Hợp xướng

Cùng thời gian này, những bài thánh ca hợp xướng cũng bắt đầu được phát triển, mà nổi bật là các bản hợp ca của Hải Linh do ca đoàn Hồn Nước trình tấu.

Tuy nhiên, hầu hết những bài hợp xướng này cũng đều được viết theo hình thể ca khúc hai đoạn, hoặc hình thức bài ca chúc tụng (hymnus), mà chưa thấy xuất hiện những bài theo các hình thể đặc trưng của hợp xướng như hình thể motetum, oratorio, chỉ duy nhất hai bài cantata của Tiến Dũng là bài Tình Một Nhà[13] và Đêm Ba Mươi Tết Trên Sông[14].

Sở dĩ có sự phát triển như vậy trong khoảng thời gian này, là nhờ những đóng góp không nhỏ cho Thánh nhạc Việt Nam của các nhạc sĩ bậc thầy như Tiến Dũng, Hải Linh, Kim Long, Hoàng Kim…, được đào tạo bài bản về chuyên môn từ châu Âu trở về. Ngoài việc sáng tác những tác phẩm có giá trị, họ còn có công đào tạo nên các thế hệ nhạc sĩ và ca trưởng kế thừa. Nhờ vậy mà Thánh nhạc Việt Nam bắt đầu được định hướng theo những chuẩn mực của Giáo hội.

Sự mất định hướng sau 30/4/1975[15]

Sau ngày 30/4/1975, khi các hoạt động âm nhạc thế tục bị hạn chế do sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, rất nhiều nhạc sĩ cả đạo và đời chuyển qua viết “thánh ca”, một phần để phục vụ các lễ nghi phụng vụ, nhưng phần khác, không thể phủ nhận được, đó là để giải toả tâm tình cá nhân qua ngôn ngữ âm nhạc.

Mặc dù có rất nhiều bài thánh ca mới được sáng tác, số lượng bài thánh ca trong cả nước ước tính đến năm 1988 có khoảng 100.000 bài[16] [17], nhưng “hầu hết các Toà Giám Mục không dám cho IMPRIMATUR các sách đạo, nên các nhạc sĩ tự do sáng tác và tự do in ấn (Ronéo) để phổ biến ”(33. Vì vậy, có thể nói, sinh hoạt Thánh Ca dường như mất dần sự định hướng trước đó.

Tiếp theo là thời kỳ Việt Nam bắt đầu đổi mới. Các chính sách về kinh tế và xã hội dần dần được cởi mở. Nhờ vậy, đời sống âm nhạc nói chung, và Thánh nhạc nói riêng, cũng theo đó mà phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị buông lỏng, “có thể nói, đã xảy ra một cảnh không mấy tốt đẹp trong sinh hoạt Thánh Ca, mà sau này, khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) được sinh hoạt chính thức, đã đặt vấn đề và yêu cầu ủy Ban Thánh Nhạc (UBTN) phải ổn định[18].

Trong năm 1994, UBTN đã ra ba bản Thông cáo để chấn chỉnh và hướng dẫn các hoạt động Thánh nhạc[19].

Năm 2014, văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc do UBTN soạn thảo đã được HĐGMVN chấp thuận thử nghiệm trong ba năm và đã được áp dụng chính thức theo Quyết định của Hội đồng Giám mục do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM, ký ngày 28-04-2017 tại Nha Trang.

Đến những năm gần đây, thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, thời kỳ mà “nhà nhà”, “người người”… đều có thể dễ dàng tự làm “music producer”[20] và tự phổ biến tác phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông khác nhau, thì “đời sống thánh ca” cũng theo đó mà phát triển một cách mạnh mẽ. Có lẽ khó mà thống kê hết được số lượng các bài thánh ca tính đến hôm nay.

Qua các buổi trình diễn âm nhạc đạo và đời và qua các phương tiện cùng với các kênh truyền thông khác nhau, thánh ca được phổ biến không chỉ trong các tín hữu trong đời sống đức tin mà còn lan tỏa trong đời sống của cả xã hội như một trong những giá trị nghệ thuật.

Tuy nhiên, hầu hết lại cũng chỉ được viết theo hình thể ca khúc hai đoạn như thời kỳ đầu với kết cấu giai điệu chịu ảnh hưởng của các dòng nhạc thế tục.

Một danh xưng “thánh ca” duy nhất để cho tất cả các bài hát đạo

Từ ngữ “thánh ca” đã trở thành phổ thông trong đời sống văn hoá Việt Nam và được hiểu như một chủng loại âm nhạc (music genre), bên cạnh các chủng loại khác như blues, dance, pop, rock… trên các kênh nghe nhạc.

Đơn giản mà nói, thì danh xưng “thánh ca”, đối với mọi người, kể cả một số nhạc sĩ và giáo dân Công giáo, được hiểu một cách đơn giản là những bài hát về Chúa, về Đức Mẹ, hoặc về một mùa lễ nào đó, nhất là mùa Giáng sinh là mùa đã trở thành một lễ hội chung của xã hội. Nói cách khác, thì hễ bài ca nào có đề cập đến Chúa, đến Đức Mẹ. thì đó chính là “thánh ca”.

Mặc dù đã có văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc chỉ dẫn rất rõ ràng cho các hoạt động đàn hát trong Phụng vụ, nhưng cho đến hôm nay, văn kiện này vẫn chưa đủ thời gian để “đi vào cuộc sống”, như cách nói của những nhà làm luật. Vì vậy, một lần nữa, trong kỳ Hội thảo về Thánh nhạc lần thứ 46, ngày 20/10/2020, UBTN đã phải nhắc lại “Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (imprimatur) và chỉ sử dụng những bài thánh ca đã chính thức “imprimatur”[21].

Tóm lại, từ giai đoạn hình thành cho đến ngày nay, giới hạn trong góc nhìn về tác phẩm và tác giả, Thánh nhạc Việt Nam vẫn không ngừng phát triển với những điểm mạnh:

Về đội ngũ sáng tác: “Đội ngũ sáng tác Thánh ca ở Việt Nam có thể nói là một trong những đội ngũ đông nhạc sĩ nhất, với số lượng sáng tác các bài Thánh ca mới nhiều nhất so với nhiều Giáo hội địa phương khác”[22].

