Lược sử Giáo sở Kim Giao

17/11/2019

GIÁO SỞ KIM GIAO 

GIÁO XỨ KIM GIAO

CÁC GIÁO HỌ: KIM LONG, ĐA NGHI, MỸ THỦY,

CỔ LŨY, AN NHƠN, DIÊN KHÁNH, ĐÔNG DƯƠNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo sở Kim Giao, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, bao gồm Giáo xứ Kim Giao và các giáo họ Kim Long[1], Đa Nghi, Mỹ Thủy, Cổ Lũy, Diên Khánh và Đông Dương, thuộc các xã Hải Dương, Hải An, Hải Ba, Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách tòa TGM Huế khoảng 60 km về phía tây bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Giáo họ từ một hoạt động truyền giáo (1896).

Cuốn “101 Thừa sai MEP đã phục vụ Giáo phận Huế 1850-1975” và cuốn “Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945” cho biết: vào năm 1891, cha Joseph Gontier (cố Công, 1862-1889-1911), Quản sở Thanh Hương tới khi qua đời, đã đến rao giảng Tin Mừng cho một vùng rộng lớn từ Linh Thủy lên tới Hội Yên (dọc theo sông Ô Lâu), trong đó có Kim Giao (vốn nằm giữa hai nơi này).

– Năm 1896-1904, cha Phaolô Phan Văn Bá (phó cha Gontier tại vùng Thanh Hương từ tháng 11-1891 đến tháng 11-1896) làm Quản xứ Đa Nghi kiêm giáo họ Kim Giao.[2]

Chính cha dựng ngôi nhà thờ đầu tiên tại Kim Giao bằng tranh tre năm 1904. Tuy đơn sơ mộc mạc nhưng tràn ngập tình thương, vì thôn Kim Giao đã dành phần đất ngay giữa làng với diện tích 2500m2 (dài 50m x rộng 50m) để cho người Công giáo dựng nơi thờ phượng.

– Năm 1928, nhà thờ bằng tranh tre được xây gạch do cha Phaolô Nguyễn Văn Chính (phó cha Bá tại Hội Yên, và sau khi cha Bá qua đời thì kế nhiệm Quản xứ từ 1910 tới 1937, coi cả Kim Giao như giáo họ). Năm 1951 nhà thờ bị sập vì bom đạn chiến tranh.

Đến năm 1958, nhà thờ Kim Giao được xây dựng lại với sự cộng tác lương giáo. Thấy sự hòa hợp này, một lương dân (tên Lý Đích) đã tặng 2 câu đối, được cha Phaolô Mai Xuân Hiến (Quản xứ Hội Yên 1949-1952; 1954-1959) cho khắc vào tiền đường nhà thờ để ghi dấu ấn đoàn kết:

“Lương giáo tán hợp lực tài, xây dựng Nhà chung do lòng tín ngưỡng.

Giáo hội nguyện thành ý chí, mong trông Ngôi cả xuống phước hải hà”.

Mùa hè Đỏ lửa 1972, nhà thờ Kim Giao bị bom dội sập hai căn, sau đó cha Giuse Hoàng Cẩn xây dựng lại khi ngài làm Quản xứ Hội Yên và Thuận Nhơn (1973-2001).

Đến năm 1985, bão làm sập nhà liêu (phòng mặc áo lễ và chứa đồ thờ). Cha Giuse Hoàng Cẩn cho sửa sang và xây thêm phần cung thánh, phòng áo. Kích thước nhà thờ: dài 12m rộng 5,5m.

1990-1991 Cha Giuse đã làm vì kèo sắt và lợp ngói thay tôn.

Tháng 8 năm 2010, cha GB Phạm Xứ[3] từ phó xứ La Vang được bổ nhiệm làm Quản xứ Thuận Nhơn, kiêm giáo họ Kim Giao. Ngài khởi công xây dựng nhà thờ Kim Giao tháng 5-2012, xây dựng nhà nguyện giáo họ Phước Điền và nhà thờ Giáo xứ Thuận Nhơn tháng 6-2012.

