Lưu ý: vì Giáo họ Kế Sung và Giáo họ Thanh Dương tách khỏi Giáo sở Cự Lại chưa đầy 1 năm, nên chúng tôi vẫn tạm gộp chung trong một lược sử
************************************************************
GIÁO SỞ CỰ LẠI
GIÁO XỨ CỰ LẠI
GIÁO HỌ: AN DƯƠNG, KẾ SUNG, THANH DƯƠNG
Nhà thờ Cự Lại (hoàn thành trọn vẹn, khánh thành 20-08-2015)
Lược sử
I. VỊ TRÍ ĐỊA DƯ
Giáo sở Cự Lại (Trài), thuộc giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn 4 xã Phú Thuận (An Dương), Phú Hải (Cự Lại), Phú Diên (Kế Sung), Phú Mỹ (Thanh Dương), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, phía tây bắc của bán đảo vốn kéo dài từ cửa Tư Hiền (đông nam) lên tới cửa Thuận An, với chiều dài xấp xỉ 40 km. Giáo sở cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 10 km về phía đông đông bắc.
II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Nẩy mầm hạt giống đức tin từ 1820
Trước thế kỷ thứ XII, vùng đất nói trên thuộc châu Lý của người Chăm, sau đó vua Chăm nhường cho vua Trần hai châu Ô, châu Lý[1] nên người Việt mới đến sinh sống, lập nghiệp.
Trong khoảng từ 1820-1885, đã có một số gia đình Công giáo tới sống tại vùng bán đảo[2].
Những thập niên cuối của thời gian này, có các vị Quản xứ nhiệt thành trong việc truyền giáo, đem Tin Mừng cho lương dân sở tại như cha Eugène Allys (cố Lý, 1852-1875-1936)[3], cha Antoine Stoeffler (cố Thể, 1863-1887-1940), cha Anphong Trần Bá Lữ (1845-1884-1913). Ba vị này tuy làm Quản xứ và phó xứ Phủ Cam, nhưng chuyên truyền đạo cho giáo hạt Bên Thủy[4]. Tiếp theo là cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu, 1865-1890-1930) và cha Jean Viry (cố Vị, 1902-1926-1986), cả hai kế tục nhau trông coi cả bán đảo đang khi làm Quản xứ Hà Úc, một giáo xứ lớn cũng nằm trên cùng địa bàn, khoảng 2/3 tính từ cửa Thuận An. Những linh mục trên đây đã có công khai phá toàn vùng. Dấu tích Công giáo đầu tiên hẳn là do các vị Thừa sai trên đây để lại.
Tuy nhiên, năm 1883, Giáo xứ Cự Lại mới xuất hiện tên tuổi, thời Đức Giám mục Louis Caspar Lộc (1880-1907). Ngoài ra, vì mới khai sinh, số giáo dân còn ít ỏi, nên Cự Lại trực thuộc các giáo xứ lớn hơn trong vùng như Hà Úc, An Truyền. Rồi một số người có đạo lại di cư tới Cự Lại để làm ăn sinh sống như tổ tiên của cha Gioakim Võ Quang, cha Phaolô Trần Công Khôi.
2- Phát triển qua các đời Quản xứ
Khi giáo dân Cự Lại bắt đầu đông đảo, bề trên Giáo phận mới gửi cha sở về mục vụ trực tiếp cho họ đạo. Từ đây cho tới tháng 9-2018, Cự Lại và Kế Sung thay phiên nhau trở thành giáo xứ (họ chính, có Quản xứ cư ngụ).
1- 1885-1891: Quản xứ tiên khởi là cha Phêrô Trương Đăng Khoa đến nhậm Giáo xứ, sau khi rời Châu Mới, một họ đạo gần Thừa Lưu (Nước Mặn).
2- 1899-1923: Cha Gabriel Pieters (cố Phiên). Về Giáo xứ Cự Lại từ cuối năm 1899, ngài đã lập tức xây nhà thờ: với cột gỗ mít, vách gạch vồ, mái ngói âm dương, và hai tháp cao. Một vị cao niên trong giáo xứ còn nói: cố Phiên đã mang hạt giống dương liễu từ Pháp về Cự Lại để gieo trồng.