Về số lượng tác phẩm: với số lượng bài hát mới, được cho là nhiều nhất so với các nước láng giềng, Thánh ca Việt Nam “đã góp phần tích cực cho đời sống đạo của giáo dân Việt Nam: không những giáo dục đức tin mà còn hâm nóng đức tin của họ [23], “đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau”[24] và “có hiệu quả truyền giáo rất lớn”[25]

Tuy nhiên, cũng chính điểm mạnh về số lượng tác phẩm và “đội ngũ đông đảo nhạc sĩ nhất” lại là điểm yếu trong sự phát triển của nền Thánh nhạc Việt Nam:

Về đội ngũ sáng tác: tuy đông đảo nhưng không nhiều người được đào tạo hoàn chỉnh về chuyên môn Phụng vụ (thể hiện qua lời ca) và Thánh nhạc (hầu hết chỉ thể hiện qua chỉ một hình thể ca khúc hai đoạn).

Về số lượng tác phẩm: tuy dồi dào về số lượng, nhưng lại nghèo nàn về hình thể âm nhạc. Suốt từ giai đoạn đầu đến nay, hầu hết các bài hát đều chỉ được soạn theo mô hình ca khúc hai đoạn tương tự như các bài “hát chầu lễ”. Các hình thể âm nhạc khác, như hình thể bộ lễ, đối ca với thánh vịnh, thánh vịnh đáp ca… vừa rất ít, vừa chỉ mới như những mô hình thử nghiệm.

Có thể nói, chính sự nghèo nàn về hình thể âm nhạc và sự hạn chế của kiến thức về Phụng vụ và Thánh nhạc của người soạn nhạc, đã tạo nên những khó khăn trong việc phân loại đúng tính chất của mỗi bài ca. Vì vậy, chỉ có thể dùng một thuật ngữ thông dụng và duy nhất để gọi chung tất cả các bài hát đạo là “thánh ca”. Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những ngộ nhận như sẽ đề cập ở phần tiếp theo.

III. DẪN ĐẾN MỘT SỐ NGỘ NHẬN

Chính từ bối cảnh lịch sử phát triển thánh ca Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ sau 30/4/75 và thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, cùng với những hạn chế về kiến thức Phụng vụ và Thánh nhạc, đã dẫn đến những ngộ nhận nơi người sáng tác. Rồi từ những tác phẩm được viết trong sự ngộ nhận ấy lại dẫn đến sự mất phương hướng cho người sử dụng.

1. Một số ngộ nhận nơi người sáng tác

  • Ngộ nhận giữa cảm thức xã hội và cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae)[26]

Rất nhiều nhạc sĩ chỉ hiểu thánh ca theo định nghĩa của các quyển từ điển tiếng Việt: “Thánh ca là bài hát ca ngợi, cầu nguyện thần thánh trong các buổi lễ”[27]. Và theo định nghĩa đó, họ soạn tác phẩm dâng lời “ca ngợi, cầu nguyện” lên Thiên Chúa theo cảm thức chung của xã hội hoặc theo cảm nghiệm tâm linh của riêng cá nhân.

Điều này dẫn đến việc diễn tả sai lạc về giáo lý đức tin trong việc sử dụng ca từ và không phù với tác động phụng vụ trong cách hành văn và chuyển hành giai điệu. Nên những bài ca như thế (không có cảm thức của Hội Thánh), “thay vì giúp làm tan chảy các linh hồn trong đức ái thì lại có thể trở thành nguồn gốc của sự khó chịu, tàn lụi, rạn nứt điều thánh thiêng, nếu không thì cũng là sự chia rẽ trong cùng một cộng đoàn tín hữu”[28]

Muốn có cảm thức của Hội Thánh, người nhạc sĩ cần hiểu rõ “mục đích của thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu”[29].

Để “vinh danh Chúa” thì phải tuân theo “những quy tắc, luật lệ của truyền thống, và quy luật trong giáo hội”[30] [31], nói cách khác là phải có đủ kiến thức về Thánh nhạc qua các văn kiện hướng dẫn của Giáo hội. Mà một khi đã tuân theo những chỉ dẫn của Giáo hội cũng chính là thể hiện tính “linh thánh” của bài ca để “thánh hóa các tín hữu’”6\

  • Ngộ nhận về chủ thể sáng tác

Việc ngộ nhận giữa cảm thức xã hội và cảm thức của Hội Thánh dẫn đến việc sáng tác thánh ca theo cảm hứng tự nhiên tương tự như viết một bản nhạc đời. Chính vì vậy mà ngay cả những nhạc sĩ không có đức tin Công giáo cũng có thể viết được.

Trong khi đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại quả quyết: “Chỉ khi nào một nghệ sĩ thấm nhuần sâu xa cảm thức của Giáo hội mới có thể cố gắng cảm nghiệm và diễn đạt bằng giai điệu chân lý của mầu nhiệm được cử hành trong Phụng vụ”[32].

Theo Quy luật Thánh nhạc, thì bài thánh ca phải được viết bởi người có đức tin và sống đức tin[33]. Huấn thị về Thánh nhạc lại còn đòi hỏi một mức cao hơn nữa: “Các ca sĩ, nhạc sĩ… Khi được trực tiếp hay gián tiếp tham dự Phụng vụ thánh, thì trước tiên họ phải có một đời sống Kitô giáo gương mẫu hơn các tín hữu khác”[34].

Căn cứ vào những hướng dẫn trên, thì không phải ai cũng có thể viết thánh ca, cho dẫu người đó là người có đạo. Còn đối với những tác phẩm của những người ngoài Kitô giáo, theo cha Kim Long, thì rõ ràng là Hội Thánh không cho phép sử dụng[35] [36].

  • Ngộ nhận về mục đích tác phẩm

Việc không đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh” ‘” dẫn đến việc ngộ nhận về mục đích tác phẩm.

Trong cách viết lời ca:

Rất nhiều bài được mệnh danh là thánh ca xuất hiện hằng ngày trên các kênh truyền thông, nhưng thực chất lại thể hiện hoặc tâm tình hoặc triết lý hay quan niệm đạo đức của một cá nhân hoặc một tập thể nhỏ.

Trong khi đó, lời của bài thánh ca là phải là lời nguyện cầu của cộng đoàn tín hữu. Lời của bài ca phải được “rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch Phụng vụ”[37]. Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô dạy: “Hãy dùng những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng mà đối đáp với nhau và ca tụng Chúa hết lòng anh em” (Ep 5,19).

