GIÁO SỞ KHE SANH
GIÁO XỨ KHE SANH – GIÁO HỌ BA LÒNG
Nhà thờ Khe Sanh, cung hiến ngày 15-7-2010
GIÁO XỨ KHE SANH
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Khe Sanh, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, tọa lạc tại thôn Hòa Hiệp, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Giám mục Huế 147km (đường bộ) về hướng đông đông nam (xa trung tâm Giáo phận nhất)[1]
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Thời khai phá với các linh mục hội Thừa sai Paris (1937)
Theo cuốn “101 thừa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế (1850-1975)”, Khe Sanh được nhắc đến lần đầu tiên như họ nhánh được cha René Boillot (cố Ban, MEP, 1877-1900-1956) kiêm nhiệm cùng với Lao Bảo và Mai Lãnh (Lĩnh) lúc ngài được đặt làm Quản xứ Tân Lâm ngày 04-09-1937. Cha thi hành nhiệm vụ này cho đến ngày 15-04-1945, thì bị chính quyền Nhật (vừa lật đổ Pháp tại Đông Dương) tập trung cùng với các linh mục thừa sai người Pháp khác tại Huế.
Khi ấy, tất cả các họ đạo vừa nói (trong đó có Khe Sanh) được chuyển qua trực thuộc Giáo xứ Cam Lộ (Tân Yên), nơi mà cha Adolphe Delvaux (cố Văn, 1877-1902-1960) người mang quốc tịch Luxembourg, có thể tiếp tục ở lại coi sóc cai quản. Cam Lộ nằm cách Đông Hà khoảng 29 cây số về phía tây, trên đường đi Khe Sanh, cách Lào chừng 80 cây số.
Sau khi Nhật thất bại, quân Tàu tới và Việt Minh nắm chính quyền, thì xảy đến lắm phiền nhiễu và lo ngại. Cha Delvaux phải sống cô lập, thiếu thốn, bất an, các họ đạo bị tàn phá, các giáo dân tản mác. Tháng 03-1953, Đức cha Urrutia (Thi), Giám mục Giáo phận, đã yêu cầu ngài rời Tân Yên là nơi bị Việt Minh hăm dọa nặng. Cộng đoàn nhỏ bé Khe Sanh cũng thành bơ vơ.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, cha Delvaux trở lại Tân Yên, trùng tu nhà xứ, bắt tay sửa sang nhà thờ Cam Lộ đã bị thiệt hại nặng nề và tiếp tục coi sóc các giáo họ. Kiệt sức, ngài lui về Sở quản lý (Nhà chung) Giáo phận Huế năm 1958.
Kế nhiệm ngài là cha Georges Neyroud (cố Sáng 1921-1946-2009). Ngài đến Cam Lộ vào tháng 12-1958. Nhà xứ ở trong tình trạng thảm hại, nhưng cha nhận thấy có nhiều điều cấp bách hơn. Các làng mạc rải rác dọc theo con đường đi Lào. Nhiều nhóm tân tòng (trong đó có Khe Sanh) đòi hỏi nhiều di chuyển và nhiều thời gian dạy giáo lý cho họ. Thời gian này, các đan sĩ dòng Biển Đức Thiên An-Huế có lập một đồn điền trồng cà phê tại Khe Sanh, điều này đã giúp họ đặt nền móng cho một họ đạo nhỏ, bằng cách xây một nhà nguyện trong làng. Tiếc thay, một quyết định của bề trên làm cho sự hiện diện của họ ở đây thành tạm bợ.
2- Thành Giáo xứ với vị Quản xứ tiên khởi người Việt (1962)
Ngày 14-09-1962, cha Giuse Đỗ Bá Ấn (1904-1932-1985)[2] được bề trên bổ nhiệm làm Quản xứ Khe Sanh, đồng thời là tuyên úy quân đội tại vùng này. Khe Sanh lúc bấy giờ chỉ là một họ đạo nhỏ người Việt gồm 120 giáo dân, mất hút giữa 12.000 người sắc tộc Bru (Vân Kiều). Cuối năm 1962, các nữ tu (không rõ dòng nào) đã thiết lập một trạm xã hội nhỏ cho đồng bào sắc tộc trên mảnh đất do gia đình Eugène Poilane, một chủ đất người Pháp, hiến tặng trong đồn điền cà-phê của họ.
