Lược sử Giáo sở Đốc Sơ

22/09/2019

GIÁO SỞ ĐỐC SƠ

GIÁO XỨ ĐỐC SƠ

GIÁO HỌ TRI LỄ – GIÁO HỌ TRIỀU SƠN TRUNG

Nhà thờ Đốc Sơ hiện tại (xây từ năm 1906)

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ ĐỐC SƠ

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Đốc Sơ thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế, phía bắc giáp xã Hương Toàn, huyện Hương Trà; phía đông giáp xã Hương Vinh, huyện Hương Trà; phía tây giáp phường An Hoà (mới được tách từ xã Hương Sơ cũ), thành phố Huế; phía nam giáp phường Phú Thuận, thành phố Huế. Phường Hương Sơ gồm có 9 làng: An Hòa, An Vân Hạ, Đốc Sơ, Triều Tây, Đức Bưu, Dương Xuân, Tri Lễ, Lệ Khê, Mỹ Lại. Nhà thờ Đốc Sơ cách Toà Tổng Giám mục Huế khoảng 4 km về phía bắc tây bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Pháp trường tử đạo tại làng Đốc Sơ (1665).

Vào cuối tháng 01-1665, có ba Kitô hữu đã bị chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) bắt bớ, tra khảo và đem tới Đốc Sơ xử tử. Đó là Matthêô Ven, Đamasô Dao và Mátta Phước.

Tháng 04-1667, cha Ant. Hainques (MEP) đã đến cải táng và gởi một phần hài cốt của 3 vị tử đạo về cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte, vị Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, lúc ấy đang ở Xiêm. Có mấy tín hữu Phường Đúc đã đặt tay trên sách Tin Mừng mà thề với cha Ant. Hainques là họ đã được bà Matta Phước tử đạo ban ơn lạ chữa lành bệnh[1]. Chúng ta không rõ địa điểm xử tử 3 vị tử đạo đích xác ở đâu trên đất làng Đốc Sơ.

Có lẽ “Pháp trường tử đạo” tại làng Đốc Sơ thời chúa Hiền khác với “Pháp trường tử đạo” tại Cống Chém giữa làng An Hòa và Đốc Sơ[2] dưới thời Minh Mạng (1820-1840) và Tự Đức (1847-1883).

Chín năm sau cuộc tử đạo trên (tức 1674), người Đốc Sơ bắt đầu nhận ánh sáng đức tin. Đúng như lời Tertulianô đã nói: “Máu tử đạo là hạt giống sinh con nhà có đạo”.

2 – Thành lập giáo xứ với chủ chăn lưu động (1674).

Theo báo cáo năm 1685 gởi cho Đức Giám mục Louis Laneau, Giám quản Tông tòa Diáo phận Đàng Trong (lần 2), được soạn thảo bởi linh mục Marin Labbé (MEP), sau nầy trở thành Giám mục phó Giáo phận này (1691-1728), thì Giáo xứ Đốc Sơ đã được thành lập trước đó 11 năm, tức 1674[3]. Lúc bấy giờ trên toàn tỉnh Thừa Thiên (khi ấy gọi là Thuận Hóa) chỉ có cha Manuen Nguyễn Văn Bổn truyền giáo (từ 1673). Vậy có lẽ chính cha Bổn đã thành lập giáo xứ.

Cha Bổn người Huế, nguyên là thầy giảng, được gởi đi học tại chủng viện thánh Giuse của hội Thừa sai Paris tại Juthia (Thái Lan), thụ phong linh mục năm 1672. Cha cũng là vị linh mục tiên khởi xứ Huế.

Năm 1675, Đức cha Pr. Lambert de la Motte đến Kim Long ban phép thêm sức cho 4.500 người tập trung về từ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, trong số đó có các tân tòng Đốc Sơ. Đây là lần đầu tiên một vị Giám mục xuất hiện tại Huế. Rồi năm 1693, Đức cha François Perez (1691-1728), Đại diện Tông tòa thứ ba của Giáo phận Đàng Trong, đến Đốc Sơ ban phép thêm sức. Và đây là lần đầu tiên một vị Giám mục đến thăm họ đạo này. May lúc này chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1691-1725)[4] chưa ra tay đàn áp.