Cha GB đã nhờ cha Matthêu Phan Văn Tùng làm phó coi sóc giáo xứ Thuận Nhơn, còn ngài thì về ở giáo họ Kim Giao (ngày 15-4-2011). Đây là Giáo xứ gần 120 năm chưa có Quản xứ, đất nhà thờ bị chiếm dụng chỉ còn 702m2. Cha GB đã mua lại vườn và nhà của ông Antôn Trần Hoành là 711m2 với  120.000.000đ. Đây là giá rất rẻ, do lòng quảng đại lẫn do ý thức của ông Hoành rằng đó từng là đất của Giáo hội, mặc dù ông đã có giấy xác nhận quyền sử dụng mảnh đất ấy (Sổ đỏ. X. Biên bản đền bù ngày 14-3-2011). Từ đó nhà giáo dân đã trở nên nhà cha sở, và cha GB đã xúc tiến việc san lấp mặt bằng, phá tre, xây thành nhà thờ.

Ngày 1-5-2012, Đức Tổng Giám mục Têphanô và Đức cha phụ tá Phanxicô Xavie về đặt viên đá đầu cho việc xây dựng thánh đường Kim Giao. Sau 14 tháng (21-5-2012–21-7-2013) công trình xây dựng hoàn tất nhưng mãi đến ngày 07-05-2015, mới được cung hiến.[4]

Tháng 7 năm 2015, Đức TGM P.X. Lê Văn Hồng quyết định tách Kim Giao khỏi Thuận Nhơn để trở thành giáo xứ biệt lập.

Vậy là từ 1896 cho đến 2015 (119 năm), Kim Giao luôn là giáo họ được kiêm nhiệm bởi:

– 1896-1904 cha Phaolô Phan Văn Bá, Quản xứ Đa Nghi.

– 1904-1910 cha Phaolô Phan Văn Bá, Wuản xứ Hội Yên.

– 1910-1937 cha Phaolô Nguyễn Văn Chính, Quản xứ Hội Yên.

– 1937-1949 cha Antôn Nguyễn Văn Bằng, Quản xứ Hội Yên.

– 1949-1959 cha Phaolô Mai Xuân Hiến, Quản xứ Hội Yên.

– 1959-1961 cha Giacôbê Trần Văn Thời, Quản xứ Hội Yên.

– 1961-1969 cha Giacôbê Đỗ Bá Ái, Quản xứ Đa Nghi.

– 1969-1972 cha Giacôbê Đỗ Bá Ái, Quản xứ Hội Yên.

– 1973-2001 cha Giuse Hoàng Cẩn, Quản xứ Thuận Nhơn.

– 2001-2007 cha Giuse Phan Miên, Quản xứ Thuận Nhơn.

– 2007-2010 cha Giuse Võ Văn Phú, Quản xứ Thuận Nhơn.

– 28-8-2010 cha GB Phạm Xứ, Quản xứ Thuận Nhơn[5].

2- Thành Giáo xứ và Giáo sở chính thức với Quản xứ biệt lập (2015)

Tháng 7 năm 2015, Đức TGM P.X. Lê Văn Hồng bổ nhiệm cha GB Phạm Xứ làm Quản xứ đầu tiên của Kim Giao và các giáo họ Kim Long, Diên Khánh, Đông Dương, Đa Nghi, Mỹ Thủy, tách biệt khỏi Giáo xứ Thuận Nhơn.

Cha cai quản một vùng rộng lớn với đủ thứ khó khăn đến từ lương dân lẫn chính quyền, với đủ thứ hoang tàn do bao cuộc chiến lớn nhỏ.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN:

Kim Giao:

1- Linh mục

Gioakim Võ Trọng, Dòng Mẹ Cứu Chuộc (CRM), Lm 12-07-2018, Giáo phận Long Xuyên.

2- Nam nữ tu sĩ

– Micae Dương Văn Kim, sn 9-5-1987, vào ĐCV 3-9-2011, đang giúp xứ chuẩn bị tiến chức.

– Maria Dương Thị Hoài Thương, sn 9-6-1982, khấn dòng 26-7-2006, Dòng Mến Thánh Giá Huế.

– Anna Võ Thị Thảo Nguyên, sn 10-7-1990, khấn dòng 7-12-2015, Dòng Nô Tỳ CGS, Hàn Quốc.