Đầu tháng 3-1964, linh mục Pierre Poncet (MEP, 1932-1958-1968) đang cai quản giáo xứ vùng biển Mai Xá, không xa Cửa Việt, được đổi lên Khe Sanh, tiếp tục công việc mà cha Đỗ Bá Ấn đã khởi sự.
Cha Pierre Poncet bắt tay vào việc một cách hăng say và đạt được nhiều kết quả khả quan trong vòng 3 năm rưỡi. Sau khi đã xây một nhà xứ khiêm tốn và đưa trạm xã hội nhỏ về gần đó, ngài lên đường chinh phục các tâm hồn. Rảo qua các làng mạc rải rác giữa núi đồi và thung lũng, trên chiếc xe Land-Rover, cha Pierre đi tìm kiếm những đau khổ thể xác lẫn tinh thần để chữa trị. Ngài đã hấp thụ khá nhanh tiếng của các bộ lạc, và cũng rất nhanh được biết đến, được yêu mến và được cầu xin bởi những người sắc tộc nghèo khổ nhưng có tâm hồn thẳng thắn. Thế rồi ngài đã bắt đầu tổ chức những buổi nhập môn giáo lý rất có kết quả.
Đột nhiên chiến tranh xảy đến, gây rắc rối và thêm khó khăn cho vị thừa sai anh dũng: khó khăn trong việc tiếp tế bằng đường bộ, mà chiếc Land-Rover bị buộc phải thực hiện, dầu phải đối diện với những quả mìn (tháng 07-1964, xe của ngài trở về, phía sau đầy mảnh đạn); khó khăn trong hành trình bằng máy bay hay bằng trực thăng, để chở lúa thóc về hoặc đưa bệnh nhân đi; khó khăn trong việc vận động với thẩm quyền hành chánh hay thẩm quyền quân sự… Dù bị quấy rầy mọi lúc, ngài luôn cố sức vận động để cứu kẻ khác, bất kể lương giáo hay sắc tộc.
Tháng 07-1965, có cha Aimé Mauvais (cố Mầu) đến làm phó, ngài xây được một ngôi trường và giao cho các nữ tu Dòng Phaolô thành Chartres. Chiến tranh dâng cao, cuộc sống của dân thường (những người sắc tộc hoặc những phu đồn điền) trở nên bất ổn. Các đường dẫn tới Khe Sanh đều bị đóng kín; chỉ mình cha Poncet dám liều mình trong các hành trình đầy nguy hiểm. Tháng 09-1967, ngài suýt chết đuối khi bơi qua một dòng thác lớn chảy xiết. Dù thế, vị thừa sai vẫn không lơ là việc phục vụ thiêng liêng cho các đồn lính ở gần Làng Vây, Rào Quán, và A Sao.
Đầu năm 1968, sau khi trở về từ một cuộc du hành chớp nhoáng ở Sài Gòn, nhằm vận động về mặt hành chánh cho ngôi trường tương lai, cha Poncet đã bị giết chết cùng với cha Mary Cressonnier (cố Báu) tại Phủ Cam ngày 13-02-1968 (biến cố Mậu Thân). Khi ấy ngài mới 34 tuổi. Giáo dân Khe Sanh lúc đó cũng phải di tản về vùng an toàn.
Rồi với chiến cuộc 1972, 1973, đoạn biến cố 1975, giáo xứ Khe Sanh gần như xóa sổ. Những công trình như nhà nguyện, nhà xứ, trường học, sở nữ tu, cơ sở xã hội đều tan tành bình địa.