Nhà thờ đầu tiên của Giáo xứ Đốc Sơ lúc ấy tọa lạc trong một sở vườn nằm phía trong làng, cách nhà thờ hiện tại 800m[5]. Nhà thờ bằng tranh tre, đơn giản như nhà thường dân, cốt che mắt vua quan bách hại; bị đốt phá rồi làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần, nó tồn tại cho tới khi Tự Đức hạ sắc lệnh tha đạo năm 1862.

3- Lớn lên trong gian khổ thời các chúa Nguyễn (1699-1802)

Sau khi cha Manuen Bổn mất (1698), các họ đạo phía bắc Thừa Thiên như Kim Long, Đốc Sơ, Dương Sơn v.v… được giao cho các cha dòng Tên. Từ năm 1700-1725, chúa Minh bách hại dữ dội. Hai đức Giám mục chánh phó Pérez và Labbé phải trốn lánh ở miền nam Giáo phận. Nhưng các năm 1725-1750, dưới đời Nguyễn Phúc Chú tức chúa Ninh (1697-1725-1738) và đầu đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (còn gọi là chúa Vũ) (1714-1738-1765), các giáo đoàn kinh đô được bằng an và phát triển rất mạnh.

Riêng Đốc Sơ, theo báo cáo của cha Graff (SJ) gởi lên Đức Khâm sai Tòa thánh Hilario Costa di Jesu vào năm 1747 (tức 73 năm sau thành lập) thì số giáo dân là 100 người[6].

Năm 1750, chúa Võ hạ lệnh cấm đạo. Một số giáo dân lại bị bắt giam, đày ải, mang án “thảo tượng”: đi bứt cỏ nuôi voi nhà nước, bị mang xiềng có kèm miếng đồng khắc chữ “tả đạo”. Là một giáo xứ “gần mặt trời” (sát kinh đô vua chúa nhà Nguyễn), Đốc Sơ hẳn luôn bị dòm ngó và là một trong những nạn nhân đầu tiên.

Dòng Tên bị giải tán năm 1773, Đốc Sơ cũng như các họ đạo khác được giao lại cho các cha hội Thừa sai Hải ngoại Paris và các linh mục bản xứ. Cha Marinô Phiên, rồi cha GB. Nhơn coi sóc họ Đốc Sơ và các họ phía bắc Thừa Thiên.

Từ năm 1773-1801 xảy ra nội chiến giữa 3 nhà Trịnh-Nguyễn và Nguyễn-Tây Sơn (1764-1802). Dân tình khốn khổ. Việc cấm đạo dữ dội nhất là từ năm 1798 do vua Cảnh Thịnh. Chính năm đó, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang…

Với vị trí đặc biệt của mình, Đốc Sơ tiếp tục trải qua gian khổ, vừa do các cuộc tranh giành quyền lực giữa các triều đại, vừa do các cuộc bách hại của những kẻ cầm quyền.

4- Lại tiếp tục gian nan thời các vua Nguyễn (1802-1862)

Từ 1802 đến 1862 (là lúc có hòa ước Nhâm Tuất), Giáo xứ Đốc Sơ yên ổn giữ đạo được hơn 20 năm trời (1802-1825). Sau đó là giai đoạn cấm cách với những sắc dụ bắt đạo liên tiếp của vua Minh Mạng rồi vua Tự Đức.

a- Đời Gia Long (1802-1820)

Việc giữ đạo tạm được bình an, nhưng dân chúng cực khổ, sưu cao thuế nặng, do phải xây kinh thành Huế, xây lăng tẩm vua.

 b- Đời Minh Mạng (1820-1840) với 7 sắc lệnh nghiêm cấm.