– Cécilia Nguyễn Thị Ngọc Lan, sn 21-9-1973, vĩnh khấn 21-8-2004, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Anna Nguyễn Thị Ngọc Loan, sn 24-3-1975, vĩnh khấn 22-8-2008, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Trương Thị Nhật Hạ, sn 14-12-1991, lãnh tu phục 23-5-2019, Dòng Kín Carmel Huế.

– Maria Trần Thị Hoài Phương, sn 18-9-2000, nhập dòng 1-9-2018, Dòng Mến Thánh Giá Huế

Kim Long:

– Anna Nguyễn Thị Thanh Thi, sn 29-6-1995 nhà tập Dòng Mến Thánh Giá Huế.

– Phêrô Nguyễn Phương Nhi, sn 22-12-1996, Tiền chủng viện, nhập ngày 3-9-2019.

Đông Dương:

– Anna Hoàng Thị Thuần, sn 29-8-1969, khấn dòng 1-1994, Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng

– Anna Hoàng Thị Thắm, sn 23-8-1975, khấn dòng 22-8-2011, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

– Maria Hoàng Thị Thương, n 10-8-1079, khấn dòng 14-7-2005, Dòng Kín Carmel, Hoa Kỳ.

3- Giáo dân   

– Năm 2015 :   510 người       

– Năm 2019 :   474 người

1- KIM GIAO: 19 gia đình = 82 nhân khẩu

2- DIÊN KHÁNH: 06 gia đình = 21 nhân khẩu

3- ĐA NGHI: 06 gia đình = 20 nhân khẩu       

4- ĐÔNG DƯƠNG: 21 gia đình = 104 nhân khẩu

5- KIM LONG: 12 gia đình = 47 nhân khẩu.

6- MỸ THỦY: 32 gia đình = 200 nhân khẩu     

*****************************

GIÁO HỌ AN NHƠN và CỔ LŨY

Giáo họ An Nhơn: không rõ được hình thành và phát triển như thế nào? Vì không còn dấu vết nhà thờ.

Giáo dân 2 gia đình: 2 tín hữu là hai mệ già như ngọn đèn leo lét trước gió.

Giáo họ Cổ Lũy cũng không rõ được hình thành và phát triển như thế nào. Được biết nền nhà thờ Cổ Lũy nhà nước đã làm trường học cấp II.

Hiện tại giáo dân chỉ còn 1 gia đình: 2 tín hữu.

*****************************

GIÁO HỌ DIÊN KHÁNH

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Diên Khánh thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nằm giữa 2 nhà thờ Kim Giao và Đông Dương, nhà thờ Diên Khánh chỉ còn lại tháp chuông, tất cả đã sụp đổ vì chiến cuộc 1972. Đất trong khuôn viên nhà thờ đã được cấp cho một hộ gia đình lương dân ở.

2- Hình thành và phát triển

Không rõ Diên Khánh đã đón nhận Tin mừng lúc nào mà năm 1902, giáo họ có cha Phêrô Trần Văn Tự làm Quản xứ cho đến ngày 17-12-1913 thì lâm bệnh qua đời và được an táng trong nhà thờ Diên Khánh. Năm 1935, thi hài của cha được người cháu ngoại dời về An Ninh.

3- Chứng nhân tử đạo

Giáo dân Diên Khánh, hiện chỉ còn 6 gia đình, cho hay rằng cha ông họ có truyền lại câu chuyện vào năm 1885, thời Văn Thân thiêu sát giáo hữu tại vùng Quảng Trị, có hai nữ tu Mến Thánh Giá bị họ giết tại Diên Khánh và được chôn cất tại đây.

Có thể cha Quản xứ Phêrô Trần Văn Tự đã làm mộ cho hai chị, nhưng chỉ xây một lớp gạch bên trên khuôn tĩnh để đánh dấu bên dưới có thi hài của hai nữ tu tử đạo.

Sau khi nhận nhiệm sở, cha quản xứ GB Phạm Xứ muốn đưa hai chị về chôn chung tại lăng mộ các nữ tu MTG bị giết tại Kim Giao (xem phụ lục bên dưới), nhưng giáo dân Diên Khánh không đồng ý. Họ muốn các chị “ở lại” với họ… như là một ân phúc và niềm hãnh diện thiêng liêng, vì máu các chị đã thấm xuống mảnh đất nghèo khổ nầy.