3- Xây dựng lại sau hòa bình (từ 1975)
Tháng 5-1975, dân sắc tộc bản địa (Vân Kiều) trở về sau thời gian lưu tán. Chính sách di dân lập vùng kinh tế mới của nhà nước cũng đã đưa cư dân vùng đồng bằng Quảng Trị đến lập nghiệp ở Khe Sanh. Trong số này có nhiều người Công giáo, khiến con số giáo dân Khe Sanh tăng lên đáng kể. Thế nhưng vẫn chưa có linh mục nào phụ trách họ. Nên mỗi Chúa nhật và lễ trọng, giáo dân phải về Đông Hà hay Quảng Trị để dự lễ.
Đến năm 1985, Khe Sanh mới được sự kiêm nhiệm (trên danh nghĩa) của cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao là người từ 5-1975 được đặt cai quản 3 Giáo sở Đại Lộc, Bố Liêu, Mỹ Lộc, rồi tới 1985 kiêm thêm Khe Sanh, Đông Hà, Cồn Tiên, Cam Lộ, Cửa Việt.
Cuối năm 1990, cha Gioan Baotixita Lê Văn Nghiêm (em ruột cha Cao) đến Khe Sanh làm lễ an táng cho một giáo dân qua đời. Đây là thánh lễ đầu tiên kể từ khi ngôi nhà thờ bị tàn phá (năm 1968). Và trong dịp này cha Gioan Baotixita đã rửa tội cho khoảng 35 người.
Từ đầu năm 1991, cùng với cha Augustinô Hồ Văn Quý[3], cha Lê Văn Cao thường xuyên viếng thăm Khe Sanh và dâng lễ. Rồi để thuận lợi cho giáo dân nơi đây trong việc lãnh nhận các bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, cha đã đưa họ về Đại Lộc học giáo lý mỗi khi có điều kiện.
Đến năm 1996, khi cha Giuse Trần Văn Tuyên (hay Trần Đức Tuyên 1939-1969-2010) được bề trên đưa ra Đông Hà làm quản xứ, thì Khe Sanh được chuyển qua sự kiêm nhiệm của ngài.
Tháng 9-2003, khi linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Đức Hòa (gốc giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp, chịu chức 12-2002) được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đặt làm Quản xứ Phước Tuyền (huyện Cam Lộ) thì Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) trở thành giáo họ trực thuộc.
4- Tái trở thành giáo xứ (từ 2008)
Ngày 29-07-2008 (lúc này có cha Phaolô Trương Minh Tiên làm phó), Đức Tổng Giám mục Têphanô đã đến viếng thăm Khe Sanh và chủ sự thánh lễ tái lập Giáo xứ, có sự hiện diện và đồng tế của Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đức Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh, các cha hạt trưởng và nhiều cha trong Giáo phận. Vậy là cha Nguyễn Đức Hòa từ nay phụ trách hai giáo xứ.
Cuối năm 2008 (lúc này có cha P.X. Nguyễn Thiện Nhân về làm phó), linh mục quản sở đã mua đất và khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới cho giáo xứ Khe Sanh. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Hòa với giáo dân đã xây dựng xong cùng một lúc nhà thờ, nhà xứ, nhà mục vụ. Thật là kỷ lục hiếm có của một cha quản sở, mà lại là quản sở trẻ. Dù vậy, cha P.X. phải vất vả đi đi về về trên trục lộ gần cả trăm km.
Ngày 15-7-2010, Đức Tổng Giám mục Têphanô đã làm lễ cung hiến Tân thánh đường Khe Sanh, có sự đồng tế của Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đức Viện phụ Têphanô, các cha hạt trưởng, hơn 100 linh mục trong và ngoài giáo phận, cũng như sự tham dự của toàn thể giáo dân giáo xứ, đặc biệt là của những đồng bào sắc tộc Vân Kiều.
Giữa một vùng dù đông dân nhưng còn hoang sơ, nhà thờ Khe Sanh nổi lên một cách uy nghi và vĩ đại. Nhà thờ hiện có lưu trữ xương thánh tử đạo Lê Đăng Thị.
Với đà tăng tưởng số giáo dân của Khe Sanh (lên tới trên 2.000), đi đôi với nhu cầu về tinh thần càng lúc càng lớn của tín hữu, ngày 19-07-2011, cha Giuse Phan Miên được bề trên giáo phận đặt làm Quản xứ Khe Sanh kiêm giáo họ Ba Lòng (cách nhà thờ KS khoảng 35km về phía đông).