Một ngộ nhận khác nữa do chịu ảnh hưởng bởi các “bài hát chầu lễ”, các tác giả thường hiểu: bài ca nhập lễ thì phải có những ý “về nhà Chúa”, “vào cung thánh”, “tiến lên bàn thờ”… ; bài ca tiến lễ thì thế nào cũng phải có “bánh, rượu, hương trầm”.

Trong khi các đối ca nhập lễ và tiến lễ thường là các thánh vịnh khác nhau, thỉnh thoảng trong một ngày lễ nào đó mới có những ý như vậy. Và có lẽ cũng hơi thừa nếu bài ca lại mô tả những tác động Phụng vụ đang diễn ra.

Trong phong cách âm nhạc:

Nhiều tác giả quan niệm Thánh nhạc ngày nay phải phù hợp với thời đại, nhất là phải hấp dẫn giới trẻ. vì vậy, những tiết tấu ngập ngừng, kích động của các điệu nhảy, những quãng nhạc có tính chất uỷ mị, những đoạn nhạc đầy kịch tính, cùng với tầm cữ tiếng hát quá rộng dành cho người có kỹ năng thanh nhạc, được đưa vào bản thánh ca.

Trong khi đó mục đích của thánh ca không phải để ca sĩ hoặc ca đoàn biểu diễn, nhưng là để cộng đoàn chung lời ngợi ca, cầu khẩn cùng Thiên Chúa. Trong số 3 của Tự sắc Tra le Sollecitudini, Đức Piô X viết “Một bài ca viết cho thánh đường, càng giống hình thể Bình ca về chuyển hành (giai điệu), về cảm hứng và về hương vị, thì càng thánh thiện và mang tính phụng vụ hơn; và bài ca càng không hài hòa với mô hình tối cao đó (bình ca), thì càng không xứng đáng với thánh đường”[38].

Những ngộ nhận như vừa mô tả khiến bài ca không thể được dùng trong phụng vụ, mà chỉ là một bài ca dùng cho các sinh hoạt tôn giáo như để biểu diễn, để suy niệm tĩnh tâm, để dạy giáo lý…

  • Ngộ nhận về hình thể âm nhạc

Hiến chế về Phụng vụ đã được ban hành hơn nửa thế kỷ, nhưng hình như các nhạc sĩ vẫn chưa thể “ý thức được hành trình lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử loài người”[39], chưa “biết đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh”[40], nên vẫn hạn chế về “khả năng nhận biết chân lý và dùng âm điệu diễn tả được chân lý của mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ [41]. Họ vẫn như còn dậm chân tại chỗ, vẫn chỉ viết theo một hình thể “hát chầu lễ” duy nhất của thời kỳ trước Công đồng Vatican II. Hơn 90% các bài thánh ca Việt Nam đều là những ca khúc hai đoạn theo chiều điệp khúc – phiên khúc hoặc chiều ngược lại phiên khúc – điệp khúc..

Thánh nhạc là “nữ tỳ của phụng vụ”[42] (hiểu theo nghĩa không có Thánh nhạc, Phụng vụ vẫn đầy đủ, trọn vẹn), âm nhạc là để phục vụ cho bản văn. Mà các bản văn trong phụng vụ bao gồm nhiều hình thức khác nhau: hình thức thi ca của các thánh vịnh, thánh thi, hình thức trình thuật của các bài đọc, hình thức đối đáp của các nghi thức… Vì thế, để diễn đạt các hình thức bản văn khác nhau ấy, âm nhạc cần phải có những hình thể âm nhạc và cách kết cấu giai điệu khác nhau.

Trong sách hát chính thức của giáo hội, Graduale Simplex, có các hình thể âm nhạc như: cung hát thánh vịnh, cung hát chủ tế, đối ca với thánh vịnh, thánh vịnh đáp ca, bài ca chúc tụng (hymnus), ca tiếp liên (sequentia).

Có thể nói, vì sự ngộ nhận kéo dài này, nên thánh ca Việt Nam tuy phong phú về mặt số lượng bài hát, nhưng lại nghèo nàn về hình thể âm nhạc để có thể gắn kết chặt chẽ với phụng vụ.

2. Ngộ nhận nơi người sử dụng

Như đã trình bày ở phần trước, tính đến hôm nay, không thể nào thống kê hết số lượng bài thánh ca Việt Nam. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin này, việc phổ biến các tác phẩm rất nhanh chóng và thuận lợi, nên mỗi tuần lại thấy xuất hiện thêm những bài được gọi là thánh ca mới.

Mặc dù văn kiện Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, và văn bản nhắc nhở về “việc chuẩn nhận các bài thánh ca (imprimatur) và chỉ sử dụng những bài thánh ca đã chính thức “imprimatur”[43], đã tạo nên những nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng những bài thánh ca, nhưng với số lượng quá nhiều bài như đã nêu, người sử dụng vẫn thật sự lúng túng. Vì không biết bài nào đã được chuẩn nhận và trong số những bài đã được giáo quyền cho phép thì “không phải tất cả các bài hát đã được imprimatur (cho phép in) là có thể hát trong phụng vụ. Vấn đề chính vẫn là ở phía người sử dụng phải được trang bị khả năng phán đoán và lựa chọn.[44]

  • Ngộ nhận giữa thánh ca trong phụng vụ và bài ca tôn giáo đơn thuần.

Những câu hỏi thường xuyên gửi đến UBTN hầu như tập trung vào một bài ca nào đó có được hát trong thánh lễ hay trong phụng vụ không.

Ví dụ:

– “Có thể hát bài Tôi Chọn Giêsu của Ý Vũ trong thánh lễ giới trẻ không?” (Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa, cho tháng năm thôi nỗi đìu hiu giá lạnh khô cằn. nắng về tôi chia anh nồng ấm, mưa về tôi trao anh màu xanh…);

Có thể hát bài Vòng Tay Cho Người của Duy Thiên trong Phụng vụ Tuần Thánh không?” (Ngày xưa Chúa Kitô, thập giá vác trên vai, vòng gai quấn trên đầu Người ra pháp trường. Người đi chết cho ai? Người đi chết cho anh, chết cho em, chết cho người đời hôm nay. Người ơi có nhớ, Người đã chết cho đời. Bạn ơi có hay, xin cho Người vòng tay.)

