Làm sao để giúp một đứa trẻ nhận biết cuộc sống hiện tại là một món quà, nhưng cuộc sống vĩnh cửu mới là mục tiêu?
Qua kinh nghiệm bản thân, tôi nhận ra rằng trẻ em có đức tin rất mạnh mẽ, và tôi đã học được từ nơi chúng những bài học rất đơn sơ, cụ thể, nhưng lại rất rõ nét. Đây là một trong những câu chuyện của tôi.
Số là có một lần, từ trên lầu bước xuống dưới nhà, tôi ôm đầu và hoảng hốt la lên: “Chết rồi, mẹ để lẫn chùm chìa khóa ở đâu, mẹ tìm hoài không thấy!” Đứa con mới biết đi của tôi, vốn rất thích vứt đồ đạc vào thùng rác, đưa mắt nhìn tôi và nở nụ cười rất ngây ngô, như thể muốn nói với tôi rằng: “Con cũng chẳng biết chúng ở đâu cả!” “Phen này thì mấy mẹ con sẽ phải ăn trưa trễ mất thôi!”, tôi vừa lục soát khắp căn nhà, vừa lằm bằm…
Khi thấy sự căng thẳng của tôi như càng lúc càng tăng, thì giọng của đứa anh phát ra từ tầng dưới, cắt đứt trạng trái đang đầy lo lắng của tôi, “Mẹ đừng lo! Con sẽ nói chuyện với Thánh Antôn! Xin ngài ghé mắt lại đây, và sẽ chẳng có thứ gì đó bị mất mà lại không thể tìm thấy! Xin ngài giúp chúng con tìm thấy chìa khóa của Mẹ!”
Và thật, như rất trùng hợp, chỉ vài phút sau đứa anh 5 tuổi cầu nguyện, thì đứa em 1 tuổi đã phát hiện ra chùm chìa khóa nằm trong thùng đồ chơi lego! Và lúc này, một lần nữa, đứa anh cất tiếng, “Đấy, mẹ thấy chưa! Con biết là thế nào chúng ta cũng sẽ tìm thấy chùm chìa khoá mà!”. Khi lên xe để đi ăn trưa, tôi thầm cảm ơn Chúa về món quà đức tin của trẻ thơ.
Nếu vững tin vào Chúa, chúng ta sẽ luôn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong từng chi tiết của cuộc sống, và nhất là, chúng ta nhận ra rằng thế giới này không phải là mục đích. Dù tin như thế, nhưng làm sao để chúng ta cũng giúp cho con cái mình khám phá ra sự thật này: cuộc sống hiện tại là một món quà nhưng cuộc sống vĩnh cửu mới là mục tiêu của chúng ta?
Sau đây là một vài cách thiết thực mà tôi đã thu thập được để giúp con tôi nhớ rằng thế giới này không phải là tất cả.
- Lời chào Chúa Giêsu vào buổi sáng
Chúng tôi có treo một cây thánh giá trên tường gần bàn ăn, và mỗi buổi sáng khi đi ngang qua đó để tới bàn ăn, tôi luôn cầu nguyện tự phát một cách ngắn gọn: “Con chào Chúa Giêsu buổi sáng!”. Tôi cảm ơn Người về giấc ngủ đêm qua và một ngày mới vừa đến. Chúng tôi luôn cầu nguyện trước bữa ăn, nhưng tôi muốn các con mình có thể bắt đầu một ngày với lòng biết ơn, và trò chuyện với Đấng yêu thương chúng một cách đơn sơ, chân thành. Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng, càng thoải mái khi trò chuyện với Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ càng thoải mái hơn khi nói về Người.