Tiếc thay, chỉ hơn một năm sau (11-2012), cha Giuse lâm bệnh nặng (ung thư) phải về nhà Hưu dưỡng Giáo phận. Ngài qua đời ngày 18-07-2013, hưởng dương 53 tuổi.
Thay thế ngài là cha Phanxicô Xavie Trần Vương Quốc Minh, làm Quản xứ từ 11-2012, với các cha phó: Micae Ngô Quang Danh (2012-2015), Micae Ngô Văn Thuận (2015-2016), Giuse Phạm Đình Luận (2016-2017), Phaolô Nguyễn Hữu Khoa (2017-2018), Têphanô Ma Thanh Long (từ 2018…).
Ngày 28-04-2013, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, viếng thăm Giáo xứ Khe Sanh. Đây là một niềm vinh dự hiếm có và là nguồn động viên vô cùng lớn lao cho cộng đoàn còn non trẻ này.
Đức TGM Leopoldo Girelli viếng thăm Khe Sanh ngày 28-04-2013.
Ngày 28-7-2013, Đức Tổng Giám mục PX Lê Văn Hồng đã đến viếng thăm mục vụ và ban Bí tích Rửa tội và Thêm sức cho 169 anh chị em Vân Kiều; ngày 15-7-2014, cho 164 anh chị em Vân Kiều khác; ngày 15-6-2016, cho 154 anh chị em Vân Kiều khác nữa.
Ngày 11-8-2018, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã đến viếng thăm mục vụ và ban Bí tích Rửa tội và Thêm sức cho 78 anh chị em Vân Kiều.
III- CÁC MỤC TỬ TỪNG COI SÓC KHE SANH
1- René Boillot (cố Ban, 1937-1945) kiêm nhiệm.
2- Adolphe Delvaux (cố Văn, 1945-1958) kiêm nhiệm.
3- Georges Neyroud (cố Sáng, 1958-1962) kiêm nhiệm.
4- Giuse Đỗ Bá Ấn (1962-1964) Quản xứ.
5- Pierre Poncet (1964-1968) Quản xứ.
6- Phanxicô Xavie Lê Văn Cao (1985-1996) kiêm nhiệm.
7- Giuse Trần Văn Tuyên (1996-2003) kiêm nhiệm.
8- Phanxicô Xavie Nguyễn Đức Hòa (2003-2011) kiêm nhiệm.
9- Giuse Phan Miên (7/2011-11/2012) Quản xứ.
10- Phanxicô Xavie Trần Vương Quốc Minh (từ 11/2012…) Quản xứ.
IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN:
1- Tu sĩ:
Đan sĩ Giuse Hồ Văn Bãi (Vân Kiều) (Khấn Dòng Biển Đức năm 2015)
Nữ tu Matta Hoàng Thị Mến (Ba Lòng) (Khấn Dòng CĐMĐV Huế 1985)
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Đào (Khấn Dòng MTG Huế năm 2008)
Nữ tu Anna Bùi Thị Ngọc Bích (Khấn Dòng MTG Huế năm 2013)
Nữ tu Mar. Nguyễn Thị Phương Thủy (Khấn Dòng MTG Huế năm 2015)
Nữ tu Anna Nguyễn Thị Kim Vui (Khấn Dòng MTG Huế năm 2017)
Nữ tu Anê Nguyễn Thị Thúy (Khấn Dòng MTG Huế năm 2017)
Nữ tu Maria Hồ Thị Vui (Vân Kiều) (Nhà tập Dòng MTG Huế)
Maria Bùi Thị Minh Huệ (Thanh tuyển Dòng Phaolô Đà Nẵng)
Anê Hồ Thị Chuân (Vân Kiều) (Thanh tuyển Dòng MTG Huế)
2- Giáo dân:
– Năm 2015: 2.181 người.