– “Có thể hát bài Lặng của Trần Tuấn trong Phụng vụ Mùa Chay?” (Lặng. để nghe tiếng sóng, sóng xô, xô trong lòng ta. Lặng. để nghe tiếng gió, gió cuốn cơn đau ngày sau. Lặng. để nghe nước mắt hắt hiu trên đôi bờ mi xanh. Đời sao vắng tanh cho trái tim xanh tàn nhanh.).

Xin được trích một vài “comment” trên website về bài hát Lặng trên đây[45]:

Thương 15/02/2017 lúc 10:50 chiều: “Dạ làm ơn cho e hỏi bài này có được phép dùng trong phụng vụ không? Xin cảm ơn!”

Tiep Nguyen 28/03/2019 lúc 11:47 chiều: “Bài Thánh ca này là cho phụng vụ của mùa chay”

Nguyen Gia Yen 03/10/2019 lúc 12:28 chiều: “Theo mình, ca hát cũng không ngoài việc tôn vinh Thiên Chúa, và cũng như lời cầu nguyện của mình. Nếu nội dung một bản không đi ngoài ý tưởng trên và còn đem lại niềm khích lệ cho mọi người thiết nghĩ Chúa cũng đồng ý. Tất nhiên Hội thánh sẽ có lời phê chuẩn cuối cùng”.

Những câu hỏi và “comment” như trên phản ánh sự mất phương hướng lựa chọn nơi số đông người sử dụng, đặc biệt là nơi các bạn trẻ, là những người thường xuyên sử dụng internet.

  • Ngộ nhận về việc sử dụng những bài ca trong các phần của thánh lễ

Cũng có không ít câu hỏi và thắc mắc liên quan đến những bài thánh ca đi kèm nghi thức phụng vụ như:

Những câu hỏi ngộ nhận là bài ca nhập lễ phải có ý nghĩa “về nhà Chúa”, “vào cung thánh”, “tiến lên bàn thờ”…, bài ca tiến lễ phải có “bánh, rượu”.

Trong khi HDMVTN đã chỉ dẫn: “Hát đối ca và thánh vịnh đang khi rước là một truyền thống lâu đời trong phụng vụ Rôma. Các đối ca và thánh vịnh có thể được lấy từ các sách phụng vụ chính thức”. “Có thể dùng điệp ca Graduale Simplex; hoặc dùng bản hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận”[46].

Ngộ nhận ca hiệp lễ phải có ý nghĩa “rước Chúa vào lòng”,”Bánh hằng sống”. mà không thể hát bài Magnificat là bài kính Đức Mẹ.

Trong khi HDMVTN số 180 đã nêu rõ: “Khi tuyển chọn bài Ca Hiệp lễ phù hợp cho bữa tiệc Thánh Thể là nơi Thiên Chúa tuôn đổ dạt dào phúc lành của Người, nên tìm những bản văn có chủ đề về niềm vui, niềm ngưỡng mộ, sự hiệp nhất, lòng biết ơn và tán tụng”[47]. Mà trong ý nghĩa của chỉ dẫn này thì những bài mà nhiều người lầm tưởng là ngợi khen Đức Mẹ, như “Linh hồn tôi tung hô Chúa…” của Kim Long hay bài Magnificat[48] của Hoàng Kim, xem ra lại rất phù hợp.

  • Ngộ nhận giữa thánh ca trong phụng vụ và bài ca thế tục

Trong một buổi sinh hoạt có chủ đề về thánh ca dành cho các bạn trẻ ở một giáo xứ, người quản trò đưa ra câu đố: “Hãy nêu tên năm bài thánh ca cùng với tên tác giả của mỗi bài.” Nhiều cánh tay đưa lên cùng với những đáp án khác nhau, đa phần là đúng. Tuy nhiên vẫn có những đáp án ngộ nhận giữa thánh ca và nhạc thế tục, như:

– Bài Jingle Bell, nhạc ngoại quốc.

Bài Ave Maria, nhạc của Schubert, lời Việt của Phạm Duy.

– Bài Chúa Hòa Bình của Phạm Duy.

– Bài Mùa Sao Sáng của Nguyễn Văn Đông.

– Bài Thánh Ca Buồn của Nguyên Vũ.

Và còn rất nhiều sự ngộ nhận khác nữa về các bài được gọi là thánh ca, thí dụ những bài “nhạc đời” nước ngoài được đặt “lời đạo” Việt, những bài “dân ca” được cải biên thành bài thánh ca… Hoặc những ngộ nhận về tác quyền khi các ca sĩ đăng ký bài trên các kênh truyền thông như youtube, facebook.

Tuy nhiên, bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh đến một điều cơ bản là nếu không có tác giả thì cũng không có tác phẩm. Nên trách nhiệm về những sự ngộ nhận như đã nêu, trước tiên phải quy về tác giả, nhất là khi người ấy lại nằm trong số những người có tầm ảnh hưởng trong Giáo Hội như linh mục, tu sĩ.

IV. PHÂN LOẠI THÁNH NHẠC THEO HUẤN THỊ DE MUSICA IN SACRA LITURGIA

Chỉ một tên gọi “thánh ca” dùng chung cho tất cả các bài hát đạo đã dẫn đến những ngộ nhận như đã trình bày ở những phần trước. Có lẽ cũng vì vậy mà Lm Phêrô Kiều Công Tùng cho rằng đang có một “sự thúc bách cần thay đổi về mặt thuật ngữ”[49], “không chỉ là để gọi tên cho chính xác mà là xác định lại chức năng, phạm vi và mục đích của từng lãnh vực liên quan đến thánh nhạc[50].

Để có thể định danh từng thể loại thánh ca, trước tiên ta cần tìm hiểu những chỉ dẫn của Giáo hội.

Theo huấn thị “De Musica in Sacra Liturgia” số 4b, ngày 5 tháng 3 năm 1967, thánh nhạc đã được phân thành bốn loại như sau:

1. Ca điệu Gregorio (bình ca)

Bình ca là loại âm nhạc cao quý và mẫu mực, được kết tinh từ những truyền thống ca hát phụng vụ xa xưa của các Hội Thánh.

Giáo Hội nhìn nhận bình ca là gia sản riêng của phụng vụ Rôma: vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác.” [51].