Minh Mạng lên ngôi (1820). Ông là con của bà Thuận Thiên Trần Thị Đang, vợ lẻ Gia Long, người làng An Hòa, gần Đốc Sơ. Dẫu đã được vua cha để lại di chúc “không được phép bách hại Công giáo” và mẹ ruột cản ngăn “đừng bắt đạo”, Minh Mạng vẫn ghét đạo, nhưng trong thời gian đầu, ông để yên. Sau đó ông đã ký 7 sắc lệnh nghiêm cấm vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838.  

Ngày 28-11-1835, cha G.B Bùi Văn Ngôn cải trang tới Đốc Sơ để giúp thánh Anrê Trần Văn Trông bị xử chém tại chợ An Hòa[7]. Ngày 12-12-1840, cha Ngôn cũng tới Đốc Sơ để giải tội cho thánh Ximong Phan Đắc Hòa, bị chém tại pháp trường Cống Chém ở làng Đốc Sơ.

Vua Thiệu Trị lên ngôi và cai trị 7 năm (1841-1847). Tình hình tôn giáo tạm yên.  

c- Đời Tự Đức (1847-1883) với sắc dụ Phân sáp (8-1861 đến 13-7-1862).

Đến thời Tự Đức, sắc dụ cấm đạo lần 1 (1848) được ban bố, nhưng thi hành nhẹ nhàng. Qua năm 1850, Tòa Thánh thành lập Giáo Phận Huế. Rồi Tự Đức ra dụ cấm đạo lần 2 vào năm 1851. Đức Cha chính Pellerin (Phan) mạo hiểm đi kinh lược, kín đáo đến Đốc Sơ vào mùa hè 1853, ban phép thêm sức tại tư gia, vì nhà thờ đã bị triệt hạ.

Đến tháng 12 Đức Cha phó Sohier (Bình) lại liều mạng đến thăm Đốc Sơ. Từ năm 1855-1862, Tự Đức quyết tâm tiêu diệt Công giáo nên đã ban 12 sắc dụ cấm đạo.

Ngày 22-5-1857, thánh Micae Hồ Đình Hy, quan thái bộc bị xử chém vì đạo tại chợ An Hòa. Có cha Anrê Nguyễn Văn Lành đi với mấy giáo dân Đốc Sơ đến cách kín đáo để giải tội cho ông.

Ngày 6-10-1858, thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung, cai đội cũng bị xử tại chợ An Hòa. Có cha Anrê Nguyễn Ngọc Thoại tới giúp với sự hiện diện của vài tín hữu Đốc Sơ. Ngày 24-10-1860, tới lượt thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội bị điệu tới chợ An Hòa để xử, có cha Martinô Nguyễn Văn Thanh và mấy ông Đốc Sơ đến lẫn lộn trong dân chúng, để giải tội.

Vào cuối tháng 10-1859, Tự Đức ra lệnh bắt giam chức việc các họ đạo tại Huế. Các ông  trùm, câu, biện, giáp đầy các nhà tù, bị tra khảo, dọa nạt, nhưng rất ít người chối đạo. Tiếp đó vua ban hành và áp dụng sắc dụ “Phân sáp”: bắt bớ hầu hết người Công giáo, phân tán họ vào các làng lương (để bị canh giữ) hay giam cầm tại những trại tù (sẵn sàng thiêu sát), thích 2 chữ “tả đạo” trên má, dọa nạt tra tấn họ…

Ngày 5-6-1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết tại Sài Gòn giữa 3 nước Việt-Pháp-Tây Ban Nha, có công nhận sự tự do hành đạo. Tại Huế ngày 17-7-1862, Tự Đức hạ dụ tha đạo. Giáo dân ai về nhà nấy sau 11 tháng 8 ngày bị giam giữ theo lệnh “Phân sáp”.

5- Tái thiết trong tình trạng giáo họ (1862-1899).

Giáo dân về sửa sang lại nhà cửa ruộng vườn. Các linh mục tới thăm viếng an ủi, ban phép bí tích. Khoảng năm 1867, Đức cha Sohier (Bình) cho mỗi họ đạo một số tiền để làm nhà thờ. Và Đốc Sơ đã dựng nhà thờ mới trên sở vườn thứ hai.