Cha Quản xứ Kim Giao tuy thế cũng đã quảng đại xây lăng cho hai chị, vì theo thời gian ngôi mộ xưa đã bị cát phủ lấp cả. Khi giáo dân chỉ chỗ cho cha để khai quật thì phải đào sâu 1 mét mới thấy di tích ngôi mộ và hài cốt hai chị.

Diện tích của lăng mộ mới xây là 4m x 6m, cao khoảng 1m, khang trang, bề thế, ấm cúng… Trên bia mộ ghi: “Tại đây hai chị MTG đã chịu chết vì Chúa Kitô năm 1885”. Lăng mộ có cây Thánh giá nổi bật bên trên, cao 6m tính từ dưới đất. Hai bên mộ lớn của hai chị, còn nhiều mộ nhỏ vô danh.

Cha GB cho biết: câu ghi trên bia mộ không được lương dân làng Diên Khánh đồng ý vì họ sợ thiên hạ nghĩ là người ở đây đã giết các chị. Nhiều lần họ yêu cầu phải sửa lại bia mộ là: “Hai chị MTG đã chết tại đây năm 1885”, nhưng cha Quản xứ vẫn kiên định lập trường. Nay thì chẳng biết ai đã lấy xi măng trắng trét trên tấm bia lớn gắn phía sau, dưới Thánh giá, rồi còn đục mất những dòng chữ trên tấm bia nhỏ gắn trước mộ (xem hình).

*****************************

GIÁO HỌ ĐA NGHI

Giáo họ Đa Nghi nằm trên tỉnh lộ 68, thuộc xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị, cách Giáo xứ Kim Giao chừng 2,5 km về phía tây tây bắc.

Giáo họ được thành lập năm 1890. Nhà thờ, tháp chuông, nhà xứ, nhà giáo lý được xây dựng từ năm 1896.

Thập niên 1960, giáo họ Đa Nghi rất sầm uất do cha Giuse Đỗ Bá Ái làm Quản xứ (1961-1969). Ngài đã xây dựng bệnh viện để phục vụ bệnh nhân nghèo trong vùng.

Qua cuộc chiến năm 1972, nhà thờ bị hư hại nặng nhưng vẫn còn.

Sau năm 1975, đất khuôn viên nhà thờ, nhà nước đã lấy làm hội trường hợp tác xã phía bên trái, và trường mẫu giáo phía bên phải.

Đến 1985, một cơn bão đã đánh đổ hoàn toàn nhà thờ, chỉ sót lại nhà giáo lý, nhà xứ và tháp chuông vốn là biểu tượng và là chứng tích sống đạo của giáo họ.

Để bảo tồn những gì còn lại và cưu mang ước vọng cho mai ngày, cha Quản xứ và giáo họ đã làm tờ trình ngày 25-7-2014 gửi ủy ban xã Hải Ba, cho biết sẽ rào quanh và trồng cây xanh trong khuôn viên nhà thờ; thế nhưng ủy ban xã đã cản trở.

Ngày 15-02-2015, cha Quản sở và giáo dân tới Đa Nghi dâng lễ, thì dân làng đã kéo đến gây rối không cho. Thấy náo động và để tránh những chuyện đáng tiếc, toàn thể tín hữu đành ra về. Sau đó, cha sở đã báo cho công an huyện Hải Lăng biết sự việc, yêu cầu điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.

Đêm 02-05-2015, tháp chuông Nhà thờ Đa Nghi bị đánh sập. Toàn thể bà con giáo họ và cha Quản xứ hết sức bàng hoàng.

Ngày 12-10-2016, nhà xứ Đa Nghi lại bị người của nhà nước tháo dỡ ngói để triệt hạ.

Tháp chuông và nhà xứ Đa Nghi bị triệt hạ

Việc đánh sập tháp chuông và triệt hạ nhà xứ Đa Nghi đúng là một việc làm hoàn toàn trái đạo đức và pháp luật.

Lm GB Phạm Xứ đã gửi đơn khiếu nại đến cấc cấp chính quyền trong cùng ngày 12-10-2016 về vụ triệt hạ nhà xứ Giáo họ Đa Nghi.