Giáo hội luôn đề cao các hình thể âm nhạc của bình ca và khuyên các nhạc sĩ khi sáng tác những bài thánh ca phụng vụ mới (bằng tiếng bản xứ), phải “khảo cứu thể loại, đặc điểm của các tác phẩm dĩ vãng” “để các hình thức mới sẽ do các hình thức cũ nảy sinh một cách có cơ cấu”[52].

2. Các hình thức thánh ca đa âm xưa và nay

a. Thánh ca đa âm xưa[53]:

Là loại thánh ca hợp xướng nhiều bè không có đệm đàn, phát xuất từ truyền thống ca điệu Gregorian. Loại thánh ca đa âm này phát triển mạnh vào thời trung cổ và đạt đỉnh cao nghệ thuật trong các tác phẩm của các tác giả tiêu biểu như Giovanni Pierluigi, Palestrina (1524-1594) vào nửa sau của thế kỷ 16.

b. Thánh ca đa âm nay[54]:

 

Là loại thánh ca hợp xướng nhiều bè, đôi khi có phần đệm đàn. Loại thánh ca đa âm này phát triển vào những thế kỷ gần đây với những phong cách của các thời kỳ âm nhạc mới.

3. Thánh nhạc cho đại quản cầm[55] và các nhạc cụ đã được cho phép

Là loại thánh nhạc soạn cho đàn organ độc tấu. Kể từ khi đàn ống (pipe organ) được sử dụng, các nhà soạn nhạc bậc thầy đã góp phần phát triển nó một cách rộng rãi qua các tác phẩm kinh điển của mình. Nếu các tác phẩm cho organ và các nhạc cụ được cho phép tuân thủ các luật lệ dành cho thánh nhạc, thì đó là một đóng góp quan trọng vào vẻ đẹp của phụng vụ thánh.

4. Thánh ca bình dân (sacred popular music[56]), dùng trong phụng vụ (be it liturgical) hoặc đơn thuần là nhạc tôn giáo (or simply religious).

Thánh ca bình dân được hiểu nôm na là những bài thánh ca bằng tiếng bản xứ. Thông cáo của ủy ban Thánh nhạc ngày 22 tháng 11 năm 1970 đã phân loại thánh ca bình dân phụng vụ và tôn giáo làm ba loại: phụng ca, thánh ca và giáo ca.

V. PHÂN LOẠI VÀ ĐỊNH DANH THÁNH CA BÌNH DÂN

Để tránh ngộ nhận cho cả người sáng tác lẫn người sử dụng, ta nên phân loại thánh ca bình dân một cách chi tiết và rõ ràng. Đồng thời cũng nên xác định tên gọi cho mỗi loại thay vì chỉ dùng duy nhất một thuật ngữ “thánh ca”. Vì “gọi tên chính xác một chủ thể sẽ đưa đến những đáp ứng tích cực trong các hoạt động liên quan đến chủ thể đó”[57].

Căn cứ vào huấn thị De Musica in Sacra Liturgia số 4b, và dựa vào cách phân loại và đặt tên được nêu trong Thông cáo của UBTN ngày 22 tháng 11 năm 1970, ta có thể phân thánh ca bình dân thành ba loại chính và định danh như sau: Ca Phụng Vụ, Ca Nguyện và Ca Tôn giáo.

1. Ca Phụng vụ (CPV)

CPV là những ca điệu hoặc bài ca mà lời là bản văn phụng vụ trong sách lễ. Chi tiết hơn, có thể phân làm hai loại tùy theo tính chất liên kết với phụng vụ:

(1a) CA PHỤNG VỤ nghi thức:

Là các ca điệu hoặc bài hát thuộc nghi thức phụng vụ: Bao gồm: cung chủ tế, bộ lễ, các bài đọc, các lời nguyện, kinh nguyện, thánh vịnh đáp ca… Đây là những ca điệu được soạn trên chính bản văn phụng vụ cố định[58], không được phép thay đổi hoặc thích ứng.

(1b) CA PHỤNG VỤ kèm theo nghi thức:

Là những bài ca đi kèm theo nghi thức phụng vụ, như ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ… Những bài ca này có thể được dệt nhạc trên chính bản văn phụng vụ trong sách lễ hoặc có thể “được thích ứng khi phiên dịch sao cho hợp với tinh thần của ngôn ngữ và đòi hỏi của sáng tác”[59].

2. Ca nguyện

Ca nguyện là những bài hát thể hiện tâm tình chúc tụng, ngợi khen và nguyện cầu, mà lời không phải là bản văn phụng vụ. Tuy nhiên, những bài ca này được khơi nguồn từ Thánh Kinh và phụng vụ, thể hiện đức tin và cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae)[60].

“Ca nguyện có tác dụng tốt đẹp đối với đời sống của các tín hữu, làm thấm nhuần cả đời sống riêng tư và xã hội của họ với tinh thần Kitô giáo chân chính (x. Ep 5,18-20; Cl 3,16). Nó đã được khuyến khích từ những thời kỳ đầu tiên, và trong thời đại của chúng ta, nó vẫn được khuyến khích để nuôi dưỡng lòng đạo đức của các tín hữu, và nâng cao lòng sùng mộ riêng tư của họ. Đôi khi, ngay cả những bản nhạc như thế cũng có thể được đưa vào các nghi lễ phụng vụ [61].

Vì vậy, có thể phân Ca Nguyện làm hai loại dùng trong phụng vụ và loại dùng ngoài phụng vụ:

(2a) Ca nguyện thay thế CPV kèm nghi thức

Để bài ca nguyện được dùng trong phụng vụ, thì bản văn của nó phải được sự chuẩn nhận của Hội Đồng Giám Mục[62].

Ví dụ:

Con sẽ bước lên bàn thờ (Hùng Lân),

Con sẽ hân hoan (Kim Long), và nhiều bài trong các tuyển tập Ca Lên Đi.

– Một số bài được xác định thay thế những bài ca đi kèm nghi thức phụng vụ trong các tuyển tập thánh ca của Uỷ Ban Thánh Nhạc.

(2b) Ca nguyện ngoài phụng vụ

Là những bài ca cùng có nội dung như đã mô tả ờ mục số (2) của phần này, nhưng chỉ dùng trong những hoạt động đạo đức như hát kết lễ, tĩnh tâm, suy niệm, cầu nguyện….

Ví dụ:

– Những bài hát kết lễ.

