Lược sử Giáo sở Diêm Tụ

16/09/2019

GIÁO SỞ DIÊM TỤ

Giáo xứ Diêm Tụ – Giáo họ Trường Lưu

Nhà thờ Diêm Tụ (khánh thành 08-2015) 

LƯỢC SỬ

I- VỊ TRÍ ĐỊA DƯ

Giáo xứ Diêm Tụ, thuộc giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn thôn Diêm Tụ, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế và Tòa Tổng Giám mục chừng 30 km về phía đông đông nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ phong trào truyền giáo xuất phát tự Phủ Cam (1885)

Theo truyền khẩu, hạt giống đức tin được Chúa gieo vào đất Diêm Tụ lần đầu tiên qua cụ Nguyễn Tố. Cụ làm nghề thuốc bắc, biết chữ Nho và thường hay lên Huế bốc thuốc, vì thế quen biết với quan Ngô Đình Khả (1857-1923) ở Phủ Cam. Thông qua cụ Khả, các thầy giảng (giáo lý viên theo tên gọi đương thời) ngỏ ý về thăm quê của cụ Tố. Từ đó cụ Nguyễn Tố và 2 người nữa là cụ Lê Năm và Lê Thùy được lãnh nhận phép rửa do linh mục Anphong Trần Bá Lữ (1845-1884-1913, làm phó xứ Phủ Cam từ 1985 đến 1890). Lúc ấy, dưới thời Đức cha Caspar Lộc (cai quản Giáo phận từ 1880 đến 1907), cha Eugène Allys (cố Lý, chánh xứ Phủ Cam từ 1885 đến 1908) và thượng thư Micae Ngô Đình Khả, có một phong trào truyền giáo rất mạnh tại Giáo hạt Bên Thủy[1] mà ba nhân vật vừa kể là những tác nhân chính.

Bấy giờ cha phó Anphong Trần Bá Lữ được bề trên cử về phụ trách việc truyền giáo ở Diêm Tụ. Cha cùng một nhóm tông đồ giáo dân đi lại dạy dỗ số tân tòng ở vùng này, dựng nhà thờ tạm bằng tranh và lập Diêm Tụ thành giáo họ trực thuộc Giáo sở Phủ Cam. Nhà Chung lúc ấy cũng mua nhiều ruộng đất tại xứ để giúp những lương dân mới cải đạo. Công việc mục vụ truyền giáo này kéo dài 5 năm trời (1885-l890) cho đến khi cha Lữ được đổi đi làm Quản xứ Văn Giáp.

Sau đó, thấy địa thế thuận lợi, Giáo phận chọn Diêm Tụ làm trung tâm để truyền bá đức tin cho vùng Hà Úc, Hà Thanh, Phường Tây, Cầu Hai, Nước Ngọt v.v…

2- Thành Giáo xứ rồi Giáo sở (l890)

Vì số tân tòng ở vùng này gia tăng lên tới cả ngàn người, nên năm 1890 Đức cha Louis Caspar Lộc đặt cha Antoine Stoeffler (cố Thể) làm Quản xứ tiên khởi của Diêm Tụ[2].

  1. Cha Antoine Stoeffler (cố Thể) (1890-1908). Cố đã ở Diêm Tụ gần 20 năm trời (l890-l908). Trong thời gian đó có nhiều thừa sai Pháp và linh mục Việt luân phiên làm phó cho ngài:

– Cha Séraphin Godet (cố Ngọc).

– Cha René Morineau (cố Trung).

– Cha Paul Laurence (cố Phước).

– Cha Giuse Nguyễn Thế Chánh.

– Cha Micae Dương Đức Kỳ.

– Cha Phaolô Nguyễn Văn Lục.

– Cha Anrê Nguyễn Hữu Tường.

Các vị đã mở đạo tại các làng lân cận như: Hòa Đa, An Lưu, Mộc Trụ, Dưỡng Mong, Hà Trữ, Hà Trung v.v… Một thời gian sau, tất cả họp thành Giáo sở Diêm Tụ. Cố Thể đã trưng đất cát hoang để làm vườn nhà thờ và cho giáo dân ở, trưng phở ruộng giao Nhà Chung nhưng để cho giáo dân cày cấy. Lập hội Dục anh chuyên rửa tội, nuôi dạy hay chôn cất các trẻ bên lương yểu tử; có ruộng riêng, hằng năm lấy hoa lợi để lo chạp mả gọi là “Chạp mả con trẻ”. Cố còn làm một nhà thờ lớn bằng ngói, sau bị mối phủ, cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh phải làm lại. Đồng thời cố cũng làm nhà cha sở rất lớn, lợp 2000 tấm tranh.