*****************************

GIÁO HỌ ĐÔNG DƯƠNG

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Đông Dương thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Kim Giao khoảng 3 km về phía đông nam.

2- Hình thành và phát triển

Vào cuối thê kỷ 17 (khoảng năm 1698), ông tộc trưởng họ Nguyễn tại Đông Dương xin theo đạo. Lúc đó, người Công giáo không được thờ cúng tổ tiên ông bà, nên họ tộc đã xây dựng một nhà thờ theo kiểu Pháp để vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa thờ kính tiên tổ, có tháp chuông, có Thánh giá trên nóc. Dân địa phương gọi là nhà thờ họ Nguyễn. Chiến tranh đã phá hủy nhà thờ năm 1946

Đang khi đó, khoảng năm 1940, làng Đông Dương đã cấp cho giáo họ một thửa đất khoảng 500m2 để làm nhà thờ chung cho mọi tín hữu, nằm cạnh nhà ông Phanxico Trần Huy, và một mảnh đất khác (2500m2) trồng hoa màu để có tiền lo việc thờ phượng.

Giáo dân Đông Dương đã lập tức khởi công làm nhà thờ bằng gỗ, mái lợp tranh. Lúc này giáo họ được cha Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông, Quản xứ Nhất Tây (1917-1944), kiêm nhiệm. Năm 1945 nhà thờ bị thiêu rụi do chiến tranh và đất nhà thờ bị bỏ hoang cho đến năm 1975[6].

Năm 1955, ông Hoàng Viện, người làng Đông Dương theo đạo, đã cúng thửa đất trước mặt nhà cho giáo xứ. Gia đình ông còn dâng tặng tiền bạc cho việc xây dựng nhà thờ vào năm 1957. Thời điểm này, Đông Dương được cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa, cai quản vùng Thanh Hương (1954-1968), kiêm nhiệm.

Năm 1967, nhà thờ bị bom dội sập, chỉ còn lại ngôi tháp; nhưng đến năm 1985, cơn bão số 8 đã làm sập tháp luôn, chỉ còn trơ lại nền nhà thờ.

Giáng sinh năm 2010, cha GB. Phạm Xứ, quản xứ Thuận Nhơn kiêm Đông Dương, đã làm hang đá có bạt che trên nền nhà thờ. Tuy chỉ là túp lều đơn sơ, nhưng giáo dân cũng có nơi qui tụ đọc kinh cầu nguyện mỗi tối. Khi bạt bị hư hại, cha đã thay bằng tôn cả trên mái lẫn hai bên cho kín gió. Tối thứ Tư hằng tuần cũng như các dịp Giáng sinh, Phục sinh, Bổn mạng giáo xứ và các lễ trọng, cha đều đến dâng lễ cho cộng đoàn.

Cho đến nay, nhà nước đã lấy đất vườn nhà thờ cấp cho ông Antôn Trần Hồng Anh.

Ngày 26-7-2019, được sự cho phép của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, cha GB Phạm Xứ đã làm phép viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ Đông Dương

Ba hôm sau, Đức Tổng đã đến thăm công trình xây dựng và chúc lành cho việc kiến thiết nhà Chúa sớm hoàn thành. 

*****************************

GIÁO HỌ KIM LONG

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Kim Long thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nền nhà thờ cũ của Kim Long cách nhà thờ Kim Giao chừng 2km về phía Bắc.

2- Hình thành và phát triển

Giáo họ có hai dòng họ chính:

Dòng họ ông Phanxicô Xavie Nguyễn Đẩu (sn 1933, đã qua đời), thuộc họ Nguyễn Nhì làng Kim Long. Theo gia phả, cố nội ông Nguyễn Đẩu là cụ Phêrô Nguyễn Ân theo đạo năm 30 tuổi

Dòng họ ông Micae Nguyễn Hai (sinh năm 1933), thuộc họ Nguyễn Nhất làng Kim Long, theo Công giáo từ thời ông nội là cụ Micae Nguyễn Hoan (không rõ được rửa tội từ thời điểm nào, chỉ biết em ruột của cụ Hoan -ông Nguyễn Hoanh- là người lương. Có lẽ khi lập gia đình cụ Hoan đã trở lại Công giáo). Con đầu lòng của cụ Hoan là bà Maria Nguyễn Thị Hân sinh khoảng năm 1896 hoặc 1897.

