1. Huế thuộc Giáo phận Đàng Trong (1659-1844):
Đức Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667) ban đoản sắc Apostolatus Officium, ký ngày 29-7-1658 bổ nhiệm Linh mục François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và Linh mục Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Berythe, đều là Giám mục “trong phần đất dân ngoại” ở Việt Nam – Đại Việt. Hơn một năm sau, ngày 9-9-1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII lại công bố đoản sắc Super Cathedram phân chia “phần đất dân ngoại” ở Việt Nam – Đại Việt rõ ràng: Đức Giám mục Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài và Đức Giám mục Lambert coi sóc giáo phận Đàng Trong.
2. Huế thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) (1844-1850):
Đức Cha Taberd, vị Giám mục chính thứ 10 giáo phận Đàng Trong qua đời năm 1840, Đức Cha phó Cuénot kế nhiệm triệu tập Hội nghị Gò Thị tháng 10-1841 chuẩn bị cho việc xin Toà Thánh chia tách và thành lập 2 giáo phận mới. Đến tháng 9-1844, Toà Thánh đã quyết định thành lập hai giáo phận mới: giáo phận Tây Đàng Trong và giáo phận Đông Đàng Trong.
3. Giáo phận Bắc Đàng Trong (1850):
Năm 1850, Tòa Thánh lại chia Đàng Trong thành bốn địa phận:
– Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) vẫn do Đức Cha Cuénot coi sóc.
– Tây Đàng Trong (Sài Gòn) do Đức Cha Lefèbvre đảm trách.
– Nam Đàng Trong (Nam Vang) do Đức Cha Michel điều hành.
– Bắc Đàng Trong (Huế) do Đức Cha Pellerin cai quản.
Ngày 28-8-1850, Đức Piô IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng Y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, đóng dấu ấn Ngư phủ, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế). Diện tích khoảng 12.227 km2: ranh giới phía Ðông là biển Ðông. Phía Tây là biên giới Việt-Lào. Phía Bắc là dòng sông Gianh – Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan của đèo Hải Vân trở ra, thuộc huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nhân sự gồm có 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân. Tháng 12-1856, Đức Cha Pellerin rời Huế vào Đà Nẵng, và lên tàu La Capricieuse của Hải quân Pháp đi Hương Cảng, rồi đi Pháp. Tháng 11-1860 Đức Cha đi Penang. Công việc điều hành giáo phận, Đức Cha giao phó trong tay Đức Cha phó Sohier (tấn phong giám mục 17-8-1851 tại Di Loan).
Năm 1924: Giáo phận có 44 thừa sai, 83 linh mục, 35 sư huynh, 500 nữ tu, 68.000 giáo dân.
Năm 1925: Ðức Giáo Hoàng Piô XI lập Tòa Khâm Sứ Ðông Dương. Vị khâm sứ đầu tiên là Giám Mục Constantino Ajuti, người Ý, được bổ nhiệm ngày 25-5-1925. Quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài đã đề nghị và giúp đỡ xây cất Tòa Khâm Sứ tại Huế, cạnh nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam và khánh thành năm 1925. Năm 1951, Tòa Khâm Sứ được dời ra Hà Nội. Hiện nay, tòa nhà ở Huế là trụ sở của cộng đoàn Mến Thánh Giá Huế.
Năm 1941, Công đồng Đông Dương đã họp tại Toà khâm mạng Phủ Cam, Giáo phận Huế lớn mạnh với số giáo dân 74.904 người, 25 thừa sai Paris, 102 linh mục người Việt Nam.
Năm 1950, giáo phận mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận, số giáo dân là 78.500.
4. Tổng Giáo phận Huế từ năm 1960
Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan 23 ra Tông Thư “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Ngày 8-12-1960 ban Sắc lệnh nâng Giáo phận Huế lên Tổng Giáo phận và đặt Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục làm Tổng Giám mục. Tình trạng Giáo phận Huế năm 1962 như sau: số linh mục: 162 (112 linh mục triều, 50 linh mục dòng). Số tín hữu: 100,225 người. Giáo xứ có linh mục: 85. Giáo họ không có linh mục: 264.
Năm 2000, mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận.
Ngày 19-02-2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha FX. Lê Văn Hồng làm Giám mục Phụ tá Giáo phận, hiệu tòa Gadiaufala. Ngày 07.04.2005, Thánh lễ Tấn phong Giám mục tại Phủ Cam. Khẩu hiệu giám mục của ngài là: “Sicut qui ministrat – … như một người phục vụ”.
Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá, ngày 18-08-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành Tông sắc bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Giáo phận Huế. Nghi thức Nhậm chức đã được cử hành tại Tòa TGM Huế vào ngày 20-08-2012, trước mặt Hội đồng Tư vấn và Chưởng ấn Giáo Phủ, theo Giáo luật số 382 §3.
Ngày 12-09-2012, Thánh lễ Tạ ơn được cử hành tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam để chúc mừng Đức Tân Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng khởi đầu sứ vụ mới, và cám ơn Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể 77 tuổi, được Đức Thánh Cha Bênêđictô phê chuẩn theo như đơn xin hưu. Đồng tế Thánh lễ có ĐTGM Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN, Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn, TGM Sài Gòn, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, và 10 vị Giám mục Việt Nam cùng các linh mục trong ngoài Tổng Giáo phận với sự tham dự dông đảo của giáo dân xa gần.
Ngày 29-10-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận đơn về hưu theo giáo luật của Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, 76 tuổi và bổ nhiệm Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, làm Tân Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế. Ngày 12-01-2017, Thánh lễ Nhậm chức của Đức Tân Tổng Giám Mục Giuse được cử hành tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam.
Nguồn: Tòa Tổng Giám Mục Huế