Một biến cố lớn xảy ra vào ngày 11-9-1904: một trận bão lớn nổi lên tại vùng Thuận An đã làm hư hại nhà cửa và giết chết nhiều người. Địa phận của cố Phiên cũng không tránh khỏi tai họa: nhà xứ, nhà thờ của ngài và một nhà thờ khác trong một họ nhánh đã bị sụp đổ hoàn toàn. Ngài sửa sang lại tất cả khá nhanh. Tới năm 1923, ngài mới đổi ra Hương Lâm.
3- 1923-1931: Cha P.X Bùi Quang Ninh.
4- 1931-1940: Cha Đôminicô Trần Văn Phú.
5- 1940-1952: Cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên.
6- 1952-1958: Ngày 21-8-1952, cha Mathia Nguyễn Văn Triêm về làm Quản xứ. Nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề văn hóa xã hội, nhưng để có tiền xây trường học và bệnh xá, ngài đã tổ chức hát bội; rồi mời các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về giúp giáo xứ, dạy dỗ trẻ em, chăm sóc người bệnh v.v… Có vị cao niên kể lại rằng, ở xóm trong, mỗi sáng khi gà gáy, các em (giáo lẫn lương) đều thức dậy đọc Kinh nghĩa. Cha Triêm còn tổ chức bơi thuyền trong lễ bổn mạng Giáo xứ. Vào giai đoạn xã hội bất ổn, ngài luôn yêu thương và đùm bọc mọi người, giáo cũng như lương.
7- 1958-1960: Cha Anrê Nguyễn Văn Từ.
8- 1961-1963: Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc: Ngài đã cho trồng dương liễu ở bờ biển, từ Cự Lại về thấu làng Kế Sung, để bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn.
9- 1963-1967: Cha Giuse Trần Thế Hưng đến nhận nhiệm sở. Ngài xây lại nhà thờ cũ đã bị chiến tranh làm hư hại, chỉ còn lại hai tháp cổ, bằng đá móng mà cha Ngọc đã chuẩn bị trước, với tường bờ lô, mái ngói móc. Nhưng khi tình hình “xã hội” trở nên khó khăn (bất an) hơn, ngài xin thuyên chuyển và rời giáo xứ.
10- 1967-1968: Cha Đôminicô Nguyễn Hữu Nghĩa.
Do hoàn cảnh xã hội trong năm 1968 (biến cố Mậu Thân), cha Nghĩa và nhiều gia đình phải lên định cư tại Giáo xứ Tân Thuận[5] và Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng chấm dứt mục vụ tại Cự Lại.
11- 1975-1979: Cha Gioakim Võ Quang làm cha sở Kế Sung kiêm Cự Lại cùng các họ nhánh.
12- 1979-1996: Cha P.X Nguyễn Văn Huy làm cha sở Cự Lại kiêm Kế Sung và An Dương. Tu sửa nhà thờ, nhà xứ các giáo xứ Kế Sung và Cự Lại năm 1980. Năm 1989, cha rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe, nhưng vẫn là Quản xứ trên danh nghĩa cho đến 1996.
Nhà thờ Kế Sung
13- 1996-1999: Kể từ năm 1989, cha GB Phạm Ngọc Hiệp, Quản xứ Tân Mỹ Thuận An, được cha Tổng Đại diện Giacôbê Lê Văn Mẫn nhờ giúp mục vụ cho Giáo sở Cự Lại… Thời điểm này, có hai chủng sinh ngoại trú là Giuse Hồ Thứ (ở Tân Mỹ) và Giuse Phan Miên (ở Thuận An, gốc Cự Lại) chiều Chúa nhật về giúp ca đoàn và dạy giáo lý ở Cự Lại. Cả 2 làm linh mục năm 2000
Kể từ tháng 6-1996, với sự đồng thuận của Đức Tổng Giám mục Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể, có thêm cha Phaolô Phạm Tá (chịu chức ngày 2.2.1996) đến giúp mục vụ cho Cự Lại, Kế Sung và các xứ lân cận. Năm 1997, có hai nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày thứ bảy và Chúa nhật đến phục vụ ca đoàn, giáo lý và một số công tác khác.