– Một số bài kính Đức Mẹ hoặc các Thánh (chưa được HĐGM chuẩn nhận làm bài ca thay thế),

– Một số bài Tâm Tình Ca của Thành Tâm.

– Một số bài của nhóm Alleluia được UBTN tuyển chọn.

3. Ca Tôn giáo

“Ca tôn giáo là bất kỳ loại bài hát nào được soạn theo ý riêng, hoặc theo chủ đề, hoặc theo mục đích của người sáng tác, nhằm khơi dậy lòng sùng kính và tình cảm tôn giáo. Những bài ca như vậy “là một trợ giúp hữu hiệu cho tôn giáo” (Musicae Sacrae Disciplina). Nhưng vì nó không nhằm mục đích thờ phượng, và được sáng tác theo phong cách tự do, nên nó không được sử dụng trong các nghi lễ phụng vụ[63].

Ví dụ:

Bản cầu hồn của Mozart.

Ave Maria (lời là kinh Kính mừng tiếng La tinh) của Schubert

– Đôi dép, Một Chút… và các bài của Thông Vi Vu

Gặp gỡ Đức Kitô, Trên đường về nhà Cha. và các bài của Tiến Lộc và các thân hữu.

Lặng của Trần Tuấn

Tôi chọn Giêsu của Ý Vũ và một số bài của nhóm Lửa Hồng;

– Các bài ca giáo lý và phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể….

Tóm tắt và khái quát những nội dung vừa trình bày, ta có thể tạo nên bảng phân loại và định danh sau đây:

Bảng phân loại và định danh

CA PHỤNG VỤ (CPV) CA NGUYỆN CA TÔN GIÁO
Nghi thức Kèm theo nghi thức thay thế CPV kèm theo nghi thức Ngoài phụng vụ Các loại sinh hoạt khác
(1a) (1b) (2a) (2b) (3)
Bản văn phụng vụ Bản văn phụng vụ hoặc bản văn phụng vụ thích ứng Lời ca phù hợp nghi thức, mùa lễ, ngày lễ có chuẩn nhận của HĐGM Bản văn khơi nguồn từ Kinh Thánh, Truyền thống Bản văn tự do nhằm khơi dậy lòng sùng kính và tình cảm tôn giáo

 

VI. HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Từ những khiếm khuyết trong quá trình phát triển Thánh nhạc

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tính từ lúc Công đồng Vatican II Canh tân Phụng vụ bằng việc cho phép các giáo hội địa phương sử dụng tiếng bản xứ trong các lễ nghi thờ phượng. Thánh nhạc, trong vai trò không những là “phục vụ cho Phụng vụ”[64] mà còn là “thành phần cần thiết của Phụng vụ”[65] thì cũng thật cần thiết phải có những bài Ca Phụng Vụ bằng tiếng bản địa.

Mặc dù không thể phủ nhận sự phát triển của Thánh nhạc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, nhưng ở góc nhìn về Canh tân Phụng vụ, thì sự phát triển ấy chỉ mới ở chiều rộng là có nhiều tác giả và tác phẩm, mà chưa phát triển ở chiều sâu.

Nói cách khác, các nhạc sĩ mới chỉ, “người đi sau tiếp nối người đi trước”, tập trung vào việc sáng tác những bài Ca Nguyện và Ca Tôn Giáo theo hình thể những bài “hát chầu lễ”. Trong khi Ca Phụng Vụ, vừa quan trọng hơn và thách thức hơn, vừa đa dạng và phổ quát hơn hơn, lại chưa được quan tâm đầy đủ và đúng đắn.

Quan trọng hơn vì phải là những bài Ca Phụng Vụ chứ không chỉ là những bài Ca Nguyện được phép thay thế.

Thách thức hơn vì đòi hỏi khả năng sáng tạo âm nhạc trên bản văn cố định hoặc kỹ năng viết văn để tạo nên lời ca thích ứng với giai điệu mà không xa rời ý bản văn gốc. Tính thánh thiện (sanctitas) của thánh nhạc được thể hiện một cách cụ thể qua lời ca là chính bản văn Phụng vụ. Ngoài ra, chính thách thức sẽ tạo nên hứng khởi và động lực cho người viết nhạc.

Đa dạng hơn vì cần nhiều hình thể âm nhạc khác nhau cho các loại hình thức của bản văn phụng vụ. Các huấn thị luôn đề cập đến hình thể âm nhạc phù hợp (bonitas formae – hình thể tốt đẹp), các hình thức mới sẽ phát sinh từ các hình thức đã có sẵn, do một sự phát triển có thể nói được là quan yếu và các tác phẩm mới sẽ tạo ra một phần mới cho ca mục âm nhạc của Hội Thánh, không bất xứng với quá khứ một chút nào.”[66]

Phổ quát hơn (universitas), vì chính các hình thể âm nhạc mới sẽ được phát sinh từ những hình thể âm nhạc có sẵn (bình ca) như hướng dẫn của Giáo Hội, nên dù là hát bằng tiếng Việt, nhưng người các nước khác sẽ vẫn có cảm nhận đó là loại bài Phụng Vụ nào.

– Đến định hướng phát triển cho tương lai

Việc nhìn nhận khiếm khuyết trong quá trình phát triển mở ra một tầm nhìn mới hướng đến tương lai: phát triển hài hoà đủ cả chiều rộng lẫn chiều sâu..

Ở chiều rộng, Thánh nhạc Việt Nam đã có cả một kho tàng đồ sộ những bài Ca Nguyện và Ca Tôn Giáo đáp ứng cho nhiều nhu cầu khác nhau và góp phần không nhỏ vào việc hình thành nền tân nhạc Việt Nam[67]. Trong tương lai, dù không có những khuyến khích và cổ xúy, những bài Ca Nguyện và Ca Tôn Giáo sẽ vẫn đều đặn được sáng tác.

Để tránh những ngộ nhận, trước tiên, cần đến sự phán đoán và nhận thức chuẩn mực của các nhạc sĩ về loại bài ca[68], về ý nghĩa và mục đích của tác phẩm khi biên soạn. Tiếp đến, việc chuẩn nhận nơi giáo quyền cũng nên phân loại rõ ràng thể loại bài ca xin imprimatur.

Về mặt phổ biến và phát hành các tác phẩm, mỗi tác giả nên thể hiện thể loại của mỗi bài hát trong mỗi tuyển tập của mình khi phổ biến. Ngoài ra, cũng cần có sự cộng tác của những người biên tập các website thánh ca, các kênh ca nhạc youtube. trong việc sắp xếp các loại bài hát đạo.

