GIÁO SỞ LẠI ÂN
GIÁO XỨ LẠI ÂN
GIÁO HỌ MẬU TÀI – GIÁO HỌ THANH PHƯỚC
GIÁO HỌ THỦY TÚ
Nhà thờ Lại Ân
Lược sử
GIÁO XỨ LẠI ÂN
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Lại Ân, Giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, gần ngã ba Sình, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 11km về phía bắc[1].
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
A- Từ một cứ điểm truyền giáo (1890).
Năm 1888, Đức cha Louis Caspar Lộc, Giám mục Giáo phận Huế, cha E. Allys (cố Lý) chánh xứ Phủ Cam và cụ Thượng thư Ngô Đình Khả đã tổ chức một Ban truyền giáo gồm có những giáo dân đạo đức tại Phủ Cam, để mở đạo tại hai huyện Phú Vang và Phú Lộc.
Tại huyện Phú Vang, các ngài đã chọn ba địa điểm truyền giáo là Diêm Tụ, Lại Ân và Nam Phổ. Một số tông đồ giáo dân Phủ Cam được sai đi vào các làng trong ba vùng đó để tìm kiếm dự tòng và liên lạc với họ suốt hai năm (1888-1889).
Sau khi đã có số dự tòng khả quan, thì trường dạy tân tòng được tổ chức, như trường tân tòng Diêm Tụ do cha Anphong Trần Bá Lữ, phó Phủ Cam phụ trách; trường dạy tân tòng vùng Nam Phổ do cha Giuse Nguyễn Văn Linh, phó Phủ Cam phụ trách. Riêng trường dạy tân tòng vùng Lại Ân thì được đặt tại Mậu Tài và Vĩnh Lại vào năm 1890 do cha Đôminicô Lê Xuân Biện, phó Phủ Cam phụ trách; và cha Biện đã rửa tội lớp tân tòng đầu tiên thuộc vùng Lại Ân vào năm 1890. Cha Biện ở đây từ năm 1890 đến1892 rồi giao lại cho các mục tử Giáo sở Phủ Cam phụ trách tới năm 1904.
B- Trở thành Giáo sở độc lập (1904).
Năm 1904, tại vùng Lại Ân đã có nhiều họ đạo tân tòng được thành lập như Lại Ân, Mậu Tài, Vĩnh Lai, Quy Lai, Thuận Hòa, Hiên, Tiên Nộn v.v… Đức cha Lộc do đó quyết định lập một giáo sở mới được tách rời khỏi Giáo sở Phủ Cam. Lại Ân được chọn làm trụ sở chính, vì nằm ở trung tâm, có đường sông, có chợ búa. Ngoài ra theo chương trình của Đức cha Lộc và Đức cha Lý, trên đường sông từ Huế tới cửa Tùng (Quảng Trị) sẽ có các giáo xứ có cha sở như: Nam Phổ, Tiên Nộn, Lại Ân, Tân Mỹ, Thành Công, Linh Thủy, Ngô Xá, Đại Lộc, Mai Xá, Nhĩ Hạ và Di Loan. Trên đường quốc lộ cũng vậy: Lăng Cô, Thừa Lưu, Nước Ngọt, Cầu Hai, Truồi, Thần Phù v.v…
Giáo sở Lại Ân như thế đã xuất hiện từ năm 1904 và tiếp tục tồn tại đến nay với các vị quản xứ và phó xứ sau đây:
1. Cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Nhơn (1904-1909).
Chánh quán Mỹ Duyệt (Quảng Bình), sinh năm 1869, linh mục 1900, Quản xứ tiên khởi Lại Ân (1904-1909). Cha đã làm nhà xứ và nhà thờ bằng tranh. Mất tại Lại Ân 14-11-1909 và được an táng trong nhà thờ.
– Cha Micae Dương Đức Kỳ, chánh quán An Ninh, sinh 1863, linh mục 1892, ở phó 1906-1908.
– Cha P.X. Nguyễn Văn Đông, chánh quán Bố Liêu, sinh năm 1869, linh mục 1902, ở phó 1909.