Về mặt xây dựng, cha GB Phạm Ngọc Hiệp đã xin được ân nhân tài trợ để xây nhà cha sở và nhà giáo lý cho Cự Lại và Kế Sung. Ngày 13.1.1999, cha GB được bổ nhiệm làm Quản xứ Lăng Cô, Hói Dừa. Các cơ sở này đã được hoàn thành tốt đẹp thời cha Phêrô Lê Văn Ngọc kiêm nhiệm.
14- 1999-2001: Ngày 15.5.1999, cha Phêrô Lê Văn Ngọc đến làm Quản xứ Tân Mỹ, Thuận An, kiêm nhiệm Giáo sở Cự Lại, Kế Sung, cho đến khi ngài rời Tân Mỹ để làm Quản xứ Ngọc Hồ, ngày 13.12.2001.
15- 2001(14/12)-2014(7): Cha Phaolô Đặng Văn Nam, Quản xứ.
Trong giai đoạn này, có ông Phaolô Trần Miên gốc Cự Lại nhờ con là cha Micae Trần Xuân quyên góp kinh phí ở Hoa Kỳ để tái thiết ngôi nhà thờ xuống cấp.
Ngày 20-3-2002, Đức cha Têphanô chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên. Đến cuối năm thì tạm ổn định với móng tháp, nhưng phần tháp phía trên vẫn chưa xây được.
Cùng với giáo dân, cha Nam tiếp tục làm các công trình phụ, như ngày 12-01-2004, xây tường khuôn viên thánh đường cho ba hướng đông, nam, bắc; còn lại phía tây, tức mặt tiền thì mãi đến ngày 29-01-2007 mới xây cổng chào phía dưới Quốc lộ 49B. Và trải qua nhiều năm tháng, cha tiếp tục xây đài Đức Mẹ, cổng chính của khuôn viên, móng kè, tường phía tây v.v…
Nhà thờ Cự Lại khi chưa có tháp (2007)
Đài kính Đức Mẹ được lát gạch và bắt trụ đèn
Tại Giáo họ Kế Sung, ngày 4-4-2005, nhờ một số ân nhân giúp đỡ, đã bắt đầu đại tu tháp chuông, cung thánh, lát gạch men trong nhà thờ, nhà xứ, xây nhà xe, v.v..
Về sinh hoạt trong Giáo xứ: Cha sở đương nhiệm đã củng cố ca đoàn, ban lễ sinh, giới hiền mẫu và tái lập phong trào Thiếu nhi Thánh Thể mùa hè năm 2006.
16- Cha Gioakim Nguyễn Chí Hữu: 14-05-2014 về nhận nhiệm sở.
Sau sáu tháng ở và quan sát, cha đã củng cố Giáo xứ bằng cách cho bầu lại Hội đồng Giáo xứ, lập thêm ca đoàn trẻ Tê-rê-xa, hội Lòng Chúa Thương xót, nhóm giáo lý viên… và tổ chức giáo xứ tự quản: tất cả mọi việc từ dạy giáo lý cho đến tập múa Giáng sinh, sinh hoạt Thiếu nhi Thánh Thể, tập hát… do cha sở và giáo dân lo liệu… (bởi lẽ không còn các nữ tu về giúp nữa, vì chẳng có chỗ ở cho các chị).
Bên cạnh đó, cha đã kêu gọi xây tháp chuông, tu sửa nhà thờ (lát gạch mặt tiền, ốp đá các trụ, chống thấm, sơn lại nhà thờ) và xây nhà giáo lý. Những công trình này khởi động cùng một lúc để kịp ngày 20-08-2015 khánh thành. Kinh phí do cha Trần Xuân vận động một phần và phần còn lại là do giáo dân Giáo xứ Cự Lại đóng góp.
– Tháng 8-2016, tiếp tục làm thêm hai cánh gà nhà thờ.
– Tháng 8-2017 làm đài Thánh Giuse, lát gạch sân đài Mẹ và Thánh Giuse.
Đài kính Thánh Giuse
– Tháng 12-2018 lát gạch sân nhà thờ (1.750m2). Những công trình trên là do kinh phí và công của giáo dân Giáo xứ Cự Lại.
