Lược sử Giáo sở Diên Sanh

18/09/2019

GIÁO SỞ DIÊN SANH

GIÁO XỨ DIÊN SANH – GIÁO HỌ GIÁP HẬU

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ DIÊN SANH

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Diên Danh, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nam giáp xã Hải Trường, đông giáp xã Hải Thành, bắc giáp xã Hải Thượng, tây giáp xã Hải Lâm, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 60km về hướng tây bắc.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Giáo họ thuộc Giáo sở Cây Da (1904-1949):

Vào thế kỷ XVIII, đã xuất hiện tại xứ Dinh Cát (Quảng Trị), nơi một vùng hẻo lánh bên bờ sông Ô Lâu một xứ đạo mang tên Cây Da. Qua bao biến thiên của lịch sử, bách hại của vua chúa, xứ đạo này dần lớn lên. Và đến đầu thế kỷ XX, Cây Da trở thành giáo xứ chính, bao gồm nhiều giáo họ: Bến Đá, Trường Mỹ, Thôn Đông, Càng Hưng Nhơn, Càng An Thơ, Càng Mỹ Chánh, Diên Sanh và Giáp Hậu. Tất cả làm thành Giáo sở Cây Da.

Hình thành từ thời điểm này, Diên Sanh và Giáp Hậu được ở dưới sự chăm sóc của cha Gioan Baotixita Ngô Văn Học, gốc Kim Long (1860-1892-1932)[1], vị Quản sở tiên khởi với một nhiệm kỳ khá dài (từ 1904 đến 1923).

Tiếp đó là các cha quản sở Giuse Nguyễn Văn Linh, gốc Nhu Lý (1924-1936); Đôminicô Huỳnh Văn Thượng, gốc Di Loan (1938-1946); và Gioakim Nguyễn Văn Khiết, gốc Hương Lâm (1946-1951).

Cha Thượng vào năm 1938, có xây cho Giáo họ Diên Sanh một nhà nguyện lợp tranh tại thôn 3[2].

2. Thành giáo xứ độc lập (1949-1969)

Năm 1949, Diên Sanh được tách khỏi Cây Da, trở thành giáo xứ độc lập, với Giáp Hậu như một khu vực chứ chưa phải là giáo họ. Vị Quản xứ đầu tiên là:

– Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng: 1949.

Ngài gốc Sáo Bùn (Tam Tòa, Quảng Bình, 1896-1926-1983). Trước đó, ngài làm cha sở Hội Yên (từ 1937), nhưng hơn 10 năm sau, vì thời cuộc bất an, ngài phải lên Diên Sanh ở. Ngài làm một nhà thờ tạm, sát chợ Diên Sanh, vì thấy giáo dân lúc đó đi nhà thờ trong thôn 3 gặp khó khăn nhiều. Thế nhưng, ngài chỉ ở đây vài tháng rồi được đổi đi làm Quản xứ Cầu Hai.

– Cha Aimé Mauvais (cố Mầu): 1949-1959

Cố Mầu (1915-1948-?) về Diên Sanh năm 1949. Ngài lập tức xây nhà thờ tại vị trí mà bây giờ gọi là khu công thương nghiệp. Ngài mua đất của ông Ngô Văn Sách để làm nhà cha sở, mở trường tiểu học Mai Khôi năm 1956 và giao cho các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (trường được các chị điều khiển đến năm 1972, nhưng tồn tại đến năm 1975). Ngài xây lầu chuông và mua chuông ở Pháp đem về. Giáo dân thời nầy rất đông (nhờ dân các giáo xứ xung quanh đến trú ngụ), vì tại Diên Sanh, nơi quốc lộ 1 cũ chạy ngang qua, tình hình an ninh tương đối[3].

– Cha Matthêô Trần Thanh Minh (1926-1953-2005), gốc Nước Ngọt: 1959-1968.

Cha Minh mở thêm trường Trung học Minh Đức (tồn tại đến năm 1975). Về phần nhà thờ trong thôn 3, vì hư hại, nên đã bị ngài cho phá.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc (1922-1951-2003): 1968-1969.

3- Lại trở thành Giáo họ rồi Giáo xứ (từ 1969 đến nay)

Từ năm 1969, Diên Sanh trở thành Giáo họ, trực thuộc Giáo xứ Đa Nghi+Hội Yên, một giáo xứ sầm uất, có cả bệnh viện, nơi cha Giacôbê Đỗ Bá Ái cai quản từ năm 1961 đến 1972. Ngài sửa lại nhà thờ xây từ thời cố Mầu. Các cha phó biệt cư Diên Sanh của ngài gồm có:

– Cha Giuse Trần Văn Tuyên (1937-1969-2010), gốc Thai Dương Thượng: 1969-1970.

