Sáu cách khuyến khích trẻ tư duy phản biện

25/02/2024

Trong thế giới phát triển nhanh chóng ngày nay, kỹ năng tư duy phản biện ngày càng quan trọng hơn để trẻ vượt thắng những phức tạp của cuộc sống bằng trí tuệ và sự phân định. Và đối với tín hữu Công giáo, điều hết sức hệ trọng là vun trồng những kỹ năng tư duy phản biện nơi trẻ để các em có thể phát triển nhận thức sâu xa hơn về đức tin và thế giới xung quanh.

Tư duy phản biện giúp trẻ đặt câu hỏi, phân tích và đánh giá thông tin, hướng dẫn trẻ đưa ra những quyết định sáng suốt phù hợp với giá trị và niềm tin của mình. Dưới đây là sáu cách hữu dụng nhằm khuyến khích trẻ tư duy phản biện và học biết thêm về đức tin.

1. Giải những câu đố Kinh Thánh

Khích lệ trẻ tham gia giải những câu đố trong Kinh thánh đòi hỏi kỹ năng tư duy phản biện. Bạn có thể tạo các câu đố ô chữ, tìm từ hoặc câu đố dựa trên những câu chuyện hoặc lời dạy trong Kinh thánh. Động viên trẻ phân tích manh mối và suy nghĩ chín chắn về giải đáp, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kinh thánh đồng thời rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề của trẻ.

2. Trò chơi nhập vai Các Thánh

Tổ chức trò chơi nhập vai trong đó trẻ đóng vai các vị Thánh hoặc nhân vật trong Kinh thánh. Hãy thử yêu cầu trẻ suy nghĩ chín chắn về cách những nhân vật này đối diện với thử thách và đưa ra quyết định phù hợp với đức tin của họ. Ngoài ra, hãy nhắc trẻ suy tư về những đức tính và giá trị mà trẻ được truyền cảm hứng từ các vị Thánh này đồng thời gợi hứng cho trẻ áp dụng những nguyên tắc tương tự vào cuộc sống của chính mình.

3. Lập nhóm thảo luận dựa trên đức tin

Thành lập một nhóm thảo luận dựa trên đức tin trong đó trẻ tham gia đối thoại xung quanh các chủ đề liên quan đến giáo lý Công giáo và các sự kiện thời sự. Yêu cầu trẻ tra cứu, phân tích và đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho những khẳng định của trẻ, thúc đẩy tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại cách tôn trọng, nhất là lắng nghe những ý kiến đối lập, chia sẻ những giá trị Công giáo về sự khiêm nhường và lòng bác ái.

4. Những câu đố về Dụ ngôn

Giới thiệu cho trẻ những câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Phúc âm qua những hoạt động câu đố tương tác. Bạn có thể tạo ra những tình huống hoặc trường hợp khó xử lấy cảm hứng từ những câu chuyện dụ ngôn và thúc đẩy trẻ suy nghĩ phản biện về những bài học đạo đức căn bản. Sau đó tạo điều kiện để trẻ cân nhắc những quan điểm khác nhau và động não đưa ra những giải pháp có tính sáng tạo, thúc đẩy sự đồng cảm và lý luận đạo đức bắt nguồn từ giáo lý Công giáo.

5. Giải thích về Nghệ thuật Thánh

Cùng với trẻ khám phá và gợi hứng cho trẻ suy tư về tính biểu tượng và ý nghĩa của nghệ thuật thánh. Đến viếng nhà thờ, viện bảo tàng, hoặc những nơi có các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo và hướng dẫn trẻ phân tích màu sắc, biểu tượng và hình ảnh được mô tả. Cuối cùng, khích lệ trẻ giải thích tác phẩm nghệ thuật từ những góc nhìn khác nhau, khơi dậy những cuộc thảo luận có ý nghĩa về đức tin, văn hóa và lịch sử.

6. Viết Nhật ký Phúc âm

Hãy thử yêu cầu trẻ viết nhật ký để suy tư về những đoạn trong Phúc âm và áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện vào cách giải thích của trẻ. Đưa ra những gợi ý hoặc câu hỏi để hướng dẫn trẻ suy tư, thúc đẩy trẻ phân tích những ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau những lời dạy của Chúa Giêsu. Và hãy để trẻ liên kết những nhận thức này với cuộc sống thực tế, nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin và sự phát triển cá vị của trẻ.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (19. 02. 2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com