– Năm 2019: 2.371 người (theo Lịch Công giáo Giáo phận Huế)
Nhà thờ Khe Sanh-Bên trong
*********************************
GIÁO HỌ BA LÒNG
1- Vị trí địa lý:
Giáo họ Ba Lòng tọa lạc tại xã Ba Lòng, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Khe Sanh khoảng 35 cây số về phía đông.
2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển.
+ Có nguồn gốc hình thành khá sớm.
Theo tài liệu của cha Adrien Launay (Histoire de la Mission de Cochinchine I, tr. 422), các linh mục hội Thừa sai Paris đã thành lập 16 họ đạo tại xứ Dinh Cát trong khoảng thời gian từ 1664-1690, trong đó có Ba-lou/Ba-lao (Ba Lòng). Số giáo dân Ba Lòng vào năm 1692 (thời Đức Giám mục Francisco Pérez 1687-1728) là 130 người.
Sau đó, các cha Thừa sai Paris có dựng lên một ngôi nhà thờ nhỏ tại thôn Trinh Thạch, thuộc xã Triệu Nguyên, huyện Triệu Phong để giáo dân Ba Lòng về họp nhau cầu nguyện, dưới sự chăm sóc của cha Gioan Đoạn Trinh Khoan (cháu của cha thánh tử đạo Gioan Đoạn Trinh Hoan), quản xứ Cổ Vưu kiêm Hạnh Hoa, An Đôn, Ngô Xá, Ba Lòng… (1867-1874)
+ Trực thuộc Giáo xứ An Đôn.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945), Giáo họ Ba Lòng (bao gồm các thôn Vân Vận, Tân Tòa, Thạch Xá, Đá Nổi, Hà Vụng), và mấy họ đạo vùng núi như Nà Nẫm, Mai Lãnh phần lớn thời gian trực thuộc giáo xứ An Đôn (cách Ba Lòng 50km về phía đông).
Trước tiên là dưới sự chăm sóc của cha Anphong Trần Bá Lữ, quản xứ An Đôn từ tháng 11-1890 đến tháng 9-1893.
Sau cha Lữ là cha Tôma Nguyễn Ngọc Huệ (vốn làm quản xứ An Đôn từ ngày 13-09-1893).
Khi cha Huệ qua đời tại An Đôn ngày 07-10-1905, thì vào tháng 03-1906, cha Adolphe Delvaux (cố Văn) đến kế nhiệm. Ngài cũng kiêm Ba Lòng.
Tháng 09-1908, để An Đôn lại cho cha Emile Binder (cố Vinh), cha Delvaux đến ở Ba Lòng, kiêm các giáo họ Nà Nẫm và Mai Lãnh, họ trước cách 10 cây số và họ sau cách 20 cây số. Đối diện đủ thứ khó khăn, ngài vẫn dựng lại nhà thờ và nhà xứ. Nhưng ngài chỉ ở đây một năm.
Ba Lòng lại tiếp tục được kiêm nhiệm bởi các cha Quản xứ An Đôn: Emile Binder (1908-1912), Giuse Nguyễn Ngọc Quyền (1912), Anrê Nguyễn Hữu Tường (1913-1920), Lôrensô Trương Văn Vệ (1920-1926), Adolphe Delvaux (1927-1932) (lần II), Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (1932-1933), Alexi Phan Đức Sắc (1933-1942), André Eb (cố Hương), quản xứ Trí Bưu (1941-1945) kiêm An Đôn, kiêm Ba Lòng.
1945-1954: giai đoạn chiến tranh tàn khốc Pháp Việt. Mọi sự tan hoang, giáo dân tản mác.
Ngày 15-10-1954, cha Phaolô Trần Công Khôi lại về quản xứ An Đôn, kiêm Ba Lòng cho đến 1-8-1962[4]. Ngài khởi công xây nhà thờ mới tại thôn Đá Nổi.
Nhà thờ được Đức cha Urrutia (Thi) chính thức làm lễ khánh thành với khoảng 200 giáo dân sở tại, phần đông là người gốc Thanh Hương đến lập nghiệp sinh sống.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần 2 (1954-1975), nhà thờ Ba Lòng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn lại dấu vết nền móng.