  1. Cha sở Paul Laurence (Cố Phước) (1908-1910).
  2. Cha sở Joseph Montagnon (Cố Minh) (1910-1912).
  3. Cha sở Pierre Etchebarne (Cố Chế) (1912-1918).
  4. Cha sở Gioakim Nguyễn Văn Khiết (1918-1937).
  5. Cha sở Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1934-1937). Cha đã làm lại nhà thờ Diêm Tụ chắc chắn.
  6. Cha sở Anrê Nguyễn Văn Từ (1937-1945). Cha Từ lập trường tiểu học gần phía sau nhà thờ và lập sở các chị Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng ở ngoài ruộng. Cha tổ chức hội Thanh niên theo phong trào Công giáo Tiến hành thời đó, có cha Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc, phó Lương Văn phụ trách. Đời cha Từ, nhà thờ Hà Trữ bị đốt cháy.
  7. Cha sở Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc (1945-1949). Do ngôi nhà xứ thời cố Thể bị mối phá, nên ngài cho làm lại ngôi nhà lợp ngói, làm trường và sở các chị phía sau nhà thờ. Ngài cũng làm nhà thờ, nhà trường và nhà họ Dưỡng Mong, xin 2 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng về dạy. Hai chị ở Diêm Tụ sáng đi chiều về. Đến đời cha Hộ (1950-1953), các chị mới có chỗ riêng tại Dưỡng Mong. Cha Ngọc xin đất làm nhà thờ Trường Lưu và trường tiểu học do 2 nữ tu phụ trách. Cha đã mua gỗ để trùng tu nhà thờ Hà Trung, Mộc Trụ và Hà Trữ, nhưng chưa kịp khởi công thì được đổi lên Lương Văn năm 1949.
  8. Cha sở Giuse Ngô Văn Trọng (1949).
  9. Cha sở Raphael Bửu Hiệp (1949-1950).
  10. Cha sở Giuse Lê Văn Hộ (1950-1953).

Từ đầu đời cha Ngọc (năm 1945) đến hết đời cha Hộ (1953), Giáo sở Diêm Tụ gặp những ngày đen tối vì mất an ninh. Một số giáo dân bị ám sát và một số khác phải chạy tản cư về thị xã. Nhưng các cơ sở vẫn tồn tại.

  1. Cha sở Micae Hoàng Ngọc Bang (1953-1958)
  2. Cha sở Matthia Nguyễn Văn Triêm (1958-1962).
  3. Cha sở Phêrô Nguyễn Đình Chế (1962-1964). Do ngôi nhà thờ đời cha Huỳnh xây bị mối phá, nên cha Chế đã xây cất lại.
  4. Cha sở Tôma Lê Văn Cầu (1964-1965). Vì chiến cuộc lan rộng, cả vùng Phú Thứ (tên gọi lúc đó) trở nên bất an nên cha Tôma phải sớm đem phần lớn giáo dân di tản lên vùng Phú Bài, trú gần Phù Lương, một Giáo xứ an ninh hơn vì nằm cạnh những khu vực quân sự và quốc lộ 1. Giáo dân ở đây cho tới năm 1975.

Từ 1965 đến 1975, Giáo sở Diêm Tụ trở nên bãi chiến trường. Các cơ sở đều bị bom đạn tàn phá, chỉ còn nhà thờ Dưỡng Mong tồn tại.

3- Tái xây dựng trong hòa bình (1975)

  1. Cha sở Micae Trần Minh Huy (18-09-1975 đến 12-05-1996).

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chủ yếu vì chiến tranh loạn lạc, giáo dân Giáo sở Diêm Tụ ly tán khắp nơi. Sau tháng 4 năm 1975, Giáo xứ Diêm Tụ chỉ còn lại ít ỏi vài gia đình và không có cha sở. Đến gần cuối năm 1975, cha Micae Trần Minh Huy được bổ nhiệm coi sóc Diêm Tụ, Dưỡng Mong, Hà Trung và Trường Lưu trong một hoàn cảnh rất gian khổ. Phần lớn giáo dân cũng dần dần hồi hương. Trong 21 năm làm quản sở, cha Micae đã tái thiết nhà thờ Diêm Tụ, Dưỡng Mong, Hà Trung ; tái thiết nhà xứ Dưỡng Mong, nâng cấp nhà xứ Hà Trung, sửa chữa trường mầm non Hà Trung.