– Cha Antôn Nguyễn Văn Bình (1941-1970-2009), gốc Nhu Lý: 1970-1971.

– Cha Đômmicô Nguyễn Văn Vĩnh (1938-1967-2009), gốc Ninh Cường (Bùi Chu): 1971-1972

Năm 1972, Mùa hè Đỏ lửa, chiến tranh lan rộng. Nhà thờ bị sập, cha Giuse Đỗ Bá Ái đưa giáo dân Đa Nghi+Hội Yên vào Ninh Thuận để sinh sống làm ăn, lập ra họ đạo mới tại vùng định cư mới mang tên Quảng Thuận (Quảng Trị+Ninh Thuận). Diên Sanh lại trở thành giáo xứ.

– Cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (1933-1959-), gốc Kim Long: 1972-2009.

Suốt chiều dài lịch sử 37 năm ròng rã ở Diên Sanh, mặc bao biến thiên của lịch sử và khó khăn của thời cuộc, ngài đã huấn luyện giáo dân có nếp sống đạo đức; ươm trồng các ơn gọi cho Giáo phận; xây dựng và củng cố các cơ sở vật chất như ngày nay: nhà thờ, nhà xứ, phòng học giáo lý, nhà mục vụ đa năng,… Ngôi nhà thờ hiện còn được cha xây năm 1996[4].

Cho đến năm 1975, giáo xứ có trường dạy nghề cắt may, quán cơm xã hội.

Diên Sanh thời này có cả Cây Da như giáo họ (cho đến năm 2002).

Mọi giáo dân trong giáo xứ đều được kiểm tra giáo lý mỗi năm hai lần. Mọi giáo dân, không trừ ai, từ cấp Vỡ lòng mà lên, phải thuộc lòng tối thiểu bốn loại kinh: Kinh hôm, Kinh mai, Kinh Truyền tin, Kinh 15 Mầu nhiệm gẫm tắt. Mỗi giáo dân phải có tràng chuỗi và hứa mỗi ngày lần một chuỗi dâng kính Đức Mẹ. Giáo xứ tĩnh tâm hai tháng một lần; chịu phép Giải tội trong dịp tĩnh tâm tháng. Phần thưởng dành riêng cho những ai có những sinh hoạt tôn giáo đáng khen: đi du ngoạn mỗi năm.

Cha Emmanuen còn làm Hạt trưởng hạt Quảng Trị, kiêm La Vang từ 1975 đến 1995, khổ công bảo vệ và xây dựng linh địa vốn bị đổ nát hầu như hoàn toàn từ biến cố Mùa hè Đỏ lửa (1972).

– Cha Giuse Trần Văn Tuyên (1937-1969-2010), gốc Thai Dương Thượng: 30.4.2009-8.2010

 – Cha Augustinô Hồ Văn Quý (1938-1963-2015): gốc Kim Long: 2010-2014.

Lúc ấy toàn Giáo sở chia làm 7 khu vực: 6 khu vực thuộc thị trấn Hải Lăng, xã Hải Thọ; 1 khu vực ở xa trung tâm hơn hết là Giáp Hậu, thuộc xã Hải Trường. Khu vực Giáp Hậu nầy có nhà nguyện mua được từ thời cha Nguyễn Vinh Gioang, dùng làm nơi đọc kinh và tham dự lễ Chúa nhật. Cha Quý bèn xin Đức Tổng Giám mục Têphanô nâng Giáp Hậu lên bậc họ nhánh: nhà nguyện tại đó được đặt Mình Thánh Chúa, có thánh lễ sáng Chúa nhật và chiều Thứ năm. Giáp Hậu cũng lập được một nhóm Legio Mariae.

– Cha Giuse Trần Đức Diễn (1971-2002-): từ 2014 đến nay.

Ngày 13-5-2014, ngài về nhậm chức Quản xứ thay cha Augustinô Hồ Văn Quý đi nghỉ hưu. Sau một thời gian, cha đã tổ chức lại nhân sự Hội đồng Giáo xứ (ban thường vụ và các ủy viên), đồng thời chia lại các khu vực có tên thánh bổn mạng và bổ nhiệm các khu vực trưởng: Diên Sanh gồm 4 khu vực và Giáo họ Giáp Hậu; củng cố các lớp giáo lý theo từng lứa tuổi: khối Khai tâm (Chim non), Vỡ lòng, Thêm sức và Bao đồng (Vào đời); cuối năm 2014, thành lập phong trào Gia đình cùng theo Chúa và giới trẻ năm 2018. Bên cạnh đó, ngài trùng tu nhà thờ: thay mái ngói mới, chỉnh sửa cung thánh lại cho hợp với phụng vụ và sơn mới lại toàn bộ nhà thờ; tu sửa và xây nhà xứ rộng thêm, xây thêm các phòng học giáo lý; chỉnh trang khuôn viên nhà thờ, xây mới đài Đức Mẹ (năm 2015) và đài Thánh Giuse (năm 2018)…

Cha mời gọi mọi giáo dân tham dự Thánh Lễ hằng ngày, đặc biệt Chúa nhật và Lễ trọng, đi học giáo lý hằng tuần theo giới: thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, gia trưởng, hiền mẫu. Hằng tuần, hằng tháng, mọi giáo dân đều được khuyến khích thăm viếng đồng đạo cũng như lương dân.