Năm 1863, Đức cha Bình ra thông cáo cho các họ đạo, dạy ghi chép hồ sơ các vị chiến sĩ đức tin để nạp cho Tòa Giám mục. Đốc Sơ cũng đã thi hành lệnh nầy. Hồ sơ được giao cho cha chính (tổng đại diện) Louis-Étienne Dangelzer (cố Đăng). Năm 1877, cha chính ra ở Di Loan (Quảng Trị) và mang theo tất cả. Năm 1885, quân Văn Thân nổi lên giết đạo, cha chính chạy qua tị nạn bên chủng viện An Ninh. Văn Thân đốt nhà xứ Di Loan và tất cả hồ sơ tử đạo. Vì thế nếu có ai thắc mắc: “Tại sao Đốc Sơ đạo lâu đời lại ở gần kinh đô vua quan bắt đạo mà không có một chiến sĩ đức tin nào cả?” … Xin thưa: “Có! Nhưng vì hồ sơ bị đốt như nói trên”. May mà trước đó, cha Théodore Bernard (cố Thới, 1834-1859-1868) có viết: “Một số đông binh sĩ Công giáo bị giam vì đạo tại ngục thất Khám Đường (gần cửa An Hòa) trong đó có anh Philipphê Đính người họ Bàu Đông (Triều Sơn Trung)”.

Từ 1867, Đức Giám mục chia giáo xứ và đặt Quản xứ hay Quản sở. Riêng Giáo xứ Đốc Sơ không có chủ chăn tại chỗ, nhưng trực thuộc cha sở các nơi như sau:

– thuộc Giáo sở An Vân (1867-1871): Cha Luca Tín người Mỹ Lương (Quảng Bình)

– thuộc Giáo sở Kim Long (1871-1899): Cha chính Dangelzer (cố Đăng) và các vị kế tiếp…

Trong thời gian nầy có Lm. Phaolô Nguyễn Hoằng[8] tạm trú tại Đốc Sơ để qua kinh thành làm việc cho Nhà nước, vua Tự Đức ban cho ngài chức Hồng lô Tự khanh kiêm Tham biện Cơ mật viện. Vua Đồng Khánh bổ nhiệm cha làm việc tại Lục Bộ. Đến năm 1886, cha nghỉ hưu, rời Đốc Sơ để về quê quán làng Phương Tân, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo phận Vinh.

 Từ năm 1890 trở đi, có các linh mục đến tạm nghỉ hoặc tạm trú tại Đốc Sơ:

– 1890-1891: Cha Yves-Maria Rault (Cố Lộ).

– 1891-1893: Cha Tôma Nguyễn Khắc Phú, người Phủ Việt (QB), phó Kim Long trú Đốc Sơ.    

– 1893-1894: Cha Auguste Gilbert (Cố Quí).

6- Thành Giáo xứ và Giáo sở với các vị Quản xứ (từ 1899 đến nay).

1) Lm. G.B. Bùi Quang Lợi 1899-1906. Quản xứ tiên khởi. Người gốc Nam Tây (Bái Trời, QT). Cha Lợi thấy sở vườn nhà thờ thứ 2 không được rộng rãi, quang đãng, nên đã vận động họ Đốc Sơ mua lô đất nhà thờ thứ 3 như hiện có. Trận bão lớn năm Thìn 1904 tàn phá nhà thờ rất nặng. Năm 1906 cha Lợi khởi công xây lại nhà thờ thì được lệnh đổi lên An Vân. Ngài rất giỏi Việt văn và Hán văn, đã soạn hoặc dịch nhiều kinh mà ngày nay giáo dân vẫn thường đọc: Ngợi khen ông thánh Giuse, Bảy sự buồn cùng bảy sự vui ông thánh Giuse, Thân lạy ông thánh Giuse…