2. Cha René Morineau (cố Trung) (1910-1922).
Cha René Morineau sinh tại Pháp năm 1873, làm linh mục và qua Huế năm 1898, Quản xứ Lại Ân từ 1910 đến 1922. Mất năm 1948.
Năm 1917, ngài bị bắt đi nghĩa vụ, rồi trở về Lại Ân ở tới năm 1922. Cha đã xây cất nhà thờ bằng ngói rộng rãi như hiện còn (nhưng chưa có tháp), mở mang vườn nhà thờ và nhà xứ, rồi trồng nhiều loại cây ăn trái. Cha lập sở các nữ tu Mến Thánh Giá tại đây năm 1922 để các chị Di Loan lo dạy dỗ trẻ em và quay tơ dệt vải. Thời gian sau, các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đảm đương. Vì chiến tranh và tài chánh thiếu hụt nên các chị đành phải rời bỏ. Ngoài ra cha còn xin nhà nước mở đường đổ đá từ Lại Ân tới Chợ Nọ và nhiều đường khác trong vùng. Nhân dân đều cảm mến công đức của ông Tây linh mục.
Cũng trong thời ngài, hội Mân Côi được thành lập tại Lại Ân và tồn tại trong thời gian dài, quy tụ rất nhiều giáo xứ phụ cận, kể cả Tân Mỹ, Dương Sơn, Kim Đôi, Phú Ngạn, Thuận Hòa và vùng Nam Phổ. Cứ hằng năm đến lễ Mân Côi, các chi hội tề tựu về Lại Ân tổ chức rước kiệu rất trọng thể. Do đó cố Trung phải đắp một con đường dài 2 cây số chung quanh giáo xứ!
– Cha Antôn Phạm Đình Ngãi, chánh quán An Bằng (QT), linh mục 1906, ở phó 1910-1911.
– Cha Gioan B. Võ Văn Hoằng, ở phó 1912.
– Cha Gioan B. Lương Văn Thể, ở phó 1921-1923.
Ngày nọ cha tới làng Vân Cù (xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) để truyền giáo, thì bị dân làng bắt và hành hung. Được tin, anh em thanh niên các giáo họ thuộc Giáo sở Lại Ân cấp tốc tiến vào làng để giải cứu và bảo vệ mục tử. Câu chuyện lộn xộn được cố Trung đưa lên cấp trên và làng Vân Cù bị phạt, đồng thời một số cá nhân Công giáo cũng bị giam giữ.
– Cha Phaolô Bùi Thông Tuần, ở phó 1921-1923.
3. Cha Antôn Nguyễn Văn Sản (1923-1925).
Cha Antôn Nguyễn Văn Sản, chánh quán Hòa Ninh, sinh 1878, linh mục năm 1906, làm cha sở Lại Ân từ 1923-1925. Mất năm 1942.
Cha Gioan B. Lương văn Thể, tiếp tục ở phó 1923-1925.
4. Cha Maximilien de Pirey (cố Đề) 1925-1931.
Cố Đề (anh cố Huề) sinh tại Pháp 1867, linh mục và qua Huế 1891, làm cha sở Lại Ân từ 1924-1931. Vì giáo xứ chỉ gồm những người mới theo đạo, cha đã vất vả rất nhiều. Ngàn khó khăn phải vượt qua, muôn nỗi âu lo gây nhọc mệt, vạn công việc cần lao mình vào đã nhanh chóng bào mòn sức khỏe của vị mục tử. Tháng 06-1931 ngài hoàn toàn kiệt lực, phải rời xứ và năm sau thì qua đời.
– Cha Philipphê Nguyễn Văn Tự, quán Kẻ Bàng ở phó 1926-1931.
