Năm Thánh Tổng Giáo phận Huế đã khai mạc cách long trọng và sốt sắng ngày đầu năm Dương lịch, mồng 1 tháng 1 năm 2020, lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tính đến nay, Năm Thánh mừng kỉ niệm 170 năm thành lập Tổng Giáo phận đã trôi qua hơn 3 tháng.
Năm Thánh khai mạc với bao hân hoan vui mừng của mọi thành phần Dân Chúa. Các Ủy Ban, các đoàn thể Công giáo Tiến hành, các Hiệp hội… đã cùng nhau lên chương trình sinh hoạt, tập huấn, tĩnh tâm, hành hương…
Mọi người đều nô nức phấn khởi chuẩn bị cho một chương trình mục vụ đồ sộ, suốt năm, với hơn 40 hạng mục lớn nhỏ, do các đơn vị tổ chức cấp giáo phận, cấp giáo hạt, giáo xứ, với hàng ngàn người tham gia gồm đủ mọi thành phận: cha gia đình, mẹ gia đình, giới trẻ, thiếu nhi, linh mục, tu sĩ nam nữ, các ban ngành.
Riêng trong tháng 3 mà thôi thì đã có đến 8 đơn vị đăng cai tổ chức cấp giáo phận, đó là Gia đình Vinh Sơn miền Huế, Dòng Ba Cát Minh Têrêxa, Khối gia trưởng thuộc Uỷ Ban Mục vụ Gia Đình, Dòng Phan sinh Tại thế miền Huế, Uỷ Ban Mục vụ Giới trẻ và Thể thao, Gia đình Têrêxa Huế, Hiệp Hội Con Đức Mẹ Đi Viếng, và Hội Legio Mariae.
Thế nhưng, tất cả đã tạm hoãn lại vì con Virút Corona « kẻ thù số 1» (cụm từ của Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 11/02/2020).
Tuy nhiên, điều này vẫn không là cản trở chúng ta, những con dân của TGP Huế yêu mến và tự hào về quê hương mình, giáo phận mình, sống năm thánh cách triệt để hơn.
Đúng vậy, không tổ chức được cách quy mô bài bản với những hình thức bên ngoài cố hữu, chúng ta đi vào chiều kích nội tâm siêu nhiên hơn, sáng tạo hơn; đi vào lãnh vực quan trọng bậc nhất của đời sống Đức tin, nhưng có khi lại bị quên lãng, thiếu sót nhiều nhất. Không đi ra ngoài được, hạn chế tụ tập đông người vì sức khỏe cộng đồng, vì tránh sự lây lan của dịch bệnh, vì trách nhiệm, chúng ta đi vào bên trong nội tâm của mình, nơi Thiên Chúa muốn chúng ta sống tâm tình của người hy vọng: “biến thảm họa đại dịch hiện nay thành cơ hội thực thi điều thiện, tình liên đới và gia tăng hy vọng. Hy vọng nơi Thập Giá của Chúa Kitô, khơi dậy niềm tin… Đây cũng là thời điểm vàng để mỗi người “hãy hoán cải”, “hãy hết lòng trở về cùng Chúa” (Gl 2,13). (trích lời ĐTC Phanxicô cầu nguyện thứ Sáu ngày 27/3/2020).
Đúng là Chúa muốn chúng ta đón nhận thời điểm thử thách này như một thời điểm chọn lựa, chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng ta hướng về Chúa và hướng về tha nhân.
1. Như thế, nơi đáng đi vào trong lúc này là tâm hồn cầu nguyện
Trong cơn đại dịch gieo kinh hoàng sợ hãi cho toàn thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô thân yêu mời gọi mọi người đi sâu vào tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện chung với nhau và cầu nguyện riêng cách tha thiết để củng cố đức tin, gia tăng niềm hy vọng.
Nhiều lần, chúng ta mơ ước biến gia đình mình thành một “Giáo Hội tại gia” đúng nghĩa, nơi để cầu nguyện thờ phượng Chúa sớm hôm, nơi mọi người có dịp gần nhau, cùng có Chúa hiện diện, sẻ chia vui buồn sướng khổ, thì nay đúng là cơ hội để mỗi gia đình thực hiện điều đó.
Cha mẹ hãy quy tụ con cái lại, vợ chồng hãy ngồi bên nhau, thắp đèn trên bàn thờ, ăn mặc tề chỉnh như đi tham dự Thánh lễ tại nhà thờ, cùng nhau tham dự Thánh lễ trực tuyến qua màn hình…hay cùng nhau đọc kinh chung, lần hạt chung, suy niệm một đoạn Lời Chúa… Nhất là trong tuần thánh này, tuần cao điểm của phụng vụ Công giáo, tuần mà Chúa Giêsu của chúng ta cần chúng ta lắng nghe tiếng nói yêu thương từ con tim của Ngài.