Ở chiều sâu, ngoài một vài bộ lễ (kyriale) của Đức cha Hoà, cha Kim Long., một số ít bài đối ca với thanh vịnh của cha Hoàng Kim, thánh vịnh đáp ca (theo bản văn cố định) của cha Kim Long, cha Xuân Thảo., thì những bài thực chất là Ca Phụng Vụ hầu như quá hiếm hoi.

Vì vậy, định hướng phát triển cho tương lai, thiết nghĩ UBTN nên cổ xúy việc sáng tác những bài Ca Phụng Vụ.

Có thể bắt đầu bằng việc khuyến khích các nhạc sĩ dùng hình thể ca khúc hai đoạn quen thuộc để viết các bài đối ca với thánh vịnh (antiphona cum psalmo suo). Trong đó, điệp khúc dệt nhạc trên chính bản văn[69] ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ… của Sách Lễ; còn phần thánh vịnh[70], có thể thích ứng từng câu thánh vịnh theo giai điệu của phiên khúc.

– Các khóa huấn luyện dành cho người sáng tác

Để có thể soạn được những ca điệu dành cho bản văn cố định, UBTN và các BTN các giáo phận cần có các khóa huấn luyện chuyên môn cho những người sáng tác về các hình thể âm nhạc trong phụng vụ lấy mẫu mực từ những hình thể âm nhạc của bình ca.

Thách thức ở đây là sự đón nhận các bài Ca Phụng Vụ của người sử dụng bao gồm các ca trưởng, ca đoàn và cộng đoàn, vốn dĩ đã có định kiến thánh ca phải là ca khúc theo kiểu hát chầu lễ từ trước đến nay.

– Các khóa huấn luyện dành cho người sử dụng

Để vượt qua thách thức, một mặt, cần có những tác phẩm có giá trị, mặt khác, cần có những khoá học ngắn về phụng vụ và thánh nhạc dành cho đối tượng là những người sử dụng. Hiểu được mục đích của bài Ca Phụng vụ và nhận ra tính thẩm mỹ của mỗi hình thể âm nhạc sẽ giúp người sử dụng dễ dàng đón nhận những bài ca viết theo lối mới.

Nhìn lại lịch sử phát triển, để có đạt được số lượng và chất lượng những bài Ca Nguyện như ngày nay, chúng ta đã phải trải qua một khoảng thời gian hơn ba phần tư thế kỷ.

Vậy, để phát triển những bài Ca Phụng Vụ ngang bằng với những bài Ca Nguyện hiện nay, ít nhất cũng cần đến ngần ấy thời gian, như nhận định của Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc trách Thánh nhạc của HĐGMVN, trong cuộc hội thảo về đề tài Thánh vịnh Đáp ca ngày 24/7/1996: “Chúng ta đang và sẽ tìm tòi một giải pháp (hình thể) tối ưu… có thể vài chục năm nữa, khi phần đông chúng ta không còn, Giáo hội Việt Nam mới có một hình thể thích hợp.”[71]

Lời nhận định trên có thể được xem như một tầm nhìn và một định hướng đúng đắn cho sự phát triển Thánh nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, điều ấy sẽ chẳng thể biến thành hiện thực nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ hôm nay.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)

Nguồn: hdgmvietnam.com

[1] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1960- 2010) của UBTN – Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt, trang 10 – 11.

[2] Ibid – Nhận định, trang 40.

[3] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1960-2010) của UBTN – Giai đoạn hình thành các bài thánh ca tiếng Việt, trang 10 – 11.

[4] Cantiques de la jeunesse, Abbé E. Dubois Lille – Desclée de Brouwer – ấn bản năm 1928

[5] “Tân nhạc” là tên gọi thông dụng của dòng nhạc xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 1928, lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng. Gọi là “tân nhạc” để phân biệt với “cổ nhạc” là các loại nhạc cổ truyền.

[6] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua – Giai đoạn sau 1954 đến 1975 – số 6b

[7] NHÓM ALLÉLUIA – Nhạc Vào Đời của Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế nửa cuối thập niên 1960 tại Đà Lạt – Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT(viết theo tài liệu Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam) http://www. simonhoadalat.com/thanhnhac/VaoDoi/NhomAlleluia.htm

[8] Về nội dung lời ca: lấy ý từ trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Truyền Thống (thí dụ: Hương Thánh Kinh I và II – Vinh Hạnh – 1963)…

[9] Về hình thức âm nhạc và phong cách âm nhạc: hình thể bộ lễ (Seraphim – 1964 và Ca lên đi – 1968), hình thể đối ca với thánh vịnh (Họp Mừng Vượt qua – Hoàng Kim – 1970).

[10] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua – Giai đoạn sau 1954 đến 1975 – số 6b + Vinh Hạnh

[11] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua – Giai đoạn sau 1954 đến 1975 – số 6b – Hoàng Kim

[12] “Joseph Gelineau Biography – GIA Publications”, web.archive.org. 2021-03- 09. Retrieved 2021-04-12. https://web.archive.org/web/20210309095847/ https://www.giamusic.com/bios/gelineau_joseph.cfm

Joseph Gelineau (1920-2008), linh mục dòng Tên, nhà soạn nhạc Pháp, thành viên hội đồng dịch thuật La Bible de Jérusalem, khai sáng ra kiểu hát thánh vịnh mà người ta gọi tên là Gelineau psalmody, được nhiều nơi trên thế giới áp dụng.

[13] Tinh Một Nhà, lời ca: Gioan Minh, nhạc: Tiến Dũng, viết cho dàn nhạc và hợp xướng. – Khoa âm nhạc Đại học Minh Đức trình diễn năm 1973.

[14] Đêm Ba Mươi Tết Trên Sông, Nhạc và lời: Tiến Dũng, viết cho dàn nhạc và hợp xướng . – Khoa âm nhạc Đại học Minh Đức trình diễn năm 1973.

[15] Không đề cập đến những thành tựu, nhưng tập trung vào những khiếm khuyết

[16] Dẫn vào Thánh nhạc – Bài 1: Tình hình Thánh nhạc – Ban Thánh Nhạc TGP Sài Gòn 1975 – 1988, trang 5.