5. Cha Philipphê Nguyễn Văn Tự (1931-1940).
Sinh năm 1893, linh mục năm 1924, cha ở phó Lại Ân rồi làm quản xứ 1931-1940. Mất năm 1947. Ngài trùng tu và xây tháp nhà thờ Lại Ân. Bạn bè hỏi tháp cao thấp thế nào, cha đáp: “Xem rớt khăn đóng”. Sửa nhà thờ Mậu Tài, Quy Lai và các giáo họ phụ cận. Năm 1932, ngài mời dòng Thánh Tâm về lập cơ sở giáo dục gọi là trường Phanxicô. Trường này được Đức Khâm mạng (Khâm sứ) Colomban Dreyer[2] bảo trợ. Ban đầu rất thịnh hành, có cấp tiểu học rồi cấp trung học, cả nội trú nữa. Toàn vùng Phú Vang đều đến học ở đây. Sau năm 1968 (biến cố Mậu Thân), vì mất an ninh, nên trường phải giải tán. Các thầy bán nhà cửa mà về dòng. Nhiều bà con phương xa, nhiều công chức cán bộ bản địa cũng tự hào xuất thân từ trường Phanxicô Lại Ân.
– Cha André Eb (cố Hương), sinh năm 1904, qua Huế 1931 và ở giúp cha Tự 3 tháng.
– Cha Tôma Lê Văn Thiện, gốc Ba Ngoạt, sinh 1904, linh mục 1932, ở phó 1932-1935.
– Cha Tôma Nguyễn Văn Minh, quê quán Hòa Ninh, sinh năm 1908, linh mục 1936, ở phó Lại Ân. Đi xuồng qua họ Thuận Hòa làm mục vụ, bị chết đuối 24-9-1937. Chôn cất cạnh nhà thờ Lại Ân. Trong thời cha Antôn Tuyến làm Quản xứ (2000-2005), quãng năm 2003 (?), thân nhân ruột thịt của ngài đã cải táng, đưa lên nghĩa trang Thiên Thai của các linh mục Giáo phận.
6. Cha Giuse Lê Hữu Huệ (1940-1948).
Quê quán Di Loan, sinh năm 1903, linh mục 1934. (Em ruột của cha Lê Hữu Luyến và Đức cha Lê Hữu Từ). Làm cha sở Lại Ân 1940-1948[3]. Ngài sửa chữa nhà xứ. Lập sở nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và trường tiểu học Quy Lai. Mất năm 1984.
Trong thời gian này, một số dân làng Mậu Tài, Tiên Nộn và các làng xung quanh, bị lính Pháp bắt bớ, giam cầm và đe dọa bắn chết. May nhờ các vị quản xứ như ngài hoặc như cha Gioakim Võ Quang ở Tiên Nộn, can thiệp cứu sống. Nay người ta vẫn còn ghi nhớ mãi !
– Cha Gioan Nguyễn Đăng Bình, quê quán Ba Ngoạt, sinh năm 1910, linh mục 1941, ở phó 1941-1942.
– Cha Giuse Đỗ Bá Ấn, quê quán Kẻ Văn, sinh năm 1904, linh mục 1932. Ở phó 1946-1948.
7. Cha Giuse Trần Văn Tường (1948-1952).
Quê quán An Ninh, sinh năm 1908, linh mục năm 1938, mất năm 1970.
8. Cha Gioan Võ Văn Hoằng (1951-1956).
Quê quán Kẻ Bàng, sinh năm 1883, linh mục năm 1912, mất năm 1962.
9. Cha Gioan B. Nguyễn Văn Huệ (1957-1960).
Quê quán Ngọc Hồ, sinh năm 1910, linh mục năm 1938, mất năm 2001.
10. Cha Tôma Nguyễn Văn Luật (1960-1971).
Quê quán Loan Lý, sinh năm 1901, linh mục năm 1932, mất năm 1972.
– Cha Giuse Dương Trần, Giáo phận Vinh, linh mục 1965. Phó Lại Ân mấy tháng.
11. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên (1971-2000)
Quê quán Phủ Cam (em ruột của cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp), sinh năm 1925, linh mục 1951, mất năm 2006, Quản xứ Lại Ân từ năm 1971-2000. Khi cha Dương Đức Toại quản sở Quy Lai được đổi đi Thạch Bình từ năm 1975, thì giáo sở Quy Lai (gồm Quy Lai, Vĩnh Lại, Hòa An) nhập với giáo sở Lại Ân. Từ đó cha Tiên trông coi Lại Ân, Mậu Tài, Vĩnh Lại, Hòa An, Quy Lai, Thủy Tú và Thanh Phước. (Hai giáo họ cuối cùng này nằm bên kia sông Hương)[4].