2) Lm. Jean-Louis Bonnand (cố Bổn) 1906‑1919. Đức cha Caspar Lộc đã xin được nhiều tiền để yểm trợ cho các nhà thờ. Cố Bổn tiếp tục xây cất nhà thờ cao ráo và kiên cố như hiện còn, nhưng chỉ có 5 gian. Cột kèo, đòn tay to tròn bằng gỗ lim. Bàn thờ và nhà tạm chạm trổ công phu có 2 hàng lồng đèn màu. Giáo xứ nhờ cậy cố nhiều, đặc biệt là vấn đề người Công giáo từ nơi khác đến nhập cư (ngày xưa vấn đề “chính cư-ngụ cư” rất phức tạp). Cố Bổn mất đột ngột sau thánh lễ Chúa nhật 30-11-1919. An táng trong nhà thờ. Thọ 65 tuổi, 39 năm linh mục, Quản xứ Đốc Sơ 13 năm. Cải táng ra trước sân nhà xứ ngày 13-3-1994.

3) Lm. Matthêô Nguyễn Văn Thăng 1919-1933. Nguyên quán Sáo Bùn (Tam Tòa), Quản xứ Đốc Sơ 14 năm. Mất ngày 11-07-1951 tại Dòng Phước Sơn.

4) Lm. Phaolô Nguyễn Văn Mầu 1934-1949. Nguyên quán Ngọc Hồ. Sinh năm 1891. Thụ phong linh mục: ngày 18-12-1920. Quản xứ Đốc Sơ gần 15 năm. Cha Mầu đã cứu nhiều lương dân khỏi bị Tây bắt. Ngài mất ngày 8-5-1949. An táng trước nhà xứ Đốc Sơ.

5) Lm. Giuse Ngô Văn Trọng 1949-1953. Nguyên quán Kim Long. Trùng tu nhà thờ và nối dài 2 căn cung thánh và phòng lễ. Xây trường tiểu học. Tổ chức lại các đoàn thể. Quản xứ Đốc Sơ 4 năm. Qua đời tại Hoa Kỳ ngày 11-07-2009.

6) Lm. Phêrô Huỳnh Văn Hóa 1953-1955. Nguyên quán Tân Thủy. Quản xứ Đốc Sơ gần 3 năm. Qua đời tại Nhà Chung Huế ngày 31-05-1987.

7) Lm. Phêrô Tống Văn Hộ 1955-1964. Nguyên quán Phường Đúc. Quản xứ Đốc Sơ 9 năm.  Mất trong biến cố Mậu Thân, ngày 25-02-1968, an táng tại tiểu chủng viện Hoan Thiện.

8) Lm. Giacôbê Nguyễn Văn Phượng 1965-1971, nguyên quán Tam Tòa. Tết Mậu Thân 1968 bom đạn dữ dội, người chết nhà sập; nhà thờ, trường học, nhà các nữ tu bị hư hại một phần. Nhà xứ (làm từ đời Cố Bổn) tan tành bình địa! Cha Phượng và giáo dân chạy tản mác tị nạn về phía Tri Lễ, Bàu Đông. Về lại Đốc Sơ, cha phải đi ở đậu nhà giáo dân, rồi về ở phòng lễ. Cha Phượng xây lại nhà xứ mới và nay được dùng làm nhà hội. Sửa lại trường học. Năm 1971, ngài bỏ Đốc Sơ qua ở viện Dục Anh, Kim Long.

9) Lm. Đôminicô Nguyễn Văn Vĩnh 1971-1974. Nguyên quán Bùi Chu, sau đó vào làm Quản xứ Nam Hưng, Hóc Môn, Sài Gòn. Qua đời ngày 24-08-2009.

10) Lm. Phêrô Lê Đình Khôi 1974-1975. Nguyên quán Đại Lộc (Quảng Trị). Thời ngài, trung tướng Trần Văn Trung (người Đốc Sơ) dâng cúng tượng Đức Mẹ, nay đặt trước sân nhà thờ. Ngài mất tại Sài Gòn ngày 25-07-2013.

11) Lm. Phêrô Huỳnh Đình Kinh 1975-1977. Nguyên quán Phủ Cam. Sau năm 1975, cha Kinh về Đốc Sơ hơn 1 năm thì bệnh nặng, chở qua bệnh viện, về Nhà chung và qua đời.