- Dành thời gian đi bộ đường dài
Trong suốt mùa thu và mùa xuân, chúng tôi cố gắng đi bộ một quãng dài hằng tuần vào Chúa nhật. Thành phố nơi chúng tôi sống có nhiều con đường mòn và công viên tự nhiên, do đó, khi đi bộ như thế, ngoài việc cung cấp thời gian chất lượng tốt cho gia đình, và lợi ích của việc tập thể dục, chúng tôi cũng có dịp để chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
Tôi muốn nuôi dưỡng tinh thần kính trọng và sự ngạc nhiên nơi các con, vì đây là những đức tính mà tôi cho rằng sẽ lưu lại trong tâm hồn chúng suốt quãng đời còn lại. Nếu bạn có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy một con chim ưng xinh đẹp cất tiếng kêu từ một lùm cây; hoặc khi bạn thấy một cánh đồng cỏ bát ngát đung đưa trong gió, thì sự ngạc nhiên sẽ dễ dàng trở thành bản tính thứ hai để bạn biết sống trong sự kính sợ và biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi thứ trên trần gian này.
- Nghe kể Hạnh các Thánh
Khi đi xe, chúng tôi thích nghe những băng và đĩa CD về Hạnh các Thánh. Đó là những câu chuyện về những người yêu mến và trung thành bước theo Chúa trong bối cảnh cụ thể riêng của từng người. Tôi muốn cho bọn trẻ biết và học được từ những mẫu gương tốt, và liệu ai có thể tốt hơn các vị Thánh?
- Cầu nguyện cho những người mà chúng ta giúp đỡ
Bất cứ khi nào nhìn thấy một người cầm tấm bảng xin giúp đỡ bên đường, chúng tôi thường cố gắng đưa cho họ một thứ gì đó — có khi là chút tiền, hoặc một túi đồ ăn nhẹ, hoặc một chai nước và một hình thánh. Chúng tôi không bao giờ quên để hỏi tên của họ. Sau đó, chúng tôi không chỉ cầu nguyện cho họ khi tiếp tục hành trình của mình, mà còn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện trước khi đi ngủ nữa. Khi làm như thế, chúng ta có thể thi hành lời dạy của Chúa Giêsu một cách cụ thể đó là “Hãy cho kẻ đói ăn”. Hơn nữa, chúng ta còn được nhắc nhớ rằng, những người ấy, họ không chỉ đói cơm bánh, nhưng vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên dưới nhiều hình thức, họ cũng khao khát tình yêu của Thiên Chúa.
- Viếng các nghĩa trang
Viếng nghĩa trang là một cách đơn giản để nhớ rằng cuộc đời trần thế sẽ kết thúc, và vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ lìa đời. Do đó cái chết, dù là sự mất mát, đau thương, nhưng lại là lối dẫn chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Chúng tôi thường lái xe hoặc rảo bộ tới các nghĩa trang gần nhà, đi vòng quanh và đọc tên trên các ngôi mộ. Sau đó, trên đường rời khỏi đó, chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người trong nghĩa trang, và nhất là những người mà chúng tôi đã đọc tên của họ.
- Giảm bớt và chia sẻ
Trong lối sống hiện đại, chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi những gì chúng sở hữu. Đôi khi đó là chiếc điện thoại, chiếc máy tính xách tay, quần áo, những cuốn sách, và thậm chí chiếc mền mình yêu thích… Và khi tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ tới chỉ là những thứ vật chất, thì việc nghĩ tới những điều thực sự quan trọng sẽ khó hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng thường xuyên dọn dẹp và kiểm tra vật dụng, quần áo, sách vở, đồ chơi… trong nhà, và tự hỏi bản thân và con cái rằng, “Chúng ta có thực sự đang cần những thứ này không?” hoặc “Liệu có ai khác cần đến những thứ này hơn tôi không?” Từ đó, chúng ta sẽ biết cách để điều chỉnh nhu cầu của mình hoặc sẵn lòng để chia sẻ những gì mình có với người khác.
***
Chỉ với những cách thức đơn giản, thiết thực và cụ thể như thế, hy vọng chúng ta không chỉ nhắc mình, mà còn hướng dẫn, dạy dỗ con cái sống đức tin “giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” khi cố gắng sống thánh thiện, sống ý nghĩa, và sống liên đới với Thiên Chúa và với người khác mỗi ngày.
Nguồn: hdgmvietnam.com