Trong thời gian này, ngài cũng sáng lập chương trình bảo trợ ơn gọi “Cho một tương lai tốt đẹp”, giúp được nhiều người trẻ trong Giáo phận làm linh mục và tu sĩ, mà riêng của ngài đã có 5 linh mục và gần 20 nữ tu thuộc nhiều hội dòng.

Trong thời ngài, Giáo sở Diêm Tụ mừng “Đệ nhất Bách chu niên” ngày đón nhận đức tin 1885-1985. Nửa năm 1996, cha Micae rời nhiệm sở vì gia nhập hội Xuân Bích, đi du học Pháp.

  1. Cha sở Phaolô Trần Khôi (16-05-1996 đến 14-05-2007).

Giai đoạn này, cha Khôi ở tại Dưỡng Mong, lo việc mục vụ cho giáo sở gồm 4 giáo xứ và giáo họ nói trên (chưa kể vài nhóm nhỏ ở Mộc Trụ, Hà Trữ, Viễn Trình). Cha tiếp tục bảo tồn và phát triển cơ sở của các giáo xứ để đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới. Như đã khởi công xây dựng nhà xứ Diêm Tụ vào ngày 30-08-1998 và hoàn tất vào Năm Thánh 2000. Đây là một nhà lầu rộng lớn, hoa quả tình liên đới cộng tác giữa chủ chăn, con chiên bổn đạo và ân nhân xa gần. Cha còn xây dựng thêm 2 nhà đa năng, một tại Dưỡng Mong, một tại Diêm Tụ, làm nơi sinh hoạt chung của giáo xứ, đồng thời để các nữ tu có chỗ dạy dỗ trẻ em lương giáo trong vùng.

Tại Trường Lưu, sau bao nhiêu khó khăn do hoàn cảnh, cha và giáo xứ đã xây nhà thờ mới, thay thế cho nhà thờ cũ đã bị đổ nát vì chiến tranh. Ngày 29-09-2000 khởi công và ngày 07-07-2007 khánh thành. Đây là một công trình lớn và đẹp của giáo xứ.

Cha Phaolô cũng quan tâm đến thanh thiếu nhi trong giáo sở về việc học hành qua các chương trình khuyến học.

Nhà thờ Trường Lưu hiện nay

4- Tách đôi Giáo sở, chỉ còn Diêm Tụ và Trường Lưu (2005)

Ngày 20-07-2005, vì nhu cầu mục vụ, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Têphanô đã tách 4 Giáo xứ thành hai Giáo sở, do hai vị Quản xứ đảm trách. Dưỡng Mong và Hà Trung làm thành một Giáo sở, với cha Giuse Trần Viết Viên làm Quản xứ tiên khởi. Giáo xứ Diêm Tụ và Trường Lưu được tiếp tục giao phó cho cha Phaolô Trần Khôi.

Năm 2006, cha tôn tạo đài Đức Mẹ trước nhà cha sở Diêm Tụ, để giáo dân đến cầu nguyện.

Ngày 14-05-2007, cha Phaolô rời Diêm Tụ Trường Lưu, vào làm Quản xứ Sáo Cát.

  1. Cha GB. Phạm Ngọc Hiệp (15-05-2007 đến 08-11-2012).

Cha đã thực hiện một số công việc để bảo tồn và phát triển giáo sở như sau:

– Về phương diện đạo đức: Cha khuyến khích giáo dân thường xuyên tham dự thánh lễ, học hỏi và thực hành Lời Chúa. Cha trực tiếp dạy Thánh Kinh cho các lớp giáo lý Bao đồng và Vào đời. Cha quan tâm nâng đỡ các em chuẩn bị vỡ lòng, thêm sức; đích thân điều hành và sinh hoạt hằng tháng với khối Gia trưởng và Hiền mẫu.

– Về văn hóa: Cha giúp các em học sinh nghèo có điều kiện tốt để học hành, với sự hỗ trợ tài chánh của Hội khuyến học Enfants du Mekong (EDM) của Pháp.

– Về mặt xã hội: Cha có những quan hệ tốt với bà con trong huyện xã, thôn làng, tạo được nhiều thuận lợi; nhờ đó hoàn thành được đường bêtông trước và quanh khu vực nhà thờ, nhà xứ; chuẩn bị mặt bằng để đưa nước sạch vào các gia đình.