12) Lm. Batôlômêô Nguyễn Quang Anh. Nguyên quán Lê Xá (QT). Giáo sư Đại chủng viện, kiêm phụ trách họ Đốc Sơ lần 1 (1977-1978); lần 2 (1984-1987). Nay nghỉ hưu tại gia đình.

13) Lm. Tađêô Nguyễn Văn Lý 1978-1981. Nguyên quán Ba Ngoạt (QT). Năm 1981, bị Nhà nước đưa khỏi nhiệm sở, cầm tù nhiều năm. Nay nghỉ hưu tại Nhà chung Giáo phận.

14) Lm. Gioakim Lê Thanh Hoàng 1981‑1984. Quản xứ Tây Lộc, kiêm Đốc Sơ. Kỷ niệm: đổi chuông bể của Đốc Sơ lấy chuông tây nhỏ đem cho Giáo họ Triều Sơn Trung. Xin chuông tây của nhà nguyện viện Dục Anh về cho Đốc Sơ. Nay nghỉ hưu tại Nhà chung Giáo phận.

15) Lm. Anrê Nguyễn Văn Trúc 1987-1994. Nguyên quán Sáo Cát (Quảng Bình). Phục hồi kỷ luật và nề nếp. Sửa trường học.[9] Xây giếng bên nhà xứ. Nâng cấp đường làng, xây cống Hồ Sen và cống Nhà Thờ. Tổ chức lễ mừng 315 năm lãnh nhận đức tin (1674-1989) và xây nhà bia kỷ niệm trước đài Đức Mẹ. Dời mộ cố Bổn trong nhà thờ ra bên mộ cha Mầu trước nhà xứ. Quản xứ 7 năm. Mất ngày 19-01-2003 tại Nhà chung Giáo phận.

16) Lm. Anrê Nguyễn Văn Phúc từ 11-1994 đến tháng 8-2010: Xây nhà xứ mới hai tầng, nới rộng hai bên nhà thờ. Chăm lo việc giáo dục văn hóa cho con em trong giáo xứ.

17) Lm Giuse Hoàng Cẩn: tháng 8-2010 đến tháng 10-2017: Ngài tiếp tục việc chăm lo văn hóa cho thiếu nhi bằng chương trình học bổng.

18) Lm Phêrô Nguyễn Vũ: ngày 30.10.2017, được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm làm Quản xứ Giáo xứ Đốc Sơ. Hiện đang xây nhà mục vụ Đốc Sơ, xây mới nhà thờ Giáo họ Tri Lễ, và dự tính xây mới nhà thờ Đốc Sơ. Ngôi nhà thờ cũ có hơn 100 tuổi, nay đã xuống cấp và trở nên nhỏ hẹp.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN  

Là một vùng đất thấm đẫm máu tử đạo, dù chẳng còn mấy tài liệu chứng minh, nên Giáo xứ Đốc Sơ đã sản sinh nhiều hoa trái là ơn gọi linh mục và tu sĩ (y như hai giáo xứ bạn là Kim Long và An Vân).

1- Linh mục: (số đầu: năm sinh, số giữa: năm chịu chức; số cuối: năm qua đời)

1) Phaolô Nguyễn Văn Lục (1876-1904-1911).

2) Gioakim Nguyễn Văn Dụ (1877-1906-1938).

3) Batôlômêô Nguyễn Văn Đức (1896-1926-1954).

4) Gioakim Nguyễn Văn Khuyên (1904-1934-1934) (Làm linh mục gần 4 tháng).

5) P.X. Nguyễn Vân Nam (1935-1969-2016).

6) Giuse Ngô Văn Đào (1936-?-) (Dòng Chúa Cứu Thế, Hoa Kỳ).

7) P.X. Nguyễn Ngọc Thu (1941-1970-) (Giáo phận Sài Gòn).

8) Giuse Phan Tấn Thành (1946-1972-) (Dòng Đaminh. Hưu trí tại Sài Gòn).