Làm lại sân nhà thờ, lát gạch và dựng các trụ đèn
3- Kế Sung và Thanh Dương tách thành giáo xứ riêng biệt
Và ngày 25-09-2018 Giáo xứ Kế Sung (xã Phú Diên) và Thanh Dương (xã Phú Mỹ) tách khỏi Giáo sở Cự Lại với cha Đôminicô Nguyễn Tưởng làm Quản xứ…
Do đó, địa bàn của Giáo sở Cự Lại chỉ còn nằm trên hai xã: Phú Thuận (Cự Lại) và Phú Hải (An Dương).
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục
1- Gioakim Võ Quang: sinh 1904, linh mục: 1936, qua đời: 1991.
2- Phaolô Trần Công Khôi: sinh 1919, linh mục: 1950, qua đời: 1994.
3- Micae Trần Xuân: sinh: 195l, linh mục: 1993 (Hoa Kỳ).
4- Giuse Phan Miên: sinh: 1961, linh mục: 2000, qua đời: 2013.
5- Phêrô Trần Văn Minh: sinh 1980, linh mục: 2012 (Giáo phận Xuân Lộc).
6- Đaminh Phan Anh Huy: sinh 1980, linh mục: 2013 (Giáo phận Xuân Lộc)
2- Nam nữ tu sĩ
1- GB Võ Nghi, Dòng Lasan.
2- Võ Thị Ngại, Dòng Phaolô.
3- Võ Thị Hào, Dòng Phaolô.
4- Võ Thị Quyền, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
5- Maria Lê Thị Cẩm Vân, Dòng Phaolô, sinh 1978. khấn trọn 2005, tại Pháp
6- Matta Trần Thị Loan, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sinh năm 1992, ở Nhà tập 2
3- Giáo dân:
– Năm 2010: 1060 người (Cự Lại+Kế Sung)
– Năm 2015: 1156 người (Cự Lại+Kế Sung)
– Năm 2019: 894 người (Cự Lại) 470 người (Kế Sung)
[1] Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân đến vua Trần Anh Tông của Đại Việt. Vua Trần bằng lòng gả công chúa cho Chế Mân và nhận châu Ô châu Lý mà Chế Mân đã dâng làm sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận châu, và châu Lý thành Hoá châu. Vùng đất Hóa châu đời nhà Trần ngày nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vùng đất Thuận châu kéo dài từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn, phía nam tỉnh Quảng Trị.
[2] Theo Lược sử Giáo xứ Phường Tây, trong khoảng thời gian từ 1820-1885, lần lượt có những người Công giáo ở Trài (nay gọi là Cự Lại) về lập gia đình và sinh sống ở Phường Tây. Trên miền đất mới này, những giáo dân di cư vẫn giữ đạo cách sốt sắng và trung thành, dù xung quanh họ toàn là lương dân xa lạ. Chúa nhật, họ thường đi bộ lên Giáo xứ Chuồn (nay gọi là An Truyền, vốn có từ đầu thế kỷ 18) để dự lễ, mất hai ngày đêm cả đi lẫn về. Những gia đình ấy được xác định dựa trên gia phả của hai họ Trần ở Phường Tây ngày nay: một họ định cư ở đây trong khoảng thời gian từ năm 1820-1825, và một họ định cư trước năm 1884 (x. Lược sử Giáo xứ Phường Tây).
[3] Sau tên các linh mục, khi có 3 niên đại thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa chỉ năm chịu chức và số cuối chỉ năm qua đời.
[4] Giáo hạt Bên Thủy thuộc cơ cấu tổ chức của Giáo phận Huế thời ấy, bao gồm những giáo xứ, giáo họ từ Phủ Cam chạy dài đến Lăng Cô, dọc đường thiên lý bắc-nam; từ Cự Lại vào đến Vinh Hòa, dọc đầm Hà Trung xuống cửa Tư Hiền.
[5] Tại Tân Thuận (Thuận An-Tân Mỹ):
– Ngày 01.8.1968 đến ngày 06.8.1972: Cha Phaolô Trần Công Khôi
– Năm 1972 đến năm 1975: Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển
—————————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.