Hiện nay, có những sinh hoạt đặc biệt chung cho toàn Giáo sở: thánh lễ dành riêng cho giới trẻ & thiếu nhi vào tối thứ bảy hàng tuần; chầu phép lành Mình Thánh Chúa vào tối thứ năm đầu tháng; thánh lễ và sinh hoạt dành cho Gia đình cùng theo Chúa và gia đình trẻ vào tối thứ năm tuần 2 trong tháng. Các lớp giáo lý học chiều Chúa nhật, sau đó tham dự thánh lễ…

 

Cung thánh nhà thờ Diên Sanh

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– Phaolô Nguyễn Trọng (1949-1976-), con ông Phaolô Nguyễn Định và bà Catarina Phạm Thị Nữ.

– Giacôbê Nguyễn Xuân Lành (1974-2001-), con ông Simon Nguyễn Trí và bà Matta Võ Thị Cung.

2- Đại chủng sinh:

– Micae Trần Thanh Huỳnh, sn. 1989, con ông Giuse Trần Văn Quý và bà Maria Hoàng Thị Thanh Thủy.

3- Nữ tu:

– Lê Thị Huệ, Dòng MTG Trí Bưu;

– Maria Nguyễn Thị Tòa, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm;

– Isave Nguyễn Thị Ý, Dòng MTG Huế (sinh:1963-khấn dòng: 1992);

– Maria Nguyễn Thị Hiền, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (sinh:1972-khấn dòng: 1994);

– Maria Nguyễn Thị Lan, Dòng MTG Huế (sinh:1976-khấn dòng: 2003);

– Maria Nguyễn Thị Tý, Dòng MTG Huế (sinh:1983-khấn dòng dòng: 2008);

– Maria Trần Thị Mỹ Hồng, Dòng MTG Huế (sinh: 1992-khấn dòng: 2018).

– Maria Nguyễn Thị Diệu Ái, sinh năm 1996, Thanh tuyển Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm;

– Anna Nguyễn Thị Quỳnh Như, sinh năm 2001, Thanh tuyển Dòng MTG Huế.

4. Giáo dân:

– Năm 1971, đông giáo dân nhiều nơi về tạm trú tại Diên Sanh vì giáo xứ nằm tại huyện Hải Lăng, tương đối an toàn trong những năm chiến tranh trước 1972.

– Năm 1975, một số về lại nguyên quán; một số vì kinh tế eo hẹp hay vì việc giữ đạo gặp nhiều thử thách, phải đi vào Nam để làm ăn sinh sống, nên số giáo dân còn lại ít.

– Năm 2010: 556 người.

– Năm 2015: 375 người (Diên Sanh: 250, Giáp Hậu: 125)

– Năm 2019: 340 người (Diên Sanh: 234, Giáp Hậu: 106 người)

************************************

GIÁO HỌ GIÁP HẬU

Nhà nguyện Giáp Hậu

1- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ Giáp Hậu thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nằm trên quốc lộ 1 (cũ), nam giáp xã Hải Sơn, bắc giáp xã Hải Thọ, đông giáp xã Hải Tân, tây giáp xã Hải Thượng.

 2- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hạt giống đức tin đã đến đây từ khá sớm (xem trên). Tuy nhiên, từ lâu Giáp Hậu vẫn chỉ là một khu vực thuộc Giáo xứ Diên Sanh. Dù vậy, cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang (năm 1972-2009) cũng đã mua một nhà cấp IV của giáo dân dùng làm nhà nguyện, để mỗi tối cộng đoàn đọc kinh và có thánh lễ một ngày thường trong tuần.

Dưới thời cha Augustinô Hồ Văn Quý (năm 2010-2014), ngài đã xin phép Đức Tổng Giám mục Têphanô nâng Giáp Hậu thành Giáo họ (năm 2011).

 Đến thời cha Giuse Trần Đức Diễn (từ tháng 5-2014), vì thấy nhà nguyện ở đó chẳng đủ điều kiện phù hợp nên không đặt Mình Thánh Chúa, nhưng vẫn có thánh lễ sáng Chúa nhật và sáng Thứ tư hàng tuần, cũng như các ngày Lễ trọng. Các ngày thường trong tuần có đọc kinh mỗi tối. Ngài cũng đã chọn lễ Thánh Giuse Thợ (1/5) làm bổn mạng của Giáo họ. Tiểu đội Legio sinh hoạt sau thánh lễ sáng Chúa nhật hàng tuần.