Sau năm 1975, một số giáo dân trở về lại Ba Lòng sinh sống. Sinh hoạt đạo của giáo họ bấy giờ là các con số không: không nhà thờ, không linh mục, không thánh lễ. Vào các dịp lễ trọng, bà con phải về giáo xứ Trí Bưu, cách đấy hàng chục km để lãnh nhận bí tích và tham dự thánh lễ.
Năm 1988, cha Quản xứ Trí Bưu Antôn Dương Quỳnh đã đến Ba Lòng để xức dầu bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên sau 1975 (thậm chí xa hơn nữa), giáo họ có linh mục tới thăm viếng. Một năm sau, ngài trở lại Ba Lòng để làm lễ an táng cho một tín hữu qua đời. Đây là thánh lễ đầu tiên tại vùng trung du khốn khổ này kể từ sau biến cố ngôi nhà thờ bị phá hủy bình địa năm 1964.
+ Trực thuộc giáo xứ Trí Bưu (1999), An Đôn (2004) rồi Khe Sanh (2011)
Để có điều kiện phục vụ giáo dân Ba Lòng, từ năm 1999, Tòa Giám mục Huế, đã chính thức giao Ba Lòng cho vị Quản xứ Trí Bưu là cha GB Lê Quang Quý coi sóc.
Đến năm 2004, Giáo xứ An Đôn có Quản xứ là cha Augustinô Hồ văn Quý, lúc bấy giờ Ba Lòng trở về làm giáo họ của An Đôn.
Từ tháng 7-2011, khi Khe Sanh có quản xứ biệt cư là cha Giuse Phan Miên, thì Ba Lòng trở nên giáo họ của giáo xứ này.
Kể từ đó, Giáo họ Ba Lòng có thánh lễ Chúa nhật. Để thuận lợi cho việc thờ phượng của giáo dân, cha Giuse đã dựng một mái che tạm bợ trên sân nhà ông Giuse Nguyễn Hữu Danh. Mái che ấy vẫn tồn tại đến bây giờ.
Từ năm 2014, cha Phanxicô Xaviê Trần Vương Quốc Minh đã mua đất và tiến hành các thủ tục pháp lý để xây dựng lại nhà thờ giáo họ.
Ngày 04-06-2019, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã đến viếng thăm giáo họ và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng thánh đường Ba Lòng. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên trên vùng đất thuộc huyện Đakrông và là nhà thờ thứ hai thuộc Giáo sở Khe Sanh.
Số giáo dân Ba Lòng hiện còn khoảng 150 người trong 25 hộ.
———————————————————————-
[1] Khe Sanh là một thung lũng đất đỏ, cao hơn mặt nước biển 500 mét. Từ khởi thủy, đó có thể là tên gọi của một dòng suối nhỏ trong rừng hoang, một vùng xa xôi heo hút gần biên giới Việt Lào, một khu đất tương đối bằng phẳng, từ đó là nơi tụ tập một số cư dân thuộc sắc tộc Bru (Vân Kiều) đến khai thác đất và biến nó thành một hương làng với tên gọi “Khe Sanh”. Khe Sanh nay là một thị trấn, đồng thời là huyện lỵ của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Đông Hà 63 km về phía tây, cách cửa khẩu Lao Bảo 20 km về phía đông.
[2] Lúc ấy cha đã trở về Huế, giáo phận gốc của mình, sau thời gian làm quản xứ Mỹ Thạch và La Sơn, giáo phận Kontum, nơi mà cha đã đưa 2540 giáo hữu di cư đến vào tháng 5-1957.
[3] Vị mục tử mà từ 1978 đã chia sẻ gánh nặng mục vụ với cha Lê Văn Cao bằng cách lãnh lấy giáo xứ Bố Liêu và các giáo họ Nhu Lý, Bích La, Bích Khê.
[4] Thời chính quyền Ngô Đình Diệm này, Ba Lòng được đổi thành một quận lỵ hành chánh gồm 6 xã: 4 xã miền thượng và 2 xã miền núi (Ba Xuân, Ba Lương). Lúc này Ba Lòng được phát triển khá mạnh trên nhiều mặt.