Năm 1975, ngài mời lại các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đến giúp công tác mục vụ (ca đoàn, giáo lý, phụng vụ, thăm viếng)…, nhưng với tính cách lưu động, nghĩa là có 4 chị đến chiều Thứ bảy tới chiều Chúa nhật mỗi tuần.
12. Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến (2000-10/2005)
Tháng 5-2004, giữa thời cha Antôn Tuyến coi sóc, bề trên Giáo phận tái lập Giáo sở Quy Lai (Quy Lai, Hòa An, Vĩnh Lại) và bổ nhiệm cha Đôminicô Phan Văn Anh coi sóc. (Cũng nên biết là từ năm 1950, đời Đức Giám mục JB Urrutia, Giáo sở Quy Lai đã có vị quản xứ đầu tiên là cha Raphaen Nguyễn Phúc Bửu Hiệp (1950-1955), rồi cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc (1956-1960), cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (1960-1967), cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (1968-1972), cha Giuse Dương Đức Toại (1972-1975)).
Như vậy, từ tháng 5-2004, Giáo sở Lại Ân chỉ còn 3 giáo họ là Mậu Tài, Thanh Phước và Thủy Tú. Cũng từ đây, vì nhu cầu ít hơn, mỗi tuần chỉ có 2 nữ tu đến giúp mục vụ…
13- Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Cần (6-10-2005 đến 3-8-2015)
Lát gạch từ cổng đến tháp nhà thờ Lại Ân. Xây các nhà tình thương ở Mậu Tài cho các hộ nghèo: anh Linh, anh Khánh…
14- Cha Anrê Lê Minh Phú (từ 4-8-2015 đến nay…)
Về nhận giáo sở, ngài phát huy những gì kế thừa từ các vị tiền nhiệm.
a- Cơ sở tinh thần:
Sinh hoạt các hội đoàn: Hội đồng Giáo xứ, Gia trưởng, Hiền mẫu, Legio, Cursillô, Ban giáo lý, Lễ sinh, Dự tu, Ca đoàn, Dự tòng, Hôn nhân, Thiếu nhi Thánh Thể.
Ngày 1-6-2019, tái thành lập cộng đoàn nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (3 nữ tu, với chị Anna Nguyễn Thị Liệu làm bề trên).
Cách đây nhiều năm giáo sở có lập hội Thánh Tâm để viếng thăm giúp đỡ các gia đình cơ cực và cổ động việc tôn sùng Thánh Tâm với những điều lệ riêng, trong đó việc đi lễ và rước lễ mỗi thứ sáu đầu tháng, rồi việc lo an táng cho hội viên qua đời. Hiện nay hội gồm trên 200 hội viên.
b- Cơ sở vật chất:
– Đại tu tháp chuông nhà thờ Lại Ân ngày 19-3-2016
– Xây Nhà Mục vụ Lại Ân ngày 29-5-2016 và Đức Tổng Phanxicô Lê Văn Hồng khánh thành dịp 5 năm linh mục của quí cha cùng khoá với cha sở ngày 4-9-2017.
– Xây đài Thánh Giuse và khánh thành ngày 8-12-2016 dịp kỷ niệm 125 hồng ân đức tin Giáo họ Mậu Tài.
– Xây dựng trường Phanxicô bên cạnh nhà thờ. Khánh thành ngày 30-11-2018 và mời các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sử dụng và điều hành. Trước đây, Lại Ân có trường Phanxicô của Dòng Thánh Tâm và trường Mai Khôi của Dòng Phú Xuân (nằm xa nhà thờ) nhưng đã bị xoá sổ. Nay trường Phanxicô mới như kết nối hai trong một.
Trường có diện tích 720m2, 2 tầng, 16 phòng. Dạy giáo lý (khoảng 85 em Chúa nhật), văn hóa (khóa hè bồi dưỡng cho 50 học sinh các lớp) và giữ trẻ (25 cháu mỗi ngày).