9) Louis Nguyễn Hậu (?-1975-) (Dòng Chúa Cứu Thế, hiện ở Pháp).

10) Giuse Nguyễn Văn Linh (1944-1976-) (Dòng Lazariste, Giáo phận Đà Lạt).

11) Gioakim Trần Tử Hải (1947-1975-) (Giáo phận Sài Gòn).

12) Gioakim Nguyễn Đức Mừng (1950-1993-) (Dòng Chúa Cứu Thế).

13) Antôn M.Z. Phan Tự Cường 1950-1995-) (Dòng Đaminh. em ruột Cha Phan Tấn Thành).

14) Phaolô Phan Văn Hiền (1953-1981-) (Gốc Tri Lễ. Làm việc tại Rôma rồi Hoa Kỳ).

15) Phaolô Đặng Ngọc Duy (1957-1996-) (Giáo phận Nha Trang).

16) Batôlômêô Nguyễn Đức Thịnh (1959-2001-) (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, em cha Mừng).

17) Matthêu Nguyễn Văn Công (1962-2000-) (Dòng Đaminh, Canada)

18) Phêrô Lê Văn Khánh (1958-2001-) (Giáo phận Đà Lạt).

19) Phaolô Trần Văn Dũng (1971-1995-) (Dòng Don Bosco).

2- Tu sĩ nam nữ: chánh quán Đốc Sơ

1- Micae Nguyễn Ngọc Châu (sinh: 26-4-1921) (Dòng Biển Đức, đan viện Thiên An Huế.

2- Phaolô Nguyễn Văn An (sinh năm 1946) (Dòng La San, Hoa Kỳ).

3- Phaolô Phan Tấn Thịnh (sinh: 22-1-1952, khấn dòng: 1-11-1990) (Dòng Giuse, Nha Trang).

4- Benedicte Trần Quang Diệu Khánh (Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, hiệu trưởng trường Jeanne d’Arc Huế trước 1975)

5- Blandine Nguyễn Thị Miên (sinh: 6-4-1929, khấn dòng: 5-8-1950) (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Sài Gòn).

6- Anna Phan Tấn Minh Trị (sinh: 3-7-1953, khấn dòng: 31-5-1978) (Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Ban Mê Thuột).

7- Maria Đặng Thị Mộng Hương (sinh: 8-6-1960, khấn dòng: 14-9-1993) (Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn).

8- Anê Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1965) (Dòng Nữ Tử Bác Ái, em cha Mừng và cha Thịnh Dòng Chúa Cứu Thế).

9- …Nguyễn Thị Khánh Ly (# 28-30 tuổi) (Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.

10- …Nguyễn Thị Bích Sơn (#24 tuổi) (Dòng Phaolô).

11- Madalena Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Dòng Cát Minh Thánh Giuse).

12- Anna Trần Thị Thùy Hương (Dòng Thánh Phaolô)

13- Phêrô Phan Thanh Lộc (lớp Thần học II – Đại Chủng Viện Huế)

14- Phêrô Nguyễn Sơn Tùng( lớp năm thử Đại Chủng Viện Huế)

3- Giáo dân:

Năm 1939: 502 người

Năm 1964: 449 người

Năm 1975: 442 người

Năm 1995: 574 người

Năm 2000: 729 người

Năm 2010: 925 người

Năm 2015: 1006 người.

Năm 2019: 933 người

Bên trong nhà thờ Đốc Sơ

 *************************************

GIÁO HỌ TRI LỄ VÀ TRIỀU SƠN TRUNG

Nhà thờ Tri Lễ cũ (đã bị phá bỏ để xây nhà thờ mới)

1. Giáo họ Tri Lễ

Nhà thờ Tri Lễ tọa lạc trên đất làng Tri Lễ. Từ cầu Bạch Yến mới xây (sau Cửa Hậu của Thành Nội), theo đường Tản Đà, thẳng về chợ và cống Ba Cửa khoảng 2km, qua cầu rẽ trái 100m thì đến. Tước hiệu nhà thờ là Đức Mẹ Chịu Truyền Tin, kính ngày 25/3. Nhà thờ (7m x 20m) đã được trùng tu 1997, nhưng nay đang được cha Phêrô Nguyễn Vũ trùng tu nhà thờ mới (đang tiến hành).