Năm 2016, xây cổng, chỉnh trang khuôn viên và tu sửa lại nhà nguyện: sơn và lót gạch nền.

Năm 2018, thay bàn thờ mới bằng gỗ và làm tháp chuông bằng sắt cao 9m (vì lâu nay chỉ dùng kẻng để đánh).

Số giáo dân thống kê vào cuối 2015 gồm có 27 hộ gia đình, tổng cộng là 125 người.

Mấy năm gần đây, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên một số phải di cư vào Nam làm ăn sinh sống, các bạn trẻ lập gia đình, nên số giáo dân hiện nay chỉ còn là 105 người thuộc 24 hộ gia đình (thống kê tháng 12/2018).

Cuộc sống của dân chúng chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi. Đời sống khó khăn, việc học hành của con em cũng hạn chế.

3- HOA TRÁI ĐỨC TIN

– Tu sĩ Giuse Võ Văn Lộc, dòng Don Bosco, đã qua đời.

————————————————————————

[1] Khi sau tên của một linh mục có 3 niên đại, thì số đầu là năm sinh, số giữa: năm chịu chức, số cuối: năm qua đời.

[2] Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_L%C4%83ng, Hải Lăng có 3 làng mà mỗi làng là 1 xã, đó là làng Câu Hoan (Hải Thiện – 5 thôn), làng Diên Sanh (Hải Thọ – 4 thôn), làng Trường Sanh (Hải Trường – 4 thôn). Ngoài ra, tại Hải Lăng có 7 khu dân cư mang tên gọi khác với hệ thống hành chính hiện có, đó là càng. Càng là một xóm biệt lập so với thôn (làng), ở giữa cánh đồng quanh năm, 4 mùa nước nổi. Ngày trước muốn vào càng phải đi bằng ghe, nay đã có các trục giao thông đến tận các càng. Đời sống đã thay đổi, nước sạch, điện đã đến với người dân.

[3] Cuốn “101 vị Thừa sai MEP đã phục vụ Giáo phận Huế từ 1850 đến 1975” (lm Stanislaô Nguyễn Đức Vệ dịch) đã nói về cha Mauvais tại Diên Sanh như sau: “Năm 1950 người ta gặp ngài ở Diên Sanh, hơi chếch về phía Nam, nơi cư dân các làng chung quanh, sợ tình trạng bất an của nông thôn, đã quy tụ về. Mọi sự đều phải làm nơi đó: vị linh mục trở thành thợ nề, xây dựng nhà thờ và trường học, rồi mời các nữ tu đến. Ngài dạy giáo lý, lúc thuận cũng như lúc nghịch, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một đời sống đạo dựa trên các bí tích. Chắc hẳn cuộc sống không nhàn hạ chút nào ở trong góc xó, và người ta còn phải thương khóc về việc năm 1954 một người thân của ngài bị ám sát trong đêm tối ở nơi cách chỗ ngài ở 100 mét. Chắc hẳn người ta phải làm hơn nữa mới khuấy động được những lớp giáo lý của ngài, cũng như việc chuẩn bị 50 trẻ mà Đức cha J.B. Urrutia sẽ ban bí tích Thêm sức. Ngược lại, người ta thấy rằng hiểm nguy càng kích thích ngài, vì có lúc ngài mở rộng lãnh địa của mình sang họ đạo bên cạnh, nơi đó cha sở bị dọa dẫm nhiều hơn ngài nên đã lánh đi một thời gian vào thành phố. Một cách thản nhiên, ngài tiếp tục việc tông đồ trong giáo xứ, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đào luyện chung thật tốt, và một cách chính đáng ngài xem đó như là điều kiện để tiến tới trong đức tin. Không ai ở ngoài sự chăm lo đầy tình phụ tử nhưng vững chắc của ngài: lớn nhỏ đều được ngài kêu mời củng cố thiện chí bằng cách sở hữu những tập quán tuyệt vời và chắc chắn, dưới sự hướng dẫn của ngài. Dần dần ngài cũng lấn chiếm thêm trên môi trường chung quanh đang thấm đẫm tinh thần Phật giáo”.

[4] Trưa ngày mồng một Tết năm Kỷ Sửu (26-01-2009), một người lạ mặt đi xe máy vào khu vực nhà thờ Diên Sanh, đập phá cửa kính nhà giữ trẻ, sau đó xông vào hành hung cha Gioang một cách dữ tợn, khiến ngài bị chập môi và sập mũi. Cha đã tha thứ cho anh ta và dặn từ nay đừng có thái độ hung hãn dã man đối với người khác như vậy..

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.