Ngày 27.8.1850, Đức Piô IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng Y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, đóng dấu ấn Ngư phủ, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong.
Ranh giới phía Bắc giáo phận mới vẫn là dòng sông Gianh – Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam giáp ranh giới giáo phận Đà Nẵng có núi Hải Vân giữa tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng. Nửa đèo phía Bắc núi Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên; nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Đức Cha Pellerin lãnh đạo tân giáo phận Bắc Đàng Trong đã thừa kế một gia tài của giáo phận rộng chừng 11.666,6 cây số vuông, hiện diện 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt mà có đến 6 vị bệnh hoạn già yếu, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân và một số ruộng đất chung quanh Kinh Thành Huế.
Tháng 8.1850, tân giáo phận Bắc Đàng Trong được thành lập, Đức Cha phó Pellerin đang ở Dinh Cát, Quảng Trị, đi vào nhận bàn giao giáo phận mới với Đức Cha Cuénot. Đầu năm 1951, Đức Cha Pellerin ra nhận nhiệm sở cũng là lúc Sắc dụ Cấm đạo của Vua Tự Đức 30.3.1851 được ban hành. Giáo Phận Huế sinh ra trong bách hại.
– Tạ ơn vì các bậc tiên nhân khôn ngoan sáng suốt chọn Chúa.Thời ấy các vị thừa sai chưa thông thạo tiếng Việt. Sao cha ông ta đã hiểu đạo mà tin đạo và theo đạo. Đó là ơn Chúa Thánh Thần. Như ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ nói tiếng Dothái, nhưng người các nước nghe đều hiểu. Các ngài chỉ được học giáo lý rất sơ sài. Cha Đắc Lộ đã soạn quyển Phép giảng tám ngày. Sao chỉ học có 8 ngày mà các ngài có một đức tin vững mạnh như thế. Chắc chắn đó là ơn Chúa. Đạo được rao giảng trong thời kỳ cấm cách. Theo đạo đồng nghĩa với bị kết án tử hình. Thế mà sao các ngài vẫn hăng hái theo đạo và tuyên xưng đạo? Chắc chắn đó là ơn Chúa. Đúng là thời Lễ Ngũ Tuần. Đúng là thời Lễ Hiện Xuống. Đúng là ơn Chúa ban tràn lan đặc biệt cho dân tộc Việt Nam.
– Tạ ơn vì hồng ân đức tin Chúa ban cho tổ tiên chúng ta.Suy cho cùng, ơn đức tin là ơn cao quý nhất. Ơn làm cho ta nhận biết Chúa. Ơn làm cho ta sống đạo vững mạnh. Ơn làm cho Giáo Hội phát triển. Hãy nhìn lại lịch sử Giáo Hội từ những ngày đầu. Thuở ban sơ ta không có gì hết. Không có nhà thờ. Không có nhà xứ. Không có toà giám mục. Không có tài chính. Chỉ có sự ghen ghét của vua quan. Chỉ có sự bắt bớ. Chỉ có khổ hình. Thế mà sao đạo vẫn phát triển. Thưa vì ta có đức tin. Có đức tin là có tất cả. Ngày nay, tại sao ta có đầy đủ phương tiện, con người, thời cơ thuận lợi, nhưng việc truyền giáo xem ra khựng lại. Tại sao? Vì ta thiếu đức tin. Có thể nói tất cả mọi khủng hoảng thời nay bắt nguồn từ khủng hoảng đức tin. Quả thật, ơn đức tin là ơn cao quý Chúa ban cho dân tộc Việt Nam.
– Tạ ơn Chúa 170 năm hồng ân đức tin nhờ Các Thánh Tử Đạo để lại. Giáo hội Việt Nam được sống lại đức tin, tiếp tục cuộc tử đạo của các thánh. Khi được tin Toà Thánh sẽ Tuyên Thánh Tử Đạo Việt Nam, cả một phong trào bắt bớ mới bùng lên trong đất nước Việt Nam. Nhà nước vận dụng mọi phương tiện tuyên truyền chống đối. Nào là hạch sách, o ép. Nào là kể tội, kể xấu các thánh. Nào là đe doạ sẽ có một cuộc trả thù, trừng trị đích đáng. Nhưng đức tin Giáo Hội vẫn vững vàng dù phải chịu đau khổ.