2. Giáo họ Triều Sơn Trung còn gọi là Bàu Đông, ở giữa ruộng, trên phần đất của xã Hương Toàn, cách nhà thờ Đốc Sơ chừng 2km về hướng bắc tây bắc.

—————————————————————————-

[1]  A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I, 1658-1728. Paris, Téqui, 1923, tr. 39-42.

[2] Cống Chém là mốc ranh giới phân chia 2 làng An Hòa và Đốc Sơ. Phía Nam (từ Huế ra), bên này cống là An Hòa. Qua khỏi cống, bên kia phía Bắc: đất Đốc Sơ. Tất cả mồ mả, Cồn Mồ côi (Pháp trường) đều nằm cả trên đất Đốc Sơ. Vậy Pháp trường tử đạo tại Cống Chém cũng ở làng Đốc Sơ. Năm nào dân làng Đốc Sơ cũng có 1 ngày chạp mả Cồn Mồ côi, mồ mả vô chủ (10 tháng 3 âm lịch) nằm trên đất Pháp trường. Vì vậy Cống Chém có quan hệ rất thân tình mật thiết với dân làng Đốc Sơ (cả lương lẫn giáo). Còn dân làng An Hòa dù ở cạnh vẫn không liên hệ gì đến Cống Chém cả.

[3] A. Launay, sách đã dẫn (sđd), tr. 336.

[4] Khi sau tên các chúa có 3 niên đại, thì số đầu: năm sinh ra, số giữa: năm lên ngôi; số cuối: năm băng hà.

[5] Đây được coi là sở vườn thứ nhất (1674-1862). Như thế, trải qua 188 năm giáo dân Đốc Sơ sống trong cảnh trốn tránh. Biết bao chứng tích lịch sử của họ đạo hẳn gắn liền với mảnh đất quí giá ấy, tiếc là ngày nay không còn hồ sơ lưu lại! Sở vườn thứ hai (1862-1898): Phía ngoài làng, nhưng cách mặt tiền nhà thờ 100m. Chủ mới hiện nay là ông Anrê Nguyễn Văn Vọng, nhưng đã vào Nha Trang, cho người cháu ở. Nhà kế cận là của ông Anrê Đặng Văn Đoàn, cựu chủ tịch hội đồng giáo xứ Đốc Sơ. Sở vườn thứ ba như hiện có (nơi tọa lạc nhà thờ còn tồn tại), do Cha GB. Bùi Quang Lợi (1899-1906) mua năm 1899.

[6]A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II, 1728-1771. Paris, Téqui, 1924, tr. 188.

[7] Địa điểm chợ An Hòa ngày xưa : qua khỏi cầu An Hòa, rẽ phía tay phải chừng hơn 100m có ngã ba, tại ngã ba nầy ngày xưa là chợ An Hòa, có bến đò qua về phía Thành Nội. Hiện là trường Tiểu học An Hòa (bỏ hoang từ 2018).

[8] Lm Phaolô Nguyễn Hoằng sinh ngày 15 tháng 12 năm 1831 (1) tại xứ Phương-Trạch, làng Phương Tân, tổng Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương địa linh nhân kiệt của sông La Giang, núi Tùng Ảnh. 

[9] Trường tiểu học được thành lập từ 1950, do các nữ tu điều khiển. Sau 4/1975: Chính quyền mượn để làm trường học, rồi làm hợp tác xã chổi đót, nhà trọ cho công nhân, nơi hội họp mỗi ngày chủ nhật… cho tới khi cơ sở bị trận bão lớn năm 1985 tàn phá hư hại nặng nề không thể dùng được nữa! Giáo xứ tu sửa lại để làm phòng giáo lý, các lớp bổ túc, hội trường, văn phòng.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.