[17] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua – Giai đoạn sau 1975 – số 7b, Sau năm 1975 – Vấn đề bị bỏ ngỏ

[18] Ibid

[19] Thông Cáo 1, gồm 3 nội dung chính: I. Các bài Thánh Ca được dùng khi cử hành Phụng vụ, II. Nhạc cụ dùng trong Phụng vụ và III. Huấn luyện về Thánh Nhạc Thông Cáo 2, Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ – Thông Cáo 3: Hướng Dẫn Sáng Tác và Sử Dụng các Bài Hát Trong Thánh Lễ

[20] Music producer: người sản xuất âm nhạc.

[21] Việc chuẩn nhận các bài Thánh ca, Lm Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN –

HĐGMVN – Hương trầm số 31, trang 21 – 47

[22] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua – C. Nhận định 6

[23] Ibid- C. Nhận định 1

[24] Ibid – C. Nhận định 2

[25] Ibid – C. Nhận định 3

[26] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 78

[27] Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn Ngữ Học – Chủ biên: Giáo sư Hoàng Phê – Nhà Xuất Bản Hồng Đức.

[28] Bài nói chuyện với các Tu sĩ chuyên lo việc ca hát trong phụng vụ vào ngày 15/4/1971 tại Rôma được Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. – Trích đoạn từ bài “Âm nhạc theo cảm thức của Giáo hội”, LM Giuse Võ Tá Hoàng. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/am-nhac-theo-cam-thuc-cua-giao-hoi-40596

[29] Hiến chế Phụng vụ, số 112

[30] Ibid

[31] Dẫn vào Thánh Nhạc – Bài 2: Thánh nhạc và những quy luật của thánh nhạc; Số II: Mục đích của thánh nhạc – Ban Thánh Nhạc TGP Sài Gòn, 1975 – 1988, trang 12 – 14.

[32] Chirograph of the supreme pontiff John Paul II for the centenary of the motu proprio “Tra le Sollecitudini” on Sacred music, số 12 – Trích đoạn từ bài “Âm nhạc theo cảm thức của Giáo hội”, LM Giuse Võ Tá Hoàng. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/am-nhac-theo-cam-thuc-cua-giao-hoi-40596

[33] Quy luật Thánh nhạc, số 24.

[34] Huấn thị về Thánh nhạc, số 97

[35] Thánh ca trong Phụng vụ, Kim Long – Chương 5: Nhạc Phụng vụ phải thánh –
Nên phải được thể hiện bởi các nghệ sĩ Kitô giáo chân chính. – trang 95 – 97.

[36] Hướng dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, số 78

[37] Hiến chế Phụng Vụ, số 121

[38] Tra Le Sollecitudini – Instruction on Sacred Music, số 3 – Đức Piô X, ngày 22 tháng 10 năm 1903. “On these grounds Gregorian Chant has always been regarded as the supreme model for sacred music, so that it is fully legitimate to lay down the following rule: the more closely a composition for church approaches in its movement, inspiration and savour the Gregorian form, the more sacred and liturgical it becomes; and the more out of harmony it is with that supreme model, the less worthy it is of the temple”.

[39] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 78

[40] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 78

[41] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 78

[42] Tra Le Sollecitudini – Instruction on Sacred Music – Đức Piô X, ngày 22 tháng 10 năm 1903.

[43] Việc chuẩn nhận các bài Thánh ca, Lm Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN –

HĐGMVN – Hương trầm số 31, trang 21 – 47

[44] Hương Trầm số 12, tháng 10 năm 2010, trang 27 – 31; Từ thánh nhạc đến nhạc
phụng vụ, Lm Phêrô Kiều Công Tùng – 1. Thay đổi trong thực hành mục vụ

[45] https://nhacthanhcavietnam.com/mp3/lang/

[46] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 133a và b

[47] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 180

[48] Magnificat không phải là bài kính Đức Mẹ như định kiến của nhiều người, mà là kinh ngợi khen tạ ơn Chúa của Đức Mẹ.

[49] Hương Trầm số 12, tháng 10 năm 2010, trang 20 – 21; Từ thánh nhạc đến nhạc phụng vụ, Lm Phêrô Kiều Công Tùng – 1. Thay đổi trong cách gọi tên (thuật ngữ)

[50] Ibid, trang 31, Kết luận

[51] Hiến Chế Phụng Vụ, số 116

[52] Huấn thị Thánh nhạc – Musicam Sacram, ngày 5/3/1967, số 59,

[53] De musica sacra et sacra liturgia, ngày 3/9/1958, số 6. https://adoremus.org/1958/09/instruction-on-sacred-music/

[54] Ibid, số 7.

[55] De musica sacra et sacra liturgia, ngày 3/9/1958, số 8. https://adoremus.org/1958/09/instruction-on-sacred-music/

[56] Popular music được từ điển Britanica giải thích là bất kỳ loại âm nhạc nào (ngoại trừ âm nhạc dân gian) thu hút được sự yêu thích của đại chúng. https://www.britannica.com/art/popular-music .

Sacred popular music được hiểu là những bài thánh ca tiếng bản xứ.

[57] Hương Trầm số 12, tháng 10 năm 2010, trang 20; Từ thánh nhạc đến nhạc phụng vụ, Lm Phêrô Kiều Công Tùng

[58] Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc, số 189a

[59] Ibid, số 189b

[60] Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc, số 78

[61] De musica sacra et sacra liturgia, ngày 3/9/1958, số 9. https://adoremus.org/1958/09/instruction-on-sacred-music/

[62] Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc, số 133b

[63] De musica sacra et sacra liturgia, ngày 3/9/1958, số 10. https://adoremus. org/1958/09/instruction-on-sacred-music/

[64] Tra Le Sollecitudini – Instruction on Sacred Music – Đức Piô X, ngày 22 tháng 10 năm 1903.

[65] Mediator Dei – Đức Piô XII, ngày 20 tháng 11 năm 1947.

[66] Instructio de Musica in Sacra Liturgia (Ngày 5 tháng 3 năm 1967), số 59.

[67] Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1960-2010) của UBTN – C. Nhận định

[68] Xác định tác phẩm là Ca nguyện thay thế Ca Phụng vụ, hay Ca nguyện ngoài PV.

[69] Bản văn chính thức của HĐGM trong Sách Lễ.

[70] Thánh vịnh của đối ca (cum psalmo suo).

[71] Thánh ca trong Phụng vụ – Kim Long, trang 146