Đối chiếu thì thấy dòng họ ông Đẩu theo Công giáo sớm hơn dòng họ ông Hai 1 đời. Do đó có thể suy đoán dân đã theo đạo ở làng Kim Long trước thời điểm 1896 từ 15 đến 20 năm (tức trên 140 năm tính đến nay).

Như vậy giáo họ Kim Long đã đón nhận Tin Mừng khoảng thập niên 80 của thế kỷ XIX.

3- Cơ sở vật chất

a- Đất đai

*thổ cư và trưa vại[7], không rõ có từ năm nào, ước lượng khoảng 5 sào đất thổ cư và 3 sào đất trưa vại (tính theo sào trung bộ thì khoảng 4000m2) liên kết với nhau thành một vùng. Người địa phương ở đây gọi là đất Hội giáo, Sau năm 1975 hầu hết số đất đó nhà nước đã cấp cho tư nhân ở, kể cả đất trưa vại.

*ruộng : trước năm 1975 có 9 sào thuộc ruộng du lạp[8], gồm 7 sào ở U Bù và 2 sào ở Nẩy. Sau năm 1975 số ruộng nầy không còn nữa.

b- Nhà thờ: Theo những bậc cao niên thì trước năm 1930 đã có nhà thờ bằng tranh tre. Năm 1958, do làng yêu cầu làm nhà thờ gần đường để nhìn ra đồng ruộng mênh mông, nên đất của giáo họ được đổi cho gia đình ông Micae Nguyễn Toàn con ông Micae Nguyễn Hoan ở phía dưới cùng, để làm nhà thờ với diện tích tương đương; và nhà thờ được xây dựng bằng xi măng, hoàn thành cùng năm ấy. Nhưng chiến cuộc các năm 1968,1972 và 1975 đã khiến nhà thờ hư hại nặng rồi sụp đổ, chỉ phần móng còn lại.

Cho đến nay, nhà nước đã lấy đất khuôn viên nhà thờ cho lương dân ở, giáo họ còn lại duy nhất móng nền, và mặc dầu đã có làm đơn xin lại nhưng không có kết quả.

*****************************

GIÁO HỌ MỸ THỦY

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Mỹ Thủy thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách nhà thờ Kim Giao khoảng 4km về phía bắc đông bắc.

2- Hình thành và phát triển 

Theo như cha ông truyền lại, khoảng năm 1860, tổ tiên của giáo hữu hiện thời đã đi nghe rao giảng Tin Mừng, trở lại Công giáo và được chịu phép rửa tại nhà thờ Trí Bưu. Sau đó, họ tiếp tục hằng tuần đi tham dự Thánh lễ và tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ này.

Đến năm 1890, giáo họ Mỹ Thủy được các cha sở Hội Yên là Phêrô Phan Văn Bá (1904-1910), Phaolô Nguyễn Văn Chính (1910-1937), Antôn Nguyễn Văn Bằng (1937-1949) và Phaolô Mai Xuân Hiến (1949-1959) chăm sóc mục vụ.

Đến năm 1955, Giáo xứ Mỹ Thủy được thành lập và xây dựng một ngôi nhà thờ tạm cột gỗ, rui tre, mái tranh. Thời điểm đó lương dân trở lại Công giáo rất đông từ Mỹ Thủy, Tân An, Trung An, Thâm Khê. Hơn 500 dự tòng (thuộc trên 100 gia đình) được cha Phaolô Mai Xuân Hiến, Quản xứ Hội Yên rửa tội.

Đến năm 1958, nhà thờ cũ đã xuống cấp, giáo dân ngày càng đông nên cha Hiến cho xây dựng ngôi thánh đường Mỹ Thủy (dài 30m, rộng 12m). Ngoài ra còn có các công trình phúc lợi là một trường học, một trạm xá, nhiều nhà vệ sinh công cộng, để dạy dỗ con em và chữa bệnh cho bà con lương giáo. Tổng diện tích của nhà thờ Mỹ Thủy là 2700m2 (dài 60m, rộng 45m). Trong thời gian này, giáo xứ được các vị Quản xứ Hội Yên là cha Giuse Trần Văn Thời (1959-1961) và cha Giuse Đỗ Bá Ái (1961-1972) chăm sóc mục vụ.