Sống Năm Thánh tại gia như thế, sống Tuần Thánh trong gia đình như thế, thì mục đích mừng kỷ niệm 170 năm mà Vị chủ chăn giáo phận mong muốn nay đang trở thành một lối sống, một hành động thiết thực: “Mục đích của Năm Thánh này là…chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả những hồng ân đã lãnh nhận; chúng ta chấn chỉnh đời sống đức tin vẫn còn nhiều bất cập của chúng ta, chúng ta hướng về viễn ảnh một Tổng Giáo phận Huế mỗi lúc một thăng tiến hơn.” (trích “Lời Chủ Chăn” trong Cẩm nang Năm Thánh 2020, tr.3)
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung 2013, số 6 cũng đã từng mời gọi các gia đình thực hành giờ kinh chung này:
“Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.”
Như vậy, không gian và thời gian cầu nguyện của chúng ta trong hoàn cảnh đặc biệt này thật rộng rãi, thông thoáng, và tùy vào sự xếp đặt của mỗi gia đình, của người cha, người mẹ, gia đình chúng ta có dịp để gần Chúa hơn, gần nhau hơn, đi sâu hơn vào mầu nhiệm yêu thương của tình Chúa, tình người. Đó là cách sống năm thánh tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm lúc này.
2. Nơi đáng đi vào trong lúc này là lòng yêu thương tha thứ và hòa giải
Sống Năm Thánh còn là sống yêu thương tha thứ và hòa giải, nhất là trong tuần thánh này.
Con virut Covid-19 gây bao chia lìa, cách li, rối loạn vô trật tự, và nhất là sự cô đơn, thiếu vắng tình thương, thì Tuần Thánh là tuần thấm đẫm tình yêu của một vị Thiên Chúa, đã dám chết cho anh chị em mình, vì yêu thương và yêu cho đến cùng, lại nhắc nhở cho chúng ta về tình yêu tha thứ, hòa giải, để người người chung sống hòa bình, nhà nhà thấy lại được nụ cười và niềm vui.
Chồng hãy đi bước trước bỏ qua những lầm lỗi của vợ; vợ hãy bao dung đến với chồng nói lời hòa giải; cha mẹ tha thứ cho con cái vì “nước mắt bao giờ cũng chảy xuống”; và con cái thì quảng đại gạt đi khỏi lòng mình những xung khắc không đáng có với cha với mẹ.
Lòng tha thứ thương yêu còn dẫn đưa chúng ta ra khỏi biên cương của ích kỷ, của tự ái vớ vẩn, để sống chan hòa với làng trên xóm dưới “như bát nước đầy”, sẵn sàng: “cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung…cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương”. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30). (Thư chung của HĐGMVN 2014).
Như thế, Năm Thánh này là thời gian thích hợp và cần thiết nhất để chúng ta cùng “tính sổ” với chính lương tâm mình, tính sổ về các mối tương quan, tính sổ bác ái, sổ yêu thương để can đảm gác lại mọi mối tị hiềm, mọi lòng đố kỵ, mọi cái nhìn khe khắt, thiên kiến với đôi kính đen ngòm của tự ái, sĩ diện…
Càng vứt đi cái “bị” hận thù, ganh ghét, thì hành trang Năm Thánh trên đôi vai chúng ta càng nhẹ nhõm, cõi lòng càng thanh thản, và dĩ nhiên, đó là điều kiện thích hợp để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, đón nhận hồng ân.
“Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24)
Hãy thành thật với chính lương tâm mình, con tim mình: biết đâu trong một ngóc ngách nào đó vẫn còn một ai đó bị khai trừ, bị bỏ rơi, bị xa cách đôi bờ “đầu sông và cuối sông” mà mình chưa bắt lại nhịp cầu, chưa khiêm nhượng đủ để nhận lỗi và không đủ bao dung để thứ tha…!
Kết
Người ta vẫn hay dùng cụm từ “Why not” (tại sao không?) để quyết tâm hơn trong hành động. Chúng ta sao lại không tận dụng cơ hội này để biến gia đình mình thành “đền thờ tại gia”, thành tổ ấm yêu thương, thành nơi lan tỏa hương thơm tình yêu tha thứ và hòa giải!!!
Nhiều cặp vợ chồng quên mất chân lý này: hạnh phúc ở ngay trong nhà mình! Vậy thì không đi ra ngoài được, nào chúng ta hãy cùng nhau đi vào trong gia đình mình!
Lm. Đaminh Phan Hưng