“Một lần, ông Mai Chí Thọ, đứng đầu ngành công an, triệu tập Hội đồng Giám mục để lên án việc phong Thánh Tử đạo. Ông nói nhiều lời xúc phạm đến các thánh. Từ hàng ghế đầu, Đức Hồng y Căn đột ngột đứng dậy ra quỳ giữa hội trường và khóc lớn tiếng và nói: Các ông có thể nhục mạ chúng tôi, nhưng không được phép nhục mạ cha ông, tổ tiên chúng tôi. Cả hội trường xôn xao. Rồi hội nghị bẽ bàng kết thúc không kèn không trống.” (Trích bài giảng của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt tại Châu Sơn, Ninh Bình, 19.06.2013).
Các ngài đã minh chứng một đức tin lớn lao. Đức tin đó khiến các ngài đồng cảm với Giáo Hội. Đức tin đó khiến các ngài hiệp thông với khổ hình của các Thánh Tử đạo, đến nỗi chịu nhục nhã vì các ngài. Và đau khổ đến chết vì các ngài. Chính nhờ thế việc Tuyên Thánh vẫn tiến hành. Chính nhờ thế Giáo hội Việt Nam vẫn vững vàng phát triển qua những khó khăn thử thách.
– Tạ ơn Chúa các ơn lạ lùng mà Chúa Kitô tử nạn, Phục sinh vinh hiển đã ban cho Giáo hội:
– càng bị bách hại cấm cách, thì càng phát triển;
– càng bị xoá sổ, thì càng sống dai và trường tồn, trong khi đó các triều đại vua chúa quan quyền lại lần lượt bị xoá sổ, sụp đổ tiêu vong.
– con cháu, hậu duệ của những kẻ trước đây bắt Đạo, lại xin gia nhập Đạo Công Giáo!
Bằng chứng rõ ràng nhất là BẢO ĐẠI, vua thứ 13 và là vua cuối cùng của triều Nguyễn. Ngày 20.3.1934, Bảo Đại đã cưới một thiếu nữ công giáo làm vợ và tôn phong là “Nam Phương Hoàng hậu” (Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan). Các con của họ đều được Rửa tội trong Giáo Hội Công giáo.
Sau khi bị truất phế, Bảo Đại đến sống lưu vong tại Pháp, vào tháng 10 năm 1955.
Ngày 17.4.1988, Bảo Đại trở lại Đạo và được rửa tội tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot, nước Pháp, với tên thánh là Jean Robert. Ông đã theo Đạo Công giáo, thứ đạo mà các Phụ vương của ông đã cố công triệt hạ phá huỷ.
Ngày 24.6.1995, Bảo Đại và vợ người Pháp là Monique, được yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại điện Vatican. Với tư cách là vua Nhà Nguyễn, ông cựu hoàng đã chính thức thay mặt Nhà Nguyễn, nói lên lời xin lỗi Chúa và Giáo Hội.
Từ trần tại Paris, thủ đô nước Pháp ngày 31.7.1997, hưởng thọ 84 tuổi, Bảo Đại được an táng theo lễ nghi công giáo, tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot, ngày 5.8.1997, với sự chủ sự của Linh mục Guyard, đại diện Hồng Y Tổng Giám mục Paris.
Kỷ niệm 170 năm thành lập tổng Giáo phận Huế là đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của giáo phận nhà. Tertuliano nói: Máu tử đạo là hạt giống sinh người tín hữu. Đúng như lời Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Hạt giống đó, đã gieo vào lòng đời, vào lòng người, và gieo vào miền đất vô tận để thành hạt giống bất diệt.
Hạt giống đó, đã chết đi, đã thối đi, để sinh nhiều bông hạt khác.
Hạt giống đó, không phải là một loại giống tầm thường, bị lai hoá, biến chất mà là một loại Cao Giống = nghĩa là Công Giáo.
Đạo chúng ta là đạo Công giáo, là một loại giống mới, được Chúa Kitô và các Thánh Tử Đạo đem ngâm trong máu của mình trước khi đi gieo vãi vào lòng thế giới. Máu Các Thánh Tử đạo là hạt giống đức tin gieo xuống miền đất tổng Giáo phận Huế thân yêu và ngày này chúng ta có một mùa gặt bội thu.
Ước gì tâm hồn chúng ta là thửa đất màu mỡ, để cho hạt giống đức tin phát triển, cho chồi non đức mến lớn mạnh, thành hạt giống gieo yêu thương, vui mừng, bình an và hy vọng.
Trong tâm tình tạ ơn 170 năm hồng ân, cầu xin Chúa tiếp tục ban ơn để cho chúng ta biết noi gương của các Thánh Tử Đạo sống trung thành với đức tin.
Lm. Giuse Phan Văn Quyền