– Về xây dựng: nhà thờ Diêm Tụ được xây dựng từ năm 1964, thời cha Phêrô Nguyễn Đình Chế, nay bị mối mọt và xuống cấp trầm trọng. Vì thế, một mặt cha thay mái ngói, đóng trần; mặt khác, cha vận động ân nhân giúp đỡ tài chánh; số tiền dâng cúng tạm đủ để giáo xứ trong tương lai có thêm điều kiện xây nhà thờ mới.

  1. Cha Augustinô Nguyễn Đại Vũ (2012-2019).

Việc chính yếu cha đã thực hiện được khi tới nhận xứ, là xây mới ngôi thánh đường khang trang xinh đẹp rộng lớn cho Giáo xứ Diêm Tụ. Đây là nhà thờ thứ 5 của giáo xứ. Ngày 24-7-2013, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê văn Hồng đến đặt viên đá đầu tiên. Sau 2 năm xây dựng, nhờ sự ủng hộ tài chánh của các ân nhân xa gần, cùng với bao gian lao vất vả của giáo dân, nhà thờ được khánh thành và bàn thờ được cung hiến ngày 17-8-2015.

Tại giáo họ Trường Lưu, Cha đã xây tường thành quanh nhà thờ, và một ngôi nhà đa năng, để hội họp, dạy giáo lý và các sinh hoạt khác của giáo xứ.

  1. Cha Mai Nguyên Vũ Thạch, ngày 22-05-2019, đã về nhậm chức quản xứ, theo bài sai ký ngày 10-05-2019 của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.

Cha tiếp nối và cổ võ các việc đạo đức đã có tuyền thống tốt đẹp như lần hạt Mân Côi, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót, sinh hoạt Giáo lý thanh niên và thiếu niên; cổ vũ ơn gọi và khuyến khích học hành.

Bên trong nhà thờ Diêm Tụ hiện thời.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

1- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Cần (1953-1994-)

2- Têphanô Nguyễn Hữu (1977-2010-).

3- Anrê Lê Minh Phú (1978-2012-), gốc ngoại Diêm Tụ.

4- Têphano Ma Thanh Long (1981-2018-), gốc ngoại Diêm Tụ.

5- Mátthêu Lê Văn Dũng (1955-2010-) Dòng Thánh Tâm, gốc ngoại Trường Lưu.

2- Chủng sinh, Tu sĩ:

1- Têphanô Nguyễn Đình Trọng, sinh năm 1995 (ĐCV)

2- Maria Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1945 (Dòng CĐMĐV)

3- Anna Lê Thị Huệ, sinh năm 1945 (Dòng CĐMĐV).

4- Anna Nguyễn Thị Hẹ, sinh năm 1970 (Dòng CĐMĐV)

5- Anna Nguyễn Thị Thiên Trang, sinh năm 1970 (Dòng CĐMĐV)

6- Anna Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1970 (Dòng CĐMĐV)

7- Maria Nguyễn Thị Nga, (Dòng CĐMĐV)

8- Maria Phạm Thị Thúy, sinh năm 1980 (Dòng CĐMĐV)

9- Maria Nguyễn Thị Thu Sương, sinh năm 1985 (Dòng CĐMĐV)

10- Maria Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 1991 (Dòng CĐMĐV)

11- Anna Lê Thị Diệp, sinh năm 1951 (Dòng MTG), gốc ngoại Trường Lưu.

12- Anna Dương Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1979 (Dòng MTG), gốc ngoại Diêm Tụ.

13- Lucia Ma Thị Liên, sinh năm 1988 (Dòng CĐMĐV), gốc ngoại Diêm Tụ.

3- Giáo dân:

– Năm 2010: 370 người.

– Năm 2015: 391 người

– Năm 2018: 403 người

—————————————————————————

[1] Giáo hạt Bên Thủy thuộc cơ cấu tổ chức của Giáo phận Huế thời ấy, bao gồm những giáo xứ, giáo họ từ Phủ Cam chạy dài đến Lăng Cô, dọc đường thiên lý bắc-nam; từ Cự Lại vào đến Vinh Hòa, dọc đầm Hà Trung xuống cửa Tư Hiền. Hai giáo hạt là Bên Bộ và Dinh Cát.

[2] Báo cáo thường niên của Đức cha Caspar gởi về hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) năm 1891 cho biết cha A. Stoeffler phải săn sóc cho 1.200 tín hữu tân tòng, rải rác trong 7 làng xa nhau từ 10 đến 15km. Năm 1980, ngài đã rửa tội được 279 tân tòng và 248 trẻ con lương dân.

——————————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.