– Xây đài Thánh Tâm Chúa Giêsu, đài Thánh Phanxicô, đài Mẹ La Vang và khánh thành cùng trường Phanxicô ngày 30-11-2018 do Đức nguyên Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng. Lát gạch trong khuôn viên nhà thờ và xây dựng khuôn viên Thánh Phêrô và Phaolô và bến nước. (trước khuôn viên trước nhà thờ).
– Hiện đang đại tu nhà thờ: bàn thờ, ghế quỳ, cửa, mái, thay tôn hư hỏng bằng ngói. Tất cả các công vịêc để hướng đến kỷ niệm 130 năm thành lập Giáo sở Lại Ân-Mậu Tài 15/08/1890-15/08/2020.
Nhà thờ Lại Ân (bên trong)
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục và tu sĩ
– Giáo xứ Lại Ân:
– Cha Gioan B. Nguyễn Minh Sang, nguyên Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế (2008-2011)
– Cha Giuse Huỳnh Thanh Long (lm 2017), Dòng Don Boscô, phục vụ tại Kenya, châu Phi.
– Thầy Phêrô Huỳnh Minh Thiện, Dòng Tên.
* 15 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, Con Đức Mẹ Đi Viếng và Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
1/ Chị Pazzi Trần Thị Thơ (Dòng CĐMVN)
2/ Chị Trần Thị Huệ (Dòng MTG) +
3/ Chị Anna Trần Thị Kính (Dòng MTG) +
4/ Chị Matta Lê Thị Sắc (Dòng MTG) +
5/ Chị Anna Nguyễn Thị Tiềm (Dòng MTG) +
6/ Chị Luxia Phạm Thị Xuân (Dòng MTG) +
7/ Chị Matta Nguyễn Thị Sự (Dòng MTG)
8/ Chị Anna Nguyễn Thị Thạch Linh (Dòng MTG)
9/ Chị Catarina Nguyễn Thị Diệu Phương (Dòng MTG)
10/ Chị Maria Nguyễn Thị Như Ý (Dòng MTG)
11/ Chị Maria Châu Thị Lan (Dòng MTG)
12/ Chị Catarina Huỳnh Thị Thanh Lộc (Dòng MTG)
13/ Chị Maria Châu Thị Hồng (Dòng CĐMVN)
14/ Chị Isave Trần Thị Bích Liên (Dòng CĐMĐV)
15/ Chị Maria Lê Thị Ánh Tuyết (Dòng CĐMVN)
– Giáo xứ Mậu Tài:
– Cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh tử đạo. Ngài bị thiêu sát tại nhà thờ Dương Lộc năm 1885 thời quân Văn Thân, là cậu ruột của các cha Nguyễn Văn Chính, Chuyên và Mầu (3 anh em ruột gốc Ngọc Hồ).
– Cha Antôn Trần Hùng, cháu ruột của bà Nhuận, Dòng Mến Thánh Giá Phủ Cam.
– Hai nữ tu Dòng Mến Thánh Giá nay đã qua đời.
2- Giáo dân:
– Năm 2010: 340 người.
– Năm 2015: 341 người.
– Năm 2019: 470 người.
(Lại Ân: 211 giáo dân. Mậu Tài: 212 giáo dân. Thanh Phước: 38 giáo dân. Thuỷ Tú: 9 giáo dân)
Từ ngày xưa, đồng bào vùng Lại Ân đa số sống bằng nghề làm ruộng và làm vườn. Một ít đi buôn, chằm nón, hay làm thợ đụng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, nhất là sau biến cố 1975, đa số gia đình Công giáo vùng Lại Ân phải di cư vào Nam hoặc lên thành phố tìm kế sinh nhai, kể cũng hơn phân nửa tổng số hiện nay. Họ ăn làm phát đạt. Còn người ở lại quê cha đất tổ thì vừa đủ sống.
************************************
CÁC GIÁO HỌ
Toàn Giáo sở (1 giáo xứ và 3 giáo họ) được chia làm 4 xóm: Giáo xứ Lại Ân gồm hai xóm: xóm Thánh Tâm và xóm Maria.