Vào năm 1968, chiến tranh xảy ra ác liệt, toàn bộ nhà thờ, trường học, trạm xá và nhà cửa cư dân xã Hải An hóa thành đống tro tàn.

Cuối năm 1968, dân phải di tản sang khu định cư Gia Đẳng, Nơi đây, cha Đỗ Bá Ái đã xây dựng lại một ngôi nhà thờ, một trạm xá và ba phòng học để chăm sóc sức khỏe bà con và dạy dỗ cho con em lương lẫn giáo trong toàn xă.

Đến năm 1972, chiến cuộc lại xảy ra một lần nữa, giáo dân phải sơ tán, người ra bắc, kẻ vào nam. Nhà thờ Mỹ Thủy, trạm xá, trường học bị hư hại toàn bộ.

Sau năm 1975, đồn biên phòng 212 đã chiếm dụng nền nhà thờ.

Dịp lễ Giáng sinh năm 2010, linh mục Gioan Baotixita Phạm Xứ đã làm một nhà nguyện ngay trước sân nhà của mệ Phan Thị Bá (bà đã lập di chúc cho giáo họ Mỹ Thủy đất nhà của mình để làm nơi thờ phượng). Nhà nguyện tuy bé nhỏ và thiếu tốn tiện nghi, nhưng Chúa nhật nào linh mục Quản xứ cũng đến dâng Thánh lễ lúc 9 giờ sáng và dạy giáo lý cho các em gồm hai xã Hải An và Hải Khê. Ngoài ra, tối thứ 2 hằng tuần cha GB Phạm Xứ cũng dâng thánh lễ.

*****************************

Phụ lục

CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN TẠI KIM GIAO

Theo truyền khẩu, có 9 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá bị quân Văn Thân giết hại năm 1885, có lẽ vào khoảng tháng 9, lúc lực lượng này tấn công hầu hết các giáo xứ vùng bắc Quảng Trị.

Nhân chứng 1: cụ Micae Ngô Dụng, giáo họ Phước Điền, giáo sở Thuận Nhơn, cho biết: Văn Thân yêu cầu các chị bước qua Thập giá để được sống, nhưng các chị kiên quyết không chấp nhận; dù bị đánh đập hành hạ các chị vẫn can trường giữ vững đức tin. Vì thế, họ quyết định xử tử các chị bằng cách lấy thanh tre vót nhọn đâm nhiều lát vào ngực vào bụng, và vì sợ các chị có thể sống lại mà chạy nên họ đã cho mỗi chị một cọc tre đâm xuyên qua bụng và ghim xuống đất cát.

Nhân chứng 2: cụ Antôn Trần Hoành cho biết theo lời kể của ông nội: có 9 nữ tu chịu chết vì Chúa Kitô tại rú cát Kim Giao. Không biết các chị bị bắt ở đâu, nhưng khi đến rú cát của làng thì họ tra tấn, hành hạ các chị cách dã man, sau đó họ cưỡng bức các chị bước qua Thập giá nhưng các chị không chịu, và họ đã dùng thanh tre cán giáo, vót nhọn đâm nhiều nhát vào ngực, vào bụng các chị. Có hai chị sợ quá chạy được một đoạn khoảng 150m thì bị bắt và bị giết y như thế. Sau gần một tuần, thi thể các chị không có ai nhìn nhận và thối rữa; người dân thấy vậy đã đào cát chôn cất thành một ngôi mộ tập thể. Có hai ông già cũng bị giết cùng lúc thì được chôn hai đầu. Hai chị bỏ chạy xa rồi bị giết thì cũng được chôn tại chỗ. Từ đó về sau dân làng truyền tụng cho con cháu biết rằng đó là mộ thánh, mộ các nữ tu chịu tử đạo. Tôi (linh mục quản xứ) hỏi một số cụ lương dân cao tuổi thì họ cũng kể tương tự. Tôi chất vấn: làm sao các ông biết đó là nữ tu, họ trả lời: vì các chị mặc áo dòng đen dài, có đeo thánh giá bằng gỗ và tràng chuỗi trên ngực.