Giáo họ Mậu Tài được gọi là xóm Mẹ Vô Nhiễm. Giáo họ có giấy phép xây dựng nhà thờ mới (thay thế nhà thờ cũ, xem hình) cách đây đã 15 năm (2004-2019), qua 3 đời cha quản xứ, nhưng công việc vẫn chưa tiến hành được.
Đây là quê hương của linh mục tử đạo Trần Ngọc Vịnh (1835-1875-1885), quý tử của quan Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Giao (hay Trần Ngọc Dao) thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Mẹ ngài từng là một tông đồ giáo dân ở Gia Hội (từ năm 1859), thường gọi là bà Tham Giao (x. Lược sử giáo xứ Gia Hội), sau đó bà và con gái tên Mađalêna Trần Thị Phước (em cha Vịnh) lên ở Ngọc Hồ, nơi cha Vịnh đang làm quản xứ (khoảng năm 1880).
Cô Phước làm bạn với ông Phaolô Nguyễn Văn Cẩn (Ngọc Hồ) và họ là song thân của 3 anh em linh mục: cha Chính, cha Chuyên và cha Mầu. Còn cha Vịnh sau đó được thuyên chuyển ra Giáo xứ Đại Lộc rồi Dương Lộc (Quảng Trị) và bị Văn Thân thiêu sát tại Dương Lộc cùng với đông đảo giáo dân nơi đây ngày 8 tháng 9 năm 1885.
Nhà thờ cổ Mậu Tài
Giáo họ Thanh Phước và giáo họ Thủy Tú (cận kề nhau, xem bản đồ) được gọi chung là xóm Giuse. Giáo họ Thanh Phước chưa có nhà nguyện. Dịp lễ trọng hay bổn mạng, cha sở đến dâng lễ tại tư gia cho 11 hộ công giáo với 46 tín hữu ở đây.
Bà con giáo họ Thanh Phước
—————————————————————————-
[1] Cũng nên nhắc lại: Giáo xứ Lại Ân thường được gọi là họ Sình, vì nằm gần Ngã ba Sình như lời ca dao : “Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá. Thuyền từ Vỹ Dạ xuống ngã ba Sình. Là đà bóng ngả trăng chênh. Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non.” Quả là trữ tình và xinh đẹp! Cụ Ưng Luận trong cuốn “Ca dao xứ Huế” đã bình giải như sau: “Ngã ba Sình là nơi gặp gỡ của hai con sông lớn là sông Hương và sông Bồ. Có thể từ xa xưa, nhất là trong những mùa lũ lụt, hai con sông nầy đưa đến đất phù sa rất nhiều, tụ lại thành một vùng châu thổ phì nhiêu, rồi dân cư đến ở, lập thành làng gọi là làng Sình để ghi lại gốc gác của làng (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)”.
[2] Đức Khâm sứ Colomban Dreyer, Dòng Phanxicô, người Pháp, thi hành nhiệm vụ tại Việt Nam từ 1928 đến 1936. Ngài rất ưu tư về việc giáo dục. Trong nhiệm kỳ của ngài, nhiều tư thục Công giáo cao đẳng được mở, như trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế, trường Lacordaire ở Hà Nội.
[3] Trước chiến tranh năm 1945, tại vùng Lại Ân có rất nhiều giáo điểm nhỏ bé, ít giáo dân như : Vân Cù, Nam Thanh, Thủy Tú, Thanh Phước, Triều Ân, Vĩnh Lộc và Hải Trình. Nhưng qua nhiều năm chiến tranh, các giáo điểm đó đã bị xiêu tán, nay chỉ còn Thủy Tú và Thanh Phước thôi.
[4] Vĩnh Lại, Hòa An, Quy Lai thuộc địa bàn xã Phú Thanh, huyện Phú Vang. Lại Ân và Mậu Tài thuộc địa bàn xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Thanh Phước thuộc địa bàn xã Hương Phong và Thủy Tú thuộc địa bàn xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà.
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.