Sau 3 hơn năm mục vụ tại đây, tôi đã dò hỏi nhiều người và ai cũng kể giống nhau. Ngôi mộ khá lớn (rộng 4m, dài 17m), đắp bằng cát nên dễ bị mờ dấu tích nếu hàng năm không được chăm sóc. Vì thế tôi đã khởi công xây lăng cho các chị. Hai chị bị giết chết và chôn cách đó 150m, tôi cũng di dời về để an táng chung.

Hôm nay ngày 4-11-2013, từ tờ mờ sáng, nhiều giáo dân trong Giáo sở Thuận Nhơn đã quy tụ về Giáo xứ Kim Giao để tham dự Lễ khánh thành lăng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã can đảm chết vì Chúa Kitô năm 1885.

Cha hạt trưởng giáo hạt Quảng trị Gioan Baotixita Lê Quang Quý cắt băng khánh thành, sau đó ngài làm phép lăng và chủ tế thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa đă cho các nữ tu được phúc làm chứng nhân cho Chúa trên vùng đất hoang vu cát trắng nghèo khổ này.      

Lm GB Phạm Xứ, 4-11-2013,          

Rú cát gần nhà thờ Kim Giao, nơi 7 nữ tu Dòng MTG đã chết vì đức tin thời Văn Thân 1885

 Lăng các nữ tu Mến Thánh Giá tử đạo 1885 (xây năm 2013)

———————————————————————————————–

[1] Giáo họ Kim Long này khác với giáo xứ Kim Long tại thành phố Huế.

[2]  St Nguyễn Văn Ngọc, Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế 1596-1954, trang 404. Theo Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế thì làm Quản xứ Đa Nghi tới tháng 8-1904, cha Bá đã dời trụ sở về Hội Yên và qua đời tại đó ngày 10-3-1910. An táng trong nhà thờ Hội Yên.

[3] Ngày 28-08-2010 Đức Tổng Giám mục Têphanô đã bổ nhiệm cha GB Phạm Xứ, chánh xứ Thuận Nhơn, kiêm Kim Giao và 18 giáo họ, trải dài trong 8 xã (xã Hải Vĩnh gồm Thuận Nhơn, Thuận Đức, Thi Ong, Lam Thủy; xã Hải Thiện gồm Cu Hoan, Cồn Đống; xã Hải Thành gồm Phước Điền, Kim Sanh, Trung Đơn; xã Hải Quế gồm Hội Yên và Kim Long; xã Hải Ba gồm Đa Nghi, Cổ Lũy, Phương Lang; xã Hải Dương gồm Kim Giao, Diên Khánh, Đông Dương, Xuân Viên, An Nhơn; xã Hải An gồm Mỹ Thủy, Tân An; xã Hải Khê gồm Thâm Khê).

[4] Số là ngôi thánh đường khang trang còn bị áp sát bởi nhà ông Võ Trung Hưng, khắc nghiệt hơn nữa là nhà vệ sinh và chuồng heo của ông lại cận kề nhà thờ, nên cha GB Phạm Xứ lại phải thương lượng đền bù với giá 700.000.000 đ (# 23 cây vàng, biên bản đền bù ngày 10-4-2013 và ngày 10-5-2013). Nhờ thế, toàn bộ đất của nhà thờ Kim Giao được trả lại nguyên trạng như vào năm 1904, khi làng cho giáo họ thửa đất giữa làng. Đây không chỉ là niềm vui cho giáo họ mà còn là niềm vui của hai Đức Giám mục và Giáo phận. Nên mãi đến ngày 07-05-2015, nhà thờ mới được cung hiến.

[5] Cha GB Phạm Xứ, Quản xứ Thuận Nhơn từ 28-8-2010 đến tháng 7-2015, có các cha phó Mat. Phan Văn Tùng và AnrêMinh Phú Phú trợ giúp.

[6] Sau năm 1975, gia đình ông Trần Hoàng đã làm nhà ở trên nền nhà thờ; còn đất vườn nhà thờ và đất hương hỏa (2500m2) thì hợp tác xã đã trưng thu để cấp cho dân.

[7] Đất tốt dùng để vãi má cấy lúa và trồng hoa màu.

[8] lấy huê lợi từ ruộng để sắm sửa dầu đèn thắp trong nhà thờ.

—————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.